Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)

PGS TS Cao Văn Liên

18/04/2024 06:02

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 26

Bộ tư lệnh Sư đoàn 325 cho pháo CX37 khống chế trục đường sông Sài Gòn ra Vũng Tàu, pháo 122mm của Trung đoàn 84 đặt trên bến phà Cát Lái, khống chế pháo binh địch bên kia sông, chuẩn bị cho bộ đội vượt sông vào nội đô. Sáng 30-4 Sư đoàn 325 vượt sông. Pháo địch nã cấp tập xuống sông, đạn nổ, nước dựng cột bay lên cao, một số chiến sĩ bị thương vong. Lập tức pháo 37mm, pháo 12,7mm bắn lại. Địch cho hàng chục tàu chiến từ Tân Cảng và sông Đồng Nai ra ngăn chặn cuộc vượt sông của Sư đoàn. Các tàu địch bị ta bắn chìm và cháy. Hàng khối sắt biến thành khối lửa rừng rực bốc cao trên dòng sông, rồi chìm đem theo xác không biết bao nhiêu lính ngụy. Một tàu kéo ba sà lan chở hàng trăm tấn đạn dược cũng bị trúng đạn, lửa bốc cao hàng trăm mét. Dòng sông Đồng Nai không khác gì một trận thủy chiến khốc liệt. Trận này quân ta thu được hàng trăm tàu xuồng, cùng nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh của địch. Từ Cát Lái, Sư đoàn 325 tiến đánh quận 9, giải phóng Thủ Thiêm, chiếm quận 4 và Tân Cảng. Cùng lúc đó Quân đoàn II vượt sông Sài Gòn, cầu Thị Nghè, theo đường Hồng Thập Tự vào Dinh Độc Lập.

Nguyễn Hữu An gọi cho Sư đoàn 304:

-A lô, tôi Nguyễn Hữu An đây.

-Chào đồng chí Thiếu tướng, tôi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 xin nghe.

-Tôi ra lệnh cho Sư đoàn đồng chí đánh chiếm Cát Lái, phát triển về nội đô, chiếm Đài phát thanh và đánh chiếm Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, còn gọi là Dinh Độc Lập.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

Sư đoàn trưởng gọi máy cho Trung đoàn 66:

-A lô, tôi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 đây.

-A lô, tôi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Văn Sơn xin nghe.

-Tôi ra lệnh cho Trung đoàn đồng chí cử những Tiểu đoàn tinh nhuệ đánh chiếm Đài Phát thanh, Dinh Độc Lập và đánh chiếm Cục An ninh Quân đội.

-Xin tuân lệnh đồng chí Đại tá.

Ban chỉ huy Trung đoàn 66 nhất trí cử Tiểu đoàn 8 do Trương Quang Siêu làm Tiểu đoàn trưởng, Hoàng Trọng Tình là chính trị viên phối hợp với Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203 đi tiên phong. Chỉ huy Trung đoàn 66 Nguyễn Văn Sơn, Chính trị viên, Chính ủy Trung đoàn Lê Xuân Lộc, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ họp và động viên các chiến sĩ Trung đoàn 66 và Đại đội bộ binh của Trung đoàn 10.

-Sư đoàn sở dĩ giao hai nhiệm vụ nặng nề và vinh quang cho Trung đoàn ta và Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 7 là đánh chiếm hai mục tiêu quan trọng là Đài phát thanh, Cục An ninh Quân lực Việt Nam Cộng hòa và đặc biệt là đánh chiếm Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hòa vì các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở Quảng Đà, dẫn đầu đội hình Sư đoàn tấn công thần tốc giải phóng Đà Nẵng. Tôi tin là tại chiến dịch Hồ Chí Minh này, các chiến sĩ của Sư đoàn ta cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các chiến sĩ đồng thanh vang dội:

-Chúng tôi sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xin ban chỉ huy Sư đoàn và Trung đoàn yên tâm.

14 giờ 29-4 Sư đoàn 325 đánh chiếm Nhơn Trạch, bến phà, thành Tuy Hạ, Cát Lái. Nửa đêm 29 tháng 4 năm 1975 Quân đoàn 2 xuất trận. Rạng sáng 30-4 với pháo binh xe tăng yểm trợ, Sư đoàn 325 vượt sông Đồng Nai đánh chiếm căn cứ Hải quân Cát Lái, theo xa lộ Đồng Nai, tiến vào nội đô, đánh chiếm Bộ tư lệnh Hải quân.  Mũi thọc sâu Quân đoàn II do bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn chỉ huy, đoàn xe hơn 400 chiếc trong đó là 113 xe pháo và đạn thu được của địch dọc đường tháo chạy vứt lại. Sư đoàn 304 vượt sông Buông tiến ra xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn lúc 5 giờ 30 tháng 4, cách Sài Gòn 4km. Trên đường bộ đội các Quân đoàn khác cũng đang băng lửa đạn tiến vào Sài Gòn. Dọc đường đã quét sạch các cứ điểm phòng ngự của địch, tiến sát cầu Sài Gòn sau khi đã diệt địch ở Thủ Đức. 9 giờ tại cầu Sài Gòn, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 gọi cho Lữ đoàn xe tăng 203:

-A lô, tôi Phó tư lệnh Quân đoàn II đây, tôi ra lệnh cho Lữ đoàn đồng chí cùng Tiểu đoàn 2 thiết giáp và Tiểu đoàn xe tăng tiến nhanh đánh chiếm Dinh Độc Lập.

-Tuân lệnh đồng chí Phó Tư lệnh.

-A lô, tôi Phó Tư lệnh Quân đoàn II đây, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 66 tiến nhanh đánh chiếm Dinh Độc Lập cùng Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203.

-Tôi, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ tuân lệnh đồng chí.

Sớm 30 tháng tư, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 có Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203 đi đầu giao chiến với quân ngụy trên cầu và tiến thẳng đến Sài Gòn. Cách cầu Sài Gòn 500m, cuộc chiến đấu ác liệt để giành giật cầu. Súng bộ binh và súng trên xe tăng hai bên nã vào nhau như mưa hai bên cầu. Súng địch từ Thủ Đức cũng bắn ra dữ dội. Bên Trung đoàn 66 bị cháy 3 xe tăng. Thượng úy Ngô Văn Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn xe tăng hy sinh. Thiếu tá Trần Minh Công, tham mưu trưởng Tiểu đoàn lên thay. Tiểu đoàn 8 hy sinh 8 chiến sĩ, bị thương 10 chiến sĩ. Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Sơn ra lệnh:

Tiểu đoàn 7 chi viện cho Tiểu đoàn 8 nhanh lên.

-Tuân lệnh đồng chí.

Tiểu đoàn 7 chi viện lăn xả vào chiến đấu. 30 phút sau Trung đoàn 66 đã chiếm được cầu Sài Gòn. Lính Việt Nam Cộng hòa vứt súng đạn, quân trang quân dụng tháo chạy, bỏ lại đầu cầu hàng trăm thương binh và xác chết. Xe tăng và bộ binh ào ào vượt cầu Sài Gòn dù bị máy bay oanh kích. Trên đường tiến quân Sư đoàn 304 lại gặp địch chặn đánh trên cầu Thị Nghè. Hai tiểu đoàn 7 và 8 Trung đoàn 66 đánh tan quân địch, địch không chống cự nổi tháo chạy. Trung đoàn 66 do Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó trung đoàn trưởng dẫn đầu Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 bám sát sau xe tăng tiến vào nội đô, giao chiến ác liệt với địch trên cầu Thị Nghè. Xe 390 của Trung úy Vũ Đăng Toàn và xe 843 của Trung úy Bùi Quang Thận, xe 387 tiến vào ngã tư Hàng Xanh cùng Đại đội 5, Đại đội 6 bộ binh, Tiểu đoàn 8, Trung đoàng 66. Xe 387 bắn cháy 2 xe M42 và M113, xe 390 diệt 1 tăng M113, xe 387 bị địch bắn cháy. Trung đoàn 66 tiến đánh các mục tiêu đã được giao. Tiểu đoàn 8 nhờ dân chỉ đường đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. 10 giờ 30 phút, Đại đội 5 Tiểu đoàn 8  chiếm được Đài phát thanh. Lá cờ ba sọc đã được Trung đội trưởng Trung đội 1 hạ xuống và kéo lá cờ xanh đỏ có sao vàng 5 cánh lên đỉnh cột, lá cờ tung bay reo mừng rực rỡ dưới nắng trưa. Đại đội 2 Tiểu đoàn 8 cùng lúc đánh chiếm Cục An ninh Quân đội. Do lính ngụy trên các nhà cao tầng bắn xuống, một chiến sĩ của Đại đội 7 hy sinh. Đây là chiến sĩ cuối cùng của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 hy sinh trong ngày chiến thắng.

Trong khi đó lúc 9 giờ 30 phút, một bộ phận của Tiểu đoàn 8, Đại đội 6 cùng xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào Thảo Cầm Viên và tiến vào chiếm Dinh Độc Lập. Xe tăng 843 của Trung úy Bùi Quang Thận xô vào cổng trái nhưng húc ba lần mới đổ, lập tức xe tăng 390 của Trung úy Chính trị viên Vũ Đăng Toàn lao vào cổng chính cực mạnh, chiếc cổng sắt rung lên bần bật và tung ra, xe 390 của Vũ Đăng Toàn lao vào sân. Bùi Quang Thận cũng vừa tới, lấy lá cờ đỏ sao vàng trên xe của mình, trèo lên sân thượng của Dinh Độc Lập hạ lá cờ ba que xuống, treo lá cờ đỏ sao vàng lên nóc dinh Tổng thống, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, chế độ Việt Nam Cộng hòa đã cáo chung sau 21 năm tồn tại. Bấy giờ là 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Đại úy Phạm Xuân Thệ và hai đại đội bộ binh đã có mặt tại Dinh Độc Lập, tiến vào Dinh Khánh Tiết. Toàn bộ Nội các của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi khi đó có mặt tại dinh: Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Phó thủ tướng Bùi Tưởng Huân, Tổng trưởng kinh tế Nguyễn Văn Hảo, Tổng trưởng thông tin Lý Quý Chung, Tổng trưởng thương mại và kỹ nghệ Nguyễn Văn Diệp, Tổng trưởng tài chính Lê Quang Trường, Thứ trưởng thông tin Nguyễn Văn Ba, Thứ trưởng quốc phòng Bùi Thế Dũng, Phụ tá Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh, Chánh văn phòng phủ Thủ tướng Vũ Trang Chiêm. Dương Văn Minh nói:

-Chúng tôi đang chờ cách mạng đến để bàn giao chính quyền.

Phạm Xuân Thệ  nói:

-Các ông đã thua, bị bắt làm tù binh, các ông chẳng còn gì để bàn giao, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu không cần thiết. Bây giờ ông Tổng thống và  ông Thủ tướng sang Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi bính lính hạ vũ khí để tránh đổ máu vô ích thêm nữa.

Đang khi đó Trung tá Bùi Văn Tùng (Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203) vừa đến. Phạm Xuân Thệ cùng Bùi Văn Tùng và các trợ lý Phùng Bá Đam, Đinh Thái Quang, Nguyễn Văn Nhu đi xe jep đưa  Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh. Trung tá Bùi Văn Tùng cùng các trợ lý thống nhất thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Dương Văn Minh đọc. Đinh Thế Quang ghi âm nhưng máy hỏng không ghi được. Khi đó có một nhà báo nước ngoài Spiegel nói:

-Xin mời ghi vào máy của tôi.

Phạm Xuân Thệ nói:

-Tốt, xin cảm ơn ngài.

Máy ghi âm được mở ghi lại lời của Dương Văn Minh và sau đó phát trên Đài phát thanh Sài Gòn:

-Tôi Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố Chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương giải tán hoàn toàn, từ Trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.

Sau lời tuyên bố của Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cũng tuyên bố: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của Chính quyền cách mạng”.

Lúc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng là 11 giờ 45. Sau lời của Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu, Trung tá Chính ủy Bùi Văn Tùng tuyên bố: “Chúng tôi đại diện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn”.

 Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh làm cho nơi nào Quân lực Việt Nam Cộng hòa còn ngoan cố chống cự đều buông vũ khí, tiếng súng im bặt trên khắp Sài Gòn và miền Nam. Cuộc chiến tranh 21 năm trời chấm dứt.

Cũng trưa ngày 30 tháng 4, các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn II đều có mặt ở Dinh Độc Lập gồm Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Phó tư lệnh Hoàng Đan, Phó chính ủy Nguyễn Công Trang đã ra Bản thông cáo số 1 của Quân giải phóng gồm 6 điểm. Sau đó cứ 15 phút Thông cáo được phát trên Đài phát thanh một lần bố cáo cho nhân dân cả nước biết chiến tranh đã chấm dứt, Chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng vô điều kiện.

Đến 22 giờ ngày 30 tháng 4, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 bàn giao Đài phát thanh cho Sư đoàn 7 bộ đội miền bảo vệ. Tối hôm đó nhân dân Sài Gòn đổ ra đường phố vui mừng vì chiến tranh chấm dứt, vui mừng vì non sông thống nhất sau 21 năm chia cắt, hân hoan cờ hoa chào đón các Quân đoàn Quân giải phóng tiến vào thành phố. Quân đoàn II cho xe thiết giáp đi tuần trong thành phố để bảo đảm an ninh. Xe đi trong thành phố rợp trời cờ hoa trong ngày vui chiến thắng, ca khúc khải hoàn.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn