Kỳ 50.
Từ Ái Châu, xa giá và đại quân của Mai Hắc Đế đi hai ngày nữa thì đến Tống Bình, trị sở của An Nam Đô hộ phủ nhà Đường. Nghe tin Mai Hắc Đế có đến 15 vạn quân, Tiết Độ Sứ Quang Sở Khách, người đứng đầu bộ máy chính quyền nhà Đường ở An Nam vô cùng khiếp sợ, nói với Đại Tư mã Đặng Thiều Bằng:
-Tướng quân đem 4 vạn quân ra ngoài thành nghênh chiến, bản Tiết độ sứ sẽ đem 2 vạn quân ra tiếp ứng sau.
Đại Tư mã Đặng Thiều Bằng đáp:
-Mạt tướng tuân lệnh
Đặng Thiều Bằng đem 4 vạn quân ra cách thành Tống Bình một dặm dàn trận. Trong khi Đặng Thiều Bằng đem quân ra ngoài thành thì Tiết Độ sứ Quang Sở Khách ở lại gói ghém hành lý tư trang, vàng, bạc, ngọc ngà châu báu rồi cùng vài tùy tùng mở cổng thành chạy về phương Bắc. Hắn tự khen mình thật khôn ngoan sáng suốt vì đã cho vợ con thế thiếp chạy về Trung Quốc cách đây nửa tháng.
Mai Hắc Đế khi tiến vào thành Tống Bình gặp quân Đường dàn trận hình chữ nhất nghênh chiến, bèn dàn quân theo hình cánh cung. Trong tiếng chiêng trống vang lừng tinh kỳ phấp phới, Đặng Thiều Bằng quát to:
-Ai ra bắt bọn phản tặc cho ta?
-Có mạt tướng
Một tướng cưỡi ngựa nâu, người cao lớn mặc áo chiến bào đen, áo giáp đen múa đại đao phóng ngựa lao ra, nhìn kỹ thì là tiểu tướng Ngụy Hãn. Bên quân Việt Đại tướng tiên phong Thôi Thặng múa giao lớn xông ra, hai ngựa xáp nhau, đại đao chạm đao lớn tóe lửa. Được 10 hiệp, Thôi Thặng đưa một dao qua cổ, đầu Ngụy Hãn rơi xuống đất. Mai Hắc Đế trỏ kiếm ra lệnh cho quân Việt xông lên, Vì quân đông lại dàn trận vòng cung nên quân Việt vây bọc quân Đường vào giữa rồi ra sức chém giết. Quân Đường núng thế nhưng không thể chạy thoát vào thành. Một cuộc chém giết giáp lá cà trong chiến tranh Đường- Việt khủng khiếp diễn ra. Thây đổ chồng chất, máu phun lên trời và đổ xuống đất như suối. Hai canh giờ giáp chiến, 3 vạn quân Đường bị nát như thịt băm, máu ngập chiến trường. Số còn lại trong đám loạn quân vội buông vũ khí quỳ lạy đầu hàng. Đại Tư mã Đặng Thiều Bằng và các tiểu tướng đều tử trận. Mai Hắc Đế ra lệnh:
-Những lính nhà Đường đầu hàng không được giết.
Quân Việt tiến đến thành Tống Bình. Tên trên thành bắn xuống như mưa. Quân Việt cũng bắn lên áp đảo. Mai Hắc Đế cho người giơ cao thủ cấp của Đại Tư mã Đặng Thiều Bằng cho quân trên thành thấy và kêu gọi đầu hàng sẽ tha chết. Quân Đường đã đầu hàng được tha chết cũng kêu gọi quân trên thành. Quân Đường hoảng sợ đi tìm Thứ sử Quang Sở Khách. Mấy người lính nói:
-Tiết Độ Sứ đã bỏ thành chạy lên phương Bắc từ sớm rồi.
-Thế thì chúng ta đầu hàng để bảo toàn tính mạng.
Khi đó quân Đường mới mở cổng thành, quân Việt tràn vào tiếp quản. Với hàng binh của nhà Đường thì chu cấp cho quần áo, lương ăn để họ về Trung Quốc. Đó là tháng tư năm 714, đế hiệu Mai Hắc Đế năm thứ nhất
Tin tức quân Mai Hắc Đế chiến thắng giải phóng Ái Châu, Giao Châu, Tống Bình lan ra làm chấn động toàn bộ An Nam Đô Hộ Phủ. Quan chức người Hán trong bộ máy chính quyền châu, huyện đều bỏ chạy về Trung Quốc, hoặc có ở lại thì trao lại chính quyền cho các hào trưởng người Việt.
Sau chiến thắng, ngay trong Đại sảnh Tiết độ sứ ở Tống Bình, Mai Hắc Đế thiết triều và Khẩu dụ:
- Nay Cử Đại Tướng Phùng Hạp Khanh là Tổng trấn Phong Châu, lập tức đem 1 vạn quân giải phóng Phong Châu, cử Đại tướng Cam Hề là Tổng trấn Luy Lâu, ngay lập tức đem 1 vạn quân giải phóng Vũ Ninh và Lạng Châu, cử Đại tướng Bộ Tân là tổng Trấn Lục Châu, đem 1 vạn quân giải phóng Lục châu, cử Mai Bảo Sơn là Tống trấn Giao Châu, đem 1 vạn quân giải phóng Giao Châu, cử Ngọc Chân công chúa Mai Thị Câu làm Tổng trấn Hồng Châu, phong đại tướng Hoàng tử Mai Kỳ Sơn làm phó Tổng trấn Hồng Châu, phụ tá cho công chúa Ngân Châu, đem 1 vạn quân đi giải phóng Hồng Châu, phong Đại tướng cung phi Phạm Thị Uyển làm Đại Thần kiêm Thị lang phụ trách quân cơ.
-Vì có công lao liên minh với quân Việt lật đỏ ách thống trị của nhà Đường, nay phong Chu Hưng và Tham Ninh chức Đại thần lưỡng quốc Đại tướng quân.
- Các quan chức người Hán từ châu, huỵện đã bỏ chạy hoặc ở lại đều phải thay thế bằng quan lại người Việt. Các quan chức người Việt từ hương, xã, thôn nếu muốn phục vụ cho chính quyền mới mà thanh liêm đều được giữ nguyên chức vụ. Các Đại thần Thị lang phụ trách tổ chức chính quyền phải nhanh chóng tổng hợp và trình lên cho trẫm quyết trong năm nay. -Nay giao cho các đại tướng xét công lao của các tùy tướng và các chiến sĩ, chu cấp ruộng đất cho gia đình quân nhân sinh sống, những liệt sĩ đã hy sinh trong các trận đánh, cha mẹ vợ con được chu cấp tiền bạc và ruộng đất. Đại tướng các đơn vị, các Thị lang nội chính Đại thần phải nhanh chóng tổng hợp, định chế độ trình cho trẫm quyết ngay trong năm nay, không được chậm trễ.
- Nay đại xá thiên hạ và miễn tô thuế cho bách tính trong hai năm.
Khâm thử.”
Chúng thần xin tuân chỉ. Đa tạ Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn vạn tuế.
Sau đó, tuân theo chỉ dụ, các tướng thống lĩnh các đạo quân của mình tiến về các châu đã được phân nhiệm, giải phóng và sau đó trấn trị, thực hiện những chủ trương của triều đình Vạn An để dân an cư, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống no ấm yên vui.
Sau chiến thắng, Mai Hắc Đế xây dựng đất nước và củng cố phát triển mọi mặt về kinh tế, hành chính, quân sự và văn hóa. Chọn những tướng lĩnh trung thành, tài năng làm Tổng trấn 12 châu. Để làm thế hỗ trợ cho Tống Bình, Giao Châu và Vạn An, Mai Hắc Đế cho Ngọc Chân công chúa Mai Thị Câu lấy chồng ở vùng Điều Yêu, Hồng Châu, Hoàng Tử Mai Kỳ Sơn cũng lấy vợ ở Hồng Châu. Họ Phùng của Phùng Hạp Khanh và họ Phạm của cung phi Phạm Thị Uyển ở Đường Lâm Phong Châu cũng là một thế tạo sức mạnh cho Giao Châu và Tống Bình. Mai Hắc Đế không dời Kinh Đô ra Tống Bình mà vẫn chọn kinh đô Vạn An cũng là do lý do phòng thủ, chống lại cuộc phản công của nhà Đường có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Trong 10 năm giải phóng, kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán được phục hồi phát triển, giao thông mở mang, giảm nhẹ thuế má cho dân, xã hội thanh bình, bách tính no ấm, đời sống yên vui.
Trong khi An Nam Đô hộ phủ, thuộc địa nhà Đường nổi dậy giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Mai Hắc Đế thì Triều đình của Đường Huyền Tông vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của những cuộc đấu tranh giành quyền lực sau cái chết của Đường Cao Tông Lý Trị.
Nhà Đường do Đường Cao Tổ Lý Uyên sáng lập sau khi khi lật đổ nhà Tùy năm 618. Tiếp đến Đường Thái Tông Lý Thế Dân kế vị. Sau khi Đường Thái Tông mất, năm 649, Đường Cao Tông Lý Trị kế vị. Do Lý Trị Đường Cao Tông bạc nhược, năm 656 Võ Hậu đã nắm quyền lực tối cao nhà Đường. Sau khi Đường Cao Tông mất, Võ Hậu đã phế truất ngôi vị của Đường Trung Tông Lý Hiển, phế truất Đường Duệ Tông Lý Đán năm 690 và Võ Hậu chính thức lên ngôi hoàng đế, đế hiệu là Võ Tắc Thiên, đổi Quốc hiệu Đường ra Chu, dời kinh đô từ Trường An đến Lạc Dương. Năm 705, các đại thần phát động chính biến lật đổ Võ Tắc Thiên, khôi phục lại ngai vàng cho Đường Duệ Tông Lý Đán. Năm 712, Đường Dụê Tông nhường ngôi cho Thái tử Lý Long Cơ, đế hiệu Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng 712-756). Thời Đường Huyền Tông chính là thời quật khởi của An Nam Đô hộ Phủ, Mai Thúc Loan xưng đế mà Đường Huyền Tông không thể cất quân đàn áp vì còn bận dẹp loạn của bè đảng Võ Tắc Thiên như Võ Tam Tư và Thái Bình công chúa. Sau khi đã chấn chỉnh bộ máy nhà nước, ổn định tình hình chính trị, xã hội, Đường Huyền Tông mới có thời gian bàn về An Nam Đô hộ phủ. Trong một buổi thiết triều, Đường Huyền Tông nói:
-Xứ An Nam đô hộ phủ xa xôi nhưng là thuộc địa của Trung Nguyên Đại Đường ta, nhưng 10 năm nay Mai Thúc Loan xưng đế, đuổi Tiết Độ Sứ Quang Sở Khách chạy về Trường An. Do công việc nội tình của triều đình, ta không thể cử binh chinh phạt. Nay tình hình cho phép cử binh bình định An Nam. Các Khanh hãy tiến cử cho ta một tướng tài giỏi về quân sự khả dĩ mang lại chiến thắng, thu An Nam đô hộ phủ về lại với triều đình.
(Còn nữa)
CVL