Vượt Trường Sơn (Hồi ký chiến tranh)

 Lương Hòa

24/12/2023 06:33

Theo dõi trên

Sau sáu tháng huấn luyện tân binh, đúng đêm 21/2/1971 Tiểu đoàn 634 E 2 Hải Hưng chúng tôi lên đường hành quân vào Nam đánh Mỹ.

Ngày đầu tiên cấp trên ưu tiên cho Tiểu đoàn tôi được đi ô tô, trên cung đường dài dằng dặc, từ làng Cự Nẫm, Bố Trạnh, Quảng Bình về tới trạm Số 01. Trạm này không có tên, tôi chỉ biết đó là một khu rừng rập rạp muỗi vắt nhiều vô kể.

Từ khu rừng này chúng tôi đi bộ vào tới tận đường 9 nam Lào, rồi bổ xung quân cho Sư đoàn 308 đang đánh căn cứ lữ đoàn dù VNCH ở Lao Bảo và ở Tà Púc.

Suốt tháng trời hành quân gian nan và vất vả vui có, buồn có mà suốt cuộc đời này, tôi không thể nào quên...

b1-truong-son1-1703341792.jpg

Ảnh minh hoạ do tác giả cung cấp.

 

Vui nhất là qua đoạn, từ ngã ba Thạch Bàn tới trạm Số 01 đầu tiên. Trên cung đường này chúng tôi gặp rất nhiều chị em phụ nữ TNXP họ còn trẻ lắm, cũng mười chín, đôi mươi như trang lứa tuổi chúng tôi. Tới đâu họ cũng đưa lòng bàn tay trắng tinh, chụm lại những ngón búp măng ngọc ngà thật dễ thương, lên nụ cười tươi thắm trên môi, rồi khua khua cánh tay về phía xe chúng tôi :

_ Các anh đi hè! Các anh đi mạnh khỏe hè!

Rồi chúng tôi cũng đưa lòng bàn tay lên nụ cười, cũng khua khua bàn tay rắn chắc trả lời lại các o TNXP :

_ Nhớ chờ anh nhé! Nhớ chờ đợi anh về em nhé!

Dẫu biết rằng cũng chẳng phải là nụ hôn trực tiếp, nhưng cũng có cảm giác thật hạnh phúc được gửi lời trao gió cho nhau. Tôi có thể khảng định chắc chắn rằng, gần 100 % lính tân binh chúng tôi chưa hề biết cổ tay con gái nó tròn hay nó dẹp như thế nào? Chứ đừng nói là nụ hôn cháy bỏng trên đôi môi ngọt ngào của người con gái!

Trên cung đường nầy tôi và các anh đều rất say xe, nôn ọe hết ra sàn xe, vì đường ổ Voi, ổ Trâu quá khủng khiếp. Nhưng tôi vẫn để ý hai bên cung đường này, có rất nhiều máng bom bi treo lên vách núi, những dòng chữ sơn vàng nắn nót :

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

Hay :

Anh đi non nước chờ anh đó

Hậu phương ở lại có em lo!

Hay :

Anh đi giải phóng miền Nam

Bao giờ thống nhất Bắc Nam anh về.

Đó cũng là lời nhắn nhủ tình cảm giữa người ở lại hậu phương, người ra nơi tiền tuyến.

Đó cũng là lời cổ vũ động viên chúng tôi trên đường đi đánh Mỹ.

Tình cảm và thương nhất là trạm dốc Tà Dịt gần kho hậu cần A Rinh của mặt trận. Đó là trạm cuối cùng, để rồi chúng tôi chờ đợi bổ sung quân cho Sư đoàn 308.

Ở đây tình cảm giữa bộ đội với chị em dân công hỏa tuyến vui lắm! Đêm nào cũng có chị em dân công hỏa tuyến đi qua dừng chân giải lao chờ lệnh. Tranh thủ các o vào nói chuyện cho vui và xin ké ngủ trọ chung hầm một chút. Các o mệt nhoài nằm thẳng cẳng gáy o..o. Còn tôi làm sao ngủ được? Nằm bên nghe hơi thở phập phồng thấy thương các o đến lạ... Đang ngon giấc ngủ thì lại phải dậy, vì có lệnh đi cáng thương binh. Lúc chia tay vội vàng, vẫn không quên trao cho nhau những dòng địa chỉ quê hương, hẹn ngày Nam Bắc một nhà chúng mình sẽ gặp lại nhau, có khi còn ôm hôn nhau trên đôi má đỏ thẹn thùng nóng ran nữa đấy!

Ở trạm Dốc Khỉ. Ở trạm ngã ba Dân Chủ. Ở trạm Một Ngàn Linh Một đúng nghĩa cái tên : Đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Rừng rú ở đây toàn những cây cổ thụ mấy người ôm không xuể. Đêm đêm bên cánh võng đung đưa, văng vẳng tai nghe rõ tiếng Hưu, tiếng Nai, tiếng Hoãng... Gọi đàn hu hú. Rồi tiếng chim rừng nghe buồn cười đến vỡ bụng : " Bắt cô trói cột. Bắt cô trói cột ". " Đã chót thì bóp. Đã chót thì bóp " . " Còn khổ, còn khổ "... Ôi! Nhiều tiếng chim rừng Trường Sơn nghe lạ tai lắm lắm.

Từ nẫy tới giờ mọi người nghe tôi kể ở Trường Sơn có thú vị không? Không đâu nhé! Ai bảo vượt Trường Sơn là thú vị? Gian khổ nhiều lắm chứ, chúng tôi đi đánh giặc mà, chứ đâu có phải chúng tôi đi du lịch? Mọi người có biết không? Ở Trường Sơn cứ bước chân ra khỏi Binh Trạm là phải gò lưng ra mà leo dốc hoặc xuống dốc. Khổ nỗi chúng tôi là lính bộ binh trăm ngàn thứ đều đè nặng trên đôi vai. Linh tráng dân đồng bằng Bắc Bộ, ngày ấy đói ăn ấy sao mà nhỏ con lắm? Thường thì cũng chỉ có ba chín, bốn mươi ký. Anh nào đô con nhất cũng chỉ khoảng bốn mươi lăm ký là cùng. Vây mà nguyên quân tư trang phát cho đi " B " cũng đã là hai mươi hai ký. Còn phải mang theo cuốc xẻng, binh tông, túi hóa học, súng đạn... Và bẩy ngày gạo tính ra cũng trên bốn mươi ký lô gam rồi đấy.

Nhớ mãi ngày đầu đi bộ từ trạm 01 về tới trạm Dốc Khỉ. Tôi chẳng biết nó dài bao nhiêu km? Tôi chỉ biết rằng đi từ lúc bốn giờ sáng hôm trước, cho đến hai giờ sáng hôm sau mới tới trạm Dốc Khỉ. Chao ôi! Mệt ơi! Là mệt. Đầu tiên xuất phát hành quân, thì đội hình còn giữ được khoảng cách sát nhau, sau rồi mạnh ai người đó đi, chứ cán bộ không thể nào quản lý được đội hình. May mà hành quân theo trục đường ô tô, nếu là đường mòn trong rừng có mà lạc hết quân.

Ngày đó tôi làm liên lạc cho chính trị viên đơn vị, thành thử tôi luôn phải theo thủ trưởng đi sau đội hình hành quân, để động viên đôn đốc lính. Chính vì đi sau nên tôi chứng kiến mắt thấy, tai nghe bao nhiêu trang bị của bộ đội vứt bỏ trên trục đường. Có anh còn vứt bỏ cả bao gạo đi, bởi lúc đó lính cũng chẳng sợ đói, vì có cơm nắm của binh trạm hàng ngày cấp phát cho ăn. Tranh thủ mắt trước, mắt sau chờ lúc thủ trưởng ngoảnh mặt đi, tôi liền vứt bỏ cái mền chăn, vứt bỏ hai quả lựu đạn, vứt bỏ đôi dép cau su. Hôm sau về đến binh trạm Dốc Khỉ tôi còn vứt bỏ đi một chiếc bút mực Hồng Hà còn mới tinh, một thếp giấy phê đúp, một cuộn kim chỉ khâu TQ... Nghĩa là cảm thấy thứ gì không cần thiết lắm là vứt bỏ đi luôn cho nhẹ vai.

Nhớ mãi ngày thứ hai đi bộ từ trạm Dốc Khỉ về tram ngã ba Dân Chủ. Trạm này không dài nhưng đường trơn và dốc vô cùng. Một bên là vách núi dựng đứng cao chót vót, một bên là vực sâu thăm thẳm, lỡ trượt chân là chỉ có lao mình xuống vực chẳng ai cứu nổi, cho nên đoạn này đi chậm như rùa, càng đi chậm càng khổ cái đôi vai, đã thế trời lại mưa nữa chứ.

Tới trạm ngã ba Dân Chủ mà còn phải rẽ vào con đường mòn rừng cây rạp rạp độ ẩm cao, vắt xanh từ trên ngọn cây lao xuống. Vắt nâu từ dưới đất lồm ngồm như nong tằm vừa được chủ nhà rắc nắm lá dâu, chúng rào rào ngóc đầu lên. Ôi! Chao ôi! Không có anh nào là không bị mấy phát vắt cắn no tròn mọng máu.

Đêm hôm ấy trời lạnh khủng khiếp. Hai thầy trò tôi mắc hai cái võng ở cửa hầm. Tôi đốt một đống than hồng to đùng để giữa hai chiếc võng, mà hai thầy trò tôi cũng không sao ngủ nổi. Chỗ góc kia mấy anh giả làm gà gáy o..o. Chỗ góc kia mấy anh giả làm mèo kêu meo...meo. Chỗ góc kia mấy anh giả làm chó kêu gâu...gâu. Cả khu rừng mênh mông rộng lớn cứ ồn ào như cái chợ vỡ, coi như một đêm mất ngủ.

Khoảng ba giờ sáng bỗng ba loạt B 52 ầm...ầm...ầm lính tráng im thin thít. Cũng là lần đầu tiên trong đời chúng tôi nghe thấy tiếng bom. May mà bom nổ cách chúng tôi vài ba trăm mét.

Ngớt tiếng bom, cũng là tiếng còi báo động dy chuyển của thủ trưởng Tiểu đoàn. Ôi! Khổ thật, đã một ngày hôm qua hành quân mệt lả. Đã một đêm trời lạnh buốt thấu xương không ngủ nổi, giờ này lại phải hành quân đi tiếp.

Mò mẫn mãi, mất hai tiếng đồng hồ trong đêm đen dầy dặc chúng tôi mới ra khỏi bìa rừng. Tới đây nghe Tiểu đoàn trưởng đọc lệnh khẩn trương : " Trung đội một của Đại đội bốn ở lại nhận nhiệm vụ mới. Đại đội hai hành quân đi thẳng theo trục đường ô tô. Đại đội ba và Đại đội bốn rẽ đường mòn hướng tay trái HẾT ".

Ôi! Chao ôi! Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa, chúng tôi ôm nhau khóc như ri, coi như sáu tháng huấn luyện gian khổ bên nhau giờ mỗi anh đi một ngả. Anh đi chiến trường liên khu 5. Anh đi chiến trường đường 9 nam Lào. Anh ở lại làm công binh Trường Sơn ngày đi không biết ngày về...!

Đại đội bốn của tôi rẽ tay trái theo đường mòn. Từ đây càng ngày hành quân càng thấy vất vả hơn vì phải leo nhiều đèo, lội nhiều suối.

Nguy hiểm nhất là con sông Xê Băng Hiên, nó như con quái thú khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn hoang vu. Nó từng nuốt chửng biết bao nhiêu bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước này.

Nguy hiểm nhất là đèo Một Ngàn Linh Một, nó cao, nó dốc trông như một cái thang leo lên trời. Mà đúng là phải trèo mấy cái thang của công binh Trường Sơn thiết kế, mới leo được lên tới đỉnh để sang bên kia hành quân đi tiếp vào Nam. Nguy hiểm lắm, chỉ cần một anh lỡ trượt chân thì không biết bao nhiêu anh phía sau cũng phải buông tay lao theo bạn xuống vực sâu thăm thẳm.

Càng đi vào sâu, càng gần chiến trường, càng ác liệt hơn. Lúc này chúng tôi hành quân theo người giao liên dẫn đường. Người giao liên họ chỉ có một cái võng vắt vai và một khẩu súng AK, họ đi nhanh như ma đuổi, bộ đội chúng tôi đến là khổ. Không đi theo kịp họ là lạc đường chỉ có chết thôi, bởi vì vùng này có rất nhiều ổ thám báo biệt kích hoạt động, lớ ngớ chúng bắt làm tù binh liền. Vùng này mìn vướng và bom bi nổ chậm dầy dặc nhiều hơn cả bàn cờ, lớ ngớ đi chệnh chân ra khỏi đường mòn là dích dây mìn vướng hay bom bi là chết tươi luôn không kịp ngáp

Thấm thoát thoi đưa, thời gian đã hơn năm mươi năm rồi đấy. Hôm nay ngày 22/12 kỷ niệm lần thứ 79 năm ngày thành lập QĐNDVN tự nhiên tôi nhớ ngày xưa quá... Ôi! Một thời không thể nào quên...

Đà Nẵng 21/12/2023.

Bạn đang đọc bài viết "Vượt Trường Sơn (Hồi ký chiến tranh)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn