"Không thể mồ côi" (Kỳ 3): “TUỔI THƠ DỮ DỘI”

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

16/12/2021 11:06

Theo dõi trên

Tôi là một người bình thường, nhưng lại sinh ra vào thời điểm loạn lạc. Lúc mẹ chuyển dạ sinh ra tôi, cũng đúng vào thời khắc của lịch sử dân tộc. Cái thời khắc mà ai ai cũng sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc mà tạm quên đi cuộc sống riêng tư. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời thì cơn lốc chiến tranh đã ập đến.

chuytraitim1q-1639627465.jpg
 Cô bé Minh Vân và bố mẹ tại chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tiếng khóc của tôi đã hòa vào tiếng súng nổ vang rền cả nước, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc, cuối năm 1946.

Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì lý do nào mà cha tôi, bác Hải, cô Oanh, chú Sơn và nhiều người khác trong họ nội của tôi đều tham gia vào một nghề vô cùng nguy hiểm, mà chỉ một sơ xuất nhỏ thôi, cũng có thể gây ra thảm họa khôn lường. Ai đã dấn thân vào nghề này thì suốt đời phải “sống để dạ, chết đem theo” mọi bí mật: Đó chính là nghề Tình báo!

Tôi đã được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của sự “tuyệt đối bí mật”. Nhưng tôi lại có “tính gà tồ, ruột để ngoài da” như mẹ nuôi tôi vẫn bảo thế.

Ngay sau khi ra đời, tôi đã được mẹ và đồng đội của bà cho vào quang gánh, thay nhau gánh theo dòng người tản cư lên chiến khu Việt Bắc. Nghe kể, hồi đó mẹ tôi được phân công phụ trách một trạm Giao liên bí mật tại Đại Từ - Thái Nguyên. Hình thức bên ngoài là một quán bán nước nhỏ, bên trong là nhận tài liệu từ các nơi đưa về để giao liên chuyển vào cho Phòng Tình báo Quân ủy Hội (Cơ quan tiền thân của Tổng cục 2 - Bộ Quốc Phòng) Bộ Tổng Tham mưu.

Cha và mẹ tôi đều là người vùng biển, còn tôi được sinh ra tại Hà Nội. Mẹ tôi vốn là tiểu thư con nhà khá giả, nhưng lại đặt niềm tin và yêu một người "hội kín". Vì yêu mà chính mẹ tôi cũng đã trở thành người của "hội kín". Tôi sống bằng tình yêu thương của cha mẹ và các đồng chí của ông bà, lương thực chủ yếu là ngô, khoai và sắn. Vậy mà, nghe mọi người kể lại, tôi khỏe lắm, giống như củ khoai lang lăn lóc mà không hề bị sâu, bị hà.

Khi tôi được hơn 14 tháng tuổi, với cái tên được cha mẹ đặt cho là Minh Vân (có nghĩa là “vùng mây sáng”), thì mẹ tôi đột ngột hi sinh, vì sốt rét ác tính. Lúc cha hay tin, ông đã đi bộ từ Cao Bằng về Thái Nguyên. Nhưng đến nơi thì mẹ tôi đã qua đời. Nghe kể lại, cha tôi chết lặng người, không khóc ra thành tiếng. Ở với con gái được hơn ba ngày, thì vì yêu cầu nhiệm vụ cha phải gởi tôi cho người chị nuôi là Nguyễn Thị Kíu, chủ hiệu bánh kẹo Tùng Hiên nổi tiếng tại Hàng Đường - Hà Nội nuôi dưỡng.

Cha tôi đã trực tiếp nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vào ngay Nam Trung Bộ và Nam Bộ để thống nhất lại toàn bộ ngành Tình báo cả nước với vai trò là đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu. Lúc đó họ tên đầy đủ của tôi được đặt là Hoàng Minh Vân (theo tên hoạt động Cách mạng của cha tôi là Hoàng Minh Đạo và tên thật của mẹ tôi là Hoàng Minh Phụng).

