Trường ca Sa mộc và thông điệp về giá trị bất biến

Nhà thơ Ngô Đức Hành

08/05/2021 09:15

Theo dõi trên

Phạm Vân Anh qua hình tượng cây sa mộc cứng cỏi, uy dũng nơi núi rừng biên cương làm biểu tượng cho lực lượng Bộ đội Biên phòng. Hay nói cách khác, đó là một hình ảnh ẩn dụ để ca ngợi những người lính biên phòng đang ngày đêm bảo vệ vững chắc biên cương, hải đảo; chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ quốc gia từ rừng tới biển.

nu-thi-si-1620483899.jpg

Nhà thơ Phạm Vân Anh nhận Giải thưởng văn học về biển đảo năm 2020
 

Nhà văn, thiếu tá Phạm Vân Anh là người đa tài. Vừa là nhà báo, nhà biên kịch điện ảnh của Bộ đội Biên phòng (tiền thân là Công an nhân dân vũ trang) vừa là nhà thơ và nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian. Khi mới 23 tuổi, chị ra mắt thi phẩm đầu tay "Tôi chào tôi" và đã đạt giải thưởng của Hội Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam. Các năm tiếp theo, chị lần lượt xuất bản các tập thơ “Mùa tình”, "Góc", truyện ngắn "Khúc quân hành lặng lẽ", "Ngón hoa", bút ký "Đường biên cương dệt mùa xuân", công trình nghiên cứu "Tam cúc điếm" và "Ca trù xứ Đông"...

Đặc biệt, năm 2016 chị xuất bản trường ca “Sa mộc”. Như vậy, “Sa mộc” có “tuổi đời” 5 năm. Trường ca này đã được trao giải Nhì cuộc vận động sáng tác về đề tài liệt sĩ và người có công năm 2017 và cuối năm 2020, trường ca này tiếp tục đạt giải Ba tác phẩm văn học viết về biên giới hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam.

Phạm Vân Anh qua hình tượng cây sa mộc cứng cỏi, uy dũng nơi núi rừng biên cương làm biểu tượng cho lực lượng Bộ đội Biên phòng. Hay nói cách khác, đó là một hình ảnh ẩn dụ để ca ngợi những người lính biên phòng đang ngày đêm bảo vệ vững chắc biên cương, hải đảo; chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ quốc gia từ rừng tới biển:“...Dặm dài miền dã sử/ Gặp những thân cây độc hành xẻ đá sinh sôi/ Vạm vỡ tiêu binh miền phên dậu/ Khảm trời xanh chí khí quật cường/ Sa mộc gom gió thành lời yêu khiến lòng núi, lòng người thôi khắc khoải” (Sa mộc)

Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Căm-pu-chia ở phía Tây; phía Đông giáp biển Đông. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, do sớm nhận thức vùng biên giới là "phên giậu", bờ cõi, tiền tiêu của Tổ quốc, là nơi địa đầu, hiểm yếu, có quan hệ sống còn đến an nguy và sự phát triển của đất nước, của dân tộc, nên bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia luôn được ông cha ta coi trọng không một phút lơ là, khinh suất.

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, gắn liền với giá trị độc lập tự do của dân tộc, đất nước, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nên cần phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã bố trí quân lính, đóng đồn, trại, tổ chức canh giữ trấn ải biên giới cẩn mật. Vua Lê Thái Tổ đặc biệt quan tâm đến "kế cửu an" cho xã tắc nơi biên giới và thường nhắc nhở con cháu "lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy"[1]. Về sau, vua Lê Thánh Tông đã căn dặn tướng sĩ: "Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được... Nếu người nào dám đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng[2].

nu-thi-si1-1620484048.jpg
Nhà thơ Phạm Vân Anh 

Từ cổ chí kim, từ các triều đại phong kiến đến nay, “một thước núi, một tấc sông” biên giới quốc gia thấm máu biết bao thế hệ, đặc biệt để bảo vệ biên giới phía Bắc và chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo. “Đất nơi này không thể mất/ Cho kẻ giành sông giật núi đã quen”; “Giặc đến đây mưa chuyển thành giông tố/ Nắng bạc nắng vàng hóa lò sấy thiên nhiên”, (Sa mộc).

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biên giới quốc gia là hết sức quan trọng. Người chỉ rõ “Miền núi chiếm hai phần ba tổng số diện tích nước ta... Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của nước ta[3]. Xuất phát từ ý nghĩa đó, Người nhấn mạnh đến việc bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ phên dậu nơi cửa ngõ: "Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước[4].

Phương lược nổi bật là coi "sức dân như nước" và lấy đó làm quốc sách để "phòng bị biên sự" lâu dài. An ninh biên giới thời nay, khác xưa, đã bao gồm một khái niệm rộng lớn; không chỉ là bảo vệ “cột mốc” mà còn đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu, nhất là buôn lậu ma túy các loại; buôn bán người; kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Lực lượng nòng cốt là ở mặt trận này là Bộ đội Biên phòng. Trong trường ca “Sa mộc”, hình ảnh người lính biên phòng được nhà thơ Phạm Vân Anh khắc họa: "...Con gặp lại tuổi bình minh trong lớp trẻ hôm nay/ Những mười chín đôi mươi, những non tơ khát vọng/ Quân hàm xanh/ Lấp lánh sao trời sau phiên gác/... Lũ chúng con/ Cầm mùa trăng đi qua phù sinh/ Cầm tuổi mình đi qua chiến tranh/ Lớn vội vàng cho thanh tân Tổ quốc/ Hát bài ca cánh võng/ Sa mộc treo vầng trăng khuyết tuổi giữa đêm rằm". (Sa mộc)

Trong ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang nay là Bộ đội biên phòng (3/3/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị "Công an và Bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và bên ngoài... là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành tốt được... Khi tổ chức được nhân dân thì việc gì cũng làm được"[5]. Nhân dân là chủ thể của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia, điều đó được khái lược qua những câu thơ: "...Trên dọc dài đất nước đã qua/ Núi uốn thang mây nhớ những đôi vai chung chiêng địu đá sỏi dựng cột cờ vạn thủa/...Nghìn năm trổ cửa hướng biên cương/ Mỗi nếp nhà một chồi canh đứng đợi/Đêm biên thùy ký thác hừng đông" (Sa mộc)

Đọc “Sa mộc” xúc động với tình cảm quân dân nơi biên cương. Hàng ngàn năm nay, cho đến hiện nay, bà con các dân tộc luôn sát cánh cùng người lính biên phòng, bọc đùm nhau qua biết bao nhiêu biến cố. “Mẹ nhìn trời biết nơi con trở rét/ Nén hương xa.../Không kịp ấm lạnh gần/ Chim Khảm Khá mổ hạt cườm lích chích/ Đậu rồi bay trên sương tuyết chốn con nằm”, (Sa mộc). Với người bính Biên phòng đã hy sinh, nằm lại biên cương thay “cột mốc” cho đến những người đang làm nhiệm vụ, người mẹ ở hậu phương và người mẹ các bản làng đều lo lắng, xa xót.

Biên giới, biên cương thì luôn gắn liền hình ảnh lính Biên phòng. Hình ảnh người lính trấn gác biên cương ấy, ngày nay được Phạm Vân Anh diễn đạt khái niệm này vừa hào tráng và bi hùng: “Lứa chúng con lớn vội lớn vàng/ Bỏ quên niên thiếu/ Quáng quàng ba lô, quáng quàng đạn pháo/ Tuổi quân chưa đầy năm đã ngược Cao Bằng, xuôi Thanh - Nghệ/ Ký ức biên cương dốc mắt chỉ rừng già…/ Lũ chúng con/ Cầm mùa trăng đi qua phù sinh/ Cầm tuổi mình đi qua chiến tranh/ Lớn vội lớn vàng cho thanh tân Tổ quốc”, (Sa mộc). Tổ quốc luôn “thanh tân” nhờ sự hy sinh ấy.

Lang thang miền dã sử/ Gọi ngàn năm mây bay/ Sa mộc đêm chốt lạnh/ Thức cùng non sông này”, đây là bốn câu thơ kết của trường ca Sa mộc. Người chiến sĩ biên phòng,  là cây sa mộc đã và đang thức cùng non sông yêu dấu. Họ đã và đang là trụ cột, cùng bà con các dân tộc đoàn kết tạo nên “rừng sa mộc”, tường thành bảo vệ Tổ quốc.

bo-doi-bien-phong-1620439888.jpg
Mỗi chiến sỹ biên phòng là 1 cây Sa mộc

Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành và giữ độc lập cho thấy, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một nền văn hóa giữ nước độc đáo, mang những giá trị, bản sắc riêng. Các giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam được biểu hiện dưới dạng thức vật thể và phi vật thể. Giá trị văn hóa giữ nước ở dạng vật thể, được biểu hiện ở cuộc sống và hoạt động rất phong phú đa dạng, được lưu giữ trong ý thức, tâm thức của dân tộc thông qua các di sản, di tích lịch sử, các hiện vật, di vật, bảo vật.. Giá trị văn hóa giữ nước ở dạng thức phi vật thể là những sáng tạo biểu hiện ở các di sản lý luận về truyền thống giữ nước độc đáo nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền, chống xâm lược, chống áp bức bóc lột.

Đọc “Sa mộc”, tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn năm nay của ông cha. Non sông bờ cõi Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược được đắp xây nên bằng xương máu của biết bao nhiêu thế hệ mà tươi đẹp như ngày hôm nay. Đặc biệt, đọc “Sa mộc” người đọc được sống trong một không gian văn hóa của người Kinh và bà con các dân tộc ít người trong cộng đồng người Việt. Truyền thống dựng nước, giữ nước đi vào sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, (dân tộc Mường), “Người Thái đánh giặc”, (người Thái), “Đam san, Xinh nhã” của người Bana, Ê đê...và biết bao sử tích truyền miệng khác. Văn hóa, theo nghĩa đó cũng là loại “sa mộc” phi vật thể bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia. Một quốc gia có thể bị xâm lăng, cũng chưa mất nước; nhưng văn hóa bị xâm lăng là mất tất cả.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh trong 1000 năm Bắc thuộc. Khi thực dân Pháp đến Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp tiến hành khai hóa trên nhiều phương diện. Để dễ bề cai trị, từ năm 1869 đến 1919, Pháp lần lượt ban hành các đạo luật G.Ohier, J.Lafont, Le Myre de Villers và Albert Sarraut nhằm “diệt Hán – Nôm, hưng Quốc ngữ”, nhằm tách dân chúng ra khỏi tầng lớp Nho sĩ, cô lập Đại Nam với các nước đồng văn và quan trọng nhất là “biến những đứa trẻ Annam trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng” (trích lời Toàn quyền Paul Bert 1886)[6].

Để viết nên “Sa mộc”, Phạm Vân Anh chắc hẳn mất rất nhiều năm tháng nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa các dân tộc anh em trải dài từ biên giới phía Nam, biên giới phía Tây và Tây Nam của đất nước: "...Đường núi sớm dạy ta thần thoại/ Chử Làu nắn đất khớp trời/ Chẩu Răng Dệt Pú đắp núi cao/ Chẩu Răng Dệt Phẳng đào khe sâu/ Chẩu Chục Chẩu Chao tạo nên nương rẫy/ Biết gọi ma Lô Lô cổ, ma Cờ-lao già/ Người sinh ra các hang, đẻ ra các động/... Đường rừng chiều dạy ta huyền tích/ Về quả bầu sinh ra người Xá, người Thái, người Lự, người Lào/ Vỏ bầu ít hóa người Dao, Mèo quản núi cao/ Cùi bầu vừa hóa người Tày, Nùng lo bình địa/ Hạt bầu nhiều thành người Kinh xuống khai khẩn đồng bằng/ Người Việt mình là cây chung gốc..." (Sa mộc)

Trong các dân tộc anh em, đều có văn hóa riêng về cội nguồn, ý thức và trách nhiệm bảo vệ buôn làng, biên cương kết tinh thành văn hóa dân gian, truyền miệng. Người Hà Nhì, địa bàn cư trú chủ yếu ở Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai có lời nguyện khi chết đi được trở thành cột mốc ngăn quân thù xâm chiếm quê hương. Ông Trời hiển linh biến linh hồn người Hà Nhì trở thành những cây mộc miên biên giới, khi quân thù đến những bông hoa đỏ tươi rụng xuống làm kẻ thù khiếp sợ.

Truyền thống dựng nước, giữ nước nói chung và giữ biên cương nói riêng đi ra từ huyền sử về ông Đùng, bà Đà...thấm đẫm vào ngọn nguồn từng dòng sông, núi đá điệp trùng, từng loài hoa cỏ biên cương, từng mái nhà đắp bằng đất đá Tổ tiên, trở thành sức mạnh cội nguồn, truyền thống Lạc Hồng, Thánh Gióng... Phạm Vân Anh, với tư cách tác giả trường ca, quá trình tìm hiểu cũng rưng rức xúc động: “Miền dã sử tôi qua/ Vùng đất Tổ bao sắc dân thiểu số/ Vầng trán mẹ hoài chứa ngàn huyền thoại/ Chia vào tôi tình cảm mến thương/ Tặng cho tôi món quà tri thức bản địa/ Bền bỉ chảy trong huyết quản nhân sinh/ Thêm hiểu thêm yêu/ Thêm hành trang những góc tâm hồn Việt”, (Sa mộc).

Có thể thấy, “Sa mộc” của Phạm Vân Anh là một thông điệp lớn trong “bữa tiệchội nhập hiện nay, khi mà không ít người đã bị “vong quốc” về văn hóa ngay trên quê hương, Tổ quốc mình.

***

Trường ca là loại hình văn học có bốn đặc điểm cơ bản: được viết bằng thơ; nội dung lớn, chia thành nhiều phần; chất trữ tình lấn át chất tự sự; cảm hứng ngợi ca trở thành điểm tựa chủ đạo và nhất thiết phải có nhạc điệu...Đọc “Sa mộc” của Phạm Vân Anh thấy rõ hơn chất trữ tình, cảm hứng ngợi ca và tư tưởng của tác phẩm được “thơ hóa” đầy thơ và âm nhạc.

Trường ca “Sa mộc” gồm 7 chương, gần 1.000 câu thơ. Chương I “Sa mộc” có tên “Miền biên dã” gồm 115 câu thơ, trong đó câu thơ những đoạn câu thơ ngắn giữa những câu thơ dài. Chương này chị sử dụng đến 21 tích trong huyền sử, sử thi của các dân tộc anh em như Kinh, Thổ, Mông...(phía Bắc), Pà Thẻn, Vân Kiều, Ba na, Ê đê, Xu đăng, Khơ me...(Tây Nguyên và Nam bộ). Việc sử dụng câu thơ ngắn, xen dài có cảm giác nghe được bước chân của ngựa dọc biên ải, thấy được điệp trùng của núi rừng...Đặc biệt, sự phong phú, nhiều tầng của văn hóa. Mở đầu trường ca, Phạm Vân Anh sử dụng “Ông Đếm cát, ông Tát bể, ông Kể sao, ông Đào sông, ông Xây rú..”, tức là “Thần trụ trời”, vốn là một tác phẩm văn học dân gian, thần thoại của người Việt cổ. Chị đã khéo léo dẫn dụ sự tò mò, khám phá thế giới và sự sáng tạo giải thích những điều mà ngay người sống trên đất nước chưa chắc đã biết. Đó là sự khéo léo, nghệ thuật của “câu chuyện” về sa mộc mà chị đang muốn tự sự, kể chuyện và khẳng định: Sa mộc hiện diện như một tất yếu, sa mộc có linh hồn. Sa mộc tồn tại cùng đa dạng, vật thể và phi vật thể.

...

Không sa mộc chốn này

Ta cô đơn hơn sỏi

Thèm một bóng cây vẫy gọi đỉnh trời

 

Chương II “Ký thác” gồm 97 câu thơ, nhiều câu thơ dài, được ngắt nhịp thành nhiều câu nhưng âm hưởng liên tục. Có thể coi chương này là xương sống của trường ca. Từ trong huyền sử non sông Việt Nam đã là “Nơi sinh ra những ông Đùng quen muối mặn gừng cay / mười ngón chân víu biên thùy vững chãi, /         vót gậy tầm vông kháng chiến trường kì / Những bà Đà da nâu tảo tần đất núi dẻo dai / đôi mắt quả sim tím cả triền đồi, / đằm thắm ủ đứa con xứ sở”. Trong lịch sử là con dân Việt Nam, ai không tự hào với những chiến công hiển hách của Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung...Họ cũng là những vị Hoàng đế, vị Vua trong lịch sử đau đáu vì từng tấc đất, tấc núi, tấc sông của đất nước. “Sông máu nào chẳng huyết tin tiên tổ/ Thịt da nào chẳng cốt nhục mẹ cha”, (Sa mộc).

Đây là một chương giàu cảm xúc. Những người dân trên mảnh đất này đã đổ máu vì giang sơn, xã tắc nhưng họ quá đỗi đáng yêu. Phạm Vân Anh đã khéo léo sử dựng những câu hò, tiếng gọi dân dã làm sinh động thêm nhịp cảm của chương II.

Chương III “Thang trời” gồm 101 câu thơ, trong đó có 28 câu thơ liên tục 5 chữ/câu, theo nhịp đồng dao. Đây là chương tác giả “hóa thân” vào cây sa mộc, khẳng định một sứ mệnh “thang trời”: “Hiểu lòng người/ Cây dóng diết vươn cao tìm nguồn sáng/ Lau nghìn năm trắng/ Sa mộc nghìn năm xanh” và “Sa mộc bắc thang trời/ Sương neo từng dải ngọc/ Chim rúc gọi nhau về”, (Sa mộc).

Chương IV “Mưa giêng hai” gồm 153 câu thơ. Đây là chương của cuộc đối thoại thiêng liêng giữa người linh hồn người lính biên phòng với người mẹ của mình. Tại sao Phạm Vân Anh lại đặt tên “Mưa giêng hai”? Có thể “giêng hai” với Tây Nguyên bắt đầu mùa mưa, nhưng cũng có thể “giêng hai” – sau Tết nguyên đán là mùa người lính nhập ngũ? Không, Phạm Vân Anh dành trọn chương này vì những vết thương nhức buốt không chỉ của những gia đình có liệt sỹ, những thương binh mà cả dân tộc này qua cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngày 17/2 hàng năm, chắc hẳn không, người dân Việt Nam không bao giờ quên sự kiện bi thương này. Những người lính Biên phòng không ai quên liệt sỹ Công an vũ trang Lê Đình Chinh là người đầu tiên ngã xuống ở biên giới phía Bắc. Biết bao liệt sỹ đã ngã xuống dọc biên giới phía Bắc, linh hồn các anh, các chị hiển linh vào sa mộc, vào vách núi lặng thầm... tiếp tục làm “người lính” bảo vệ Tổ quốc

Theo nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh: “Đánh giá thơ, tôi thường chú ý đến ba yếu tố: cảm xúc, lao động chữ nghĩa và chất triết lí. Cảm xúc hình thành nên sự mượt mà, những cơn rung chấn, sự thăng hoa của khoái cảm, tuy nhiên, ngoài cảm xúc, cần có sự tham gia của lí trí, va động của từ ngữ, có như vậy, thơ mới tạo ra được tiếng vang, ám ảnh và hấp dụ[7]. “Mùa giêng hai” tạo ra nhiều rung chấn, giữa hai chiều cảm xúc mẹ nhớ con, lo cho con và ngược lại.

Giữa miền cảm đó, nhà văn Phạm Vân Anh có những thi ảnh đẹp, giàu chất suy tưởng, “lũ chúng con/ từng mảnh đêm/ hòa vào vào ánh sáng”; “Mưa giêng hai/ rót vào con một miền thơ bé”... “Con ước mùa này cơn bấc bớt hanh hao/ Mẹ đỡ lạc triền sông đo bước gió”. Nhiều câu thơ hay trong “nhịp hải hà” và “ngân ngấn phù sa”. Và, nó kết tinh thành biện chứng của lịch sử:

...

Hồn nước dọc miền lau trắng

Quốc kỳ lộng gió biên cương

(Chương IV)

Chương V “Gối lên ban mai” gồm 79 câu thơ; Chương VI “Mở núi” gồm 85 câu thơ; Chương VII “Thức cùng non sông” gồm 150 câu thơ. Bảy chương của “Sa mộc” là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; sự nhắc nhở của quá khứ đối với hiện tại; ngược lại là lời thề son sắt của hiện tại với quá khứ về trách nhiệm với tương lai. Phạm Vân Anh đã sự thành công tạo nên biên độ, không gian rung cảm rộng lớn. Riêng ba chương V, VI, VII nó là sự xác tín về trách nhiệm của quân và dân đối với sự trao lại của lịch sử. Khi mà quá khứ đã từng trả giá “Cả tin đường dài có người đỡ gánh/ cả tin góc bể em ngã anh nâng”, bài học lịch sử làm cho “Những buổi chiều thành dấu hỏi”, (Chương V).

Biên cương trong trường ca “Sa mộc” của Phạm Vân Anh thật đẹp, con người biên cương khí phách không khác gì sa mộc vươn thẳng từ đất, hiên ngang giữa trời. Nhưng cũng rất đỗi bình yên, thân thiện, hữu nghị: "...Những ngôi nhà lẫn vào bông cỏ mật/ Vệt hoàng hôn treo đầu đá trập trùng/ Nơi biên dã có cần chi sổ đỏ/ Vỡ ra điều giản dị/ Họ lặng thầm giữ sổ quê hương" (Sa mộc)

Sổ đỏ” với cư dân đô thị là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã và đang mang lại giàu có cho giới buôn bán bất động sản trong cơn lốc “tiền” hiện nay. “Sổ đỏ” trong “Sa mộc” là thi ảnh, thông điệp về tư tưởng. Không chỉ sa mộc là ẩn dụ của hình ảnh người lính Biên phòng; tác phẩm “Sa mộc” ẩn dụ cho tư tưởng của tác phẩm. Trong tác phẩm này người đọc còn phát hiện ra vô vàn thi ảnh ẩn dụ của một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Biên cương trong “Sa mộc” vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, đẹp đến nao lòng qua cảm xúc thơ của Phạm Vân Anh.

Sa mộc” là một trường ca đậm chất sử thi, trữ tình. Trường ca có đầy đủ các loại hình ngôn ngữ kể chuyện, ngữ biểu cảm, đối thoại, ngữ phản tư: "... Ở nơi này tìm thấy một tình yêu/ Trong thế núi dáng sông/ Trong nhà dựng sát nhà, mái kề liền mái/ Trong vầng mặt trời ngày lại ngày giục con gà gáy sáng/ Trong con đường sắc đỏ trải mênh mông" (Sa mộc)

Sa mộc” giàu chất thơ, chiêm nghiệm suy tư, bước đầu đạt tới chiều triết luận. Là một nhà văn trẻ, nhưng qua “Sa mộc” Phạm Vân Anh thể hiện cây bút giàu nội lực và sung mãn cảm xúc. Với “Sa mộc” chị đã góp phần làm hấp dẫn thêm trường ca theo chiều hướng nội tâm hoá, đáp ứng đòi hỏi “nội dung hoành tráng và cảm xúc lớn lao” của văn học nghệ thuật cũng như kỳ vọng của bạn đọc đối với thể loại trường ca./.

                                                                   Hà nội, ngày 5 tháng 3 năm 2021 - NĐH


[1] PGS.TS. Cao Thanh Tân: Chiến lược biên cương của Lê Thái Tổ

[2] GS. Lê Văn Lan: Lời "dụ"truyền đời của vua Lê Thánh Tông

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, t.10, tr.608

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, t8, tr.151.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1985, t. 8, tr.381.

[6] Triều Anh: Những trang sử cuối cùng của chữ Hán Nôm. NXB Tổng Hợp Đồng Nai, năm 1999.

[7] Hoàng Thụy Anh: Hương Giang với thánh giá thơ.

Bạn đang đọc bài viết "Trường ca Sa mộc và thông điệp về giá trị bất biến" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn