Cao thủ cá Bè

Bùi Trung

12/12/2021 11:30

Theo dõi trên

Năm 1985, tôi về làm kế toán cho Xí nghiệp Hòa bình ở Thị xã Long Xuyên, ngoài công việc hàng ngày coi thu chi cho Hãng Nước sơn, xưởng Tấm lợp xi măng, xưởng Gạch bông, xưởng cưa xẻ Gỗ ...

ca-be-1639283418.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một hôm Sếp kêu tôi:

- Tạm thời ông xem giùm tôi sổ sách của bộ phận chăn nuôi cá bè, khi nào có người ông bàn giao lại cũng được.

Trời ạ, hai cái bè nuôi cá Ba sa thiệt đẹp lúc theo gánh hát vẫn chạy qua lại dưới sông khu hành chính Tỉnh uỷ, mỗi lần nhìn thấy hai cái Bè đẹp như Biệt thự trên sông vẫn tấm tắc khen, bây giờ mình đang ở trên hai cái bè tính lời lãi hàng ngày đúng là chuyện không thể ngờ.

Bước vô cái cổng có mấy anh công an đứng gác, bước xuống bến sông có cái cầu làm lối đi xuống hai cái bè, phía dưới nuôi cá phía trên làm nhà ở. Cái bè lớn sản lượng cho một đợt thu hoạch là 55 tấn, bè nhỏ 35 tấn/năm, trung bình thì 6 đến 7 tháng là xong một đợt thu hoạch. Cái mốc chính của nghề nuôi cá bè là bắt đầu vào tháng 7 âm lịch, khi mùa nước từ thượng nguồn đổ xuống thì gạn sạch bè để đổ cá giống. Con cá Ba sa lúc đó nhỏ xíu như đầu đũa, đổ xuống bè đến khi thu hoạch phải tính hao hụt 20%. Thức ăn cho cá chủ yếu là Cám nấu chín trên chảo đụng, phải bốn công nhân thay phiên nhau nấu rồi viên tròn, phải canh cho cá ăn đúng giờ, đúng cữ. Muốn được 1 ký cá thịt thì bình quân phải tốn 1 k 5 cám. Nếu ham lời cho cá ăn rau muống hay rau cải thì mỡ cá sẽ có màu xanh thương lái sẽ ép giá mình.

Bè cá đúng chuẩn thời đó thì chiều ngang 8 m, dài 16 m. Ngoài những hộc phao làm nổi bè còn phải độn thêm tre hai bên để chặn bớt sóng gió ngoài sông lớn. Bình quân phải có 4 cái neo và 4 sợi dây chằng thật to. Chiều cao của Bè phần chìm trong nước cũng phải đúng 5 mét, Lưới bao bè đóng bằng lưới inox dày hơn phân nên bảo đảm con cá khi đã ở trong bè không cách nào thoát ra bên ngoài được.

Vậy chứ xung quanh bè, cá bên ngoài sông cũng bám theo Bè để ăn ké thức ăn từ trong bè rơi ra bên ngoài, vì vậy mà những tay câu cá vẫn hay đậu xuồng bên ngoài câu ké.

Tuy nằm ngoài con Sông cái nhưng cá vẫn bệnh và thỉnh thoảng chết nổi lật bụng khi nguồn nước bị ô nhiễm. Mang cá bị dơ hay bị đóng rong cũng chết, gan thận bị mũ, phù đầu cũng chết... Người nuôi cá khi buổi sáng thấy con cá chết  lấy cây vợt vớt lên, lật cái mang con cá ra xem đã biết cá chết vì bệnh hay vì ô nhiễm nguồn nước mà có cách điều trị kịp thời , lúc nước đứng phải bật mô tơ quạt tạo bọt khí lấy o xy cho cá thở...

Cá chết xẻ thịt làm khô hay muối sả ớt chiên giòn ăn cơm cũng bắt lắm, nhưng con cá Ba sa hay một cái là ăn hoài hàng ngày vẫn không thấy ngán.

Khoảng tháng 2 âm lịch là tới cữ kéo cá, cá thời đó bán cho thương lái ruột, họ đem ghe đục đến và xuống hầm bè dùng lưới kéo cá, thường thì chủ bè chỉ kéo đủ số lượng cá cần bán còn chừa lại một số cá chưa đủ chuẩn để lại dằn bè. Cái lạ là khi thả cá giống chỉ thả toàn cá Ba sa nhưng khi thu hoạch lại có đủ thứ cá khác từ bên ngoài chun vô bè rồi khi lớn bị mắc kẹt không thoát được.

Số cá đó chủ bè dùng để đãi cho anh em công nhân tham gia kéo cá hay làm quà biếu cho người thân quen. Vậy chứ đủ có đủ các loại cá, từ con cá chài, cá mè, cá ét, cá tra, cá linh ống, cá Tai tượng...

Tết nhà nào có nồi thịt kho hột vịt có con cá ba sa cắt khúc bỏ ké vô kho chung vài bữa vớt ra ăn mới biết độ ngon của nó tới cỡ nào... ngon chịu không nổi luôn...

Năm đó (1985) hai bè cá đậu ngay Bến sông Tỉnh uỷ  là của sếp tôi, anh Hai Hòa (ở Mỹ Luông ai cũng kêu anh là Quách Lai) là một trong những người tiên phong nuôi cá Ba sa trên bè thành công tại Thị xã Long Xuyên thời đó. Những tưởng sếp tôi sẽ trở thành một Đại gia nhờ nghề nuôi cá bè...

Nhưng đầu những năm 90 một đêm mưa giông lớn, khi không có mặt vợ chồng sếp ở nhà bè, những sợi dây chằng bè bị đứt, đứt luôn những cái neo... Hai chiếc Bè trôi băng băng theo dòng nước giữa đêm mưa giông ... Anh Bảy Dựt, người trông bè bị ngất xỉu khi bè trôi đập vào cây cầu nào đó...

Sáng hôm sau người ta phát hiện hai chiếc bè tan nát te tua vướng vào đầu cồn Tân Lộc - Thốt Nốt cách Long Xuyên gần 20 km. Cũng may anh Bảy Dựt tỉnh lại và giương cái áo làm cờ kêu cứu. Thế là sau đó Sếp tôi phá sản vì một cơn nổi giận của... Thủy thần. Đúng là nhân bất thắng Thiên.

Mấy năm trước "Sếp " tôi tuy đã nghỉ nuôi cá bè vẫn được IDI mời làm giám sát kỹ thuật nuôi cá tra vuông hầm cho Tập đoàn SAO MAI ven con sông Hậu bên bờ Đồng Tháp. Bây giờ tuy đã nghỉ hưu người quen gặp anh vẫn hay kêu  bằng tên gọi ngày xưa, thời còn nuôi cá Ba sa: Cao thủ cá Bè.

Theo Chuyện Quê

Bạn đang đọc bài viết "Cao thủ cá Bè" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn