Một chương trình tri ân ý nghĩa

 Nguyễn Văn Nọi

22/04/2024 21:10

Theo dõi trên

Sáng sớm nay, 22/4/2024, mở điện thoại thì thấy có tin báo trên zalo của anh Đặng Vương Hưng. Ảnh thời thanh niên của nhà văn Nguyễn Đình Thi đã được phục dựng màu đẹp và "thật" một cách ngỡ ngàng. Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã phải "phát ghen" với vẻ đẹp trai, phong trần rất "chuẩn men" của nhà văn Nguyễn Đình Thi trong ảnh phục dựng và tôi cũng thấy vậy.

dt1dvha-1713794932.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Theo thông báo của anh Hưng trên zalo, tôi đã ra Bảo tàng phụ nữ lúc 9:20 sáng nay để tham dự "Lễ ra mắt chương trình phục dựng di ảnh.màu cho các văn nghệ sỹ, trí thức đã hy sinh, hoặc có công trong kháng chiến và tác phẩm PHƯỢNG của tác giả Phạm Kiều Phượng" mặc dù tôi không phải là khách mời chính thức. Tôi lên đến cửa hội trường thì chương trình ca nhạc chào mừng chương trình cũng sắp kết thúc. Một nữ quân nhân ở bàn lễ tân vừa hỏi tôi, vừa đóng gói tài liệu vì hết giờ đón tiếp khách:

- Anh là khách mời của đơn vị nào ạ?

- tôi chỉ là thành viên của trang nhóm "Trái tim người lính' chứ không phải khách mời. Tôi thấy anh Đặng Vương Hưng thông báo chương trình này trên zalo nên muốn tham dự. Tôi có thể tham dự không chị?

- dạ được anh ơi, cho em gửi anh tài liệu ạ. - nữ quân nhân mở hộp các tông lôi ra một quyển sách đưa cho tôi. Tôi đọc nhanh tiêu đề cuốn sách "Phượng" của tác giả Phạm Kiều Phượng.

- Cho tôi gửi tiền sách - tôi lôi ví ra để lấy tiền thì nhận được một nụ cười tươi rói

- Không phải tiền anh ơi, sách do tác giả gửi tặng - sau buổi Lễ ra mắt...tôi đã biết tác phẩm "Phượng" là tiền đề cho chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sỹ, trí thức đã hy sinh hoặc có công trong kháng chiến. Liệt sỹ Phạm Văn Bái, cha đẻ của tác giả Phạm Kiều Phượng đã hy sinh ngày 31/3/1951 ở Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. Gia đình tác giả đã mất 56 năm mới tìm được phần mộ của ông. Hành trình tìm mộ liệt sỹ Phạm Văn Bái được tác giả dành hẳn một chương trong tác phẩm "Phượng" để kể lại. Đó là một cuộc tìm kiếm khá vất vả, kỳ công của "Phượng". Hy vọng, thất vọng rồi lại hy vọng và vỡ òa trong hạnh phúc. Bức ảnh chân dung của liệt sỹ, đại đội trưởng Phạm Văn Bái đã được nhóm phục dựng di ảnh hoàn thành suất sắc. Bức chân dung liệt sỹ Phạm Văn Bái được chuyển tặng cho gia đình bà Phạm Kiều Phượng. Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng cùng các cộng sự sau sự kiện ấy đã phát động "Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sỹ, trí thức đã hy sinh, hoặc có công trong kháng chiến". Tác giả tác phẩm "Phượng" đã tặng tủ sách "Đặng Thùy Trâm" 1.000 cuốn sách "Phượng". Cuốn sách tôi được tặng chắc cũng nằm trong số đó - trân trọng cám ơn tác giả và Chương trình tủ sách "Đặng Thùy Trâm".

Ở phần cuối buổi lễ, nhà văn - MC Quốc Toản đã có bài phát biểu xúc động dành cho tác giả Phạm Kiều Phượng. Ông gọi bà là "Bà nội Phượng" - tên đại diện trên phây của tác giả; đôi khi ông gọi bà bằng chị đầy kính trọng. Cuối bài phát biểu, nhà văn Quốc Toản đã đọc tặng tác giả và những người tham dự buổi lễ một bài thơ về vợ bộ đội do tác giả sáng tác. Bài thơ lay động người nghe nhưng tôi chưa kịp thuộc tên, định hỏi ông Quốc Toản nhưng thấy ông ấy khá bận rộn nên thôi.

Tôi đã đọc cuốn sách đó cả buổi chiều nay, và đọc xong trang cuối, trang 232 lúc 17:00. Rất nhiều cảm xúc sau khi đọc, hẹn bạn đọc trong một bài viết chỉn chu hơn.

N.V.N.

Bạn đang đọc bài viết " Một chương trình tri ân ý nghĩa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn