Kỳ 38
CHƯƠNG II: CÔNG CUỘC CẢI TỔ
VÀ NGUYÊN NHÂN SỤP ĐỔ CỦA LIÊN XÔ
I. Hoàn cảnh quốc tế và trong nước của công cuộc cải tổ ở Liên Xô
1. Sự ổn định và phát triển của thế giới tư bản chủ nghĩa
- Chủ nghĩa Tư bản hồi phục sau chiến tranh: Đại Chiến thế giới thứ hai (1939-1945) có qui mô to lớn với sức tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử chiến tranh, thiệt hại vật chất ước tính 4.000 tỉ đô la, bằng tổng thiệt hại của các cuộc chiến tranh 1.000 năm cộng lại. Riêng các nước tư bản châu Âu, sự thiệt hại lên đến 90 tỉ đô la. Nền công nghiệp của Nhật Bản bị tàn phá tới 75%. Tình hình đó đòi hỏi các nước Tư bản chủ nghĩa phải nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất. Trong một thời gian ngắn, các nước tư bản đã hồi phục được nền sản xuất kinh tế. Được như vậy là nhờ sự nỗ lực của bản thân các nước, đồng thời nhờ sự viện trợ của Mỹ và nhờ chạy đua vũ trang, quân sự hóa nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Từ năm 1949 đến năm 1960 Mỹ đã viện trợ cho các nước tư bản Tây Âu 314 tỉ đô la dùng cho tư bản cố định, chi phí cho quân sự lên tới 479 tỉ đô la[1]. Chạy đua vũ trang đã bảo đảm thị trường lâu dài cho chủ nghĩa tư bản, kích thích sự trăng trưởng của đại bộ phận các ngành kinh tế quốc dân, thu hút nhân công, làm giảm thất nghiệp, lợi nhuận cao hơn hàng dân sự từ 50% đến 100%. Ví dụ như Nhật Bản là nước chiến bại, bị tàn phá nặng nề nhưng đã hồi phục và phát triển kinh tế mạnh nhờ cơ may của hai ngọn gió thần kỳ: Đơn đặt hàng quân sự của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam; chạy đua vũ trang, quân sự hóa nền kinh tế và sử dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật nước ngoài.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, chủ nghĩa tư bản thế giới lại bước vào thời kỳ ổn định và phát triển mà trước đó chưa từng có. Nguyên nhân chính là do các cường quốc áp dụng thành công thành tựu của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ.
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất nổ ra nửa sau thế kỷ XVIII ở Anh, sau đó, vào nửa đầu thế kỷ XIX lan ra hầu khắp các cường quốc. Máy hơi nước, máy móc thay thế lao động thủ công. Nền đại công nghiệp máy móc ra đời dẫn đến sự biến đổi to lớn trong cơ cấu ngành nghề. Cho nên, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần này còn được gọi là cách mạng cơ cấu ngành nghề. Công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, tạo ra năng suất lao động cao hơn hẳn so với chế độ phong kiến, tạo ra nguồn lực của cải gấp hàng trăm lần của nhiều thế kỷ cộng lại. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật này diễn ra cùng với cuộc cách mạng chính trị tư bản đang tới tấp tấn công đánh đổ chế độ phong kiến, làm nền tảng vững chắc cho chiến thắng của giai cấp tư sản, dẫn đến sự xác lập của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi thế giới.
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai nổ ra vào nửa sau thế kỷ XIX, cách cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất 100 năm. Cách mạng khoa học kỹ thuật lần này chủ yếu vận dụng rộng rãi sức điện và phát minh động cơ đốt trong. Loài người bước vào thời đại điện khí hóa. Điện khí hóa đã mở ra con đường tự động hóa sản xuất, tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của kĩ thuật điện tử sau này.
Điện khí hóa đã đẩy quá trình sản xuất ở các nước tư bản chủ nghĩa lên trình độ xã hội hóa cao hơn, quan hệ kinh tế quốc tế mở rộng nhanh chóng, chủ nghĩa tư bản trở thành một hệ thống thống nhất, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh bước sang chủ nghĩa tư bản độc quyền, sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Càng về thời hiện đại, tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật càng nhanh chóng nên cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba chỉ cách lần thứ hai nửa thế kỷ. Tiêu chí của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần này là sự phát triển và sử dụng rộng rãi kỹ thuật nguyên tử và điện tử. Khoa học kỹ thuật thành lực lượng sản xuất trực tiếp, mở đầu thời đại tự động hóa hoàn toàn, được gọi là cách mạng khoa học - công nghệ.
Những phát minh khoa học dẫn đến việc hình thành các nguyên lý công nghệ sản xuất mới lấy kỹ thuật điện tử làm hạt nhân đẩy mạnh quá trình tự động hóa sản xuất giảm tỉ trọng ngành sản xuất vật chất, tăng tỉ trọng ngành dịch vụ, trong đó lĩnh vực thông tin là phát triển mạnh mẽ nhất, còn ra đời công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ hạt nhân và công nghệ hải dương.
Cách mạng khoa học công nghệ lấy điện tử làm hạt nhân để sáng tạo ra hàng loạt sản phẩm công nghệ mới, các ngành nghề mới; các bộ môn mới ra đời, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng làm dư thừa sản phẩm xã hội và sức lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ vật chất, thúc đẩy quá trình chuyển hóa công nghệ thành sức sản xuất trực tiếp, đẩy mạnh xã hội hóa trong quản lý, cải thiện kết cấu tiêu dùng xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa trong quản lý, mở ra khả năng đầu tư rộng lớn.
Cách mạng khoa học công nghệ với máy tính điện tử đã đưa nền sản xuất cơ khí hóa của chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn tự động hóa. Máy móc bao gồm 3 bộ phận động lực, truyền lực và công cụ đến nay đã xuất hiện bộ phận thứ tư: điều khiển. Đó là Bộ não của máy mà con người có thể lợi dụng để tự động chỉ huy và điều tiết sự vận động của máy, tiến hành gia công theo trình tự do con người lập thiết kế, nhờ đó nâng cao được năng suất lao động.
Nhờ máy tính điện tử có thể tránh được các cuộc thử nghiệm trong thiên nhiên, xử lý những tình huống khác nhau, các hậu quả xã hội và sinh thái của chúng, đánh giá các phương án và lựa chọn các phương án có hiệu quả nhất, đáp ứng được đầy đủ nhất lợi ích của con người.
Tự động hóa sản xuất phát triển làm tăng năng suất lao động, giảm lao động thể lực. Ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, người ta sử dụng người máy. Theo Thống kê năm 1990, ở Nhật Bản đã sử dụng 270. 000 người máy, ở Mỹ 40. 000, ở Đức 30. 000.
Trong hệ thống sản xuất đã xuất hiện những nhà máy không người: máy điện toán, máy thiết kế điện toán đã thay thế một phần lao động trí tuệ con người. Vì thế số công nhân lao động trực tiếp giảm xuống, ở Mỹ giảm 13%[2].
Sự xuất hiện các loại vật liệu mới do cách mạng khoa học - công nghệ sản xuất ra đã trở thành nhân tố vô cùng quan trọng của sự phát triển sản xuất xã hội và khoa học công nghệ. Với vật liệu mới cho phép thu nhỏ máy tính xuống hàng vạn lần về thể tích.
(Còn nữa)
CVL
[1] Trần Qunh: Những đặc điểm của Chủ ngha tư bn hiện đại, Sự tht, Hà Ni, 1969.
[2] Viện kinh tế thế giới, Chủ nghĩa tư bản hiện đại, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 21.