Đừng tuyệt đối hóa và tách biệt hóa chức năng giải trí của văn học nghệ thuật

Phạm Việt Long

31/08/2023 16:55

Theo dõi trên

Công cuộc đổi mới đem lại không khí cởi mở cho toàn xã hội, văn học nghệ thuật cũng bước sang giai đoạn chuyển mình, đa dạng, phong phú hơn, tiếp cận nhiều mặt của đời sống hơn và chức năng giải trí được đề cập nhiều hơn. Tuy nhiên, tới thời kinh tế thị trường, đã có xu hướng tuyệt đối hóa, tách biệt hóa chức năng giải trí với ba chức năng quan trọng của văn học nghệ thuật là nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ, tạo nên những hiệu ứng tiêu cực trong xã hội.

hai-nham-1693475603.jpgẢnh minh họa. Nguồn Internet
 

 

Vậy, ta hiểu về chức năng giải trí như thế nào? Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, trong bài “Tính giải trí có cần thiết cho văn học?” (QĐND, 14/02/2019) viết: “Giải trí là chức năng của văn học thể hiện trong việc cuốn hút con người vào một trò diễn nghệ thuật, mang lại cho họ niềm vui và sự khoái trí.“ Còn trong Từ điển tiếng Việt thì định nghĩa: “(H. giải: cởi ra; trí: trí óc) Làm cho trí óc được nghỉ ngơi, thoải mái, sau khi làm việc nhiều: Đã làm việc cả buổi, cần phải giải trí”. Có thể thống nhất với các tác giả này, với ý nghĩa chung của giải trí là đem đến cho con người niềm vui, sự khoái trí và sự thoải mái”.

Với ý nghĩa trên, chức năng giải trí không phải đợi đến thời kỳ đổi mới, thời kinh tế thị trường mới xuất hiện. Từ thời xa xưa, trong văn học nghệ thuật dân gian, tính giải trí đã được coi trọng, các sinh hoạt lễ hội, các cuộc hát đối đáp… đã đem lại sự khoái trí, vui vẻ cho cuộc sống. Rồi những tác phẩm văn học nghệ thuật thời kỳ phong kiến, thời kỳ cách mạng, thời kỳ hiện nay… đều có tính giải trí, ở những mức độ khác nhau và tác động vào con người theo nhiều hình thức khác nhau. Nhưng cũng cần hiểu rằng khái niệm giải trí có sự vận động theo thời gian và không gian. Ở mỗi thời đại khác nhau, không gian khác nhau, giải trí có thể được biểu hiện ra ở những hình thức khác nhau. Bây giờ, có một số ý kiến cho rằng văn học nghệ thuật cách mạng do phải làm nhiệm vụ chính trị, không có tính giải trí cho nên nặng nề, thiếu hấp dẫn. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ các tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng ta thời kháng chiến chống ngoại xâm và cách thưởng thức của công chúng thời đó, thấy rằng tính giải trí vẫn có, đã trở thành dưỡng chất tinh thần đầy hấp dẫn và bổ ích. Đơn cử, một số tác phẩm dịch của Liên Xô như Thép đã tôi thế đấy, Đội cận vệ thanh niên, cùng với những tác phẩm của Việt Nam, như tập thơ Từ ấy và Việt Bắc của Tố Hữu, bài thơ Đất nước và tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi, trường ca Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, các bài thơ Tây tiến, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, tập bút ký Phiên chợ Trung du của Ngô Tất Tố; các tác phẩm Nhật ký ở rừng, Mò sâm banh, Đôi mắt của Nam Cao, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Hòn Đất của Anh Đức, Con đường xuyên rừng của Lê Văn Thảo, Bài ca chim Chơ Rao của Thu Bồn, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Sông núi trên vai của Anh Ngọc, Lửa mùa hong áo của Lê Thị Mây… đã được đông đảo người đọc, trong đó có nhiều chiến sĩ quân đội, đón nhận với niềm vui đặc biệt. Nhiều cuốn sách trong số này được nằm trong ba lô, trở thành bạn đường rong ruổi khắp các chiến trường, đem lại niềm vui, niềm hứng khởi cho các chiến sĩ. Muốn thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần, thì các tác phẩm ấy phải có sức hấp dẫn và phải đem lại khoái cảm cho người đọc. Điều này được chứng minh ở chỗ nhiều quân nhân trên đường hành quân, do phải giảm tải, đã loại bớt nhiều đồ dùng cá nhân, nhưng vẫn cố giữ lại cuốn sách mà mình yêu quý. Đặc biệt, đã có thời Tiếng hát át tiếng bom. Khi ấy, mặc dù chiến tranh khốc liệt, vật chất nghèo nàn, đời sống kham khổ, nhưng khắp đất nước ta, đâu đâu cũng vang lên tiếng hát, với nội dung ca ngợi đất nước, cổ vũ cuộc chiến đấu, sự hy sinh, quyết tâm giành độc lập – tự do. Điểm qua nội dung, tưởng như chỉ thiên về chính trị, hô hào, cổ vũ, nhưng khi lắng nghe, sẽ thấy những ca khúc ấy giàu tính trữ tình, có tính thẩm mỹ, chuyển tải được tình yêu dào dạt, nhiệt tình cháy bỏng với cuộc sống, khiến tâm hồn con người phơi phới, bay bổng – chúng có tính giải trí cao. Thời còn nghe đĩa hát chạy với kim sắt, nhiều bạn trẻ hì hục mài đi mài lại chiếc kim đã mòn vẹt để được nghe những bài hát cách mạng, trong đó có những bài hát Liên xô như Thời thanh niên sôi nổi, Bài ca người địa chất, Cuộc sống ơi ta mến yêu người… Nhiều bạn trẻ thường ngồi dưới cột điện để nghe các bài hát cách mạng được truyền từ chiếc loa phóng thanh treo trên cột điện. Rồi biết bao chiến sĩ vượt Trường Sơn hoặc trong các cuộc hành quân, đeo chiếc đài bán dẫn, chân bám đường, tai vẫn lắng nghe các bài hát cách mạng… Ở chiến khu trên dải Trường Sơn thời kháng chiến, rất nhiều người từng soi đèn pin băng rừng cả chục cây số để xem một buổi chiếu phim, một buổi biểu diễn văn nghệ cách mạng… Sự ham muốn thưởng thức ấy cho thấy các tác phẩm văn học nghệ thuật cách mạng không chỉ có tính nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, mà còn có tính giải trí – giải trí ở tầm cao thẩm mỹ, giúp con người vui vẻ, phấn chấn, vượt khó khăn ác liệt để làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lâp – tự do cho Tổ quốc. Bên cạnh đó, những tác phẩm châm biếm, tiếu lâm, hài hước tuy không nhiều, cũng góp phần đem lại tiếng cười sảng khoái cho cuộc sống.

Thời nay, chú ý hơn đến tính giải trí của văn học nghệ thuật, là lẽ đương nhiên. Sống trong hòa bình, đời sống vật chất được nâng cao, thì con người cần được thoải mái hơn, nhẹ nhõm hơn. Thế nhưng, giải trí thế nào lại là điều đáng bàn. Phát biểu trên An ninh thế giới ngày 19/7/2018, nhà phê bình Nguyễn Hòa phân tích: “Theo tôi, tính đa dạng và sự phân tầng của thị hiếu thẩm mỹ là một thực tế cần phải chấp nhận. Còn nhu cầu giải trí, đó là loại nhu cầu luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển của điều kiện sống, của sự gia tăng thời gian rỗi - hai yếu tố đang dần rõ nét trong cuộc sống của chúng ta. Vả lại, xét từ chức năng, giải trí cũng là một chức năng của nghệ thuật nói chung, của văn học nói riêng. Cho nên, nếu trong văn học có xuất hiện "dòng" sách giải trí cũng là việc bình thường, cần tôn trọng. Đáng bàn ở chỗ, phải xác định đó là giải trí lành mạnh, lành mạnh ở phía người sáng tác lẫn ở phía người cảm thụ”… Đáng tiếc là chức năng giải trí đang bị một số người tuyệt đối hóa, tách biệt hóa, từ đó làm giải trí bằng mọi giá, không quan tâm đến chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Trong văn học nghệ thuật nói riêng và trong sinh hoạt tinh thần nói chung, người ta tập trung khai thác cái hài, dục tính, sự rùng rợn, bạo lực… để giải trí, hoặc khai thác các khía cạnh đời tư, kể cả các mặt xấu xí gợi sự tò mò, thọc mạch để mua vui. Cũng theo ý kiến nhà nghiên cứu Nguyễn Hòa, “Tôi tin là, để viết sách giải trí, người viết tập trung vào cốt truyện, vào các tình tiết gay cấn và giật gân, rồi viết càng nhanh càng tốt; viết như thế thì kỹ thuật là yếu tố hạng hai và ý tưởng là một thứ xa xỉ. Một người chỉ viết như thế, sẽ khó trở thành nhà văn. Một nền văn học chỉ có tác phẩm như thế, sẽ là một nền văn học đang đi trên con đường tự sát. Còn sex ư, mấy cuốn sách có yếu tố sex xuất bản trong mấy năm qua trở nên "nổi tiếng" vì một số người đã gán cho yếu tố sex trong tác phẩm mấy "tinh thần vĩ đại" nằm ngoài văn bản, kết hợp với sự chú ý đến bất thường của báo chí. Theo tôi, hai yếu tố ấy mới đưa tới dấu hiệu không bình thường”. Trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, có sự trợ thủ đắc lực của các phương tiện truyền thông, chức năng giải trí đang bị khai thác vô tội vạ, lệch hướng. Điển hình là các chương trình hài “nhảm”, thô lỗ, tục tằn, các ca khúc tầm thường xuất hiện không ít và lại được đông đảo giới trẻ hâm mộ. Trên tạp chí Làm báo online ngày 12/9/2018, tác giả Thiện Văn viết: “Trong một lần trò chuyện với người viết bài này, một chuyên gia văn hóa nổi tiếng nói rằng, mạng xã hội thời nay có thể biến một người “vô danh tiểu tốt”, một tác phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường, thậm chí một video clip có nội dung lệch lạc trở thành những “tác giả, tác phẩm... nổi tiếng” trong thời gian rất ngắn; nhưng chỉ ít thời gian sau nó lại có thể trở thành “trò lố” cho thiên hạ”... Thêm vào đó, sự phát triển nhanh chóng, rộng mở của không gian mạng, trong đó có kênh Youtube, tạo mảnh đất mầu mỡ cho nhiều người làm phim giải trí theo hướng này để kiếm danh, lợi, thu hút khá đông đảo người hâm mộ. Trên zing.vn ngày 9/4/2019, tác giả Quang Đức dẫn lời tiến sĩ Vũ Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao: “Những câu chuyện như bạo lực, giang hồ hoặc xã hội đen, trước đây không được công khai. Nhưng hiện tại các kênh truyền thông này lấn át kênh truyền thông chính thống bằng cách có thể thoải mái đăng tải mà không bị ai kiểm duyệt. Đó cũng là tác hại của sự phát triển truyền thông khi không có kiểm soát.”… “Một nhà sản xuất phim nêu quan điểm: “YouTube là môi trường tự do. Nhìn chung phim giang hồ, bạo lực không hiếm, rất nhiều phim hành động hay của Hollywood, xem rất đã. Nhưng vấn đề là các web drama giang hồ của Việt Nam có chất lượng như thế nào, hay chỉ thuần túy lấy giang hồ, bạo lực để câu khách. Và việc có quá nhiều nghệ sĩ đổ xô làm như thế, rõ ràng là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Không sớm thì muộn, số lượng phim giang hồ quá lớn ắt có ảnh hưởng tới người xem”.

Vậy, những tác phẩm thuộc loại được coi là giải trí đơn thuần, có đơn thuần thực không? Câu trả lời là không, bởi vì một tác phẩm nghệ thuật, khi tác động tới công chúng, là tác động một cách toàn diện vào cả lý trí và tình cảm, giúp công chúng giải trí đồng thời tác động vào nhận thức của công chúng, giáo dục công chúng. Sự lây lan của các loại hài nhảm vừa qua là một minh chứng. Với nội dung dung tục, ngôn từ thô lỗ, các loại sản phẩm này vừa đem lại tiếng cười khả ố, vừa khiến cho một bộ phận công chúng quen với thói buông tuồng, xuống sã, thọc mạch đời tư người khác, vô văn hóa. Trả lời phỏng vấn của báo Dân trí ngày 3 tháng 5 năm 2017, nhà viết kịch Lê Chí Trung phân tích: “Câu hỏi cần được đặt ra: Thế nào là hài nhảm? Một tiết mục hay một game show hài nhảm không chỉ xuất hiện những cử chỉ, lời nói thô lỗ, tục tằn và cách gây cười dung tục. Cái đáng nói hơn, sâu xa và để lại nhiều di chứng mang tính xã hội hơn chính là nội dung của nó. Sự vô bổ, lố lăng, nhảm nhí… của các chương trình này hằng ngày ngập ngụa trên sóng các kênh truyền hình, như đám cỏ dại được dung dưỡng, không chỉ “ăn” hết đất của các chương trình nghệ thuật tử tế (thực tế là các chương trình khoa giáo về kiến thức, vở diễn sân khấu thường bị đẩy vào những giờ… “bèo” lúc nửa đêm) mà còn góp phần làm lụn bại, phá hỏng mọi giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Sự đầu độc thẩm mỹ không gây ra cái chết bất ngờ mà lâu ngày có thể biến con người trở nên lệch lạc, mù mờ về thị hiếu và thói quen thưởng thức nghệ thuật.”… “nạn hài nhảm, game show nhảm trên nhiều đài truyền hình đang càn quét những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng.” Tác động của những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc còn dẫn nhiều thanh thiếu niên vào con đường lầm lạc, thậm chí là tội lỗi. Không phải ngẫu nhiên mà những “hiện tượng mạng” nhơ bẩn như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… lại trở thành thần tượng của nhiều thanh thiếu niên, và không ít thanh thiếu niên có các hành động vi phạm pháp luật – sự lệch chuẩn, tha hóa này có nguyên nhân từ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật giải trí thiếu định hướng. Nhìn chung, do quan niệm giải trí đơn thuần, giải trí bằng mọi cách, tách chức năng giải trí khỏi mối liên hệ vốn rất chặt chẽ với chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, nhiều người làm văn học nghê thuật, truyền hình đã tạo ra những hiệu ứng tiêu cực, khiến bộ phận không ít công chúng sa vào tình trạng mù mờ về nhận thức, lệch lạc về thẩm mỹ và buông tuồng về lối sống. Trên VOV Giao thông (1/2/2019), các tác giả Chu Đức, Trung tuyến, Trần Giang, Tuấn linh đánh giá: “Thị hiếu của giới trẻ đang lệch chuẩn, hay nội dung “sạch”, lành mạnh trên mạng xã hội tại Việt Nam đang quá yếu thế trước sự lấn lướt của các nội dung độc hại, tục tĩu, bạo lực?”

Trở lại với văn học nghệ thuật chân chính, có thể thấy trong khi đem đến cho công chúng sự giải trí, đã có sự tác động vào nhận thức, thẩm mỹ, qua đó giáo dục con người vươn lên cái tốt đẹp, cao cả. Trong cuốn chuyên luận về âm nhạc, Phạm Việt Long viết: “Những giá trị âm nhạc như thế này là món quà vô giá của cuộc đời đã trao tặng cho lớp thanh niên chúng tôi, trước hết, cho chúng tôi khoái cảm thưởng thức nghệ thuật, từ đó giúp chúng tôi tự nhận thức những giá trị của cuộc sống, thêm yêu cuộc đời, biết ơn lớp cha anh đã chiến đấu và lao động xây dựng nên nước nhà, và dám lao vào nơi gian khổ, ác liệt, dám hi sinh cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Bản thân tôi thuộc rất nhiều bài hát Nga như thế, yêu thích nó, và tôi sống với tuổi trẻ đầy lý tưởng tốt đẹp, luôn luôn xung phong tới tuyến đầu của Tổ quốc để cống hiến một cách tự giác, vô tư. Âm nhạc cũng như văn học là thế, không hô khẩu hiệu, không thuyết giảng, nhưng cứ làm cho những giá trị nhân văn thấm dần, thấm dần vào cơ thể, trở thành máu thịt, khiến con người thực hành chức năng NGƯỜI một cách tự nhiên, như là bản năng.”

Bạn đang đọc bài viết "Đừng tuyệt đối hóa và tách biệt hóa chức năng giải trí của văn học nghệ thuật" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn