Công tác bảo tàng

Đặng Vân Phúc

19/06/2023 01:20

Theo dõi trên

Theo quy định của Luật di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

“Nếu làm bảo tàng mà chỉ nhăm nhăm kiếm tiền để bù chi hay có lãi, có lẽ không đúng với mục đích và ý nghĩa của bảo tàng.” - GS. Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Một chiều Hè oi ải nhất tháng 5, tôi cùng anh Nguyễn Đức Hoàng tới thăm Giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Mùa dịch Covid đang nóng, nhưng Giáo sư vãn niềm nở đón chúng tôi vào nhà. Căn nhà được xây trên nền khuôn viên căn biệt thự Pháp xưa thành các nhà liền kề của mấy anh em.

352863324-285954803823546-1018671773561569948-n-1687111885.jpg   Giáo sư Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Là một người tâm huyết với công việc bảo tàng. Thành công xây dựng bảo tàng Dân tộc học và cũng là người tư vấn cho khá nhiều bảo tàng khác ở Việt nam cũng như các bảo tàng tư nhân. Hiện ông cũng là Giám đốc của chính bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, thân phụ của ông, là Giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Thân phụ ông cũng là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất với 28 năm, 350 ngày (Wiki).

Giáo sư Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Bảo tàng với mục tiêu làm văn hóa, truyền tải thông tin lịch sử, giáo dục, lưu trữ bảo tồn không chỉ hiện vật, mà còn cả những câu chuyện theo nó…” Ông cũng nói, bảo tàng tư nhân hay ở mức là các bộ sưu tập cá nhân, đều đáng hoan nghênh và khuyến khích, các loại hình này đều đang gìn giữ, giới thiệu văn hóa, lịch sử ra ngoài, đưa các hiện vật, câu chuyện lịch sử, văn hóa xã hội ra công chúng theo cách mà nhiều bảo tàng của nhà nước hiện chưa làm được". Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Bộ sưu tập dù lớn đến mấy thì cũng còn khoảng cách rất xa với bảo tàng.”

“Bảo tàng cần phải làm được tốt 3 trụ cột, đó là: Nội dung, Mỹ thuật và Công nghệ” Giáo sư Nguyễn Văn Huy phân tích. Với bảo tàng hiện nay, nhiều vấn đề chưa được tốt, Các hiện vật được đưa về gần như chỉ chú trọng việc bảo quản. Để có sự hấp dẫn, ngoài việc nhiều hiện vật, nhiều nội dung, bảo tàng cần có được xây dựng nội dung trưng bày, sắp xếp theo chủ đích truyền tải. Có câu chuyện muốn kể trong cách trưng bày, sắp đặt. Nội dung thuyết minh phù hợp với đối tượng được nhắm đến. Mỹ thuật phải được thiết kế hài hòa, sáng tạo để cùng “kể chuyện”. Công nghệ được áp dụng để tăng tương tác, sinh động, truyền tải nội dung theo nhiều phương tiện và góc nhìn mới…

352862015-567176092161358-6141431293296146645-n-1687112152.jpgTôi cùng anh Nguyễn Đức Hoàng (bên trái) tới thăm Giáo sư Nguyễn Văn Huy.

Đúng vậy, tôi từng nói chuyện với ông chủ bảo tàng Phạm Huy Thông ở Quảng Yên, nơi đang thu thập vải vạn hiện vật lịch sử. Cách để có hiện vật, có câu chuyện lịch sử, văn hóa, cách làm giàu nội dung cho bảo tàng, một người, một chuyên gia hay cả nhóm thì vẫn là hữu hạn. Cần phải có tương tác, trao đổi không chỉ trong nước, mà cần qua lại học hỏi giữa các bảo tàng nước ngoài, các hiệp hội. Trao đổi hiện vật, tài liệu. Các cuộc nghiên cứu, hội thảo, v.v. mới giúp xây dựng được nội dung cũng như phương pháp, kinh nghiệm về trưng bày, tổ chức mỹ thuật và áp dụng công nghệ để bảo tàng phát huy gia trị nhất. Kể cả phát huy về mặt du lịch, kinh doanh liên quan đến bảo tàng.

Không những vậy, trong Không gian Kỷ niệm Lê Bá Đảng ở Huế, ngoài hiện vật, nội dung thuyết minh, ở đây người thiết kế còn áp dụng kỹ thuật và mỹ thuật tương tác để tất cả mọi hiện vật, không gian, thời gian, nhân vật và khách tham quan cùng tương tác, cũng là nhân tố tạo nên một không gian nghệ thuật. Sự di chuyển của khách tham quan, thời gian trôi trong ngày tạo ánh sáng tương tác, mỗi một khoảnh khắc một không gian mới, một câu chuyện mới tạo ra…

352949218-165006486555434-6173906599991987247-n-1687112218.jpg
 

“Trong tranh nghệ thuật, Curator là người giám tuyển, chọn lựa tranh. Trong công tác bảo tàng, Curator là người quán xuyến, sưu tập, sắp xếp và xây dựng nội dung cho bảo tàng. Các hiện vật, không gian, lịch sử, văn hóa, kết nối với nhau để tạo ra câu chuyện muốn truyền đạt.” Giáo sư Nguyễn Văn Huy giảng giải và nói tiếp: “Cần có người thiết kế chuyên nghiệp cho bảo tàng, hiểu biết về lịch sử, văn hóa và cả mỹ thuật. Nhiều bảo tàng đơn thuần dùng Mỹ thuật như tạo phù điêu, cảnh quan, không hiểu sự chuyển tiếp của các hiện vật, câu chuyện, dẫn đến vụn vặt trong thiết kế, sắp đặt, làm hỏng bảo tàng…”

“Bảo tàng không chỉ là nơi lưu trữ, bảo quản. Nó là nơi để nghiên cứu, giáo dục, các hiện vật, câu chuyện vẫn tiếp tục sống. Hoạt động của giáo dục bảo tàng, thuyết minh khoa học, phát huy hiệu quả công tác bảo tàng và các hiện vật được sống.” Ông chia sẻ. Ông kể, nhiều bảo tàng và hoạt động triển lãm, có thể không có hiện vật, bằng các câu chuyện, hình ảnh, bằng công nghệ, vẫn cho phép đem lại hiệu quả tốt về nghiên cứu và giáo dục.

“Đến bảo tàng để giáo dục, nhưng ngành giáo dục nhiều khi đang thực hiện phi giáo dục. Họ đưa 20 xe với gần ngàn học sinh tới bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.” Ông bức xúc, không thể thuyết minh nhóm học sinh lớn như vậy, hiệu quả không đạt mà làm nhàm chán, ghét bảo tàng cho lớp trẻ. Thực tế, không chỉ lỗi ở nhà trường, phía bảo tàng chắc cũng cần có các bài thuyết minh, chủ đề phù hợp với từng nhóm khách, thời gian… để truyền tải thay vì giống nhau. Vẫn chừng đó hiện vật, không gian, nhưng mỗi nhóm khách sẽ có mục đích, chủ đề khác nhau. “Có nhóm nghiên cứu về thờ cúng gia tiên, có nhóm nghiên cứu về kiến trúc nhà từng dân tộc hay có nhóm nghiên cứu về dụng cụ sinh hoạt.” Giáo sư chia sẻ. Bảo tàng cần có câu chuyện liền mạch, chuyển tiếp cho nhiều lần tới thăm khác nhau vẫn hấp dẫn.

Bảo tàng, từ sưu tập, sắp xếp trưng bày, khai thác, bảo quản, sáng tạo trong thuyết minh, thiết kế mỹ thuật, giáo dục, tương tác mở rộng bổ sung, hội thảo nghiên cứu để phát triển thay vì đứng im. “Ngành giáo dục, ngành văn hoá cần giáo dục, lưu trữ văn hoá cho thế hệ sau. Cần nghiên cứu, viết để cho thế hệ sau. Từ cơ quan nhà nước đến các công ty tư nhân, rất cần có ý thức trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hiện vật cũng như các câu chuyện liên quan đến lịch sử, văn hóa.” Giáo sư tâm tư và chia sẻ: Như Nguyễn Văn Huyên, từ ban đầu đã ý thức lưu trữ, gìn giữ các vật phẩm, nội dung, hiện vật, câu chuyện tư liệu cho thế hệ sau. Cụ Huyên còn các trang thảo viết tay...”

Học hỏi cách làm bảo tàng của các nước, nhưng tránh những cách không hay. Một số bảo tàng dân tộc, mỗi dân tộc họ thuê vài gia đình tới sinh sống trong khu vực bảo tàng, thành làng văn hóa. Phục vụ du lịch cũng như nghiên cứu tham quan, “tuy nhiên, đây là một mô hình không nên”. Giáo sư nói.

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng Giáo sư Nguyễn Văn Huy vẫn say mê công tác nghiên cứu, sưu tập bảo tàng, cả vật thể và phi vật thể. “Chúng tôi đang nghiên cứu các khu tập thể xưa nhất của Hà nội, những gia đình nhiều thế hệ đang sống.” Ông cũng đang tư vấn cho bảo tàng tỉnh Hà giang về tổ chức công tác bảo tàng về các di sản văn hóa, thiên nhiên, dân tộc của tỉnh. Chia tay ông với lời nhắn “Chú ý nội dung ảnh chụp ở Hà giang và giúp tỉnh xây dựng bảo tàng nhé.”

 

ĐVP - 22/05/2021

Bạn đang đọc bài viết "Công tác bảo tàng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn