Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 8): Cả Trung đoàn cùng bị bệnh... "Thèm ăn" và chuyện tôi được ra Bắc...Nhưng tự quyết định ở lại

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

27/12/2022 06:17

Theo dõi trên

8 giờ sáng 2/11/1969, các đơn vị thuộc Trung đoàn 38, trừ số ở lại hậu cứ, lần lượt hành quân về phía Tây của Quảng Đà.

Chúng tôi có trinh sát của Trung đoàn dẫn đường, đi theo đường giao liên để ra đường 14. Bộ đội hành quân leo lên đỉnh Dốc Mực, tụt xuống chân dốc phía Tây thì được lệnh nghỉ, tìm măng, lấy hoa chuối rừng để nấu ăn.

Khu rừng này không có người ở, vắt nhiều như bọ. Nằm trên võng vấn thuốc hút thấy vướng ở cạp quần lại là con vắt. Ngủ một giấc, mở mắt không được, há mồm không ra, sờ thấy 2-3 con vắt, chúng chằng qua mắt, vắt qua mồm cũng chẳng hề gì.

d2vh2-1672065735.jpg
 Bộ đội hành quân vượt Trường Sơn (Ảnh do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh hoạ).

 

Ngày 3/11/1969, buổi sáng chúng tôi đến đường 14. Con đường nằm ở phía Đông- Nam trên bờ sông Bun. Chúng tôi đi xuôi dòng sông một đoạn, thì gặp các đơn vị của Trung đoàn cũng vẫn nối tiếp nhau đi trên đường 14.

Đội quân chúng tôi đã kiệt sức vì đói ăn, ốm yếu, bệnh tật bước chẳng nổi, bê bết, hết hơi, đổ xiêu, đổ vẹo. Đi chừng 300 đến 500m lại buông súng nằm sõng xoài. Mỗi ngày một người chỉ có tiêu chuẩn nửa bò gạo. Phải kiếm rau rừng dọc đường 14 ăn thêm. May là có lá lốt, rau tàu bay mọc nhiều, chúng tôi vừa đi vừa hái ăn. Chân tôi bị đau khớp gối đã lâu, phải vác khẩu CKC chống gậy đi cuối đội hình.

17 giờ ngày 3/11/1969, chúng tôi đến bến Đò Dàng ngồi nghỉ, chờ từng đơn vị qua đò quá Giang. Lúc bấy giờ, thấy anh Cảnh người Quảng Ngãi làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn ngồi một mình trên hòn đá bờ sông ăn kẹo, chúng tôi thèm ứa nước dãi, chảy nước mắt…

d3vh3-1672065872.jpg
Bằng khen tặng Phạm Hữu Thậm

 

Khoảng 22 giờ 3/11/1969, đơn vị tôi mới sang được đò, tìm nơi mắc võng ở triền sông, mọi người mệt quá ngủ li bì. Tôi dậy đi giải, thấy có ảnh lửa bên hốc đá, tôi đi lại thấy anh Ca ngồi gác, đang nấu một ăng gô cơm.

- Thậm đó hả? Lại đây, sờ túi cóc ba lo của tao lấy giúp 2 cái thìa Mỹ với gói muối lẹ lên.

Tôi “vâng”, rồi lặng lẽ làm theo lời anh. Cơm chín, chúng tôi cùng xúc ăn.

- Cơn muối mà ngon quá anh nhỉ!

- Khẽ chứ, kẻo anh em biết, không có cho nhau thì tội.

Chỉ một loáng, chúng tôi đã ăn hết ăng gô cơm. Ăn vào đâu, biết ngấm đến đó, ấm bụng và dễ chịu thật!

- Cảm ơn anh nhé, lần sau có cái gì bảo em với. Mà anh đi ngủ đi, để em gác cho.

- Thôi mày đau chân đi ngủ trước. Hết giờ rồi để tao gọi thằng Bình.

Tôi lên võng vấn thuốc lá hút, thấy khoan khoái hơn cả thuốc tiên.

Ngày 4/11/1969, sáng dậy nấu mỗi người được chia miệng bát cơm, không bõ dính ruột. Tôi nghĩ lúc đêm mình cũng được vài bát rồi, giờ để cho 3 người ăn mỗi người cũng thêm được 1 thìa. Tôi bảo Định:

- Các anh ăn đi, cả đêm tôi bị tào tháo đuổi, đau bụng không ăn được.

Mọi người thấy vậy động viên:

- Cố ăn vài miếng để có sức mà đi.

Tôi lắc đầu xua tay đi cuốn võng chuẩn bị hành quân. Vừa đi vừa nghỉ vừa hái lá lốt ăn sống.

15 giờ chiều 4/11/1969, đơn vị đến được bản Bà Lừa. Tôi và anh nuôi Tích đi sau cùng thấy có cái rẫy của đồng bào bỏ hoang, liền tạt vào tìm kiếm được bụi rong riềng. Chúng tôi rút dao găm, đào được củ nào, bóc vỏ ăn luôn củ ấy. No rồi, tôi trải ni lông bọc hết số còn lại. Hai thằng còn hái thêm được 1 bó rau nhớt và rau khoai lang. Đeo ba lô, vác thêm rau củ có nặng hơn, nhưng lại thấy hưng phấn và khỏe người hơn hẳn.

Đi tiếp chừng 20 phút thì chúng tôi gặp Cư và Toàn. Cư nói nhỏ:

- Đi vào trong suối kia, mày với thằng Định kiếm củi, chúng tao đi lấy sắn làm một bữa cho đã.

Tôi phấn khởi hỏi:

- Có cả sắn cơ à?

- Yên tâm, đủ cho chúng mày ăn no!

Đến nơi, Định bảo tôi chặt củi gầy bếp, Định gọt rong riềng luộc, làm nồi canh rau nhớt và luộc rau lang. Cư và Toàn đem về 2 gùi sắn, hì hục bóc vỏ, thái và gọt rồi luộc và nấu…

Tối hôm nay, chúng tôi ăn liên tục, “ăn trả thù” những ngày đói khát: Nào sắn nướng, sắn luộc, sắn nấu cháo, rong riềng, lại 2 xoong rau. Nhiều thứ thế mà đến khoảng 19 giờ đã ăn hết không còn gì. No căng bụng, còn hơn cả liên hoan 30 Tết vậy!

Đêm nay vui quá, bên suối bập bùng bếp lửa, cả Đại đội nhộn nhịp như giao thừa. Chúng tôi không ngủ, mài củ sắn gói bánh, cho quả ớt vào trong làm nhân, vì không có muối mì chính; luộc củ rong, củ sắn giã lèn vào ăng gô, cho rong riềng sắn luộc vào túi vải để dọc đường ăn.

*

Ngày 5/11/1969, đơn vị tiếp tục hành quân. Có lẽ do đói đã lâu, nên ai cũng mắc bệnh “thèm ăn” và ăn không thấy no. Chúng tôi tranh thủ vừa đi vừa ăn, ngồi nghỉ cũng ăn, đến trưa nghỉ ăn cơm thì bánh sắn, sắn luộc, sắn lèn ăng gô, củ rong riềng đều đã hết trơn.

Đi vài tiếng thì chúng tôi đến bờ sông Bung, đoạn trên, nhánh 2 sông này chảy từ A Sầu, A Lưới của tỉnh Quảng Trị sang. Trung đoàn được lệnh dừng lại, các đơn vị cử người đi lấy. Sắn do Mặt trận cung cấp, nghe nói là của đồng bào Tà Ôi đóng góp cho Mặt trận. Tuy nhiên, vì không may lấy phải sắn độc, nên sau khi ăn bữa đó, toàn Trung đoàn đều bị say lử đử, cứ há mồm cho nhớt dãi chảy ra và đầu nhức như búa bổ. Không có thuốc chữa, nhưng may là không có ai chết. Trung đoàn lệnh dừng lại nghỉ 1 ngày…

Ngày 7/11/1969, chúng tôi đến bản Bà Dương, được lệnh mắc võng nấu ăn ở bãi đá bờ sông, lấy sắn làm bánh, đánh cá, bắt ốc, hái măng, chặt chuối, tắm giặt và nghỉ 1 ngày.

Ngày 9/11/1969, đơn vị đến bản Bà Ghì. Cũng vì muốn cải thiện bữa ăn mà một chuyện đau lòng đã xảy ra: Trung đội trưởng Khầm, y tá Gia rủ Chủ nhiệm Quân y Trần Cảnh đem mìn đi đánh cá. Không may, gặp phải quả mìn Mỹ loại nổ tức thì. Khầm vừa buông chốt, quả mìm đã nổ luôn trên tay. Khầm đổ vật xuống, chết ngay tại chỗ và Chủ nhiệm Trần Cảnh bị thương nặng. Y tá Gia nấp sau hòn đá không việc gì. Trung đoàn phải vội điều 4 lính vận tải khiêng Trần Cảnh đưa đi viện.

Mấy ngày sau, Đại phó Quần, liên lạc Hin tiếp tục đi về hướng Tây để tìm nơi đặt Hậu Cứ. Còn mấy người chúng tôi đang bị chân đau, bệnh tật thì nằm lại bản Bà Ghì. Thèm cơm quá, chúng tôi đem thìa nhựa nhặt của Mỹ và các thứ gương, lược, ví nháy, dù pháo sáng, bình tông, bát… vào dân đổi lấy gạo.

Trong những ngày ở bản Bà Ghì, cái ăn cũng tạm, vì kiếm được sắn. Những dãy chuối tiêu của đồng bào ở bờ suối, cây to, quả lớn, chúng tôi chặt, vất cây xuống suối cho trôi đi, ngụy trang gốc vác buồng về. Buồng nào sắp chín cây thì đào hố dấm, quả già xanh thì nấu cháo, luộc ăn. Rau rừng, lá lốt, rau mặt trời, mùi tàu thì đem nấu canh. Chúng tôi tát cá, mò ốc, chị em Vân Kiều thấy bộ đội ăn toàn rau với lá sắn, cũng giấu gạo của gia đình đem cho bộ đội.

Hơn tuần sau, ngày 17/11/1969, liên lạc Hin đi tiền trạm quay lại, thông báo: “Cứ ở đây thôi, lên trên đó không kiếm được gì ăn đâu, chết đói hết”.

Hôm sau 18/11, Hin tìm được quả lựu đạn ở ba lô anh Bát cùng với Lan đi đánh cá được 1 xoong 20. Tôi, Thuật, Hin, Lan, 4 người cầm bát vây quanh, sôi góc nào gắp góc ấy, nóng đến tuột cả lưỡi mà vẫn xì xụp ăn. Tôi bảo mọi người để phần anh Bát anh Thịnh 1 ăng gô.

Bộ phận đi cáng thương đã về ngày 19/11/1969. Hôm sau, chúng tôi lại đi, chừng 3 tiếng đến bản Bà Tý, chân dốc Ông Dồn.

Nhìn sang bên kia sông thấy có rẫy sắn, Tiểu đội trưởng Quang nói, hạ trại thôi có cái ăn rồi. Tìm chỗ mắc võng rồi mấy người đi bè sang sông, chui vào rẫy của đồng bào Cà Tu lấy sắn.

Gần trưa, có 2 vợ chồng người Vân Kiều từ bản Bà Ghì gùi 2 gùi chuối xanh lại, có cả cơm nắm. Quang kêu lên: “Thèm cơm quá chúng mày ạ!” Rồi anh lục ba lô, lấy đôi giày ngụy đổi lấy cơm nắm. Chúng tôi luộc sắn trộn vào để mọi người cùng ăn.

Ngày 22/11/1969, chúng tôi leo lên đỉnh dốc Công Dồn, bản Công Dồn của người Cà Tu, thì tạm nghỉ ở đó. Hôm sau, chúng tôi tụt xuống phía tây dốc, nghỉ ở bờ suối kiếm rau tàu bay, lá lốt nấu canh. Hôm sau nữa lại đi 1 ngày, chỉ đi 4 tiếng đồng hồ lại nghỉ…

16 giờ chiều 24/11/1969 chúng tôi mới đến được hậu cứ mới. Đó là một khu thung lũng rừng bằng, suối chảy xung quanh, núi cao bao bọc, chỉ có con đường theo suối đi vào, nơi đóng quân tuyệt đẹp. Khu rừng này thuộc bản Bà Xoa của người Tà Ôi, thuộc huyện Tây Giang.

Ăn xong bữa tối, Trung đội trưởng Vọng hỏi:

- Các cậu ăn thịt gì đấy?

Chúng tôi ăn cóc và chuột, nhưng bảo:

- Dạ món “cậu ông trời” ạ.

Công nhận ngon thật. Tối hôm ấy, Đáng và Lâu cầm đuốc đi soi được lưng bao xác rắn.

Mùa đông tháng 11, trên cao nguyên ban ngày đã lành lạnh, nhưng chúng tôi vẫn tắm suối. Về đêm, trời tương đối rét, nhưng anh em vẫn lội suối soi cá, rải lưới để cải thiện bữa ăn.

Lúc đầu chưa có nhà, tôi với anh Hôn mắc võng gốc cây, dưới võng trải ni lông, trên võng đắp dù bọc võng nhưng vẫn rét, mót đái là nghiêng người kéo chim tương xuống đất. Cứ nghĩ anh Hôn nằm bên phải, tôi lại quay đầu chim sang bên trái, tè một lúc, thấy anh Hôn kêu lên:

- Thằng Thậm, mày làm gì thế, đái đầy võng tao rồi!

Đêm 25/11/1969, mọi người ngồi sưởi bên đống lửa, tôi đưa ống tre vào bếp, bỗng một con dơi chui ra, tôi chộp ném vào bếp nướng con dơi ấy. Xoa hết lông con dơi bị cháy, lại cho vào nướng vàng lên. Thịt dơi thơm nức mũi, tôi bỏ vào miệng nhai gau gáu, ngon chưa từng thấy.

*

Đến ngày 28/11/1969, chúng tôi làm xong nhà ở, hầm hố tránh bom. Hôm sau, lệnh của Mặt trận cho số thương, bệnh binh ra Bắc. Đại đội cho tôi cùng Lan và Khang đến Tiểu đoàn 7 để kiểm tra sức khỏe.

Anh Quỳnh y sĩ Tiểu đoàn bảo tôi: “Anh đủ điều kiện để ra Bắc!”.

Ngày 04/12/1969, chúng tôi gặp gỡ để chia tay anh em trong Đại đội.

Đại phó Quần nói:

- Các đồng chí đi cho an toàn, ra ngoài đó ăn dưỡng hồi phục sức khỏe, rồi trở lại Trung đoàn nhé!

Cảm thấy anh em trong Đại đội đều không vui, Tiểu đội trưởng Định phẩy tay:

- Đi đi, không tao khóc đây này.

Tôi thấy tình cảm quyến luyến quá. Đến suối đá, tự dưng không kìm được, tôi bật khóc, bảo Lan và Khang:

- Thôi chúng mày ra Bắc đi. Cố gắng về Kinh Môn báo cho gia đình tao biết biết: Thằng Thậm vẫn khoẻ mạnh và chiến đấu tốt nhé!

Khang và Lan ngạc nhiên bảo:

- Nhiều người muốn xin ra Bắc không được. Có kẻ còn đào ngũ. Anh đủ tiêu chuẩn. Sao không ra cùng chúng em nghỉ ngơi, điều dưỡng cho khoẻ. Rồi sau muốn, lại xin vào chiến trường cũng được mà.

- Nhưng tao thấy mình còn trụ được, lại không nỡ xa anh em!

Động viên tôi cùng về, mãi không được, Khang đành bảo:

- Thế anh ở lại cố gắng nhé! Chúng tôi đi đây.

Nửa muốn về, nửa thương quý đồng đội, tôi đã quyết định ở lại và tin là mình đã có một quyết định đúng đắn.

Về lại Tiểu đội, mọi người đang ăn trưa, thằng Định Tiểu đội trưởng buồn quá, không chịu ăn đang ngồi khóc. Thấy tôi đeo ba lô trở lại, nó nhảy phốc ra ôm lấy tôi hỏi:

- Còn quên gì nữa, quay lại lấy à?

Tôi cười

- Không quên gì cả. Tao có tài sản, tư trang gì đâu mà quên chứ. Chỉ vì không thể xa nhau được, nhớ đơn vị nên không đi nổi.

Cả Tiểu đội cùng ồ lên:

- Có thế chứ! Mày mà ra Bắc thoát chết, sướng lấy một mình thì không ra gì, thôi vào ăn đi. Thế là anh em lại có nhau, cùng sống chết mới vui!

Tôi cầm mẩu sắn ăn mà sao thấy cứ nghẹn ngào.

*

Ngày 06/12/1969, tôi, Cư, Trinh, Đáng đi cải thiện cho Đại đội. Đến một rẫy sắn lâu năm, các cây rừng mọc còn tốt hơn cả sắn, chúng tôi chui vào nhổ đầy ba lô. Đang chui ra thì tiếng súng CKC nổ 5-7 phát liền. Cư, Trinh, Đáng đứng dậy, 4 người dân tộc Tà Ôi xông lại bắt quả tang 3 bộ đội đưa về bản. Tôi không đứng dậy, mà cầm gùi sắn kéo tuồi xuống dốc và chạy thoát.

Đói và rét. Giữa nhà một đống củi lửa, 2 cây khô cháy suốt ngày đêm; trừ lúc đi lao động về đến nhà mọi người lại quây vào đống lửa hơ tay. Có lẽ cũng vì thế mà da tay và da mặt ai cũng bắt khói vàng như chó thui. Chiếc võng bạt mắc bên bếp lửa khói bám vào kết hợp với ghét ở da người, da mặt quyện lại chuyển màu vàng đen trông phát khiếp.

Đơn vị có quy định: Anh nuôi nấu cơm không được ghế, phải để hút chạch, vì sợ mất dấu. Lúc chia cơm phải đợi đủ các đầu Tiểu đội cùng chứng kiến rồi mới xới cơm. Mỗi người chỉ được 1 gạt bát, khi ăn thì cơm ăn trước, sắn ắn sau vì nếu có nôn ra thì sắn ra trước, cơm ra sau đỡ lãng phí.

Tầm trưa, chiều, lúc nắng lên một tốp chúng tôi ra chỗ nắng phơi mình bắt chấy rận. Thấy anh Đạo người Nam Sách cùng nhập ngũ với tôi quấn chiếc khăn dù ở cổ liên tục cho tay vào gãi. Tôi mới vạch ra xem, kinh khủng quá, chấy và rận như bọ, chúng đẻ trứng trắng bên trong. Sau đó chúng tôi phải luộc quần áo, tất cả phải cạo trọc đầu. Chấy nhảy dù đánh đu xuống mặt và rận từng bầy bò chật đường tà. Mọi người ai cũng bị sâu quảng sốt rét hành hạ, chân sũng và bủng da…

(Còn nữa)

Đ.V.H

Trái tim người lính