Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 37)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 37

 Những nhà truyền giáo gây dựng cơ sở, tìm hiểu châu Phi, chuẩn bị cho những cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân châu Âu. Cuối thế kỷ XVI Bồ Đào Nha xâm chiếm Gi nê, Ănggôla, xâm chiếm và thành lập thuộc địa Môzăm bích ở Đông Phi. Thế kỷ XVII, Hà Lan chiếm phần cực Nam châu Phi. Thế kỷ XIX thực dân Anh xâm chiếm vùng Cáp, gây chiến tranh đánh chiếm hai nước cộng hoà Orănggiơ và Tơrăngvan của người Bô ơ ( người da trắng gốc Hà Lan). Năm 1843 Anh chiếm Na tan, mảnh đất cuối cùng của người Bô ơ và thành lập thuộc địa Nam Phi. Ở Bắc Phi, năm 1882 Anh đánh chiếm Ai Cập, khống chế kênh đào Xuyê, vị trí chiến lược quan trọng nối Hồng Hải với Địa Trung Hải thông ra Ấn Độ Dương, cửa ngõ đi vào ba châu lục. Năm 1889 Anh đánh chiếm Rôđêdi, Buganđa, một phần đất Uganđa. Ở Đông Phi anh chiếm Đông Xuđăng, bờ biển vịnh Ađen, một phần Xômali, Dandiba, Vitu, Pemba, Kênia, Nasalan, một số lãnh thổ Tây Phi, Tây Nêgiria, bờ biển Vàng, Gambia, Siera, Lêône. Anh thành lập Đông Phi thuộc Anh. Sau thực dân Anh, Pháp là nước thứ hai xâm chiếm nhiều thuộc địa ở châu Phi. Năm 1830 Pháp xâm chiếm toàn bộ Angiêri. Năm 1882 Pháp đánh chiếm Ma đa gát sca và biến đảo này thuộc địa năm 1895. Pháp còn đánh chiếm Tuy ni di, Marốc, chiếm Tây Phi thành lập châu Phi thuộc Pháp, chiếm Sa ha ra, Tây Xu đăng, Sênêgan, Công gô thuộc Pháp và một phần Xômali thuộc Pháp. Năm 1847 Mỹ buộc Li bi phụ thuộc vào Mỹ. Nước Bỉ cũng chiếm một phần Công gô vào những năm 70 kỷ XIX. Italia chiếm một phần Xômali. Đế quốc Đức chiếm Ca mơ run, Tôgô và năm 1885 Đức thành lập Đông Phi và Tây Nam Phi thuộc Đức. Thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chia nhau Ginê. Bồ Đào Nha còn chiếm Ăng gô la.

           Để thực hiện xâm lược châu Phi, thực dân phương Tây bước đầu chiếm một vài cứ điểm ở miền duyên hải làm nơi buôn bán, ký kết các hiệp ước với các thủ lĩnh bộ lạc, mua chuộc, chia rẽ và lật đổ họ. Nhưng chủ yếu bọn thực dân sử dụng lực lượng quân sự để gây chiến tranh xâm lược. Những năm 70 của thế kỷ XIX, châu Phi bị mất 10, 8% đất dai, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thực dân phương Tây đã chiếm được 90, 4% đất đai, tập trung chủ yếu vào tay Anh, Pháp Đức. Phân chia châu Phi đã trở thành chính sách lớn của các cường quốc châu Âu thời kỳ cận đại. Năm 1900 cơ bản các cường quốc đã kết thúc việc xâm lược châu Phi. Chỉ còn  Êtiôpia là nước duy nhất ở Đông Phi giữ được độc lập.

           Sau khi thiết lập được ách cai trị, bọn thực dân phương Tây thực hiện bóc lột vơ vét tài nguyên: Vàng, kim cương, cướp đoạt đất đai lập các đồn điền, bóc lột nhân công rẻ mạt, giết hại dân cư; phá hoại nền văn hoá cổ truyền, đàn áp dã man những cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân châu Phi. Từ thế kỷ XVI thực dân châu Âu đã bắt nam nữ thanh niên da đen khoẻ mạnh sang châu Mỹ bán làm nô lệ trong các hầm mỏ, đồn điền thay thế cho người da đỏ bị chết dần mòn. Bọn thực dân châu Âu thực hiện chuyến buôn khép kín ba chiều: Súng, gương, đồ thuỷ tinh từ châu Âu chuyển sang châu Phi, từ châu Phi chúng chuyển nô lệ sang châu Mỹ, từ châu Mỹ chúng đem cà phê, ca cao, thuốc lá sang châu Âu. Một chuyến buôn như vậy lãi tới  1000%. Cho nên từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX tất cả các cường quốc châu Âu đều tham gia vào nghề buôn nhơ bẩn nhất trong lịch sử. Suốt 3 thế kỷ, chúng đã giết hại 40 triệu người để đưa được 20 triệu người sang châu Mỹ. Những người bị bắt, bị giết hại toàn là thanh niên nam, nữ. Châu Phi bị tàn phá, bị cướp bóc, bị mất tinh lực một cách khủng khiếp không thể nào bù đắp được.

           Nhân dân châu Phi đã anh dũng đấu tranh chống thực dân phuơng Tây ngay từ khi chúng vừa đặt chân tới xâm lược. Tiêu biểu trong giai đoạn này là cuộc đấu tranh của nhân dân An giê ri chống thực dân Pháp do Ap đen ca đe lãnh đạo kéo dài từ năm 1830 đến năm 1847. Tiếp đến cuộc đấu tranh của nhân dân Ai Cập chống thực dân Anh năm 1831-1832, cuộc đấu tranh của nhân dân Xu Đăng chống Anh năm 1885… Các cuộc đấu tranh đó đã ảnh hướng to lớn đến cuộc đấu tranh của toàn thể nhân dân châu Phi chống chủ nghĩa thực dân. Cuộc đấu tranh của người Bô ơ, người ZuLu chống thực dân Anh ở Nam Phi có ý nghĩa lớn đến toàn bộ phong trào sau này. Lãnh đạo phong trào là nông dân hoặc là những người trong giai cấp phong kiến còn tinh thần yêu nước, là những người đại diện cho giai cấp tư sản còn non trẻ. Vì thế bộ phận lãnh đạo còn nhiều hạn chế về chính trị, khả năng tổ chức, tập hợp quần chúng, cho nên phong trào đã thất bại và toàn châu lục bị biến thành thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

           Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc mở ra một thời kỳ mới cho phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa nói chung và châu Phi nói riêng. Sau đại chiến thế giới thứ hai, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á sụp đổ, châu Phi trở thành nơi cạnh tranh kịch liệt của chủ nghĩa đế quốc; Mỹ, Anh, Pháp tăng cường đầu tư kinh tế mạnh mẽ vào châu Phi. Chủ nghĩa thực dân cũ của Anh, Pháp còn chưa bị tiêu diệt thì chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ đã len chân vào. Phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi do đó vừa chống chủ nghĩa thực dân cũ, vừa chống chủ nghĩa thực dân mới. Cách mạng giải phóng dân tộc châu Phi thời kỳ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cách mạng giải phóng dân tộc châu Á, đặc biệt với chiến thắng oanh liệt của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ đã cổ vũ tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân các nước châu Phi, làm cho đế quốc Pháp, một trong những kẻ thù chính của châu Phi và các đế quốc khác hoảng loạn suy sụp, tạo điều kiện cho cách mạng châu Phi đánh đổ chúng. Điện Biên Phủ là một tiếng sấm rền làm rung chuyển toàn bộ hệ thống thuộc địa để nhân dân châu Á, châu Phi đập vỡ nó tan tành.

Từ năm 1945 đến năm 1954 phong trào chỉ mới mạnh mẽ ở BắcPhi. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ai Cập chống Anh, phong trào kháng chiến của nhân dân Angiê ri chống Pháp. Từ năm 1954 đến năm 1960 phong trào phát triển mạnh ở BắcPhi, Tây Phi và lan cả xuống châu Phi xích đạo. Năm 1960 ghi nhận phong trào giành được thắng lợi to lớn và chủ nghĩa thực dân cũ bước đầu sụp đổ. Từ năm 1957 đến năm 1960 các nước Tây Phi giành được độc lập, châu Phi xích đạo vùng thuộc địa của Pháp năm 1960 cũng giành được độc lập. Cơn bão táp tiếp theo vào các năm 60 và các năm 70 lan rộng khắp lục địa, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ hoàn toàn. Các nước Đông Phi thuộc địa Anh, Pháp, Italia giành độc lập vào năm 1960. Các nước trung Phi thuộc địa của Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha giành độc lập từ 1957 đến 1960. Năm 1960, 50 nước trong tổng số 55 nước giành được độc lập, chiếm 95% dân số và 85% đất đai. Với sự thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, chủ nghĩa thực dân cũ bị diệt vong, hệ thống thuộc địa kiểu cũ tồn tại suốt 3 thế kỷ đè nén áp bức bóc lột tàn khốc châu Phi sụp đổ tan tành, biến thành thây ma của lịch sử. Nam Phi, nước lớn nhất ở miền Nam châu Phi độc lập từ năm 1931 nhưng nhân dân Nam Phi lại phải đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apacthai. Năm 1995 cuộc đấu tranh hoàn toàn thắng lợi, chủ nghĩa A pác thai bị xoá bỏ và người da đen chiếm đa số ở Nam Phi đã lên nắm chính quỳên.

           Phong trào đấu tranh ở châu Phi do giai cấp tư sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân còn non yếu, các đảng cộng sản chưa ra đời. Một loạt các quốc gia độc lập mới ra đời làm thay đổi bộ mặt chính trị xã hội của châu Phi, góp phần vào tiến trình của lịch sử thế giới trong giữa những năm của thế kỷ XX.

           Tuy nhiên sau khi độc lập, các quốc gia châu Phi đang đứng trước những vấn đề cấp bách. Châu Phi muốn phát triển như các châu lục khác phải chấm dứt nội chiến, chấm dứt các cuộc đảo chính quân sự tranh giành quyền lực, chấm dứt những cuộc xung đột sắc tộc. Châu Phi không chỉ đối mặt với đói nghèo, lạc hậu mà còn phải đương đầu với thảm họa bệnh dịch thế kỷ; 20 triệu người châu Phi trong tổng số 40 triệu người trên thế giới nhiễm HIV, có quốc gia tới 40% dân số nhiễm bệnh. Sự xâm lược, tàn phá cướp bóc của chủ nghĩa thực dân suốt 300 năm bây giờ vẫn còn để lại hội chứng nghiêm trọng mà các chính phủ châu Phi đang đối mặt, đang cần tập trung sức mạnh của từng quốc gia, của toàn châu lục để giải quyết.

Tuy nhiên cuộc chiến này là không đơn giản, còn khó khăn gấp nhiều lần so với cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân.

(Còn nữa)

CVL