Sau ngày giải phóng năm 1975, tôi có đi sưu tầm được một lý lịch do cha tôi tự khai năm 1953 tại Xứ ủy Nam kỳ. Trên lý lịch đó của ông cũng khai: Bố Hoàng Minh Đạo, mẹ Hoàng Minh Phụng, con gái Hoàng Minh Vân.

Kể từ ngày mẹ mất, 27 tháng 5 năm 1948, hơn 8 tháng sau tôi mới được tổ chức bố trí người đưa về Hà Nội. Các cô chú ở cơ quan bố mẹ đã rất vất vả nuôi tôi trong rừng, khổ sở khi đưa tôi về Hà Nội để giao cho bà Kíu cũng là một kỳ công. Các cô chú (bà Nhân, cô Hiền tức cô Thìn, và bao các chú bác khác) đã thay phiên nhau bồng bế, gánh, cõng tôi qua bao đoạn đường giặc canh gác gắt gao từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.

Chặng đường đi kéo dài, chia làm nhiều chặng: Từ căn cứ Đại Từ phải vòng qua Thái Nguyên, rồi từ Thái Nguyên lại đi bộ vòng về đến Sơn Tây. Tiếp đó, từ Sơn Tây lại đi bộ về đến Hà Đông bằng quang gánh theo những người đi buôn. Chưa hết, cũng vì tôi là con gái của Trưởng Phòng Tình báo Quân ủy hội, nên các cô chú không dám đưa thẳng tôi từ Hà Đông vào Hà Nội. Mà phải cho người của Ban Tình báo Hà Nội đi tàu thủy theo những buôn bán đưa tôi xuống Hưng Yên. Rồi từ Hưng Yên chuyển qua đi bằng đò dọc về Hà Nội, bí mật đáp xuống bãi than bên sông Hồng. Vậy là tổ chức đã xóa mọi dấu vết tôi là đứa trẻ từ chiến khu Việt Bắc về; đồng thời, cũng không ai biết cha mẹ của tôi là ai.

Tôi nghe kể lại rằng, trên đường đi nhiều cô chú ói mửa, bệnh tật, đau yếu thường xuyên, vậy mà tôi vẫn mạnh khỏe bình thường. Đến Hà Nội, tôi được chuyển đến vào nhà bà Kíu (tôi gọi bằng “me”) tại số 41 Lò Sũ, sau này là 36 Lò Sũ. Mới hơn một tuổi, nhưng khi đến nơi tôi đã cứng cáp, biết đi, biết chạy giỏi rồi.

Tôi được khai tên mới là: Nguyễn Thị Minh Vân theo họ của “Me Kíu”. thường thì khi có ai hỏi, bà nói tôi là con của em trai bà đang đi buôn bán xa. Tuổi thơ của tôi qua đi êm đềm. Me Kíu yêu tôi và tôi cũng rất yêu bà.

Lâu lâu tôi cũng qua nhà bá Cung của tôi ở số 4 đường Nam Bộ. Bá Cung tên đầy đủ là Hoàng Thị Cung, rất đẹp người, cao dong dỏng. Cuộc đời của bá cũng có nhiều sóng gió, chồng của bá tên là Hoàng Khiêm trước cũng là lính tình báo, được cử vào Nam rất sớm rồi bị lộ và bị bắt do nội phản, sau khi ra tù thì mất liên lạc. Con trai của bá Cung anh Trần Trọng Hiền, hơn tôi một tuổi.

Nhờ ở nhà bá Cung, mà tôi được biết tên ông ngoại. Mọi người thường gọi là ông Thông Kính. Tôi có cậu Tôn là em ruột mẹ tôi. Tôi cũng được nghe mọi người kể lại là mẹ tôi đẹp nhất và cũng hiền nhất nhà. Sau khi mẹ Phụng tôi vào chiến khu với bố tôi, mãi sau này cả nhà bên ngoại tôi cũng đi vào chiến khu…

Càng lớn, tôi càng tiếc và cũng cảm thấy tủi thân vì khi mẹ mất, bố không ở gần thì tôi lại không có điều kiện gần gũi bên ngoại. Vì vậy, kỷ niệm về bên ngoại trong tôi rất mờ nhạt. Tôi không trách ai và trách bất cứ điều gì. Tôi hiểu thời thế lúc đó ai cũng khó khăn, ai cũng vất vả vì cuộc sống. Mà có lẽ bên ngoại của tôi cũng đã yên tâm, vì biết tôi được cha gởi cho me Kíu và được bà yêu thương. Tôi tin điều này vì bá Cung của tôi cũng hay gặp và nói chuyện với me Kíu.

Sau năm 1956 cuộc đời của tôi gần như lật sang một trang khác. Đó là cuộc sống tập thể và chính cuộc sống tập thể này đã cuốn hút tôi đi theo mạch sống mới. Bởi thế, không có điều kiện để gần gũi bên ngoại. Có thể là do địa lý xa xôi? Có thể là do mọi người đều bận rộn? Và cũng có thể là vì cha tôi không ở gần để tôi có điều kiện gặp gỡ và gắn kết lại với bên ngoại?

Sau này, những lúc các con hỏi tôi: “Sao tụi con không hề biết bên bà ngoại của bọn con?”. Tim tôi chợt đau nhói và tủi phận vô cùng. Tôi luôn tự mình tìm cách hóa giải, để mọi vấn đề đều trở nên nhẹ nhõm. Nhưng thực sự nhiều lúc tôi cũng cảm thấy tủi thân cho chính mình. Với hoàn cảnh của tôi, thì lúc đó được ai chăm bẵm thương yêu, người đó sẽ để lại ấn tượng đẹp không phai mờ tới suốt đời.

Nhớ lại khi còn nhỏ tôi hay nghe me Kíu và cả bá Cung đều nhận xét tính tôi ”gà tồ” hoặc “ruột để ngoài da”. Nhiều lúc bà bảo tôi:“Trời ơi! Sao không giống bố Đạo tí nào vậy!”. Còn bên ngoại của tôi thì nói tôi giống bố nhiều hơn giống mẹ. Nếu giống mẹ thì tôi phải có nước da trắng trẻo giống nước da của bên ngoại rồi, đằng này, da tôi lại nâu nâu.

Me Kíu luôn căn dặn tôi rất kỹ: Nếu có ai hỏi bố đâu thì nói bố đi lái xe ở Nam Vang và buôn bán luôn. Những lúc như thế, tôi rất hãnh diện vì tôi nghĩ, lái xe là được đi ô tô. Ở với bà tôi thường chỉ đi xích lô, lâu lâu qua bá Cung tôi mới được đi xe ô tô của chồng sau của bá tên là Sơn.

Thời điểm đó, trong nhà me Kíu có hiện tượng rất lạ, là có rất nhiều người đến rồi đi, như là trạm trung chuyển. Bà thường dặn tôi nếu có ai hỏi thì nói những người đó đến đặt mẹ làm bánh dẻo, bánh nướng, mứt gừng, mứt sen… Họ có khi là đàn ông, có khi là đàn bà, nói chuyện rất nhỏ và thường là khuôn mặt rất hiền lành.

Bà thường cho tôi mặc bộ quần áo màu trắng, người lại hơi béo tròn nên nhìn tôi lúc nào cũng múp míp và dễ thương. Vì biết tính tôi “ruột để ngoài da” nên mỗi lần đi đâu về là bà hay hỏi chuyện. Thế là tôi kể lại tuốt luốt, không sót sự việc nào. Đúng là “đi đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Cũng có lúc tôi hỏi lại bà “Nam Vang ở đâu?” thì bà bảo, bà cũng chưa được biết vì chưa đi đến đó bao giờ. Bà còn bảo đó là nơi tít tận đẩu đâu bên kia biên giới.

Ngoài me Kíu là chủ hiệu bánh mứt, trong nhà còn có hai cô, đó là cô Hợi và cô Thìn (còn gọi là Hiền). Cô Hợi rất hay quát tháo. Mỗi lần tôi thấy cô bới tóc lên cao là tôi sợ co rúm người lại. Có nghĩa là lúc đó cô đang chuẩn bị quát to, về một việc nào đấy mà cô không hài lòng. Bù lại, cô có tài nấu các món ăn rất ngon, như mọi người gọi cô là “tề gia nội trợ giỏi.”

Sau này lớn lên tôi mới biết và hiểu ra tại sao cô Hợi hay dữ dằn như vậy. Hóa ra cô đã chịu đựng quá lâu, vì chú Lâm chồng cô hoạt động bí mật bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo 8 năm. Đặt mình vào địa vị của cô, chắc tôi cũng hóa điên. Cô và con ở Hà Nội, còn chú thì không hề có chút tin tức gì cả. Tôi hi vọng sau này các con cô nhớ lại sẽ không trách mẹ, mặc dù cô đã đi xa rất lâu rồi do mắc bệnh hiểm nghèo.

Còn cô Thìn, bọn trẻ con trong nhà đều gọi cô là “bà điên”, vì cô điên thực sự. Sau năm 1954, cô được cứu từ nhà tù của Pháp ra. Không rõ vì bị tra tấn nhiêu, hay ức chế thần kinh, mà cô cứ lên cơn liên tục. Mỗi khi cô lên cơn, cô đập phá bất cứ thứ gì. Có lần cô xõa tóc ra, vác dao bầu chẻ củi đuổi theo tôi, Trang và Hùng đòi chém. Ba đứa trẻ cong chân chạy trước, cô vác dao chạy sau, bọt mép sùi ra thật kinh hãi. Thật may, lúc đó những người đi đường và các bác xích lô đuổi theo bắt cô trói lại, chúng tôi mới thoát được. Cô thường đuổi chúng tôi từ nhà Lò Sũ chạy đến tận Ấu Trĩ Viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội).

Tôi sống trong ngôi nhà có hai người đàn bà, một thì điên, còn một thì hay quát to. Về sau này tôi mới được biết cô Thìn điên vì lúc ở trong tù bị tra tấn đánh vào đầu nhiều quá. Cô tham gia hoạt động kín và bị bắt đi tù vì có chỉ điểm. Khi chú Minh Vân (trùng tên với tôi) là chồng cô đi học ở Liên Xô, thì cô lên cơn dầy hơn nữa trong một ngày.

Sau này, khi hay tin chú Minh Vân được tổ chức phân công vào Nam hoạt động bị địch bắt, cô càng lên cơn liên tục. Đến nỗi, me Kíu phải thuê người canh gác cô liên tục để nếu cần thì trói cô lại. Trói xong là cô ngủ ngất đi ngay. Cho đến một hôm, không hiểu sức mạnh nào mà cô Thìn rất gầy gò đã bẻ cong được cả song cửa sắt tròn trên cửa sổ. Từ đó, gia đình canh gác cô càng chặt chẽ hơn. Những lúc tỉnh táo, cô Thìn hiền khô. Cô hay gọi tôi lại, vuốt tóc cho tôi rồi bảo:

- Bố cháu yêu cô và chú lắm đấy. Bố cháu đã làm mối cho cô và chú lấy nhau. Lúc bé, cháu toàn uống toàn sữa thừa của em Trang con cô. Tên của chú cũng là do bố cháu đặt cho. Chú cũng mang tên Minh Vân như cháu đấy. Bố cháu đặt cho mà.

Lâu lâu tỉnh lại, cô Thìn kể: Khi tổ chức bố trí đưa tôi từ chiến khu về Hà Nội, cô là người được giao nhiệm vụ đưa tôi đi tiếp từ Hà Đông xuống Hưng Yên. (Mặc dù Hà Đông rất gần Hà Nội, nhưng phải đi vòng để đánh lạc hướng bọn mật thám). Bọn chúng không biết tôi là con của bố Đạo từ Việt Bắc về. Khi nhận tôi, me Kíu phải khai là xin con từ chùa về, do mẹ hay đi chùa nên ai cũng tin cả. Một thời gian sau, cô Thìn được tổ chức Đảng bố trí đưa đi chữa bệnh tập trung ở nhà thương điên./.

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Không thể mồ côi" (Kỳ 3): “TUỔI THƠ DỮ DỘI”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn