Bộ đội thuở đất nước hàn vi và bếp núc thời "ca cóng"

Thời gian huấn luyện tân binh ở Hòa bình, doanh trại của lính là nhà tre tranh vách nứa. Trong thời gian tham gia chiến dịch Xuân 1975, toàn mắc võng ở rừng hoặc vườn cây dọc đường đi.

Chỉ khi về Đồng Dù, căn cứ của sư đoàn 25 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi mới được ở môt doanh trại quân đội đúng nghĩa. Lính chúng tôi ở khu gia binh (gia đình binh lính). Ở đây có đầy đủ điện, nước, nhà xây, mái lợp tôn. Đường rải nhựa...

bo-doi-ta-1651453647.png
Ảnh do tác giả cung cấp

Khi về Đăk Lăk hoặc ở Thái nguyên chúng tôi đều phải vào rừng đẵn gỗ, tre, nứa... về làm doanh trại. Bằng những dụng cụ thô sơ chúng tôi đã dựng được những ngôi nhà khá chắc chắn. Những cái giường, những cái bàn ghép bằng tre nứa được chôn chặt chân xuống đất cho vững.  Chỉ sau hơn một tháng, cột kèo tre nứa bị mọt gặm đùn bụi (cứt mọt) rơi trắng cả nền nhà, giường chiếu. Và đây là bài thơ tôi làm hồi đó:

TIỂU ĐỘI TÔI

Tiểu đội tôi là tiểu đội mười

Năm đứa năm quê về đây họp mặt

Thằng Khoa cao kều người Hà Bắc

Con bọ hung hắn gọi cua đồi

Thằng Lộc con nhà luật sư Hà Nội

Giỏi chơi đàn có cô em gái rõ xinh

Còn tôi quê ở Hà Nam Ninh

Thích làm thơ, lại là A trưởng

Thằng Vịnh đẹp trai, vừa hiền vừa bướng

Hay nghêu ngao Thanh Hóa anh hùng

Thằng Lý, tính thẳng thắn, hay hung

Đốn cây giỏi như Thạch Sanh cổ tích.

Tiểu đội tôi cùng ở một nhà

Mái lợp cỏ tranh, tường ken vách nứa

Ánh nắng ánh trăng tha hồ lọt qua khe cửa

Đêm nằm mọt rụng đầy người

Buổi tối vui nhà chật ních tiếng cười

Rung vách nứa giờ liên hoan văn nghệ

Mấy cây tre, cây vầu kê làm bàn ghế

Muốn vững vàng phải chôn chặt bốn chân

Ngày nhận ra nhau nhờ miếng vá ống quần

Đêm nhận ra nhau qua mùi mồ hôi áo

Mấy thùng lương khô, mấy đồ tượng gạo

Những báng súng bóng lì vì sắc mồ hôi

Ơi tiểu đội mười,  tiểu đội của tôi.

Những chiếc ba lô bụi vàng sau mỗi mùa chiến dịch

Thấy gái đằng xa đã bấm nhau cười ríc rích

Gác thay ca đêm khẽ bấm chân nhau

Vài áo sờn mưa nắng bạc màu

Cơn thèm thuốc cùng rít chung một điếu

Cứ mỗi ngày qua cho ta thêm hiểu

Lính tráng lấy nghèo làm giàu có bao la...

*

Cùng với sự khó khăn của kinh tế đất nước,  bộ đội lúc đó khổ sở lắm. Truy quét địch ở Tây Nguyên hay ở Căm Pu Chia ròng rã. Ba lô, quần áo lúc nào cũng bám bụi đất vàng khè. Những người ở chốt lâu ngày không tắm gội được tôi còn không nhận ra màu xanh của bộ quân phục trên người họ. Nhiều người, nhiều lúc còn phải mặc đồ rách, đồ vá. Nhiều tuần bộ đội phải ăn hạt bo bo, ăn sắn luộc. Thậm chí ở bệnh viện quân y của quân đoàn mà chỉ có thương bệnh binh nặng mới được ăn cơm hoặc cháo gạo. Thiếu lương thực, những lúc không đánh nhau, chúng tôi lập tức phải đi làm kinh tế.

Năm 1976 về Long An trồng lúa.

Cánh đồng ở Long An là vùng ven đồng Tháp Mười, rộng bạt ngàn thấy mọc toàn loại cỏ cao lút đầu người.  Dân trong đó gọi là cỏ mồm còn chúng tôi gọi là cỏ voi. Đầu mùa khô chúng tôi phát cỏ, chờ khô châm lửa đốt. Mùa đốt đồng kéo dài hàng tháng trời.  Đêm nào ánh lửa đốt đồng của dân, của lính cũng đỏ rực các ngả xa gần.

Sau khi đốt xong chúng tôi cuốc đất đổ ải cho các gốc cỏ khô chết rồi mới dùng vồ đập cho đất tơi ra. Chớm vào đầu mùa mưa chúng tôi bắt đầu xạ lúa

Không có máy, các công đoạn làm đất, xạ lúa toàn thủ công thành ra tay ai cũng phồng rộp rồi chai sạn. Để tiện cho công việc chúng tôi đưa xoong nồi bát đũa ra ngay đầu ruộng nấu cơm trưa.

Cánh đồng mênh mông không một bóng cây. May mà nắng Nam bộ không gắt như nắng ngoài miền Trung, miền Bắc. Những bát cơm chan đầy nắng vàng Đức Huệ, Long An là một kỷ niệm mãi không bao giờ quên.

Thời ấy tôi đã làm thơ.  Và sau đây là một bài tôi làm thời kỳ đó:

MỘT BỮA CƠM TRƯA

Làm xa nhà nên ăn cơm ngoài đồng

Thành thử bữa trưa nay vui hơn mọi bữa

Nồi cơm to san làm hai nửa

Kia của chúng mày, đây của chúng tao

Nồi canh to đặt lên mô đất cao

Ngả cán cuốc cán cào

Ngồi lên thay bàn ghế

Trải ni lông thay thế

Cho bàn ăn ở nhà

Phủi quần áo qua loa

Xoa bàn tay chai sạn

Lau vội mồ hôi trán

Tiểu đội cùng ăn cơm.

Đứa đơm, đứa xúc

Đứa múc đứa và

Ăn cỗ đám cưới ở nhà chắc thua

Canh suông thương nhớ canh cua

Đĩa rau muống luộc cuối mùa vẫn ngon

Trời trưa vừa đứng bóng tròn

Bát cơm ăm ắp nắng son Tháp Mười.

Khi lúa bắt đầu lên xanh đơn vị chỉ để lại một bộ phận nhỏ chăm sóc và thu hoạch. Chúng tôi lại cấp tốc lên xe ra Đăk Lăk truy quét Fulro. Rời tay cuốc lại cầm súng. Bàn tay người lính thuở đất nước hàn vi thật là khó nhọc, đảm đang.

Cuối năm 1979 đến năm 1982 cũng vậy. Khi ra Thái Nguyên chúng tôi lại lên rừng đẵn cây về dựng doanh trại ròng rã mấy tháng trời mới xong.

Đầu năm 1980 đơn vị lại lên núi phát nương trồng sắn. Những cánh rừng già rậm rạp bị tàn phá. Cây to, cây nhỏ đều bị  dùng dao chặt sát gốc. Có những cây to cả ôm tay, bốn người xoay quanh chặt hai ngày mới đổ. Sau khi khô chúng tôi lại đốt. Khi nguội lửa những hom sắn lên xanh.

Tôi bảo với mấy sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn phá rừng thế này tiếc quá. Một người trả lời: Ôi dào, đã đói thì bố rừng cũng phá.

Cuối năm thu hoạch sắn về chúng tôi lại phải ăn cả tháng. Chỉ tiêu của cấp trên đặt ra cho đơn vị phải thực hiện. Lính tráng đói nhưng không nuốt nổi, hoa cả mắt.

Chỉ cán bộ cấp đại đội trở lên là đỡ khổ. Họ có lương cao hơn, thường mua sắm "ca cóng" riêng, không mấy khi họ vào nhà ăn tập thế. Họ luôn có một cậu liên lạc để sai vặt. Lúc đó cả tiểu đoàn nấu ăn chung một bếp. Cán bộ thường xuống lấy thực phẩm về. Chiến sỹ quản lý, coi kho, tiếp phẩm ai mà dám giữ.

Cứ như vậy khẩu phần của bộ đội thường bị cắt xén. Chẳng mấy khi lính tráng được no. Đang trai trẻ sức ăn, sức làm... mà mỗi bữa 2 lưng cơm hoặc mấy khúc sắn luộc ai mà chịu nổi.

Tiêu cực phát sinh. Nhiều vụ trộm cắp trong đơn vị xảy ra. Lính tráng lấy trộm các vật tư, quân trang, quân dụng ra bán lấy tiền ăn thêm. Có cậu bị kỉ luật vì ra dân bắt trộm cả gà, lợn.

Để chống đói mỗi tiểu đội thường có một hai cái thau hoặc xoong làm nồi nấu riêng. Nhiều khi chỉ là cái ca, vỏ đồ hộp.. cũng trở thành nồi nấu nước, luộc rau. Còn bếp thì chỉ cần mấy hòn đá hoặc mấy hòn gạch chụm vào chỗ khuất gió phía sau lán ở là xong. Chỉ những khi mưa mới phải chuyển bếp vào góc nhà. Củi rừng thì tha hồ mà đốt.

Những ngày nghỉ lễ, nghỉ chủ nhật, tài nấu ăn của các chiến sĩ được phát huy tối đa. Nguồn thực phẩm cải thiện thêm có thể là cá cua bắt được ở sông suối, thịt chó, gà, rau củ tăng gia tự túc. Quà quê gửi lên hoặc anh em góp tiền mua. Hoạt động đặc biệt này chẳng biết có từ bao giờ nhưng khi tôi được biên chế về trung đoàn 52 đã có rồi. Có khác chăng là tùy mỗi thời điểm diễn ra sao cho phù hợp với thực tế.

Từ khi đơn vị ra Thái Nguyên, đói kém xảy ra thì hoạt động này càng nở rộ và được các chiến sỹ gọi chung bằng một cái tên nghe rất gợi là "ca cóng". Nguồn gốc cái tên này chắc là do khi nấu ăn các chiến sĩ thường dùng ca nhôm,  vỏ đồ hộp làm nồi. Nhiều khi đơn vị đã cấm vì chúng góp phần làm cho doanh trại thêm phần nhếch nhác, nhưng không sao cấm được. Lính tráng càng đói thì những cái bếp "ca cóng" càng đua nhau hoạt động.

Chính những cái bếp đặc biệt này đã giúp chúng tôi giữ được sức khỏe, thể lực trong nhiều năm gian khó của đất nước.

Cũng chính những cái bếp đó đã giúp chúng tôi được thưởng thức hương vị đặc biệt của Cà phê Đăk Lăk và chè búp Đại Từ, Thái Nguyên

Khi đơn vị chúng tôi lên Đăk Lăk thì cà phê chín đỏ cành, không người thu hái. Sau giải phóng các chủ đồn điền cũ đã bỏ chạy ra nước ngoài. Mấy đoàn nữ công nhân người Thái Bình được ta đưa vào quản lý thì bị bọn Fulro quấy rối cướp, hiếp nên lại phải bỏ chạy. Thế là thành rừng hoang. Lính tráng chọn những cây cà phê chè, là loại ngon nhất, tha hồ hái quả đưa về giao cho một chiến sĩ khéo tay, vờ ốm, ở nhà rang và giã. Cối là cái ca US. Chày làm bằng cái đinh ri-ve to. Người ta bảo rang cà phê khó lắm, phải là người có nhiều kinh nghiệm mới làm được. Nhưng không hiểu sao cậu Lộc, người Hà Nội rang khéo thế. Những chén cà phê vừa ngậy, vừa thơm, vừa bùi làm ta ngây ngất.

Vì làm thủ công nên số lượng không nhiều, chỉ đủ dùng hàng ngày.

Gần một năm ở Đăk Lăk chúng tôi thường được uống cà phê tự túc như thế.

Ở Đại Từ, Thái Nguyên lại có những đồi chè. Xưa là của các hợp tác xã, sau thưa lỗ, phải giải thể nên bỏ hoang. Mỗi buổi sáng tập chiến thuật chúng tôi thường hái chè nhét chặt các túi, bao bi đông. Trưa về giao cho một chiến sĩ vờ ốm, ở nhà nổi lửa sao, sấy.  Thế là ngay tối hôm đó đã có những ấm chè sao suốt thơm ngon đặc biệt.

Khi nhấp những giọt cà phê hoặc chén trà thơm ngon này tôi biết trên đời sẽ chẳng bao giờ có loại đồ uống nào ngon như thế. Và quả như thế thật. Đã hơn bốn chục năm qua, cứ mỗi lần chạm môi vào chén cà phê hay chén trà, tôi lại rưng rưng tìm về hương vị nguyên sơ ấy trong ảo mộng.

Những cái bếp riêng của mỗi tiểu đội giống như bếp của mỗi gia đình cứ thế hồn nhiên đỏ lửa khi cần. Chúng cứ vô tư tồn tại như điều hiển nhiên vốn có của cuộc sống.

Tôi ra quân đã bốn mươi năm chẳng biết bếp "ca cóng" có còn không. Nếu hết thì từ bao giờ và còn thì liệu có được các đơn vị tổ chức lại theo một quy mô thế nào cho phù hợp để đảm bảo là một quân đội chính quy, hiện đại.

Thế là trong đời lính chúng tôi được biết hai loại bếp.  Bếp Hoàng Cầm và bếp "Ca cóng". Chúng có mục đích chung giống nhau là nấu ăn duy trì đời sống cho bộ đội và đều ăm ắp ắp kỷ niệm nhưng rất nhiều điểm khác nhau.

Một loại bếp có tên tác giả là chiến sỹ nuôi quân Hoàng Cầm. Được các đơn vị trong toàn quân đưa vào giáo trình huấn luyện tân binh để đảm bảo bí mật trong nấu ăn ở chiến trường.  Nó được lưu danh trong sử sách, được vào nhạc họa thơ ca. Là niềm tự hào của quân đội ta...

Còn bếp "ca cóng" lại được phát sinh tự nhiên, không biết ai là tác giả. Và là nỗi buồn đáng quên ở quân đội thuở hàn vi của đất nước.

Ở giai đoạn đó ai không biết "ca cóng" thì chưa phải là bộ đội.

TheoTrái tim người lính/ (Trích từ hồi ký: DỌC ĐƯỜNG CHINH CHIẾN)