Hồi ký chiến tranh: Sống như anh Nguyễn Quang Sủng

Lương Hòa

22/05/2022 17:03

Theo dõi trên

Anh Sủng, người Tiểu đội trưởng của tôi ngày ấy. Với tôi, với đồng đội không ai là người không kính mến anh. Kể cả hàng ngũ lãnh đạo cấp trên cũng vậy, rất nể trọng anh.

Anh là người Đông Anh Hà Nội nhập ngũ 1964 cùng quê với Đại trưởng Nhượng, Đại phó Ngô Hinh, chính trị viên Đối, Tiểu đội trưởng Côi và tiểu đội trưởng Võ Nguyên Tú. Chắc có lẽ vì Trung đoàn tôi là Trung đoàn Thủ Đô, cho nên thời kỳ ấy có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ là người Hà Nội. Phải công nhận người Thủ Đô có khác, anh nào coi bộ cũng lịch lãm, vui tính, ga lăng và năng động. Trong bài viết này tôi chỉ nói về anh Nguyễn Quang Sủng mà thôi.

song-nhu-anh-1653213575.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Tôi ko thể nào quên ngày anh nhận tôi và 9 người bạn Tân binh từ A Rinh về Tà Púc. Khi về tới hậu cứ Tà Púc, Đại trưởng Nhượng yêu tiên cho anh chọn lấy 4 người về khẩu đội anh. Anh nhận tôi trước tiên rồi đến anh Toán, anh Hưởng, anh Báo. Xong anh bắt tụi tôi tới cửa hầm của anh ngồi chờ đợi để anh cắt tóc. 3 thằng tôi lần lượt ngồi trên chóp mũ cối. Tay anh thoan thoắt với chiếc kéo Trung Quốc và chiếc lược bằng mảnh máy bay Mỹ. Chỉ trong mấy phút 3 thằng tôi đều trọc lóc như các anh trong đơn vị. Trông Đại đội tôi buồn cười lắm, cứ như là Đại đội của các nhà Sư - Nhà Sư f 308 đang tu hành, luyện công giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Đúng ngày 4/4/1971 chúng tôi được lệnh đi chiến đấu. Hôm ấy Đại đội tôi đi tăng cường cho tiểu đoàn 8 đánh cao điểm Tà Púc. Buổi chiều chúng tôi tranh thủ gánh mấy chuyến đạn lên trận địa, chỉ chờ có lệnh là đồng loạt khai hỏa. Lần đầu tiên tôi được tham gia chiến đấu. Mặc dù tôi chưa được là pháo thủ nhưng cũng thấy trong lòng rất là hồi hộp. Ngày ấy Đại đội 14 của tôi lừng danh thành tích trong Trung đoàn 102. Đã từng lập nhiều chiến công xuất sắc trong các trận như cầu Cha ki, chốt 311, đồi 500, Lao Bảo và dọc đường 9 nam Lào. Lúc bấy giờ đơn vị tôi cũng như toàn bộ sư đoàn 308 chưa hề thua 1 trận nào kể từ chiến dịch Khe Sanh mậu thân 68. Bởi thế cho nên chúng tôi rất thích đi đánh trận. Đánh trận ở đây không phải vì chúng tôi thích đổ máu và cũng không phải vì chúng tôi hiếu chiến, mà là đánh trận là có chiến lợi phẩm thuốc lá Rubi, Bosto Quân Tiếp Vụ hút thoải mái. Đánh trận là có chiến lợi phẩm Lạc xưởng, thịt hộp, cơm sấy... thao hồ ăn. Lính tráng chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản có vậy thôi.

Tối 4/4 tiểu đoàn 8 đã tiếp cận vào sâu sát lách địch. Một chiếc trục thăng HU 1A phành phạch, phành phạch bay sát ngọn cây, tưởng dễ bắn, 1 chiến sỹ D bộ đã vô kỷ luật xả luôn 1 tràng AK Chiếc trục thăng ko cháy, nó quay đầu lại thả hàng trăm quả đạn vào giữa tiếu đoàn bộ, làm cho cả tiểu đoàn bộ hy sinh và bị thương gần hết, vì đơn vị mới tiếp cận vào chưa kịp đào hầm hố. Trong đó có Đại úy chính trị viên Tiểu đoàn 8 Đặng Trường Dương bị thương rất nặng và một tuần sau anh đã hy sinh ở Quân y viện Sư đoàn. Anh Dương nguyên là Giảng viên ưu tú trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh là em trai cùng cha khác mẹ với cố Chủ tịch hội đồng nhà nước Trường Chinh. Coi như kế hoạch đánh căn cứ Tà Púc của đơn vị phải hủy bỏ. Đêm ấy đơn vị lính VNCH ở đồn Tà Púc cũng vội vàng bỏ chạy về Quảng Trị. Căn cứ Tà Púc là căn cứ cuối cùng còn lại của Quân đội SG ở đường 9 nam Lào. Và coi như chiến dịch đường 9 nam Lào đã hoàn toàn được giải phóng.

Sư đoàn 308 của tôi được lệnh hành quân ra miền Bắc. Khi tới A Rinh, anh Hưởng, anh Hợi và tôi ở chung 1 hầm. Chính ngày hôm ấy tôi được anh Hợi lính 1959 kể hết cho chúng tôi nghe về người tiểu đôi trưởng Nguyễn Quang Sủng của mình. Anh kể rằng: " Lần đơn vị đánh đồi 500, sau khi loạt pháo kích tạm dừng để bộ binh xung phong, vậy mà Sủng sách khẩu AK mở khóa an toàn nhẩy phắt lên thành công sự tính chuyện xung phong cùng bộ binh. Đại trưởng Nhượng đã phải rút K54 bắn chỉ thiên cảnh cáo Sủng, cậu ấy mới chịu quay trở lại trận địa ". Ngừng nát sau anh Hợi kể tiếp: " Cũng lại một lần khẩu đội đang chốt cầu Cha ki, bất ngờ thấy 1 chiếc xe tải GMG chở quân lương đang ì ạch lăn bánh từ đường 9 lên cao điểm 500. Bỗng Sủng bỏ trận địa rồi băng qua đồi cỏ tranh đón đầu chiếc xe tải. Từ trong bụm cây Sủng nhanh như cắt nhẩy phắt lên Cabin bắn 1 tràng AK chỉ thiên. Tên giặc lái hoảng hồn run sợ buông tay lái và phải nghe theo lời Sủng chở toàn bộ chiến lợi phẩm đầy ắp về kho A Rinh. Nhờ Sủng mà kho A Rinh được địch quân biếu ko cho vừa hàng, vừa xe, vừa người tù binh. Lần ấy cả Đại đội được mấy ngày ăn sả láng thịt hộp và hút thuốc lá. Phải nói rằng bữa ấy Sủng rất may mắn ko dẵm phải bom bi và mìn vướng. Vì bom bi nổ chậm và mìn vướng dầy dặc như bàn cờ ở khắp các cánh rừng đường 9 Nam Lào. Thủ trưởng Nhượng cũng nể Sủng nên anh ko bị kỷ luật về tội vô tổ chức dám tự động bỏ chốt bám đuổi xe mà ko có lệnh của Đại đội ".

Chiến dịch đường 9 nam Lào kết thúc, cả đại đội 14 của tôi có mỗi mình anh Sủng được thưởng Huân chương chiến công hạng 3. Thành tích C14 lừng danh của Trung đoàn 102 như thế mà cũng chỉ có 1 bằng khen cho Đại trưởng Nhượng. 1 bằng khen cho Đại phó Ngô Hinh, 1 bằng khen cho Trung đội trưởng Tường và chưa tới 50% cái giấy khen cho toàn Đại đội, công nhận thế hệ ngày ấy khắc khe thật. Anh Sủng là người như thế mà cũng không được vào Đảng vì lý lịch thành phần gia đình anh là Địa chủ. Không có Đảng thì suốt đời anh phấn đấu đến cỡ nào đi chăng nữa thì cũng chỉ đến mức độ chức vụ Tiểu đội trưởng mà thôi.

Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 anh Sủng vẫn luôn là người tiên phong nhất đơn vị. Tôi nhớ 4 giờ sáng ngày 28/4/72 Đại đội tôi cùng với Trung đoàn sau một giờ quyết tử đã đánh bật tuyến phòng thủ vững chắc phía Tây Nam Đông Hà. Chiều hôm ấy trong lúc chuyển cơ số đạn chi viện cho Tiểu đoàn 8 đang chờ lệnh phối hợp đánh Đông Hà cùng với Trung đoàn 36 của sư đoàn tôi. Lúc tôi trở về trước để tranh thủ nhặt chiến lợi phẩm thì tình cờ tôi bắt được người tù binh tên anh là Trần Công Nguyên. Anh ta bị thương ở chân đồng đội bỏ rơi. Tôi đang loay hoay ko biết sử lý thế nào thì anh Sủng và anh Tiểu đội trưởng Phạm Ngọc Lịch vừa về tới nơi. Tôi gọi 2 anh cùng tôi dìu đưa người lính đó về hậu cứ chữa trị. Phải công nhận rằng anh Sủng mạnh mẽ như vậy đó... Nhưng cũng rất hiền lành như thế đó...Ko nóng nẩy như mấy anh đi cùng: " Bắn bỏ mẹ nó đi, bắn bỏ mẹ nó đi ".

Cuối tháng 7/72 khẩu đội tôi đang bắn cối lên cao điểm 105 thì bất ngờ tôi phải về làm Tiểu đội trưởng B1, C12, D9. Cũng là lúc tôi phải xa anh và xa mọi người. Ko ngờ sau ngày 3/9 tôi bị thương và ra tới Quân y viện Cam Chính tôi mới biết: Anh đã hy sinh tại cao điểm 105 chỉ sau 3 ngày tôi về C12. Biết tin anh Sủng hy sinh, mấy ngày đầu tôi buồn lắm, tối nào đi ngủ mắt mình như thấy cay cay...!!!

Nhiều khi tôi vẫn nghĩ về anh... Tôi nhớ ngày chiến thắng đường 9 nam Lào, C 14 chúng tôi vừa hành quân tới thôn Nam Thắng, xã Vạn Thắng, huyện Nông cống, tỉnh Thanh Hóa. Nửa tháng sau khi nhà khách chưa kịp khô vách chát bùn rơm thì vợ anh nghỉ phép vào thăm anh mấy ngày. Khoảng hơn tháng sau anh nhận đc thư của vợ. Chị báo tin mừng là chị đã có thai. Anh vui lắm đọc hết lá thư chia sẻ cho cả Đại đội cùng nghe. Tháng đó anh lĩnh tiền phụ cấp lương Trung sỹ thâm niên năm thứ 8 mua hết thuốc lá về khao cả Đại đội.

Không biết sau này chị sinh con trai, hay con gái. Cái đó chắc chắn không quan trọng với anh rồi. Mà vấn đề là tội nghiệp cho anh không được nhìn thấy mặt đứa con của giọt máu mình sinh ra trước khi anh nhắm mắt xuôi tay từ bỏ vĩnh biệt thế gian này...!!! Cũng như tội nghiệp cho đứa con của anh mới chào đời mà không biết mặt cha...!!! Tội nghiệp cho người vợ trẻ thuỷ chung đã sớm phải mồ côi chồng...!!! - Chiến tranh là thế đó...!!! Anh Nguyễn Quang Sủng người Tiểu đội trưởng của tôi năm xưa là thế đó...!!!

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Hồi ký chiến tranh: Sống như anh Nguyễn Quang Sủng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn