Công cha nghĩa mẹ

Nguyễn Hữu Đề

10/07/2022 16:40

Theo dõi trên

Hôm đó, tôi đi học về trễ hơn mọi bữa, trời đã chập choạng tối. Cha đứng đợi ở cửa, la: Đi đâu giờ này mới về?.

cong-cha-nghia-me-1657445461.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Tôi lí nhí đáp:

 - Dạ, con đi học thêm!.

- Không học thêm học thiếc gì hết! Bỏ cửa bỏ nhà, không dọn dẹp nấu nướng, lợn, cá gà vịt không ai cho ăn! Kể từ ngày mai, không được đi học gì hết!

Trong cơn giận, Cha phăm phăm bước đến kệ sách của tôi, chụp lấy đống sách vở, vừa quăng vừa xé! Tôi đứng trân mắt nhìn, đau điếng nhưng không dám phản ứng.

Mẹ từ trong bếp chạy ra, kéo tôi vào nhà sau, nói:

- Muốn bị la nữa hay sao mà còn đứng đó.Vô nấu cám lợn đi!.

Nhà sau là một cảnh nháo nhác. Bầy lợn đói, kêu eng éc. Lũ gà lên chuồng lục tục, quang quác. Âm thanh inh ỏi. Mẹ tôi vừa nấu cơm, vừa la hai đứa em trai tôi, bảo tụi nó xắt rau, xắt chuối. Khói bếp bay mù mịt gian nhà lá chật chội, cay xè cả mắt. Bữa cơm tối rất muộn, tôi nuốt cơm, nuốt luôn cả những giọt nước mắt!

Nhà tôi nghèo xơ xác. Cha tôi làm nông với dăm ba công ruộng, Mẹ thì đi may ở chợ, sớm dọn đồ ra, tối dọn về. Đến lúc anh Hai tôi vào đại học, Cha mất đi một người phụ việc, lại phải hàng tháng gửi tiền cho anh, nhà lâm vào cảnh túng quẫn!

Cha mẹ cắn răng chịu đựng thêm vài năm, đến khi tôi vào lớp12, Cha bảo:

- Con Quyên là con gái, không cần phải học nhiều, hết mười hai ở nhà phụ mẹ vài năm, rồi lấy chồng là vừa.

Nghe vậy, tôi ứa nước mắt, nhưng biết cảnh nhà cơ cực, không dám hó hé, dặn lòng học đến đâu hay đến đó, biết đâu Cha Mẹ đổi ý cho tôi vào đại học.

Sáng hôm sau, lo lắng cơm nước xong, phần cho Cha bới đi ra đồng, phần để Mẹ bới đi chợ, tôi rón rén ôm cặp ra khỏi nhà. Cha nhìn theo, lặng lẽ.

Rồi tôi cũng đậu tốt nghiệp cấp ba! Và tiếp tục đậu vào  Đại học Sư Hà Nội.Hôm tôi trình giấy báo nhập học, Mẹ lặng lẽ cười, Cha tôi trầm ngâm không nói. Thêm một người nữa vào đại học. Một niềm vui, một nỗi lo phía trước! Phía trước chắc chắn là những tháng ngày gian khó cho Cha Mẹ, và dĩ nhiên, cả cho tôi nữa.

Tôi nhớ, lúc trong phòng thi, khi đã hoàn thành bài thi cuối cùng mà vẫn còn chút ít thời gian, thay vì coi lại bài, tôi đã gục đầu trên trang giấy của mình và khóc! Giám thị, có lẽ nghĩ tôi làm bài không được, nhìn tôi ái ngại. Nhưng tôi thì lại khác, không hiểu sao tôi nghĩ là mình sẽ đậu, đậu trong lo lắng.Tôi khóc vì tấm lưng Cha phơi nắng giữa đồng.Tôi khóc vì những đường kim miệt mài của Mẹ. Khóc cho hai đứa em tôi. Và tôi khóc cho tôi. Không gì là mãi mãi...tôi tự nhủ: vì những người thân yêu, mình sẽ thay đổi được mọi thứ. Nhất định.

Tối khuya hôm đó, Mẹ dậy sớm nấu cơm. Hai đứa em tôi vẫn còn say ngủ. Cha ngồi uống trà, bập điếu thuốc vấn, lơ đãng nhìn khói thuốc bay. Tôi một mình xếp hành lý. Ăn sáng xong, tôi cúi chào Cha Mẹ lên đường.

Cha tôi chỉ gật đầu, còn Mẹ dặn:

- Con đi đường cẩn thận. Phải biết tự chăm sóc cho mình, Cha Mẹ ở xa không lo được.

Lần đầu tiên xa nhà, xa cả trăm cây số, trong túi tôi cũng chỉ vỏn vẹn ít tiền. Ra đến cổng, tôi ngoái lại nhìn căn nhà thân yêu của mình, nơi tôi đã sống, đã thương yêu, đã buồn khóc những 18 năm trời! Bất chợt, tôi bắt gặp ánh mắt của Cha nhìn theo.Thấy tôi quay lại, Cha vội lảng đi chỗ khác. Dù xa, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhận ra những giọt nước mắt - giọt nước mắt đã chảy xuống đôi gò má sạm nắng của Cha. Cha đã khóc vì tôi. Nghĩ đến đó, mắt tôi chợt cay xè!

Bến xe hôm đó thật đông.Tôi lên xe, lặng lẽ nhìn ra cửa. Đây là quê hương tôi, lát nữa tôi phải xa. Dù là đi học, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cái cảm giác biền biệt...Xe khởi động, tiếng rừm rừm làm tôi rùng mình. Tôi thò đầu ra khỏi xe, nhìn về hướng nhà. Bỗng, trên con đường đất đỏ, tôi thấy dáng ai đang tất tả chạy lại - dáng ai như dáng Mẹ! "Đúng là mẹ rồi! Mẹ đi đâu vậy hì? Không phải giờ này Mẹ phải ra chợ rồi sao?". Đến trước cửa xe, Mẹ hớt hơ hớt hải gọi tài xế:

- Chờ tôi chút!.

Tôi vội lao ra khỏi xe, lo lắng hỏi:

- Có chuyện gì hả Mẹ?”

Mẹ vừa thở hổn hển vừa nói:

- Không, Mẹ chỉ gửi cái này cho con.

Nói rồi, Mẹ dúi vào tay tôi một bọc giấy nhỏ:

- Con cầm lấy đi .

Tôi ngờ ngợ, vội mở ra, Mẹ không kịp ngăn lại. Cái gì đây? Một đôi bông tai và chiếc nhẫn vàng! "Ồ,... không! Chẳng phải đây là đôi bông tai và chiếc nhẫn cưới của Mẹ sao. Mẹ đã giữ gìn cẩn thận nhiều năm, cho dù có túng quẫn thế nào cũng không đem ra bán. Đó là vật kỷ niệm thiêng liêng của Ngoại tặng mà Mẹ quý hơn máu thịt."Tôi bật khóc, nói:

- Mẹ, con không lấy đâu.

- Không, con cầm lấy cho Mẹ yên tâm.Thân gái dặm trường, không có ai lo cho con cả!

Tôi ngập ngừng hỏi:

- Còn Cha thì sao? Cha có biết chuyện này không?

Mẹ gật đầu:

- Cha con nói, vật kỷ niệm thì cũng là vật. Bây giờ mà không đưa cho con thì đợi đến bao giờ?!

Thì ra, Cha tôi... Cha vẫn rất thương yêu tôi, thương yêu theo cái cách của Cha! Hai mẹ con chia tay nhau tại bến xe, ngập đầy nước mắt!

Xe chạy. Dáng mẹ xa dần. Tôi lại giở những kỷ vật của Mẹ ra xem. Nước mắt lại trào ra.Tôi tự hứa là sẽ không bao giờ bán những kỷ vật này.Tôi có đôi bàn tay, tôi có khối óc, tôi có những kiến thức quý giá mà mình đã tích lũy được từ nhà trường, gia đình và xã hội. Nhứt  định, tôi sẽ tự đứng trên đôi chân của mình.

Cha Mẹ không phải là người hoàn hảo, nhưng luôn yêu thương con hoàn hảo nhứt .

(Ghi theo lời kể của Quyên)

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Công cha nghĩa mẹ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn