Cô giáo tôi - Hoàng Minh Trâm: Xung phong vào Nam dạy học (Kỳ 1)

 Tống Hồng Quân

22/01/2024 10:40

Theo dõi trên

Năm 1965 giữa lúc chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ra miền Bắc, trong đó có  Yên Bái. Trường cấp 2 Minh Bảo (trước thuộc huyện Trấn Yên, nay thuộc TP Yên Bái) được đón nhận một tốp giáo viên trẻ từ Ninh Bình xung phong lên dạy học. Các cô giáo trẻ xinh tươi làm bừng sáng khu trường sơ tán, nép dưới những bụi nứa to bên bờ con suối nhỏ chảy róc rách ngày đêm. Cô Hoàng Minh Trâm dạy toán, cô Phương dạy văn, cô Thỏa dạy hóa. Ngoài ra, trường còn có các cô giáo trẻ khác như cô Thủy dạy toán. Cô Triệu dạy sinh. Chúng tôi rất ngưỡng mộ vẻ đẹp, tươi trẻ của các cô giáo trẻ tuổi mười tám đôi mươi.

Cô Trâm dạy toán và chủ nhiệm lớp 6A chúng tôi. Trong tấm hình xưa cô mặc áo nâu gụ, tóc dài đứng hàng thứ hai. Phía bên kia là cô Phương, cô có khuôn mặt bầu bĩnh, da trắng mịn, cô giảng văn rất hay.

dt1as-1705893762.jpg

Cô giáo Hoàng Minh Trâm với học sinh (Cô mặc áo thẫm, hàng đứng ngoài cùng bên trái)

 

Ngồi giữa và có hai bím tóc trước ngực là cô Thủy. Cô xinh nhất trong số các cô giáo trẻ. Da trắng, mắt đen láy, hàng mi cong, đặc biệt cô có dáng đi uyển chuyển như nàng công chúa trong phim. Giọng giảng bài cô dịu dàng mê hồn.

Ngồi ngoài cùng là cô Lê Thị Nghiêm, Hiệu trưởng. Tôi nhớ có lần cô dạy thay môn địa lý cho cô giáo nghỉ ốm. Cô chỉ thước lên bản đồ cao giọng nhấn mạnh tên hai địa danh vùng Địa Trung Hải là I gờ rờ và A phờ ráp làm chúng tôi bật cười thích thú vì cách phát âm rất TÂY và phong cách giảng bài của cô.

Người ấn tượng và lắng đọng nhiều kỷ niệm nhất là Cô Hoàng Minh Trâm, chủ nhiệm lớp 6A chúng tôi. Cô cao, người mảnh dẻ, nước da trắng xanh, hàm răng trắng đều tăm tắp, giọng cô nhỏ nhẹ truyền cảm. Cô tận tụy với học sinh, ngoài giờ lên lớp cô dành thời gian kèm cặp một số bạn sức học yếu. Cô đến nhà thăm, tìm hiểu những bạn có hoàn cảnh cá biệt để động viên, giúp đỡ. Lần đầu tiên các cô về quê ăn tết. Cả một đoàn học sinh từ khu tập thể giáo viên đến cầu Minh Bảo dài hơn km, đông nghịt, đi tiễn các cô ra ga tàu sơ tán ở gần Bảo Lương. Mắt cô, trò đỏ hoe, bịn rịn. Có lẽ bây giờ khó tìm được những người giáo viên toàn tâm, toàn ý vì học sinh, tất cả vì học sinh như cô.

Phải nói rất có duyên khi tìm lại được cô. Từ câu chuyện TẤM ẢNH XƯA KỂ CHUYỆN, Thày Lê Hùng có bình luận: " Hôm đọc bài của Quân nói về lớp 6 do cô Trâm chủ nhiệm thấy hay. Gửi cho Quân số điện thoại của cô Trâm 0903700270 .Tôi là bạn dạy học cùng cô Trâm."

Ôi mừng quá! Tôi vội vàng gọi cô. Phải 3 lần gọi, nhắn tin cô mới nhấc máy. Tôi dè dặt, nói vội sợ người nghe tắt máy:

- Xin lỗi! Có phải số máy này của cô Trâm người Ninh Bình dạy cấp 2 Minh Bảo Yên Bái xưa kia không ạ?

Đầu dây:

- Vâng tôi Trâm đây. Tôi mừng quá nói như ăn cướp:

- Em là Tống Hồng Quân học sinh lớp 6A. Cấp 2 Minh Bảo thời đánh Mỹ đây. Cô còn nhớ em không?

Giọng cô Trâm đầu dây cũng vui mừng không kém:

- Cô nhớ, nhớ chứ! Tống Hồng Quân trắng trẻo, học giỏi... sao Quân có số điện thoại của cô?

Cô, trò tranh nhau nói, sau khi kết nối zalo tôi trào nước mắt khi nhìn thấy cô bằng xương bằng thịt. Sở dĩ nói vậy vì chúng tôi được tin cô vào Miền Nam và đã mất sau giải phóng. Qua chuyện trò với cô, tôi thật sự khâm phục, ngưỡng mộ những khó khăn gian khổ cô đã đối đầu khi vượt Trường Sơn cũng như mối tình " Trường Sơn " của cô. Dù tôi đã là một người lính, từng bôn ba, từng đội bom, hứng đạn, cưỡi sóng nhưng thấy chưa thấm tháp gì so với cô.

Cô kể:

- Cô dạy các em, dạy các lớp khác đến năm 1967 thì được kết nạp đảng ở trường cấp 2 Minh Bảo.

Khoảng năm 1968 có đợt nhà nước đưa cán bộ, giáo viên vào Nam gây dựng ngành giáo dục ở vùng giải phóng. Cô viết đơn xung phong. Tiêu chuẩn để tham gia đoàn còn khắt khe hơn cả đi bộ đội. Ngoài sức khỏe phải có lý lịch thật cơ bản, trong sạch, trình độ chuyên môn vững vàng. Lúc đó cô là hiệu phó còn cô Lê Thị Nghiêm là hiệu trưởng. Hai cô được kết nạp vào đảng vào một ngày đáng ghi nhớ: Ngày 20/11/1967. Chiều hôm đó xóm Cầu Dài bị bom Mỹ đánh phá, em Yến lớp cô chủ nhiệm và một số bạn cùng trường bị mất cha, mẹ.

Đoàn cán bộ đi Nam được giao về ỦY BAN THỐNG NHẤT. Tại đây mọi người được học tập chính trị, rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị vượt Trường Sơn. Họ cũng đeo gạch, tập bắn súng, ném lựu đạn, tập hành quân dã ngọai ngày, đêm. Đeo ba lô xếp ít nhất 6 viên gạch, tập leo đồi, leo núi, lội suối. Được phát quần áo bộ đội, tăng võng, mũ tai bèo y như chiến sỹ giải phóng bấy giờ. Cô gái gày gò yếu đuối nhiều buổi tập tưởng như đứt hơi, kiệt sức. Nhưng cô tự nhủ mình:

- Phải quyết tâm vượt qua, không được lùi bước!

Chính vì sự kiên cường, quyết tâm sắt đá của cô mà cô luôn được các bạn nam cưng chiều giúp đỡ để vượt qua tuyển chọn, đủ tiêu chuẩn vào đoàn cán bộ giáo viên đi Nam đợt đó.

Con đường hành quân vào Nam biết bao gian nan, nguy hiểm. Cũng ba lô to cồng kềnh. Ngoài tư trang, gạo, mắm, lương khô, cô còn mang theo những tập sách giáo khoa cấp 1, cấp 2 và cả những cuốn sách truyện thiếu nhi. Truyện ngụ ngôn của Laphongten, truyện Bác Hồ với thiếu nhi. Đó là những báu vật đối với căn cứ, vùng giải phóng, của cơ quan Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Vượt đèo, lội suối, chạy qua vùng rải thảm bom của máy bay B52 Mỹ, Đoàn cán bộ đi ngày, đi đêm theo bước chân giao liên. Cô đi trước, anh bạn đi sau khéo léo nâng ba lô lên để giảm bớt trọng lượng cho cô. Mồ hôi thấm đẫm lưng áo, đọng từng giọt trên trán, trên đôi má ửng hồng làm nữ giáo viên - chiến sỹ càng thêm xinh đẹp. Cô cười trong máy:

- Đi cực đến chết, leo lên đỉnh đèo, đỉnh dốc mũi mồm tranh nhau thở, chỉ muốn ném ba lô nằm vật xuống đất, làm gì có như lời ca " Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát, ngắt một đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi" ... của nhạc sỹ Trần Chung.

Cô kể tiếp:

- Khi xuống núi các anh túm tăng, võng làm thành chiếc máng trượt cho cô trượt xuống. Máy bay ào đến, cả đoàn tìm hốc đá, lùm cây tránh bom, rốc két từ máy bay thả xuống. Anh bạn trẻ nằm đè lên người cô, che chở cho cô. Tình yêu với người bạn cùng hành quân - thầy giáo Đậu Hùng đã đến với họ.

(Còn nữa)

T.H.Q

Bạn đang đọc bài viết "Cô giáo tôi - Hoàng Minh Trâm: Xung phong vào Nam dạy học (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn