Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 38)

PGS TS Cao Văn Liên

01/07/2022 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 38.

Tiếng reo hò, tiếng Pháp xen lẫn tiếng Việt xen lẫn tiếng súng tạo nên những âm thanh hỗn loạn. Quân Pháp và quân khố xanh  ào lên khỏi chiến hào xông lên lội ào ào qua đầm cạn tiến gần vào Ba Đình. Nước và bùn ngập quá gối đã làm chậm bước tiến của chúng và làm mồi cho những viên đạn của quân Ba Đình. Quân Pháp ở tầm quá gần mà không có gì che chắn nên súng hỏa mai, súng kíp của quân ba Đình làm hàng trăm lính Pháp và lính khố xanh gục xuống chất đống giữa đầm lầy. Cánh quân phía tây-bắc do trung úy Đơ ruy dông chỉ huy đã đến được một cổng làng nhưng Đơ ruy dông và Pơ rô rê trúng đạn bị thương đành phải rút lui. Cánh quân đi giữa do thiếu tá Bu sa giơ chỉ huy tiến chỉ còn cách Ba Đình 20m thì bị nghĩa quân bắn ra như mưa. Hàng chục tay súng Pháp và khố xanh gục xuống đầm lầy. Lăm bơ lanh và thiếu tá A bu sa bị thương. Cánh quân thứ ba do trung úy Côn lô chỉ huy bị hai làn đạn từ căn cứ bắn ra dữ dội chéo cánh sẻ. Các tay súng Pháp kêu thét lên dãy dụa và gục chết. Gơ rinh bị bắn trúng vai. Bu sa giơ bị đạn xuyên qua đùi.

dinhcongtrang-phambanh-1656597677.jpg

Đinh Công Tráng (1842 - 1887) là lãnh tụ chính của khởi nghĩa Ba Đình (tên cứ điểm ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) trong phong trào Cần vương chốngPháp ở cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam. Phạm Bành (1827-1887) là quan nhà Nguyễn, đã tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Nguồn: Viettoon.net.

 

  Trước tình hình thiệt hại quá nặng, Bơ rít sô đành phải ra lệnh rút lui. Quân Pháp phải bắn đại bác hỗ trợ cho cuộc thoái binh vì sợ quân Ba Đình thừa thắng xông ra phản kích.

  Một sáng, trong hành dinh, Bô rít sô đang ngồi suy nghĩ và tức giận vì thất bại vừa qua. Cốc săm pa nhơ cạn dần. Chợt sĩ quan tham mưu vào báo:

-Dạ, bẩm đại tá, có thư của ngài Khâm sứ Trung Kỳ.

  Bô rít sô bóc thư đọc. Thư viết: “Thất bại trong hai cuộc tấn công Ba Đình và số binh sĩ tử trận đã làm chấn động nước Pháp. Trong cuộc chinh phục Đại Nam gần 24 năm nay chưa có khi nào thiệt hại lớn như vậy. Ta ra lệnh cho ngài bằng mọi cách phải tiêu diệt ngay Ba Đình, nếu không hậu quả cho ngài chắc ngài đã biết”.

  Bô rít sô ra lệnh cho tên sĩ quan tham mưu:

-Chuẩn bị để ta ra thị sát Ba Đình một lần nữa.

-Dạ, tuân lệnh.

  Bô rít sô và các sĩ quan tùy thuộc dừng lại bên kia bờ sông Chính Đại ở phía Tây, cách Ba Đình khoảng 1.000m, dùng ống nhòm quan sát. Trước mắt Bô rít xô là căn cứ Ba Đình làm hai lần quân Pháp khiếp đàm, làm chấn động nước Pháp tận phía bên kia Tây bán cầu. Căn cứ Ba Đình mạnh và hiểm trở nhưng theo Bô rít sô nghĩ chắc chắn phải có điểm yếu. Bô rít sô phải phát hiện được điểm yếu đó thì mới có thể tấn công thắng lợi. Thắng hay bại ở Ba Đình lần này quyết định đến sự sống còn của con đường sự nghiệp quân sự của Bô rít sô. Cho nên phải phát hiện bằng được điểm yếu của Ba Đình. Bô rít sô soi ống nhòm về phía bắc. Sau khi công binh tháo nước từ đầm ra sông thì phía đó cạn lộ ra nhiều bãi đất dẫn tới lũy tre xanh. Quanh Ba Đình lũy tre xanh bao phủ kín mít dày đặc. Đêm đó, Bô rit sô suy nghĩ, bỗng nhiên hắn sung sướng reo lên:

-Có rồi, có rồi, dùng hỏa công, hỏa công. Trong binh pháp Trung Hoa và Đại Nam chẳng đã mô tả những trận hỏa công nổi tiếng tiêu diệt quân thù đó sao? Nhưng đó là những trận hỏa công dưới nước, đốt chiến thuyền. Còn ở Ba Đình là hỏa công trên không trung, đốt toàn bộ lũy tre, từ đó đốt sạch Ba Đình. Ha!Ha!Ha!...

  Sáng hôm sau, Bô rít sô ra lệnh:

-Thiếu tá Dôp phơ rơ.

-Có thuộc cấp.

-Thiếu tá đem toàn bộ đại đội công binh đến phía bắc Ba Đình, nơi đó cạn lộ những bãi cát ra. Ngài cho đào hào từ phía đó tiếp cận lũy tre Ba Đình, phun dầu lên lũy tre và phóng hỏa đốt. Lưu ý sau khi lũy tre bốc cháy thì đại đội công binh lùi ra xa để ta bắn đại bác vào chiến lũy. Vừa lửa cháy, vừa đại bác nã vào xem lính của Đinh Công Tráng có trụ được không. Đó là trận hỏa công trên không mà ta nghĩ suốt đêm qua. Ha!Ha! Ha!...

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Thiếu tá pháo binh.

-Có thuộc cấp.

-Chuẩn bị pháo tất cả các cỡ, kể cả pháo trên ba chiến hạm trên sông chính Đại và sông Hoạt. Sau khi thấy lũy tre bùng cháy thì nã khoảng 16.000 quả đạn vào Ba Đình.

-Dạ, thuộc tướng tuân lệnh.

-Đại tá Đốt.

-Có thuộc cấp.

-Đại tá chỉ huy 1.900 lính Pháp, 1.000 lính khố xanh và tất cả các sĩ quan Pháp, tiến sau đạo công binh ở phía bắc, khi lửa đã tắt và pháo ta đã ngừng bắn thì cho quân vào càn quét Ba Đình, phải giết hết bọn lính của Đinh Công Tráng và Phạm Bành, không bỏ sót tên nào, kể cả những tên bị thương.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

  Đã gần một tháng sau trận tấn công thứ hai của Pháp vào Ba Đình, hàng trăm xác chết của lính Pháp, lính khố xanh không được chôn cất, dập dềnh trên đầm, bắt đầu phân hủy và bốc mùi hôi thối, Mùi hôi thối bốc lên lan tỏa khắp khu vực Ba Đình. Nghĩa quân Ba Đình phải lấy khăn bị mũi miệng suốt ngày đêm, kể cả khi chiến đấu, lúc làm việc, khi tuần phòng, canh gác.

  Ngày 19 tháng 1 năm 1887, Phạm Bành và Đinh Công Tráng ngồi trong Đại Đồn Thượng Thọ, phía bắc Ba Đình thì đại bác quân Pháp bất ngờ bắn vào dữ dội. Đinh Công Tráng ra lệnh cho nghĩa quân xuống hầm chữ chi trú ẩn, chờ cho pháo kích dừng thì lên chiến lũy chiến đấu. Thốt nhiên khi pháo dừng thì tướng Nguyễn Tri Huân vào báo:

-Dạ, báo cáo Tán tương quân vụ, báo cáo Đề đốc, khoảng 100 tên Pháp và Việt nằm thành hai hàng ở phía bắc Đại Đồn, chúng vừa bò vừa đào hào để tiến vào gần vì phía này nước tương đối cạn.

  Đinh Công Tráng nói với Phạm Bành:

-Giặc kiên quyết tấn công mặt phía bắc, thảo nào chúng tập trung hết pháo bắn vào Đại Đồn để yểm trợ.

  Phạm Bành hỏi:

-Vậy bây giờ phải đối phó thế nào?

-Tập trung các tay súng nhiều hơn nữa cho Đại Đồn, kiên quyết tiêu diệt bọn công binh, không cho chúng đào hào tiến vào gần.

  Bắt đầu từ đó nghĩa quân Đại Đồn trút đạn như mưa vào đại đội công binh của Pháp. Khi hào chưa sâu, cự ly lại gần khoảng 100m nên hàng chục lính công binh bị bắn chết gục, tay còn cầm xẻng. Quân Pháp chết đợt này, Bô rít sô lại bổ sung đợt khác, kiến quyết đào hào tiến vào. Thiếu tá công binh đề nghị Bô rít sô:

-Đại tá cho bắn pháo mạnh để hỗ trợ cho công binh thì mới đào vào gần được.

-Được, ta sẽ chi viện.

  Hàng nghìn viên đại bạc bay vào Đại Đồn không ngớt, mang theo khói lửa và tiếng nổ, phá hủy và sát thương dữ dội. Tuy vậy nghĩa quân Đại Đồn vẫn bám trụ và bắn vào đội công binh. Lính công binh của Pháp chết như rạ nhưng nghĩa quân cũng hy sinh quá nhiều và đạn từ chiến lũy bắn ra yếu dần, chiến hào của quân Pháp đã sát gần lũy tre. Ngày 19 tháng 1 năm 1887, chiến hào đến phòng tuyến thứ nhất của Ba Đình, tức là lũy tre. Tên thiếu tá Dốp phơ rơ ra lệnh:

-Phun dầu và chất cháy lên lũy tre.

-Tuân lệnh.

  Quân Pháp ngồi dưới chiến hào, dương vòi cao su và dùng máy bơm áp lực lớn phun dầu và chất cháy gần hết lũy tre phía bắc. Tên chỉ huy công binh ra lệnh:

-Phóng hỏa.

  Những loạt súng có lửa bắn lên lũy tre. Lũy tre đẫm dầu và chất cháy bén lửa cháy ngút trời và từ lũy tre cháy lan khắp nơi, thiêu đốt doanh trại, nhà cửa, cây cối, kho lương thực, kho vũ khí. Từ lũy tre Đại Đồn, lửa lan ra các lũy tre khác ở Đồn Hạ, Đồn Trung. Khắp ba Đình biến thành biển lửa. Bô rít Sô hạ lệnh:

-Nã 1.000 quả đại bác nữa vào Ba Đình tăng thêm sự cháy.

 Ba Đình thực sự chìm trong biển lửa và tàn phá của đại bác gieo chết chóc khủng khiếp. Tiếng lửa reo, tiếng gió rít, tiếng nổ hỗn loạn. Bấy giờ đêm đã xuống, bầu không khí hầm hập như lò thiêu đốt, quân Ba Đình hy sinh trong lửa đạn quá nhiều, dù vậy họ vẫn không rời vị trí chiến đấu. Trước tình hình toàn bộ nghĩa quân và các tướng lĩnh có thể hy sinh hết trong lửa, Phạm Bành nói với Đinh Công Tráng:

-Đề đốc hãy ra lệnh cho toàn quân rút theo phía tây lên Mã Cao, nếu ở lại sẽ bị lửa thiêu chết hết. Đinh Công Tráng nói:

-Tuân lệnh tán tương quân vụ.

  Trong âm thanh hỗn loạn, tiếng loa vang lên:

-Toàn quân Ba Đình theo hướng tây rút lên căn cứ Mã Cao. Đây là lệnh của Tán tương quân vụ Phạm Bành và Đề đốc Đinh Công Tráng. Nhớ cáng theo những đồng đội đã bị thương, không được bỏ lại một ai. Rút nhưng giữ quân kỷ, không được như tháo chạy.

  Đêm 20 tháng 1 năm 1887, nghĩa quân đã rút hết khỏi Ba Đình. Trong trận này nghĩa quân hy sinh 150 người, trong đó có Đề đốc Nguyễn Khế, lãnh binh Nguyễn Tri Huân. 8 giờ sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, khi lửa tắt, Bô rít sô mới vào được Ba Đình. Một cảnh tượng kinh hoàng trước mắt hắn, Ba Đình chỉ còn tro tàn và xác chết. Những nghĩa quân nằm trong tư thế chiến đấu, tay còn cầm súng nhưng thân thể đã hầu như biến thành than, