Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 22)

PGS TS Cao Văn Liên

18/02/2024 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 22.

Một trong những nội dung quan trọng của luật Hămmurabi là những chế định về hình sự. Những chế định này mang tính chất hà khắc ghê gớm. Luật coi hình phạt là sự trừng trị tội lỗi  mang tính chất trả thù ngang bằng nhau. Đây là tàn dư phong tục của xã hội nguyên thuỷ. Ví dụ điều 229 của luật qui định: “Nếu người thợ xây nhà không bảo đảm  kỹ thuật, nhà đổ, chủ nhà chết  thì người thợ xây nhà (chủ gia đình người thợ xây ) bị giết”. Điều 230 qui định: “Thợ xây nhà không bảo đảm kỹ thuật, nhà đổ, con chủ nhà bị chết  thì con người thợ bị giết ”. Như vậy để trả thù ngang bằng nhau, luật cho phép trừng trị cả những người không liên quan đến vụ việc (con người thợ xây). Luật qui định: Kẻ vu cáo cho người nào đó giết người thì kẻ vu cáo sẽ bị giết  vì tội giết người sẽ bị tử hình. Luật Hămmurabi cũng cho phép phạt tiền để chuộc tội. Tiền phạt nhiều hay ít  là tuỳ mức độ phạm tội và địa vị xã hội của người phạm tội và của nạn nhân. Giết một chủ nô sẽ bị phạt gấp nhiều lần so với giết một thường dân. Kẻ phạm tội là lớp trên sẽ bị phạt ít hơn so với  kẻ phạm tội là thường dân. Giết người của hoàng gia sẽ bị tử hình .

   Luật Hămmurabi qui định trách nhiệm liên đới tập thể của tất cả các thành viên công xã nông thôn đối với nhà nước. Luật ghi rằng công xã nông thôn phải đền bù thiệt hại cho những người bị mất cắp, bị sát hại trên đất công xã mà không bắt được thủ phạm .

   Nô lệ là tài sản của chủ nô. Do đó luật qui định trừng phạt nặng những kẻ giúp nô lệ chạy trốn. Những kẻ xâm phạm đến quyền sở hữu của nhà vua hay của chủ nô đều bị xử tử. Người quản gia làm thất thoát tài sản của chủ  sẽ bị ném cho hổ xé xác. Lấy cắp gia cầm hoặc các tài sản khác của chủ phải đền gấp 10 đến 30 lần giá trị thứ đã lấy cắp. Nếu không nộp được phạt, kẻ lấy cắp sẽ bị giết .

   Trong bộ luật Hămmurabi, án tử hình qui định được tiến hành dưới các hình thức dã man như thiêu, dìm xuống nước, đóng cọc vào hậu môn xuyên lên đầu cho chết . Trong chế định hình sự, kỹ thuật lập pháp đã có ý phân biệt phạm tội  vô ý  và phạm tội cố ý .Ví dụ, luật ghi trong khi ẩu đả làm chết người, nếu kẻ làm chết người  chứng minh được rằng không cố ý giết người  thì phạm nhân không bị tử hình mà chỉ bị phạt tiền .

   Luật Hămmurabi còn có những qui định  bảo vệ danh dự cho chủ nô . Điều 202 của bộ luật này viết “ nếu người dân tự do mà tát vào má  người có địa vị cao hơn thì kẻ phạm tội bị đánh 60 roi do bò trước mặt công chúng ” . Điều 205 qui định: “Nếu nô lệ tát vào má người tự do thì nô lệ bị cắt tai ”.

   Nội dung thứ 3 của Bộ luạt Hămmurabi là những chế định về tố tụng. Bộ luật qui định rất ít về thủ tục tố tụng, chỉ qui định toà án khi xét xử phải công khai. Nêu thẩm phán thực hiện không đúng quyết định của toà án  thì sẽ bị cách chức và sẽ bị phạt tiền .

   Trong phần kết luận ,vua Hămmurabi lại một lần nữa tán dương công lao của ông với đất nước. Ông khẳng định bộ luật Hămmurabi được viết ra là tuân theo ý nguyện của thần thánh cho nên hàng nghìn đời sau bộ luật vẫn có giá trị, các vị vua kế tục và thần dân đều phải tuân theo. Bởi vì như Hămmurabi viết:  “Những lời nói của ta là tuyệt vời,  sự nghiệp của ta là vô song, chỉ có những kẻ ngu đần nó mới vô ích. Còn đối với những người hiểu biết  nó lại là con đường quang minh”. Hămmurabi đòi trừng trị tất cả những ai xem thường  và định huỷ bỏ bộ luật .

   Bộ luật Hămurabi là bộ luật thành văn cổ xưa nhất của phương Đông.

(Còn nữa)

CVL

         

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 22)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn