Tem lương thực và bánh mỳ mậu dịch

Trần Minh Hải

08/10/2021 09:57

Theo dõi trên

Trước năm 1976 trở về trước, ai còn nhớ đồng tiền Việt Nam chúng ta có mệnh giá thấp nhưng lại có giá trị, chi tiêu tới đồng xu, kế toán đến tận đồng chinh. Cùng với tiền còn có sổ gạo tem lương thực và phiếu mua hàng thiết yếu. Dễ hiểu vì toàn dân thắt lưng buộc bụng giành thống nhất đất nước trường kỳ.

240516619-1126110221130343-5891060373851891665-n-1633661219.jpg

Một thời gian khổ, cả một xã hội chỉ mong được no bụng qua từng ngày, không phét! Một thời quá thương, nếu không trong cuộc, ko viết thì lớp người trẻ tuổi không hình dung nổi cuộc sống ngày xưa, ông bà, cha mẹ đã chịu đựng. Ấn tượng một thời về sử dụng tem gạo và bánh mỳ đổi tem không bao giờ quên trong tâm trí của tôi. Giời đày tôi đi lính lúc trẻ thì hay phải đi công tác lẻ. Một thời ra quân lăn như bi ve đi làm ăn tứ xứ tất lẽ dĩ ngẫu đều “ăn cơm mòn bát thiên hạ” phải giắt lưng tem lương thực, nên có chuyện mà biên ra đây:

- Tiêu chuẩn lương thực, ông nhà nước đã có quyết định và bảng biểu cụ thể cho từng đối tượng ngành nghề được hưởng mua theo sổ gạo trong xã hội, ít khi thay đổi. Định lượng này, nhà nước chỉ tính cho 2 bữa chính trong ngày (nhịn ăn sáng) cho người lao động có việc làm, có hộ khẩu thành phố. Công nhân có thể 24, bộ đội ngoài miền bắc 20/5 kg/tháng, trẻ con theo từng độ tuổi... không biên cụ thể sợ sẽ dài bài. Gián tiếp là đối tượng hưởng tiêu chuẩn thấp nhất 13,5 kg/tháng. Tại sao tem lương thực lại là 225gr mà không phải là 200gr hay 250gr. Đi công tác mà không có tem gạo thì không biết ăn ở đâu, thời đó nhà nước quản lý lương thực, không có ầng ậc các quán cơm như bây giờ. Chiếc tem lương thực 225g là một bữa ăn của cán bộ đi công tác hoặc đổi được một chiếc bánh mì cho một bữa ăn, vừa đúng định lượng một ổ bánh mỳ (nếu thả sức ăn chắc phải 3 cái mới đủ no bụng). Tôi làm phép tính lấy 13.500 gr (tức là 13,5 kg) chia cho 225 gr thì được đáp số là 60, con số 60 bữa ăn của một người trong một tháng, nếu tháng có 31 ngày phải tự xử không thì móm.

- Tem lương thực bộ đội chỉ có loại từ 250gram trở lên, không có loại 225 gram như tem dân sự. Tem dân sự vì thế có loại 25 gram để trả lại, kiểu như tiền xu nhưng loại này rất hiếm. Đây cũng là kẽ hở để các cô MDV ở các cửa hàng ăn uống quỵt của lính với lý do “không có tem lẻ trả lại”. Được cái tốt là lính đi tranh thủ qua HN, nếu gặp may có thể lấy tem lương thực đổi bánh mì. Thứ quà đó mang về quê thì thành cao sang hơn mọi thứ khác, 1 chiếc có thể cắt chia cho dăm đứa trẻ con. Cuối đời lính ra quân giã từ vũ khí còn nhận đc các con tem x (loại 20kg, 10 kg hỗ trợ tìm việc làm trong 6 tháng đầu tiên.

- Những năm 197x học sinh sinh viên ăn bột mì theo các cách thức sau: trộn bột nhào nặn rồi vo từng nắm bèm bẹp cho vào chảo gang luộc trực tiếp như luộc bánh trôi (được gọi là nắp hầm). Sau đan vỉ hấp cách thủy ngon hơn, ăn kiểu đó gọi là xơi “hai đấm”. Sau tiến bộ hơn nhà bếp đàn bột nặn ra từng miếng lớn cỡ bàn tay rồi nướng trên thành chảo có bôi ít mỡ, ăn kiểu này gọi là xơi “một tát”.

- Sau này cát bụi hè đường, trưa chiều đến bữa, Tôi và mọi người đi ra cửa hàng ăn mậu dịch nộp tem và tiền để lấy suất cơm lúc đó thông thường có nửa bát tô (loại bát phở) cơm và 1/2 chiếc bánh mì, bát canh rau và một món mặn (đậu phụ, thịt, tôm, khúc cá kho hoặc rán) Ngồi ăn trên ghế sắt, khay ăn đặt trên bàn đá ganito chân sắt cập kênh và cung cách phục vụ+ánh mắt các MDV khó tả lắm, hì hì

240584335-1126110237797008-4855591147698620039-n-1633661377.jpg

- Vẫn nhớ hình dáng mùi vị đặc trưng của chiếc bánh mỳ đủ 225g, quẩy đủ 100g bán kèm tem lương thực, do các xí nghiệp mỳ Chùa Bộc, Cầu Giấy, Nghĩa Đô sản xuất ngày đó, được toả đi khắp nơi ngõ ngách, nhà ga, bến tàu trên các chiếc xe đẩy MDQD, hay tại các Cửa hàng ăn uống Mậu Dịch phục vụ khách vãng lai. Bánh mỳ gối thì bán trong các cửa hàng Lương thực cho hộ Gia đình. Hồi đó có cả “bánh mỳ gia công” song hành, loại bánh luôn không đủ định lượng, sau một ngày ra lò thì bánh mềm nhùn nhũn, bóp bẹp còn lại mỗi tý. “Bánh mỳ mậu dịch” đổi tem mấy ngày vẫn nguyên hương vị, ruột đặc (có cảm giác như bột được cuộn tròn nhiều lớp) thuận tiện đi đường trường. Hồi đi Nam Định vô tình bắt gặp lò bánh làm như ngày xưa, ăn mà bồi hồi trong dạ, mua chục cái về chia cho mọi người thân trở về ngày xưa ơi một phát. Khi có trào lưu làm qui gai quy xốp thì bột mì đã được chế biến lên “đỉnh cao" rồi. Trong nhà ăn sinh viên, nhà ăn trong doanh trại quân đội ngày nào cũng ăn độn, thì cũng có lúc ăn bánh mì gia công 100% hay bát cơm và nửa cái bánh mỳ cắt chéo, bánh mỳ thời đó có mẻ ngon mẻ cứng như đá... Đông ăn rau là chính+Tây ăn bánh mỳ là chính = Hội tụ tại những người thường xuyên thoát ly xa nhà, ăn bếp tập thể

- Nên nhớ cho là bánh mỳ xưa là để dành cho bữa ăn chính cho no bụng, ăn bánh mỳ không và hay được làm quà biếu. Bánh mỳ ngày nay thiên hướng chỉ là làm vỏ, mà nhân thì có vô vàn món: Lạp xường, Xúc xích, Pa tê, Giò chả, bánh mỳ xốt vang, bánh mỳ kẹp kem, Trứng rán, Bánh mỳ áp chảo, bánh mỳ cay Hải phòng, Bánh Đoner Kebab thịt nướng... Rồi chưa kể các đồ ăn nhanh Hamburger xuất xứ Mỹ y chang vỏ là cái bánh mỳ tròn tròn hay là cắt hình rẻ quạt (trọng lượng chi bằng vài phần của xuất bánh).

240608045-1126110277797004-7635093654110993460-n-1633661435.jpg

Khi người ta no đủ dưỡng chất, mấy ai còn nhớ bữa ăn kham khổ ngày nào, khẩu phần ăn được ấn định xảy ra trong suốt mấy chục năm cho bao thế hệ gày guộc hết chỗ nói... Ơn giời ngày ấy ít người dính mỡ máu, tiểu đường, áp huyết, u mỡ như nay ?!

 

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Tem lương thực và bánh mỳ mậu dịch" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn