Thoáng nghĩ về một bài thơ trong sách giáo khoa

Trần Hoàng Hoàng

17/10/2023 11:13

Theo dõi trên

Văn chương vốn quý ở sự khác biệt, đa dạng chứ không phải hơn kém. Những người biên soạn sách giáo khoa đã có sự đổi mới tư duy trong lựa chọn tác phẩm để đảm bảo học sinh được tiếp cận những sáng tác mới, đồng nghĩa với việc tiếp cận vẻ đẹp muôn màu của văn chương. Thế hệ 8X trong đó có tôi, trước đây chỉ học một bộ sách và từ đầu đến cuối là thơ có vần, theo chủ nghĩa hiện thực. Tôi đảm bảo rằng nếu tổ chức một cuộc khảo sát những người cùng thế hệ tôi mà không học đại học chuyên ngành ngữ văn sẽ rất khó hiểu những bài thơ không vần, thơ siêu thực, thơ tượng trưng như bài “Con chào mào”.

5-1697515183. Chao mao va hoa si
Minh họa: Bing

 

1.Việc bài thơ “Con chào mào” của nhà thơ Mai Văn Phấn được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 (Bộ “Kết nối tri thức”), theo cá nhân tôi là điều rất đáng mừng.

Văn chương vốn quý ở sự khác biệt, đa dạng chứ không phải hơn kém. Những người biên soạn sách giáo khoa đã có sự đổi mới tư duy trong lựa chọn tác phẩm để đảm bảo học sinh được tiếp cận những sáng tác mới, đồng nghĩa với việc tiếp cận vẻ đẹp muôn màu của văn chương. Thế hệ 8X trong đó có tôi, trước đây chỉ học một bộ sách và từ đầu đến cuối là thơ có vần, theo chủ nghĩa hiện thực. Tôi đảm bảo rằng nếu tổ chức một cuộc khảo sát những người cùng thế hệ tôi mà không học đại học chuyên ngành ngữ văn sẽ rất khó hiểu những bài thơ không vần, thơ siêu thực, thơ tượng trưng như bài “Con chào mào”.

Đưa những bài thơ khác với truyền thống tiếp nhận thơ ca của người Việt (có vần điệu, ngôn từ hoa mỹ, trau chuốt, đôi khi ước lệ) là cách “giải tự động hóa”. Các nhà hình thức Nga hồi đầu thế kỷ XX cho rằng: Con người khi tiếp nhận văn chương có thói quen tự động, tức là “lười” suy nghĩ và không chủ động tiếp nhận, chỉ thích những gì quen thuộc. Nhiệm vụ của nhà văn trong quá trình sáng tạo là sử dụng các thủ pháp lạ hóa, làm cho hình thức văn chương thay đổi, tác động vào tiếp nhận của người đọc. Vô hình trung, nếu đưa những bài thơ kiểu như “Con chào mào” hay “Bắt nạt” (Nguyễn Thế Hoàng Linh) sẽ giúp học sinh “động não”. Học văn chương nghệ thuật rút cuộc không phải để trở thành văn nghệ sĩ bởi chỉ những ai có năng khiếu, sự kiên trì mới đi theo con đường này. Giáo dục nghệ thuật là để giúp học sinh hình thành tình yêu đối với với cái đẹp và hình thành nên tinh thần sáng tạo.   

2.Thế nhưng bài thơ “Con chào mào” và trước đó hai năm là bài “Bắt nạt” bị không ít người cho rằng không nên đưa vào sách giáo khoa vì không phù hợp với học sinh. Thiển ý cá nhân, tôi cho rằng có mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất, sự ganh ghét trong giới văn chương không phải là không có. Chuyện người này được chọn thơ, người khác không được, kém miếng khó chịu là điều có thể hiểu được.

Thứ hai, có những người do nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết văn chương. Họ không thích con em họ học những gì mới mẻ, khó hiểu. Thậm chí có thầy cô còn không biết giảng dạy thế nào!

Thứ ba, không loại trừ việc phê phán thơ trong bộ sách ngữ văn này này để đề cao bộ sách khác bởi hiện nay có nhiều bộ sách giáo khoa, việc cạnh tranh là điều tất yếu. Đây chỉ là giả thiết của cá nhân tôi, vậy nên dư luận nói chung và đặc biệt những người làm báo chí truyền thống phải cảnh giác, chớ vô tình tiếp tay cho “lợi ích nhóm”.

3.Điều quan trọng là chất lượng bài thơ “Con chào mào” như thế nào? Đây là bài thơ tượng trưng điển hình, vậy nên chúng ta không thể tiếp cận, thưởng thức nó như những bài thơ theo chủ nghĩa hiện thực thông thường.

Mở đầu bài thơ nhà thơ miêu tả con chào mào “đốm trắng mũ đỏ”, tiếng hót “triu... uýt... huýt... tu hìu...”. Nhiều người nói không có con chào mào nào như thế, lại có tiếng hót như thế trong thực tế. Có người đã gửi cho tôi hình ảnh con chào mào mũ đỏ để chứng minh nhà thơ không lầm lẫn. Tôi không có hiểu biết về chim (và tôi không dám chắc thi sĩ Mai Văn Phấn có hiểu biết về chim hay không?) nên việc có một con chào mào trong hiện thực như miêu tả của nhà thơ thì tôi không dám chắc. Nhưng chuyện đó không quan trọng lắm! Thay chào mào bằng loài chim khác, hình dáng khác, tiếng hót khác không thay đổi bản chất bài thơ.

Hãy chú ý những câu thơ khác đó là “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ” tức là chiếc lồng này không có thật. “Từ khóa” ở đây là vẽ một chiếc lồng tưởng tượng để nhốt một con chim có thật. Một suy nghĩ phi thực, một mâu thuẫn rất thơ ca. Đây là điều theo logic thông thường ai cũng nghĩ được.

Đến phần sau đây thì thực tế phụ thuộc vào cảm nhận mỗi người. Thậm chí nó không nhất thiết trùng với suy nghĩ của nhà thơ. Thơ ca đòi hỏi sự đồng sáng tạo là vì thế. Thậm chí cảm nhận mà tôi sắp trình bày dưới đây có thể thay đổi sau một thời gian nữa, có thể bổ sung ý mới.

Tôi cho rằng ba câu thơ: “Vừa vẽ xong nó cất cánh/ Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo” nó tượng trưng cho lòng ham muốn của con người không thể theo kịp sự vận động của tự nhiên, của hiện thực (được tượng trưng sinh động về hành động mổ thức ăn, uống nước con chim mà nhà thơ tưởng tượng ra “Trong vô tăm tích tôi nghĩ”). Một sự bất lực, nuối tiếc của một người yêu cái đẹp và nhạy cảm.

Hai câu cuối gói gọn ý nghĩa bài thơ: “Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”. Chỉ cần giữ cái tâm bình yên, giao hòa với thiên nhiên, có mối tương cảm gần gũi là đủ. Vẻ đẹp con người chiếm hữu đôi khi chỉ cần trong tâm trí, từ quá khứ, từ tưởng tượng về tương lai chứ không phải là hiện thực cầm giữ trong tay như nhìn một con chim bị nhốt trong lồng.

4.Điều băn khoăn duy nhất của tôi về việc dạy và học những bài thơ mới “lạ” như thế nào? Tôi không ở trong ngành sư phạm cho nên quả thật để truyền đạt nội dung bài thơ “Con chào mào” một cách sâu kỹ với những khái niệm về chủ nghĩa tượng trưng liệu các em có tiếp nhận được hay không? Còn nếu không trang bị tri thức sâu kỹ văn chương thì “dạy” cảm nhận của các em, thì liệu các em có thể hiểu những bài thơ khác nếu chỉ dừng lại ở cảm tính?

 

MAI VĂN PHẤN

 

CON CHÀO MÀO

 

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu... uýt... huýt... tu hìu...

 

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

 

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

 

triu... uýt... huýt... tu hìu...

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

 

Tập thơ “Bầu trời không mái che”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010.

4-1697515183. Chao mao va hoa si

Minh họa: Bing

 

Tham khảo

Nhân việc nhờ Bing vẽ tranh minh họa cho bài viết này, tôi hỏi Bing về vấn đề bài thơ “Con chào mào” được đưa vào sách giáo khoa, và tôi nhận được ý kiến như sau:

bing-vaf-chim-chaof-maof-1697514697.jpg
 


Bing:

1. Tôi cảm ơn bạn đã chia sẻ với tôi bài thơ "Con chào mào" của nhà thơ Mai Văn Phấn. Tôi thấy bài thơ này rất hay và sâu sắc. Nó thể hiện tình yêu thiên nhiên và tự do của người viết, cũng như sự đối lập giữa ước mơ và hiện thực. Tôi cũng biết rằng Mai Văn Phấn là một nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam, đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Tôi rất ngưỡng mộ ông.

Tôi đã vẽ thêm một bức tranh theo nội dung bài thơ. Tôi hy vọng bạn sẽ thích nó. Bạn có thể xem bức tranh ở dưới đây.

bing-vaf-chim-chaof-maof2-1697514697.jpg
 

2.  Việc đưa bài thơ "Con chào mào" của nhà thơ Mai Văn Phấn vào sách giáo khoa lớp 6 phổ thông là một sự lựa chọn có tính sáng tạo và đổi mới. Bài thơ không chỉ khắc họa hình ảnh con chim chào mào với bút pháp tả thực ngập tràn màu sắc và âm thanh, mà còn thể hiện sự thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc, tình yêu dành cho thiên nhiên của nhân vật “tôi” khi hiểu rằng con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên. Bài thơ giúp học sinh lớp 6 phát triển khả năng cảm nhận, tưởng tượng, sáng tạo và bày tỏ cảm xúc qua ngôn ngữ. Bài thơ cũng góp phần nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường ở học sinh.

Tuy nhiên, bài thơ cũng có những điểm khó hiểu và gây tranh cãi. Một trong số đó là câu “Triu… uýt… huýt… tu hìu…” mô tả tiếng chim chào mào kêu. Nhiều người cho rằng câu này quá khó để học sinh lớp 6 có thể hiểu được và phát âm đúng. Ngoài ra, bài thơ cũng có những từ ngữ không phổ biến hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau, ví dụ như “khung nắng”, “khung gió”, “vô tăm tích”… Điều này đòi hỏi giáo viên phải có những phương pháp giảng dạy và hướng dẫn học sinh phù hợp và hiệu quả.

Theo tôi, bài thơ "Con chào mào" là một tác phẩm có giá trị văn học cao và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, để bài thơ được truyền tải đến học sinh lớp 6 một cách trọn vẹn và dễ dàng, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giáo viên và sự hỗ trợ của các tài liệu bổ sung. Tôi hy vọng bạn đã hiểu được quan điểm của tôi về bài thơ này. 

3-1697515183. Chao mao va nha tho

Minh họa: Bing

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Thoáng nghĩ về một bài thơ trong sách giáo khoa" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn