Vĩnh Phúc: Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu ở xã Đồng Tĩnh và những giai thoại, chuyện kể (Phần 2)

Vĩnh Nguyên

02/03/2022 10:54

Theo dõi trên

Câu chuyện thứ hai là thông tin về hai ngôi “mộ lạ” đang tọa lạc trong phần đất thổ cư của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh). Hai ngôi mộ này nằm cách khu di tích đình Cả, chùa Thái Bằng, miếu Đức Bà (gò Vải) khoảng ngàn mét (theo đường liên thôn).

Theo các bậc cao niên và dân làng Phù Liễn đoán định thì đây là hai ngôi mộ của hai vị sư, từng tu tập và viên tịch ở đây. Tuy nhiên, cũng có dư luận cho rằng đó là “mộ tàu” (?). Theo chị Nguyễn Thị Thanh kể lại thì, khi cụ ông (thân sinh ra ông nội chị) mua lại mảnh đất này để dựng nhà sinh sống, đã thấy hai ngôi mộ hiện diện. Tính từ đó đến nay, đã có 5 thế hệ trong gia đình chị Thanh sinh sống trên mảnh đất do cụ 5 đời nhà chị tạu và để lại cho con, cháu, chắt thừa kế. Hai ngôi mộ này vẫn tồn tại ở đó, được gia đình chị Thanh trông coi, gìn giữ, ngày tuần tiết đều khói hương chu toàn, đầy đủ.

image015-1646193119.jpg
Ngôi “mộ lạ” thứ nhất trong vườn nhà chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh. Phần đặt bát hương phía trước mộ là do gia đình chị Thanh tạo thêm để tiện bề hương khói cho người an nghỉ trong mộ.

 

Bề ngoài, hai ngôi mộ có hình dáng giống nhau: đều là hình tháp, cạnh vuông, nhỏ dần về phía ngọn, có chiều cao ước khoảng từ 2,5 - 3m, đặt cách nhau khoảng 5m. Vật liệu xây tháp mộ là gạch bìa (loại gạch xây truyền thống của người Việt) được gắn kết với nhau bằng vôi vữa. Quan sát bằng mắt thường, nhận thấy, hai ngôi mộ có kích thước khác nhau. Trong đó, ngôi thứ nhất (tính từ phía đường làng đi vào) nhỏ hơn, cũ hơn, đã có hiện tượng xuống cấp (bị bong tróc lớp áo vữa vôi cát bao bên ngoài, một phần mái mộ bị sạt nhẹ). Ngôi mộ này được dân làng đoán định là mộ một sư nữ và viên tịch trước. Ngôi mộ thứ hai có kích thước lớn hơn, nhìn mới hơn, nguyên vẹn hơn ngôi thứ nhất, được dân làng phỏng đoán là mộ của một sư ông.

Căn cứ vào việc trên địa bàn xã Đồng Tĩnh có nhiều ngôi chùa có niên đại lâu đời, thì việc người dân đoán định về hai ngôi “mộ lạ” nói trên là mộ các vị sư từng tu tập ở một trong các ngôi chùa trên địa bàn xã Đồng Tĩnh sau khi viên tịch được chôn cất ở đây không phải không có cơ sở. Vấn đề đặt ra ở đây, đó là, tại sao các di tích xung quanh hai ngôi mộ, gồm đình Cả, chùa Thái Bằng, đền Đức Bà, đền Hức, đình Thính…  ở Phù Liễn (Đồng Tĩnh) đều đã được tỉnh Vĩnh Phúc lập hồ sơ bảo tồn, công nhận là di tích lịch sử - văn hóacấp tỉnh mà hai ngôi “mộ lạ” nói trên lại chưa được cơ quan chức năng nào tìm hiểu, quan tâm, có cách ứng xử phù hợp?

image018-1646193174.jpg
Ngôi “mộ lạ” thứ hai trong vườn nhà chị Nguyễn Thị Thanh.

 

Câu chuyện thứ ba

Theo các ông Nguyễn Văn Thuế - Trưởng Ban Quản lý Di tích LS-VH làng Phù Liễn; ông Nghiêm Xuân Phong (sinh năm 1942) - sĩ quan quân đội nghỉ hưu, Phó Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóalàng Phù Liễn; Phạm Văn Nhuận (sinh năm 1951) - thủ từ miếu Bàkể lại, thì vào khoảng những năm 1960 - 1961, trong khi san bạt gò đất phía trước miếu Đức Bà để làm sân kho hợp tác xã, dân làng đã phát hiện một kiến trúc nhỏ có hình dáng tựa ngôi lầu bát giác (tám mái), trên các viên ngói lợp mái lầu đều có khắc chữ Hán. Dân làng suy đoán rằng đó là mộ của Đức Bà Ngọc Kinh, liền lấp lại. Sau đó, địa phương cho dựng lên trên vị trí có ngôi lầu tám mái này một cột cờ (kỳ đài). Khi xã Đồng Tĩnh tổ chức việc san bạt lần thứ hai để mở rộng sân kho hơn nữa, vì cột cờ này án ngữ giữa sân, nên dân làng quyết định hạ giải. Tuy nhiên, khi tháo dỡ cột cờ thì trong làng xảy ra những chuyện không hay, đặc biệt những ai trực tiếp tháo dỡ cột cờ đều gặp tai ương bất trắc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Vì thế, ngay sau đó, dân làng quyết định đặt lên trên vị trí trước đó là cột cờ một nồi hương trung thiên thì mọi việc lại được an yên. Hiện tại, nồi hương đang tọa lạc giữa sân đền thờ Đức Bà - nơi vị trí truyền rằng trước đây là một gò đất nhỏ, bên dưới có ngôi lầu bát giác tám mái như đã nói ở trên.   

Sự linh thiêng của vùng đất cổ này còn được dân làng nhắc đến với niềm tự hào khi kể về một chuyện đáng nhớ. Đó là trong dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Hà Nội đã thả lên bầu trời “ông” rồng được kết bằng lụa vàng. “Ông” rồng đã “bay” đến Đồng Tĩnh và đáp xuống trước cửa đền Hức (miếu Ông Út), đầu rồng chầu vào đền, thân rồng nằm vắt ngang cánh đồng trước cửa đền. Trước sự việc được cho là điềm lành hiếm có ấy, dân làng Phù Liễn rất vui mừng, kéo đến chiêm ngưỡng. Sau đó, gia đình ông Phạm Bá Hậu - là người dân trong làng - đã xin với làng cho phép được sửa sang, phục chế lại mình rồng cho hoàn hảo rồi cùng dân làng đưa rồng vào tọa lạc trong đền Bà. Năm 2012, khi phục dựng, xây mới lại ngôi đền, dân làng đã dâng hương, xin phép các vị thánh được hóa “ông rồng” này.

Những chuyện kể trên có thể là một sự tình cờ, một sự hữu duyên về tâm linh, nhưng cũng là những gợi mở đáng để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa quan tâm, tìm hiểu, lý giải cho xác đáng đồng thời có cách ứng xử phù hợp, giúp Nhân dân trong vùng và hậu thế thêm hiểu, ngày càng trân quý di sản tinh thần mà cha ông đã bao đời gây dựng và lưu truyền lại.

Hết