Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)

PGS TS Cao Văn Liên

05/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 42.

Giữa lúc đó, tiếng trống ngũ liên, tiếng tù và vang lên, vọng khắp không gian ghê rợn. Quân giặc hoảng hốt chạy như bị ma đuổi, hồn xiêu phách lạc. Nê gờ ri ê, Đôn ni ê, Hoàng Cao Khải và 1.500 quân còn lại chạy một mạch về Hà Nội. Đó là tháng 10 năm 1885.

  Thất bại trong cuộc càn quét vào Bãi Sậy, Thống tướng O le Cuốc xi họp với thiếu thướng Nê gờ ri ê, trung tá Đôn ni ê, Hoàng Cao Khải là tư lệnh quân khố đỏ. O le Cuốc xi nói:

-Nay muốn phá được Bãi Sậy, trước tiên phải dùng chiến thuật tiêu diệt tay chân của Bãi Sậy, tức là thủ lĩnh các địa Phương, làm cho Nguyễn Thiện Thuật cô lập. Trước mắt phải mở một chiến dịch tiêu diệt căn cứ Trại Sơn của Đốc Tít, một trong những đội quân và căn cứ mạnh ở Đông Triều.

bai-sayi-sy-500-1656936509.jpg
Lược đồ Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892). Nguồn: Internet.

 

  Hoàng Cao Khải và Đôn ni ê nói:

-Thống tướng nói phải lắm.

  Nê gờ ri ê nói:

-Nhưng đánh vào căn cứ Trại Sơn của Đốc Tít không phải là dễ dàng. Các vị hãy nhìn đây.

  Hoàng Cao Khải, O le Cuốc xi, Đôn ni ê nhìn theo ngón tay chỉ của Nê gờ ri ê trên tấm bản đồ đông- bắc Đại Nam trên tường:

-Căn cứ này do Đốc Tít cho xây dựng năm 1882 tại làng Trại Sơn, dưới  chân núi đá vôi hiểm trở, bốn bề có sông nước bao quanh. Trại Sơn án ngữ một vị trí giao thông quan trọng, là tam giác nối Hải Phòng, phủ Kinh Sơn và Hải Dương. Phía bắc Trại Sơn có sông Kinh Thầy, phía nam, phía tây có sông Hán và sông Con. Phía bắc Trại Sơn còn có căn cứ thứ hai của Đốc Tít là căn cứ Hai Sông. Địa thế hiểm trở nên ngày xưa hai căn cứ này là sào huyệt của bọn lục lam thảo khấu. Đốc Tít và Nguyễn Thiện Thuật đã diệt trừ bọn thảo khấu, bảo vệ bách tính nên dân vùng này rất ủng hộ Đốc Tít và Nguyễn Thiện Thuật.

  Trung tá Đôn ni ê hỏi:

-Đốc Tít là người thế nào, thưa Thống tướng? Nghe có vẻ như một anh hùng hảo hán vậy?

  Nê gờ ri ê chỉ vào Hoàng Cao Khải:

-Ngài kinh lược sứ Hoàng Cao Khải đây nắm chắc về Đốc Tít. Ngài nói về Đốc Tít cho trung tá nghe đi.

  Hoàng Cao Khải vuốt bộ râu đen, mở cái miệng nhọn ra nói:

-Đốc Tít tên thật là Nguyễn Đức Hiệu, dòng dõi nhiều đời của Mạc Đăng Dung, người cướp ngôi nhà Hậu Lê năm 1527, lập ra nhà Mạc. Năm 1592 nhà Mạc bị chúa Trịnh Tùng phò tá nhà Lê Trung Hưng (1533-1789) tiêu diệt. Con cháu nhà Mạc, để tránh bị nhà Trịnh  truy sát đã đổi thành rất nhiều họ, trong đó có họ Nguyễn. Cho nên Đốc Tiết còn có tên là Mạc Đăng Tiết, được vua Hàm Nghi phong là Đề đốc quân vụ tỉnh Hải Dương. Người Pháp đã phiên âm Tiết thành Tít nên gọi là Đốc Tít. Đốc Tít sinh năm 1853 ở An Lưu Thượng, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Năm 1882, Đốc Tít chống lại chính quyền bảo hộ Pháp, lập căn cứ ở Hai Sông (sông Kinh Thầy và sông Bạch Đằng). Năm 1885, Đốc Tít đặt ông ta và nghĩa quân Trại Sơn, Hai Sông (Đông Triều) dưới sự lãnh đạo chung của Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy trong một cố gắng thống nhất quản lý và hành động của quân Cần Vương Bắc Kỳ theo chỉ dụ của vua Hàm Nghi. Ngài Thống tướng chọn mũi tấn công vào Đốc Tít là chính xác. Trại Sơn, Hai Sông là chỗ dựa chủ yếu của Bãi Sậy. Mất hai căn cứ này thì Bãi Sậy sẽ nguy khốn.

  Nê gờ ri ê nói:

-Theo tin tình báo báo về thì quân Đốc Tít hiện có khoảng 1.000 tay súng, 40 tướng lĩnh, 20 ở Trại Sơn, 20 ở Hai Sông. Đốc Tít còn liên kết với nghĩa quân Tiến Đức ở Cát Bà. Căn cứ hiểm địa, lực lượng hùng mạnh nên Đốc Tít đã làm mưa làm gió suốt miền đông-bắc. Đốc Tít từng cho quân đánh các đồn quân ta ở Uông Bí, Quảng Ninh, đồn Tương Sơn, An Hải, Hải Phòng, đánh huyện lỵ Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Hải Dương, đánh tàu chiến trên sông Đá Bạc (Hải Phòng). Quân Đốc Tít đi đến đâu cũng dương cao lá cờ đỏ viết: "Linh Sơn động chủ, xướng nghĩa bình Tây”.

  Ni gờ ri ê dừng lại, tu hết cốc rượu săm pa nhơ, đặt cốc xuống, mắt lóe lên những tia hằn học, nói tiếp:

-Cho nên muốn đánh được Trại Sơn, Hai Sông thì không chỉ có bộ binh, còn phải huy động cả đại bác và công binh.

  O le Cuốc xi gọi:

-Lính đâu.

-Dạ, thưa Thống tướng.

-Cho gọi đại tá Phan con và đại tá Phê rơ tới đây.

-Dạ, tuân lệnh.

  Một lát sau đại tá Phan con và đại tá Phê rơ tới:

-Xin chào Thống tướng, chào các ngài.

 Nê gờ ri ê, Đôn ni ê, Hoàng Cao Khải và O le Cuốc xi đáp:

-Chào hai đại tá.

  O le Cuốc xi nói với Phan con:

-Chúng ta sẽ mở chiến dịch đánh Đốc Tít ở Đông Triều. Ngài Phan con chỉ huy pháo binh hỗ trợ trung tá Đôn ni ê và ngài Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải chỉ huy bộ binh tiến đánh Trại Sơn.

-Tuân lệnh Thống tướng.

-Đại tá Phe rơ.

-Có thuộc cấp:

-Đại tá chỉ huy đại đội công binh, có nhiệm vụ đi trước, phá chiến lũy, hỗ trợ cho bộ binh và pháo binh quân ta tấn công Trại Sơn.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

 O le Cuốc xi đứng dậy nâng cốc:

-Nào mời các ngài cạn ly, chúc cho cuộc tấn công Trại Sơn thắng lợi.

-Đa tạ Thống tướng.

  Các ly chạm nhau kêu leng keng, cả bọn ngửa cổ tu rượu, rượu màu nâu mà đỏ như máu người bản xứ tuôn vào cổ họng bọn cướp nước và tên đại Việt gian bán nước.

  Căn cứ Trại Sơn ở vùng đông-bắc chìm trong mùa đông giá rét. Nước các con sông Kinh Thầy, sông Hán, sông Con là những chi nhánh của sông Bạch Đằng vây quanh hang động núi non trùng điệp. Rừng núi chìm trong màu xanh và sương mù huyền bí. Những rừng sậy trên các sườn núi các đảo nhấp nhô lung lay theo gió, tạo ra bản nhạc vi vu của miền đông-bắc.

  Trong hành dinh của quân Trại Sơn ở chùa Kim Liên, Đốc Tít đang ngồi cùng các tướng. Đốc Tít ngồi nghế chủ, trước mặt là chiếc bàn gỗ màu nâu, phía trước là các tướng ngồi hai  hàng ghế dọc, giữa là những chiếc bàn dài. Trên bàn đặt các bộ ấm chén uống nước. Đốc Tít người cao lớn uy nghi. Ông vừa uống xong cốc nước thì thám mã vào báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, một tiểu đoàn quân Pháp và lính khố đỏ, có cả công binh, pháo binh do Tướng Nê gờ ri ê chỉ huy cùng quan ba Phan Con, Phê rơ, Đôn ni ê, Hoàng Cao Khải đang tấn công Trại Sơn.

  Đốc Tít ra lệnh:

-Ta sẽ chỉ huy chung ở chùa Kim Liên. Tướng Lê Phụng Hiểu .

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân ra Hang Thung, lợi dụng địa thế cao chỉ huy các tay súng tiêu diệt giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trần Đức Phong.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân lên núi Hưng, từ trên cao nã đạn vào quân Pháp, nhớ chờ chúng đến gần hãy bắn, không được vung phí đạn vô hiệu quả.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

Tướng quân Nguyễn Hữu Lan và Tướng quân Nguyễn Đức Thiệu.

-Có thuộc tướng.

-Hai tướng quân đem 500 tay súng đi vòng tấn công quân Pháp từ phía sau.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

Lại nói quân Pháp đến bên ngoài Trại Sơn bị sông bao bọc mà không có tàu bè tiến vào. Nê gờ ri ê ra lệnh:

-Pháo binh dàn bên bờ sông mà nã đại bác vào Trại Sơn.

-Tuân lệnh.

-Trung tá Đôn ni ê.

-Có thuộc cấp.

-Trung tá cùng Khâm sai Hoàng Cao Khải dàn bộ binh theo con đường nhỏ duy nhất ở hướng tây-bắc đột kích vào Trại Sơn.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Đai tá Phê rô

-Có thuộc cấp.

-Trung tá dẫn công binh phá chướng ngại vật cho bộ binh tiến vào.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

  Dàn thế trận xong Nê gờ ri ê ra lệnh khai hỏa. Những khẩu đại bác trên bờ các sông Kinh Thầy, sông Con, sông Hán gầm thét, nhã đạn và khói lửa vào Trại Sơn. Khi đạn rơi xuống lại nổ, tạo nên những đợt tàn phá giết chóc. Sau khi pháo binh ngừng bắn phá, bộ binh Pháp và lính khố đỏ xông lên. Tiếng hô a lát xô xen lẫn tiếng xung phong cùng với tiếng súng hỗn loạn. Trại Sơn im lặng chờ quân Pháp tới gần, hàng loạt đạn như mưa từ Hang Thung, từ núi Hưng xả xuống. Vô số quân Pháp và quân khố đỏ gục xuống bên sườn núi. Nê gờ ri ê ra lệnh;

-Ngừng tấn công.

-Pháo binh tiếp tục bắn.

Một giờ sau ngừng tiếng pháo, Nê gờ ri ê lại ra lệnh:

-Bộ binh tiếp tục tấn công.

Bộ binh Pháp và lính Khố đỏ lại lổn nhổn bò lên. Quân Đốc Tít lại nã đạn xuống. Bộ binh Pháp và lính khố đỏ thương vong nặng nề. Cứ giằng co như vậy đến hai tuần, bộ binh chết hàng trăm. Nê gờ ri ê tức giận nói:

-Không có tàu chiến không thể đổ bộ vào được Trại Sơn. Rút lui.

  Vừa rút, Nê gờ ri ê nghiến răng trỏ lên Trại Sơn nói:

-Đốc Tít, chờ đấy, lần sau ta đem tàu chiến đến, Trại Sơn phải chết.

  Sau trận này, uy danh Đốc Tít lừng lẫy khắp miền đông-bắc và đồng bằng Bãi Sậy. Đó là tháng 1 năm 1886. Sau trận này quân Đốc Tít với 1.000 tay súng tấn công đồn Đông Triều ngày 10 tháng 7 năm 1886. Ngày 19 tháng 9 năm 1886, nghĩa quân đánh đồn Uông Bí thu được nhiều lương thực, vũ khí.

  Tại tổng hành dinh căn cứ Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Thuật liên tục nhân được những tin tức thắng lợi của nghĩa quân. Quân sư Nguyễn Hữu Đức báo;

-Dạ bẩm Hiệp thống quân vụ, quân ta ở Trại Sơn Đông Triều do Đốc Tít chỉ huy đã đánh bại cuộc tấn công của Pháp do Nê gờ ri ê và Hoàng Cao Khải chỉ huy, sau đó nghĩa quân đã tấn công đồn Đông Triều, đồn Uông Bí thắng lợi.

  Quân sư Ngô Quang Huy vào báo:

-Bẩm Hiệp thống quân vụ, tháng 9 năm 1886, quân ta còn tấn công đồn Bần Yên Phú, đã mở rộng hoạt động đánh Pháp lên gần Hà Nội và Bắc Ninh. Tháng 10 năm 1886, quân ta đánh đồn Quỳnh Côi ở hữu ngạn sông Luộc, thu được nhiều súng đạn. Tháng 12 năm 1886, quân ta đã chặn đánh binh đoàn Ba di nê ở vùng Kẻ Sặt tại Lạc Đạo Hải Dương. Chúng thua trận, tức giận quay ra đốt phá rất nhiều xã của vùng này.                      

Nguyễn Thiện Thuật tức giận nói:

-Bọn người này thật tàn bạo dã man, cần phải đánh mạnh để trả thù cho bách tính.

(Còn  nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn