Hai bốn gian

 Lê Kiều

10/04/2024 18:54

Theo dõi trên

Phố Huế, thời Pháp thuộc có tên là La route de Hue “Đường Huế, không gọi là phố vì nó nối nội đô với ngoại ô), ở đây có dẫy HAI BỐN GIAN (2 tầng), dân Hà nội ai cũng biết. Đó là công trình của cụ Vũ Minh Châu, một người ở Đại xuyên ( Phú xuyên- Hà đông cũ ) ra Hà nội lập nghiệp.

Sau một thời gian khảo sát Hà Nội vào những năm cuối Thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cụ thấy một khu đát hoang hóa, ao đầm lầy lội, cụ liền xin với các ông chánh tổng, Lý trưởng quanh làng Thịnh yên được mua và san lấp.Với con mắt tinh tường, cụ còn thấy có nhiều xe kéo, xe bò…lúc đi thì có hàng, lúc về lại xe không. Vì vậy Cụ đã bàn bạc với một số người kéo xe lúc rảnh rỗi kiếm đất, đá… đổ vào khu đất trên, ở đó có người ghi nhận và phát tích kê, tối đến thì gom tích kê lại nhận tiền. Không bao lâu cụ đã có được gần 4.000 m2 đất nền. Cụ cho xây 24 gian 2 tầng, mỗi gian có mặt bằng 5m x 16m, đánh số từ 237-285 . Phía sau xây nhà từ đường, vườn cây xấp xỉ 2.000 m2 ( Nay là bệnh viện Bưu điện)

Kiếm được tiền, cụ trở về quê trả nghĩa xóm làng xây nhà thờ và làm nghĩa trang cho cả họ. Cụ dành một số tiền lớn xây trường học làm đường. Hiện nay bên ngôi trường (Làng Đại xuyên) vẫn còn có một tấm bia ghi 2 mặt (Một mặt chữ Quốc ngữ, mặt kia bằng tiếng Pháp) có nội dung:

“….Để dân ta theo kịp văn minh Âu Mỹ, không gì tốt hơn là Học. Vì vậy tôi xin cúng cho làng một ngôi trường cho con em được đi học. Tôi lại cho lát gạch đường làng, đắp đường nối với Quốc lộ để các Quan Đốc học tiện việc đi lại trông coi việc học hành…”

Cụ Vũ Minh Châu đã mất từ lâu.Hai Bốn Gian và nhà từ đường cũng vật đổi sao rời. Cách đây dễ cũng trăm năm, cụ chỉ là một nhà thầu khoán bình thường nhưng đã có tầm nhìn đáng ngưỡng mộ về sự nghiệp Giáo dục mà ngày nay ta còn nhiều trăn trở .

Bây giờ không ít người chỉ chăm chăm xây dựng nhiều công trình vô nghĩa, nhà cửa biệt thự đồ sộ nguy nga, mồ mả hoành tráng … nghĩ gì khi đọc tấm bia của một cụ già thầu khoán năm xưa : “…Để dân ta theo kịp Văn minh…”

LK

Hà nội 14/6/2020

Bạn đang đọc bài viết " Hai bốn gian" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn