Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 24)

PGS TS Cao Văn Liên

20/02/2024 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 24.

Kha líp Ôma kế vị Abubếch đã đánh bại quân đội Iran năm 636, chiếm kinh đô Kơtesiphông, năm 651 làm chủ toàn bộ Iran. Quân Ảrập hoàn thành cuộc xâm lược Apganistan, tiến đánh Xiri là thuộc địa của đế quốc Bizăntium, năm 636 chiếm thủ đô Đa mát, năm 637 chiếm Palestin và thủ đô Jêrusalem. Jêrusalem thành thánh địa của ba tôn giáo lớn: Do Thái, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Năm 658 quân đội Ảrập xâm chiếm Acmênia và vùng Trung Á, chiếm một phần Grudia, vượt qua Kapcazơ tiến vào đất của người Kazắc.

   Năm 642 quân Ảrập đẩy lùi thế lực của đế quốc Đông La Mã Bizăntium ở Ai cập và làm chủ quốc gia này. Tại đây Kha líp Ôma đã cho đào con kênh nối sông Nin với Hồng Hải tạo con đường thuỷ vận tải và hành quân nhanh chóng tới Ai Cập. Từ Ai Cập, quân Ảrập  mở rộng lãnh thổ xuống Bắc Phi, chiếm Li bi và Tripôli. Năm 710 quân đội Ảrập đã tiến tới eo biển ngăn cách lục địa châu Phi với Tây Ban Nha. Năm 718 quân đội Ảrập tiến đánh nước Pháp, năm 732 tiến vào thành Tua nhưng bị quân đội của vương quốc Fơrăng chặn lại.

   Ở phía Đông,  năm 670 quân Ảrập tiến vào xâm luợc Trung Á, chiếm vùng bây giờ là Uzơbếchkitan. Đầu thế kỷ VIII quân Ảrập từ Trung Á tiến sát biên giới Trung Hoa. Năm 711 đế quốc này xâm lược Ấn Độ. Năm 717 đế quốc Ảrập tiếp tục chiến tranh với đế quốc Đông La mã Bizăntium, bao vây kinh thành Côngstantinốp. Cùng năm đó chiếm Gruzia, tấn công lãnh thổ của người Kazắc.

   Đầu thế kỷ VIII, lãnh thổ của đế quốc Ảrập thời Kha líp Ômêriát (661-750) trải dài 12.000km từ sông Ấn ở phía Đông đến bờ Đại Tây Dương ở phía Tây, chạy dài từ Bắc Phi, Tây Ban Nha ở phía Tây đến Trung Á, Tây Bắc Ấn Độ ở phía Đông. Đến đây bước tiến của quân Ảrập bị chặn lại, ở phía Đông bị quân Bizăntium do hoàng đế Lêô III Ixâurian đẩy lùi trước cửa thành Côngstantinốp, phía Tây bị quân đội Fơrăng do vua Sáclơmácten chỉ huy đánh bại trong trận chiến Poa chiê (Pháp) năm 732.

   Vào giữa thế kỷ thứ VIII, đế quốc Ảrập không còn là khối thống nhất. Bọn quí tộc Lưỡng Hà đã lật đổ triều đại Ômêiat và thành lập vương triều Apbaxít (750-1258). Đây là khu vực phồn vinh, phát triển nhất của đế quốc. Vùng Tây Ban Nha và Bắc Phi cũng tách ra thành lập đế quốc Ảrập Phương Tây, vùng Ai Cập và chung quanh thành lập đế quốc Arập phương Nam. Ba đế quốc Ảrập đều là ba trung tâm kinh tế, văn hoá phồn thịnh nhất bấy giờ. Văn minh của thế giới Arập đã lan toả ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận.

   Dưới triều đại Khalíp Ômêriát đã xây dựng nền quân chủ chuyên chế tập quyền. Hoàng đế (Khalíp) nắm tất cả những quyền lực cơ bản của nhà nước: Quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, quyền tổng chỉ huy quân đội. Hoàng đế nắm cả thần quyền, là thủ lĩnh tối cao của Hồi giáo, là người thay mặt cho Sứ Giả, thay mặt cho Mô Ha Mét. Ngôi Khalíp cha truyền con nối. Giúp việc cho Khalíp có các đại thần và các giáo chủ Hồi giáo cao cấp.

   Đơn vị hành chính lớn nhất ở địa phương là vùng: Cả đế quốc được chia thành 5 vùng: Vùng thứ nhất gồm Iran, Irắc, Đông Arập, Khorasan và vùng Trung Á. Vùng thứ 2 gồm Hetzazơ, Yêmen, Trung tâm Ảrập. Vùng thứ 3 gồm Acmênia, Azécbaizan và miền Đông Tiểu Á. Vùng 4 gồm Ai Cập, Tripôlơ. Vùng 5 gồm Tây Phi và Tây Ban Nha. Đứng đầu mỗi vùng là một viên Tổng đốc do Khalíp bổ nhiệm nắm tất cả quyền lực địa phương từ dân sự, quân sự và tư pháp. Quan lại trong bộ máy nhà nước chủ yếu là người Ảrập do Khalíp bổ nhiệm. Khalíp Ômêíat đã tiến hành cải cách quân đội để hoàn thiện nắm quyền lực vào tay và thống nhất đế quốc.

   Năm 755 triều Abaxít đặt ra chức Thượng thư, quyền như Tể tướng (Vizir). Vizir là nhân vật số 2 sau Khalíp phụ trách về hành chính, dân sự. Giúp việc tinh thần cho Khalíp có vị  Chánh Chưởng lý phụ trách tòa án, giáo dục. Khalíp còn đặt ra cơ quan mật thám để theo dõi thần dân. Chính quyền trung ương đã giám sát chặt chẽ chính quyền địa phương, xây dựng một hệ thống bưu điện bảo đảm sự liên lạc thông suốt giữa trung ương và địa phương, giúp cho việc tăng cường thống nhất đất nước, củng cố chế độ trung ương tập quyền.

   Triều đại Abaxít ra sức xây dựng quân đội hùng mạnh lên tới 160.000 người[1]. Thời Khalíp Muttasim (833-842) thành lập cấm vệ quân gồm các tù binh bị biến thành nô lệ. Quân đội là công cụ đắc lực trong tay các Khalíp. Khalíp và hoàng tộc là những địa chủ lớn nhất, có một bộ máy quan lại riêng để quản lý đất đai cho hoàng tộc và cho Khalíp.

   Trong đế quốc Ảrập, giáo phái Sunít là quốc giáo. Khalíp được thần thánh hoá, là “bóng của thánh ALa” ở hạ giới. Uy quyền của Khalíp bao trùm khắp thế giới Hồi giáo.

   Cơ sở xã hội của nhà nước phong kiến Hồi giáo Ảrập là giai cấp quí tộc phong kiến, tăng lữ Hồi giáo. Nông dân ngày càng mất ruộng đất, bị lệ thuộc vào phong kiến, bị nhà nước bóc lột tàn khốc. Việc thu thuế của nhà nước trở thành việc cướp bóc giai cấp nông dân. Vì thế nông dân đã nhiều lần chống lại chính quyền, tạo điều kiện cho các thế lực phong kiến ở các vùng nổi dậy chống lại chímh quyền trung ương, xây dựng chính quyền độc lập như các vùng Trung Á, Iran, Xiri, Palestin, Ai Cập, Bắc Phi. Đầu thế kỷ thứ X Khalíp Abaxít chỉ còn nắm được chính quyền ở Irắc. Chính quyền địa phương, đặc biệt là Ai Cập công khai tranh giành quyền lực với trung ương. Quân đội cũng nổi dậy như là kiêu binh. Các chỉ huy quân đội cũng góp phần giải quyết những công việc quan trọng của nhà nước. Thế lực các Khalíp ngày càng suy yếu, sau này chỉ còn đơn thuần là “Giáo hoàng của Hồi giáo”. Năm 1258 đế quốc Mông Cổ  đánh chiếm Irắc, chấm. dứt sự tồn tại của các Khalíp Bát Đa.

   Trong đế quốc Ảrập, kinh tế và văn hoá có những thời kỳ phát triển phồn vinh. Chữ Ảrập được dùng là chữ viết thống nhất chính thức của quốc gia. Đế quốc đã thống nhất tiền tệ, mở nhiều trường học để đẩy mạnh nền giáo dục, sách giáo khoa là kinh Coran. Nhà nước thúc đẩy nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp phát triển. Thành thị mọc lên và phát triển phồn vinh, những thành phố lớn trở thành những trung tâm sản xuất, buôn bán, văn hoá và trung tâm Hồi giáo như Bát đa, Đa mát, Cai rô, Bukhara, Samakhan... Quan hệ thông thương được mở rộng trên toàn đế quốc. Ảrập còn mở rộng buôn bán với Trung Quốc, Ấn Độ, Man đa lay(Mian ma), Inđônêxia. Thương nhân Ảrập còn đặt chân đến cả vùng  Vôn Ga, Ban Tích. Nghề đóng tàu phát triển phục vụ cho buôn bán với nước ngoài. Sản vật buôn bán phong phú, đẹp và chất lượng, bao gồm hương liệu, gỗ mun, đá quí, kim loại, khoáng sản, vải lanh, len, giấy, yên cương, thủy tinh pha lê, thảm Ba Tư là những mặt hàng của Ảrập nổi tiếng thế giới khi đó.

*3. Đế quốc Ôsma (Thổ nhĩ Kỳ-thế kỷ XIV đến thế kỷ XX)

Sự hình thành: Vào thế kỷ XI tộc người Turk (Thổ Nhĩ Kỳ) đã tràn vào Tiểu Á và lập nên một quốc gia Đại “Senjuk” với lãnh thổ bao gồm Iran, Irắc, Azecbaizan, Đông Acmênia đứng bên cạnh đế quốc Đông La mã Bizăntium. Thế kỷ XIII Đại Senjuk bị suy tàn vì cuộc xâm lăng của đế quốc Mông Cổ vào Tiểu Á. Trong khi đó một quốc gia của người Thổ Nhĩ Kỳ do vương công Ôsman(1299-1326) lãnh đạo ở cực Tây Tiểu Á tránh được ảnh hưởng của cuộc xâm lăng của Mông Cổ nên phát triển mạnh mẽ. Tiếp theo, con của Ôsman  là Orkhan (1326-1359) đã tiến hành chiến tranh đánh chiếm đất đai của đế quốc Bizăntium mở rộng lãnh thổ. Cuối thế kỷ XIV quân đội Ôsman đã tiến đến chân thành Côngstantinốp, làm chủ một vùng kinh tế quan trọng của Tiểu Á từ Bursa đến Tonkát. Cùng với những bước chân xâm lược của quân đội, quá trình phong kiến hoá về kinh tế và xã hội được đẩy mạnh ở những lãnh thổ xâm chiếm được. Tổ chức bộ máy nhà nước cũng phát triển từ đơn giản đến phức tạp, hoàn thiện. Orkhan là người đứng đầu nhà nước nắm toàn bộ quyền lực. Giúp việc cho hoàng đế có thừa tướng. Hoàng đế đã chia đất nước thành nhiều đơn vị hành chính để cai trị, đúc và thống nhất tiền tệ cho kinh tế thông thương phát triển. Quân đội thường trực trung ương được xây dựng mạnh mẽ bao gồm bộ binh, kỵ binh. Binh lính được miễn thuế, được nhà nước cấp đất đai, cấp lương để sinh sống.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] .Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn. Lịch sử Trung- Cận Đông. Nxb Giáo dục. H. 2004. Tr. 90.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 24)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn