Những nghề mưu sinh thời bao cấp: Nuôi lợn

Hồ Công Thiết

24/10/2021 20:26

Theo dõi trên

Sát nhà tôi ở phố Hàng Bột là nhà bà Quảng, bán bánh cuốn. Ngôi nhà là một biệt thự của người Pháp, trông ra mặt phố Hàng Bột. Phía sau là khu vệ sinh, nhà tắm và gian bếp rất rộng.

chuy-lg-que1s-1635081887.jpgẢnh minh họa do tác giả sưu tầm. nguồn: Internet.
chuy-lg-que1s-1635081993.jpg
Chú thích ảnh

 

Thời bao cấp gian bếp chia nhỏ cho mỗi gia đình, mỗi nhà được khoảng hơn một mét chiều ngang và chạy sâu khoảng 2 mét.

Phần bếp nhà bà Quảng, bà để nuôi con lợn. Nấu nướng, bà mang ra cái bếp than cháy suốt ngày ngoài cửa. Bếp than tráng bánh cuốn và đun nước sôi, giao cho bà em dâu đang mở tổ phục vụ bên cạnh nhà. Lợn ăn nước gạo và thức ăn dư thừa của cả xóm cùng chút bột thừa gạn khi tráng bánh cuốn ban ngày.

Lợn kêu suốt ngày vì đói và mùi phân lợn nồng nặc khi mở cửa sau nhà, nhưng cả xóm ai cũng phải chấp nhận. Không ai dám giây với bà Quảng và bà nuôi lợn, cũng vì cái khó khăn của mỗi gia đình.

Nhà tôi đêm về thì đóng cửa sau nhưng nhà bà Quảng, hé cửa mở suốt đêm. Ngõ vào các nhà phía trong không có cổng, nhỡ đạo trích nó vào bê lợn thì mất nghiệp. Vì vậy, nhà bà Quảng đêm cũng như ngày phải sống chung với mùi phân lợn. Cánh cửa ngoài mặt phố luôn đóng để dành làm nơi bán hàng nên mùi phân lợn luôn lưu cữu trong nhà bà Quảng.

Mỗi khi lợn bỏ ăn là nhà bà Quảng nhớn nhác. Có lần, bà ấy còn mượn mẹ tôi đồng bạc trắng Hoa xòe để đánh gió cho lợn.

Tôi khi ấy đã đi làm, là cán bộ Nhà nước nên nếu có ý kiến, công an khu vực sẽ đến dẹp ngay chuồng lợn khi có yêu cầu. Không những không dám báo cáo, tôi còn bị bà Quảng nhờ khi lợn bị ốm cần mổ gấp để vớt vát vốn. Bà sai tôi ra đứng trước cửa đồn công an, thấy anh Đức công an hộ tịch ra thì tìm cách ngăn lại, kiếm cớ nhờ anh việc khác. Cũng may, hôm đấy tôi chưa phải lợi dụng cương vị công tác để giúp bà Quảng che dấu việc mổ lợn chui.

Hồi bao cấp con lợn là cả niềm hy vọng, sự an tâm cho kinh tế của mỗi gia đình. Người ốm có khi còn bình tĩnh chứ con lợn bỏ ăn là cả gia đình nhớn nhác.

Có chuyện giáo sư Văn Như Cương bị công an hộ tịch đến lập biên bản về việc nuôi lợn chui trong khu dân cư làm ảnh hưởng môi trường. Rất thật lòng, ông đề nghị anh công an sửa lại là ông bị phạt vì lợn nuôi ông làm ảnh hưởng môi trường.

Lại cũng có chuyện ông nhà thơ lớn ở Tây Nguyên, đảm đương nghĩa vụ trụ cột gia đình hồi bao cấp vì tham gia nhóm hoạn lợn nhằm giúp con lợn có cơ tăng trưởng.

Tôi cũng có cậu em là phó giám đốc một sở của thành phố. Nhà nó cũng nuôi lợn. Rượu say, thay vì vào phòng ngủ thì nó lại vào phòng tắm, nay để dành chỗ nuôi lợn. Nghe nói nó ôm lợn nái và thắc mắc sao vợ nó hôm đấy mặc áo có nhiều khuy đến vậy. Con lợn vô tư liếm bãi nôn, liếm cả lên mặt. Nó đê mê cứ ngỡ vợ nó đang chiều chồng. Có thể đây là chuyện bịa nhưng thực tế những nhà ở khu tập thể ngày xưa, dù chật chội cũng cố co chỗ người nằm để dành cho con lợn.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Những nghề mưu sinh thời bao cấp: Nuôi lợn" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn