"Những ký ức không thể quên": Khám tuyển phi công vũ trụ (Kỳ 20)

Đại tá, phi công Nguyễn Khánh Duy/ Biên tập: Trần Sơn Lâm

04/10/2023 06:22

Theo dõi trên

Vào khoảng giữa năm 1977, Bộ Chính trị Trung ương Đảng phê chuẩn Nghị quyết cuả Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và đề nghị của Bộ trưởng BQP tổ chức lực lượng phòng không và không quân thành hai Quân chủng: Quân chủng phòng không và Quân chủng không quân. Đại tá Đào Đình Luyện-Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng Không – Không quân (PKKQ) được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng Không quân.

 Bệnh viện Quân chủng Không Quân đã hằn sâu trong ký ức của chúng tôi.  Bệnh viện này nằm ở phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tọa lạc gần ngôi mộ ông Hoàng Văn Thụ ngay gần cổng ra vào. Xung quanh mộ của Ông có nhiều cây phi lao xanh xanh. Mới vào đầu mùa hè mà đã có gió reo mang theo những âm thanh rì rào. Bên trong cổng của bệnh viện toàn những nhà cấp 4 tuyềnh toàng. Chắn ngang cổng là một cây tre làm mốc giới. Ở bên trong hơi chếch về bên phảỉ là cái cổng chính làm bằng sắt nhưng đã hỏng nên bị rào lại.

Đầu năm 1978, sau khi Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, một số phi công được lệnh tập trung tại bệnh viện của Quân chủng Không Quân để khám tuyển phi công bay vào Vũ Trụ. Hầu hết các phi công được gọi khám tuyển đều là phi công tiêm kích. Về đến Hà Nội, chúng tôi mới biết trong thành phần dự khám tuyển, có cả các anh là Kỹ sư hàng không. Có anh tầm vóc cao to và khỏe đẹp gần giống như phi công vũ trụ thật nhưng cũng bị loại.

Qua nhiều nguồn thông tin, chúng tôi được biết, nhân dịp sang dự lễ kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/1977), đồng chí Lê Duẩn Tổng bí thư Đảng và đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng của ta, nêu vấn đề với Đảng cộng sản và Bộ Quốc Phòng của Liên Xô, cho phép người Việt Nam cùng bay vào Vũ trụ để nghiên cứu. Kết quả thật bất ngờ, không những bạn đồng ý mà còn để ta bay trước cả các bạn Cu Ba và Mông Cổ. Vì thế việc tổ chức khám tuyển rất khẩn trương, Chúng tôi rất mừng, nhất là những phi công có gia đình ở gần Hà Nội.

Tôi nhớ lại lần anh em chúng tôi được gặp phi công vũ trụ Liên Xô Gorbatko, sau khi ông đã hòan thành chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên. Ông về thăm lại trường cũ, cũng là nơi chúng tôi đang học bay ở đó. Ông đeo trên ngực tấm huân chương anh hùng lấp lánh. Hôm ấy đúng vào ngày nghỉ nên khá vắng người. Các đoàn học viên nước ngoài, mỗi đoàn chỉ được lãnh đạo nhà trường mời hạn chế một số học viên. Có lẽ là do phải giữ bí mật nên chúng tôi chỉ được biết trước đó ít phút. Đoàn học viên Hungari có mặt khoảng 6 người, Đoàn của ta có anh Bùi Thanh Liêm, tôi và một anh nữa. Ba anh em chúng tôi hôm ấy phải ở nhà không được đi chơi phố lại gặp may. Đoàn Apgannistan khoảng 4 người, còn lại là các sĩ quan Liên Xô. Ông Gorbatco nói chuyện, giải thích sự giống nhau và khác nhau khi bay trên con tàu và máy bay ra sao. Với máy bay thì phi công luôn chủ động điều khiển được, còn bay trên con tàu vũ trụ thì chỉ điều khiển được từng phần thiết bị, nhiều việc phải nhờ vào sự chie huy và các thiết bị ở mặt đất. Khó chịu nhất là trạng thái không trọng lượng, máu dồn hết lên đầu trong thời gian dài.  Hoặc khi đi vệ sinh cũng cần máy trợ giúp. Còn nguy hiểm nhất là lúc hạ cánh bay vào tầng khí quyển của Trái đất, phi công phải nằm trong quả cầu treo cùng chiếc dù khổng lồ để tiếp mặt đất. Chú chó Laica đã được các nhà khoa học đưa lên chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ. Sau thành công của chuyến bay này, sau đó mới cho phép con người bay vào vũ trụ. Ông Gorbatco nói chuyện khoảng hơn một giờ, rồi chủ động hỏi chúng tôi: “Còn khoảng một giờ nữa, tôi dành lại để các bạn hỏi, tôi sẽ giải thích’’. Sau một lúc im lặng bạn học viên Hungari mạnh dạn phát biểu:’’ Thưa đồng chí trung tá, sau chuyến bay này đồng chí có còn thích bay nữa không ạ?’’. Ông Gorbatco không trả lời trực tiếp mà gián tiếp qua câu chuyện:’’Khi tôi mới trúng tuyển vào trung tâm đào tạo Phi công Vũ trụ thì đồng chí Ti Tốp đã chuẩn bị bay. Ông Ti Tôp là người thứ hai bay vào vũ trụ (sau Gagarin). Khi ấy tôi (Gôrbatko) mới vào nhập học nên được cử vào đoàn đi đón đồng chí Ti Tốp về Trái đất. Sau khi quả cầu chở ông Ti Top ở bên trong, tiếp xuống đất, mọi người ùa đến để dìu đón ông vào chỗ nghỉ. Sau đó có một học viên. trong số chúng tôi, cũng hỏi ông Ti Tốp câu hỏi, giống như các anh vừa hỏi.  Ông Ti Tốp trả lời ngay:’’ Tốt nhất hãy để cho chó nó bay thử thêm đi đã, sau đó người hẵng bay...”. Mọi người cùng cười vang cả cánh đồng. Một sự trùng lặp kỳ lạ là phi công Vũ Trụ Gorbatko mà chúng tôi được gặp ngày ấy, sau này lại cùng với phi công Phạm Tuân của Việt Nambay vào vũ trụ. Còn phi công Bùi Thanh Liêm cặp đôi với phi công Bưkovsky của Liên Xô thành đôi dự bị.

Đầu năm 1978 tình hình biên giới Tây Nam của nước ta rất căng thẳng. Đồng thời ở Miền Bắc cũng phải tập trung chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Một số phi công và cán bộ chỉ huy được lên trực thăng bay dọc biên giới thị sát.. Tình hình biên giới căng thẳng.. Có lần tôi được gặp một đoàn cán bộ mang quân hàm đỏ vào kho tên lửa không đối không của Trung đoàn tôi xin một số quả tên lửa đã hết hạn xử dụng. Các anh bảo là chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo cái giá để gắn quả bom vào hai quả tên lửa rồi phóng sang đối phương thay vũ khí bộ binh. Các đồng chí cán bộ nào của không quân mà có chút kiến thức bộ binh thì đều được sử dụng để lên lớp, giảng dạy. Đội ngũ phi công cũng được tăng cường huấn luyện chiến thuật bộ binh đồng thời phải biết sử dụng một số loại vũ khí chiến đấu ở mặt đất.

Tình hình chiến sự chống Pôn pốt- Khơ me đỏ ở Miền Nam thì đang ở đỉnh điểm ác liệt và phức tạp. Nhiều phi công được chuyển loại sang bay máy bay A37 và F5 máy bay trinh sát cánh quạt U17 do ta thu được của địch sau giải phóng. Trong thời gian rất ngắn phi công ta đã làm chủ được và nhanh chóng sử dụng để bay chiến đấu. Mỗi ngày một phi công xuất kích đến hai, ba lần để ném bom và bắn phá đội hình địch lẩn khuất trong rừng ở biên giới Việt Nam và Campuchia. Bọn lính Khơ Me đỏ đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới vô cùng ác liệt. Chúng tàn sát dân ta và chính đồng bào của họ. Nhưng ta cũng phải chịu tổn thất. Phi công Tạ Đông Trung lái A37 truy kích địch, máy bay của anh bị hỏa lực của địch bắn trúng mất điều khiển, anh phải nhảy dù để thoát hiểm. Anh đã anh dũng chíến đấu đến viên đạn cuối cùng quyết không để địch bắt. Ngày 20 tháng 12 năm 1979 anh đã được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu” Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tình hình như vậy nhưng chúng tôi vẫn được gọi đi khám tuyển, ai cũng ngạc nhiên. Đồng chí chủ nhiệm chính trị Quân chủng xuống tận Bệnh viện kiểm tra, nắm tình hình và nói chuyện thời sự. Đồng chí cho chúng tôi biết:” Trước tình hình căng thẳng như hiện nay mà quân chủng vẫn tập trung các đồng chí để khám tuyển thì đã thấy rõ sự cấp thiết ở mức độ nào”. Quân chủng yêu cầu các đồng chí y bác sĩ cùng cán bộ công nhân viên của bệnh viện tập trung vào việc khám tuyển đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu của nước bạn. Các đồng chí phi công được dự khám tuyển phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng và là vinh dự lớn. Trước tình hình biên giới căng thẳng như hiện nay Quân chủng đồng ý để bệnh viện sơ tuyển vòng một ngay tại các Trung đoàn không quân, Các đồng chí có mặt ở đây hôm nay là khám vòng hai, Chúng tôi chỉ ngồi im và lắng nghe. 

Ngày bắt đầu khám tuyển vòng hai, chúng tôi chẳng ai có niềm tin là mình trúng tuyển, một mục tiêu rất xa vời và khó đạt được. Trong khi đó rất nhiều công sức mà chúng tôi phải bỏ ra để chuẩn bị chiến đấu trên bầu trời biên giới đành phải bỏ phí. Có lẽ nguồn động viên lớn nhất chỉ có ở các anh đã có vợ con ở ngay Hà Nội như phi công Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm và một vài anh nữa. Chưa bao giờ chúng tôi có được đợt “đi phép” dài như thế.

Vì bệnh viện quân chủng Không Quân không đủ phương tiện để khám tuyển, nên bộ phận khám tuyển đã sử dụng các thiết bị hiện đại (thời đó) chuyên dùng phục vụ khám sức khỏe các cán bộ trung ương để khám tuyển chúng tôi. Còn ăn ở, sinh hoạt hàng ngày thì vẫn ở bệnh viện quân chủng Không quân. Ngày đầu tiên chúng tôi, hơn chục phi công tiêm kích, sang bệnh viện 108 để bắt đầu khám tuyển.  Trong số nói trên, có một số anh bay MiG17 mới chuyển loại lên bay Su22 hiện đại.  Còn lại, phần lớn là phi công MiG21. Mỗi lần đi sang bệnh viện Trung ương quân đội 108 để khám chúng tôi ngồi gọn trong một xe 16 chỗ do Liên Xô sản xuất đã cũ. Ở sau xe là một Rơmooc thùng, bên trong có ghế để ngồi ăn và có bếp để hâm nóng. Phải nói không ngoa rằng về ăn uống và sự ưu tiên phục vụ thì chúng tôi là hạng nhất, còn về thể xác thì phải chịu đựng vất vả gấp nhiều lần so với khám tuyển lái máy bay.

Tôi có anh bạn Bùi Thanh Liêm cùng đi dự khám tuyển đợt này. Anh là bạn học cùng trường, cùng lớp, cùng nhóm bay, cùng thầy Beloski với tôi vào năm cuối bay trên máy bay MiG21. Anh là một trong những học viên đẹp trai trong lớp, giỏi tiếng Nga. Khi mới học năm đầu mà anh đã tán chuyện làm cho các bạn nữ sinh Nga cười ngặt nghẽo. Còn bây giờ anh đã có vợ và một con gái. Chỉn chu nhất là anh Nguyễn Văn Cốc, anh đang là cán bộ Trung đoàn Không quân 921, luôn là tấm gương để chúng tôi noi theo về mọi mặt. Chững chạc từ cử chỉ đến lời nói, khiêm tốn và hòa đồng. Anh là phi công MiG21 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân khi còn rất trẻ. Lúc anh đi nhận danh hiệu anh hùng anh được gặp Bác Hồ, Bác có nói một câu mà mọi người nhớ mãi: “Bác chúc các chú có nhiều cốc hơn nữa...’’. Anh Cốc đã có một con trai đầu lòng. Số còn lại, có mấy anh vẫn chưa có vợ. Anh nữa là anh Trần Tuấn Việt, người chắc đậm và hơi thấp, để phân biệt anh với nhiều anh tên Việt khác bạn bè hay gọi anh là “Việt lùn”. Anh có dáng người thấp đậm, tròn tròn. Trông anh rất giống phi công vũ trụ Liên Xô Gorbatko mà tôi và Bùi Thanh Liêm đã được gặp ở trường Không quân Liên Xô. Anh Trịnh Bá Tư đẹp trai, cao to nhất hội, phi công chúng tôi hay gọi anh là “Tư kềnh” cùng Trung đoàn với tôi. Anh nữa là anh Nguyễn Kim Điến có màu da của vùng biển, người Nam Định vui tính và thật thà. Trong số còn lại ở vòng khám tuyển thứ hai, chỉ còn mình anh Điến   bay Su 22 của Liên Xô mới tinh. Anh Vương Hữu Quý, phi công MiG21 bay đêm, cùng Phi đội 5 với tôi, người dáng cao đẹp, da trắng, anh đập bóng chuyền rất mạnh, là thành viên đội tuyển bóng chuyền của trung đoàn. Cuối cùng là tôi, phi công MiG21, chuyên bay đêm.

Các anh chị là y bác sỹ thì phúc hậu và thân thiện. Các em y tá, công vụ thì chăm ngoan, quí mến chúng tôi mỗi khi cùng đi vào bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám. Có em còn cho chúng tôi bí mật gửi xe đạp để tối ra chơi phố sẵn có xe đi luôn. Ở bệnh viện lâu tôi mới được biết một số chị là vợ của phi công lớp đàn anh của chúng tôi. Các chị giản dị, bao dung và tốt bụng. Chúng tôi nhớ một chị có khuôn mặt đẹp và phúc hậu. Chị được phân công đi cùng chúng tôi để động viên mỗi khi gặp ca khám đau. Không ai có thể quên được ca soi chiếu, chụp ảnh khí quản và bên trong của phổi rồi sau đó là soi chiếu và chụp ảnh thực quản và bên trong của dạ dày luôn. Khi đến gần cửa phòng khám chúng tôi đã thấy hơi khác lạ so với mọi lần. Phòng ngồi đợi khám lại được bố trí ở nơi khá xa phòng khám. Chị bác sỹ quản lí của chúng tôi nói to: “Mời anh em vào phòng đợi để nghe phổ biến quy trình soi chụp hôm nay’’. Chị bảo hôm nay chúng ta thực hiện luôn cả hai nội dung là soi chụp phế quản và phổi, sau đó là soi chụp thực quản và dạ dày luôn. Chị không quên quảng cáo, thiết bị này có ưu điểm là vừa soi chiếu vừa chụp hình. Máy do Cộng hòa dân chủ Đức sản xuât và tặng cho ta. Ai khám xong thì ra xe luôn ngồi chờ ở đó, không được đi đâu, để sau đó về nhà ở. Hôm nay các anh được ăn cơm tại bếp của Bệnh viện quân chủng, không phải ăn trên xe”. Giọng của chị rõ ràng, dứt khoát như là một mệnh lệnh chứ không thân thiện như mọi khi. Lần lượt từng người được gọi vào khám. Tôi thấy hơi lạ là khám xong ai cũng lăng lẽ lên xe với nét mặt rất mệt mỏi và không được tiếp xúc với các anh đang đợi khám. Sau đấy rồi cũng đến lượt tôi. Vì tôi là người sau cùng nên chị gọi tên và đi cùng tôi. Vào trong phòng khám tôi mới thấy ghê. Trước mắt tôi là một cái giường bằng sắt giống như giường bệnh viện bây giờ, nhưng bị tháo đi một thành đầu giường. Mặt giường làm bằng lò so nhưng lại được đặt ở bên trên là một tấm phản gỗ giống như cái giá để chọc tiết lợn. Hai bên thành giường và ở cuối giường thì lại có 4 đoạn xích bằng sắt trông như để khóa tay chân cho người điên nằm. Ở bên cạnh có một cái bàn, trên mặt bàn có cái giống cán ô bằng sắt mạ sáng loáng, ở đầu cuối có gắn đèn và máy ảnh. Còn một cái nữa cũng giống vậy nhưng ngắn hơn. Chị bác sĩ của chúng tôi thì ngồi cạnh giường bên trái, chị có nhiệm vụ vỗ về, vừa động viên để xoa dịu đỡ đau cho chúng tôi. Chị bảo chịu khó một tí là xong thôi mà, các em to khỏe thế này chịu đau giỏi hơn các thanh niên bình thường khác chứ. Kiểu nói của chị giống như chị vừa nựng vừa động viên em trai của mình, làm cho chúng tôi cảm thấy đỡ đau hơn. Riêng với anh Nguyễn Văn Cốc, vì hơn tuổi chị, thì không được chị động viên như thế. Còn bác sĩ khám, thì chọc vào, rồi rút ra từ trong họng chúng tôi bốn lần, để chụp ảnh và soi chiếu từng phần cần soi, chụp trong họng. Bác sĩ giải thích và thanh minh với chúng tôi là phía bạn Liên Xô yêu cầu như thế, đồng thời phải gửi cả ảnh sang cho bạn. Sau lần khám này, mấy anh em chúng tôi được phát thuốc kháng sinh để uống ba ngày liền. Một số anh em kêu đau, có anh còn bị ho và khạc ra cả đờm lẫn với máu. Thế là chúng tôi được đà ăn vạ, bàn nhau báo ốm xin nghỉ khám. Bệnh viện cho người xuống kiểm tra về báo cáo sự việc là có thật. Chúng tôi thắng cuộc. Sáng hôm sau vợ anh Cốc vào thăm, chị trách anh là ở gần ngay đây cả tháng trời mà không về thăm con lấy một ngày. Anh chỉ ngồi im gãi đầu không biết thanh minh như thế nào để vợ hiểu. Sau đó chị chào chúng tôi rồi ra về. Chứng kiến tình cảnh này chúng tôi lại thấy thương anh. Hoàn cảnh đưa đẩy chúng tôi như thế chứ chẳng ai muốn. Thế là chúng tôi đạo diễn một cuộc “về tranh thủ” ngoạn mục. Tôi nói với anh là chị ấy giận lắm đấy, phụ nữ là như vậy. Mọi người cười ồ: “Đúng là cái đồ trứng khôn hơn vịt, cậu biết gì mà nói, chưa có vợ thì ngồi im...’’. Mọi người thủ thỉ giải thích, nhưng có lẽ anh ngại vì đây là quy định của bệnh viện nên không dám xin về, tính cách anh là thế. Sau đó mọi người kéo anh ra cổng và nhanh chóng đứng xếp thành một hàng, che mắt người trực gác để anh đi qua. ‘’Mượn gió bẻ măng’’ Bùi Thanh Liêm cũng đi theo và về luôn. Rất may Liêm có xe máy đang gửi ở nhà bạn ngoài phố nên đèo anh Cốc về cùng.

 Ăn chiều xong dù họng vẫn đau nhưng vì buồn quá nên chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm. Bỗng dưng một anh nói gấp:” Thôi chết! Nhỡ bác sĩ đi kiểm tra quân số thì sao...?”. Chúng tôi ngớ người ra. Sau đó một vở kịch được diễn khá hoàn hảo. Tối hôm ấy chúng tôi mắc màn đi ngủ sớm hơn mọi ngày. Hai gường của anh Cốc và anh Liêm cũng được mắc màn như mọi đêm. Bên trong màn là hai hình nộm được làm bằng một đống các thứ lặt vặt. Bên ngoài là cái vỏ chăn phủ kín từ đầu đến chân, trông cũng không giống lắm. Chúng tôi tắt đèn tối mịt. Bỗng nhiên thấy ánh đèn pin loang loáng ngoài sân, rồi có người cất tiếng oang oang: “Sao hôm nay tắt đèn sớm thế, lại mệt hả?”. Một anh trong số chúng tôi ra vẻ mệt mỏi trả lời: ‘’Bác sỹ tra tấn chúng tôi thế này mà không ốm mới là chuyện lạ’’. Anh bác sỹ tên Chung, chúng tôi hay đùa và nịnh anh là Chung Thủy. Anh là một bác sỹ thân thiện với chúng tôi và vui tính nhất bệnh viện. Thế rồi hành động của chúng tôi cũng bị lộ. Ánh đèn pin của anh bác sĩ chiếu sáng đến giường anh Cốc thì dừng lại. Thế là vở kịch vụng về của chúng tôi đã không thành công trọn vẹn. Không hiểu bác sỹ Chung về báo cáo thủ trưởng bệnh viện những gì? mà các anh ấy đối xử với chúng tôi nhẹ nhàng hơn xưa nhiều, cứ như nịnh chúng tôi. Anh Chính, viện phó, cùng quê Hà Tây với tôi bảo: ‘’Ban lãnh đạo bệnh viện đã được nghe báo cáo và phản ảnh về các đồng chí, chúng tôi tạm thời quy định: đồng chí nào xin nghỉ một ngày thì lập danh sách báo cáo Viện trưởng trước 3 ngày. Còn ai có việc thật cần thiết phải nghỉ hai ngày trở lên, chúng tôi phải báo cáo Cục chính trị Quân chủng’’. Kêt quả cuộc đấu tranh này, chúng tôi được sinh hoạt hàng ngày thoải mái hơn đôi chút.

Phái đoàn của nước bạn sang ta khoảng 6 người. Đa số là bác sĩ, có người là giáo sư. Đặc biệt là có một số bài tập tay không của Phi công Vũ Trụ đã được Đoàn hướng dẫn. Những anh em trúng tuyển vào vòng trong đều học ở Liên Xô, cho nêngiao tiếp với bạn bằng tiếng Nga cũng thuận lợi. Mọi người còn được tắm dưỡng sinh bằng nước thuốc Bắc.

Càng vào vòng trong ở Việt Nam, số bị loại lại tăng thêm. Để bảo đảm số trúng tuyển, phía Việt Nam đề nghị tiến hành khám tuyển số phi công đang học ở Học Viện Gagarin tại Liên Xô.  Số học viên này có đầy đủ mọi tiêu chuẩn về thành tích cá nhân trong chiến đấu. Nhưng khi khám để tuyển cũng rơi rớt gần hết, bác sĩ khám tuyển còn nói: “các anh chỉ đủ sức khỏe để bay, đừng có mơ bay vào vũ trụ”. Mọi người lặng lẽ quay về học tiếp. Phía Liên Xô nói vậy thôi nhưng để ý đến một anh. Còn tại Việt Nam tuyển được 5 người, còn thiếu một người.

Hội đồng giám định y khoa hai nước họp và thông báo kết quả vượt qua vòng 3 Tại Liên Xô là: anh Phạm Tuân. Tại Việt Nam: anh Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm, Đinh Trọng Kháng, chuẩn bị hành trang bay sang Liên Xô, khám tuyển vòng 4 cùng với anh Phạm Tuân. Chúng tôi tạm biệt nhau và tỏ lòng ngưỡng mộ bốn anh. Bốn phi công này cùng đang bay MiG21. Chắc chắn rằng một trong bốn các anh sẽ mang vinh quang về cho Tổ quốc, là phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam.

Tôi và anh Trịnh Bá Tư, anh Trần Tuân Việt phải về đơn vị ngay vì biên giới phía Bắc ngày một căng thẳng hơn. Tôi và anh Trịnh Bá Tư có điều may là đã tìm được hai bạn gái xinh đẹp và đảm đang. Sẽ làm đám cưới và cùng nuôi dạy các con trưởng thành. Chúng tôi đằng đẵng xa nhà vì phải bảo vệ hai miền biền giới và nhiều nhiệm vụ khác nữa. Cả hai lần vợ sinh con, mình đều vắng mặt.

Chúng tôi gọi vui vòng khám tuyển 4 là vòng... “Chung kết”. Bạn Liên Xô khám tuyển thực tế hơn ta. Chỉ khám những cái cần thiết, chứ không dàn trải. Các anh bảo khổ nhất là quay ghế bằng điện, không quay bằng tay như ở ta. Mỗi anh ngồi vào ghế có điện quay tròn nhiều trăm vòng ở nhiều tốc độ khác nhau. Vừa chiu đựng vừa phải để ý đèn đỏ trên ghế sáng thì phải cúi người mình xuống. Bốn anh quay ghế thì ba anh bị nôn, mỗi anh Phạm Tuân là không. Anh Phạm Tuân bảo rằng đến những phút gần cuối anh cũng thấm mệt nhưng vẫn cố được. Anh Tuân kể rằng anh Cốc và anh Tuân được bạn Liên Xô bố trí ngủ cùng một phòng. Sáng sớm tinh mơ hôm trước, anhTuân nghe sột soạt ở giường bên, mở mắt ra thì thấy anh Cốc đang tập bài:” Trồng cây chuối” trên giường. Anh Cốc đang ôm đầu cắm xuống giường và chổng chân lên trời. Anh bảo tập như thế này để cho máu dồn xuống đầu, tạo thói quen dần, đến lúc quay nhanh sẽ dễ chịu hơn.

Do bạn có nhiều kinh nghiêm khám tuyển nên chỉ ít ngày sau đó là khám tuyển xong. Sau 5 tháng khám tuyển ta đã chọn được hai phi công là anh Phạm Tuân và anh Bùi Thanh Liêm.

N.K.D.

(HẾT)

Tham khảo: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: http://mod.gov.vn/home/intro/bt?current=true&urile=wcm:path:/Mod/sa-mod-site/sa-qpvn/sa-qpvn-bqp-root/sa-qpvn-bqp-child-dsldbqp/sa-qpvn-bqp-child-btqctk

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Những ký ức không thể quên": Khám tuyển phi công vũ trụ (Kỳ 20)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Le Nam

Le Nam

06:37 04/10/2023

Bộ trưởng BQP lúc đấy là ai mà tác giả không nêu tên ? Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên là: Thượng tướng CHU VĂN TẤN (1910 - 1984); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ lâm thời và Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (9/1945 - 2/1946); Dân tộc: Nùng; Quê quán: xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên; Tham gia cách mạng: 1934; Nhập ngũ: 1945; Thượng tướng: 1958; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: 1936. /Bạn tham khảo: http://mod.gov.vn/home/intro/bt?current=true&urile=wcm:path:/Mod/sa-mod-site/sa-qpvn/sa-qpvn-bqp-root/sa-qpvn-bqp-child-dsldbqp/sa-qpvn-bqp-child-btqctk