Trở lại miền xưa: Tục chọc sàn xứ Thái

Trần Ngọc Lai  

23/02/2022 06:40

Theo dõi trên

Hôm nay trời lạnh giá lại nhớ đến cái ngày ở Tây Bắc những năm 60 của thế kể trước. Cũng cái rét như cắt ruột ngày nào, cái ngày mà lớp kỹ sư đầu tiên của Việt Nam từ trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội tỏa đi mọi miền đất nước.

Chúng tôi, nói là vậy, chứ thực chất chỉ có hai đứa, dắt díu nhau theo tầu hỏa vừa khôi phục lên Thị xã Yên Bái rồi tự ý mò mẫm cuốc bộ “lên miền Tây Bắc”. Cứ thế, vừa đi vừa nghỉ dọc đường, chân mỏi bụng đói cuối cùng rồi cũng đến được nơi cần đến.

Tây Bắc ngày ấy hoang sơ lắm. Nhìn đâu cũng thấy rừng là rừng. Đường lên Nghĩa Lộ, Vạn Yên chỉ là đường đá dăm xen lẫn đất đồi rộng không quá ba mét. Người đi bộ còn vất vả chứ xe ô tô thì nhiều chỗ không đủ chỗ tránh nhau. Người kinh thì hầu như chưa có, gặp được doanh trại lính đã rất mừng (vì có chỗ xin ăn) còn người dân tộc thì cũng quá thưa. Hầu hết dân ở đây còn chưa biết tiếng kinh.

tuc-choc-san-1645573128.png

Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet

 

Chúng tôi được bố trí ở nhờ nhà dân. Chủ nhà bố trí cho một gian sàn, ngày đi đo vẽ ngoài rừng, tối về quây quần quanh bếp lửa. Cơm đã có cấp dưỡng lo. Một đêm đã khuya, chúng tôi đứa đã ngủ say, đứa còn lơ mơ nhớ nhà thì giật mình bởi một tiếng va rất mạnh vào cột dưới gầm sàn cùng tiếng chân chạy đuổi nhau huỳnh huỵch cứ tưởng là có trộm. Sáng ra hỏi mới hay con gái nhà này bị một anh chàng si tình làm phiền “chọc sàn” suốt đêm đến mức ông bố không chịu nổi phải ra đòn!

Đó là lần đầu tiên tôi biết về tục này.

“Chọc sàn” là tục đã có lâu đời trong tộc Người Thái. Con trai con gái đến tuổi cập kê thường tìm đến nhau làm quen, kết bạn. Rồi từ đó qua nụ cười ánh mắt mà họ để ý đến nhau. Đến khi tình cảm nam nữ phát triển chuyển sang tình yêu thì yêu cầu gần gũi nhau cũng nhiều hơn. Tục chọc sàn sinh ra để thỏa mãn yêu cầu đó. Thường thì sau mùa thu hoạch là mùa con trai Thái đi chọc sàn tìm bạn tình. Để tỏ tình hiệu quả chàng trai thường mang theo nhạc cụ như đàn tính tẩu, sáo… Có chàng chỉ vặt lá làm kèn. Vào khoảng đã đêm khuya (từ mười một đến mười hai giờ) thì cuộc chơi thực sự bắt đầu. Chàng trai đến gần cửa sổ nhà cô gái vừa đàn vừa hát kể lể sự tình:

 Dậy nhé em, dậy đi nhé!

 Khuya rồi anh mới tới

 Dậy cất chiếu dựa phên nhé

 Dậy cất chăn màn lên sào nhé em ơi

 Dậy buộc tóc, dậy chải đầu

 Giấc ngủ không thay được mối tình đâu, em ơi!

Hay là:

 Dậy đi em, dậy đi em ơi!

 Ra đầu sàn để ngắm trăng lên

 Ra đầu sàn để ngắm sao nhấp nhánh

 Đi uyển chuyển mang ghế ngồi chung…

Sau những giãi bày tâm tình qua câu hát, điệu đàn chàng trai liền tìm đến vị trí đệm nằm của người con gái. Chàng dùng một khúc gậy ngắn chừng bốn năm mươi phân chọc nhẹ lên sàn. Nếu thuận lòng cô gái sẽ ra mở cửa cho chàng trai lên nhà nói chuyện. Không thiếu anh chàng hấp tấp chọc nhầm vào chỗ nằm của bố mẹ còn được nhắc nhở “ Chọc nhầm chỗ rồi cháu ơi!”. Ở người Thái vùng núi Nghệ An có tục khi nói chuyện còn cho phép được “ngủ thăm” – Cùng nằm chung màn của cô gái chuyện trò. Khi hai bên đã tâm đầu hợp ý rồi thì chàng trai đưa bố mẹ sang nói chuyện và xin cưới. Trong thời gian năm bữa nửa tháng chờ cưới chàng trai sẽ ở lại nhà vợ như một dạng rể “tập sự”. Chỉ sau lễ cưới họ mới chính thức được phép làm vợ chồng. Rồi từ đó anh ta có nghĩa vụ phải ở rể nhà vợ từ ba đến sáu năm để trả ơn sinh thành dưỡng dục của Ải Êm (bố mẹ vợ) cho đến khi bố mẹ vợ đồng ý cho ra ở riêng mới được phép về lại nhà mình.

Khi được tự do chàng rể còn phải làm thêm một lễ cưới nữa để tạ ơn bố mẹ vợ và làng bản.

 Ngày nay xã hội đã có bước tiến rất xa nên tục này chỉ còn sót lại ở những vùng rất sâu, kinh tế còn thấp và đời sống còn khó khăn. Ngày nay chỉ lứa tuổi “Xưa nay hiếm” mới từng được hưởng thụ phong tục tốt đẹp này. Vả lại ở thời điện thoại thông minh ê hề thanh niên Thái không còn mất thì giờ tán tỉnh dài dòng như xưa nữa.

Đồng ý thì OK! Không thì BYE!

Chưa kể cái nạn ma túy siđa một thời hoành hành cũng làm cho tục này tự phải rút lui.

Chuyện làng quê   

Bạn đang đọc bài viết "Trở lại miền xưa: Tục chọc sàn xứ Thái" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn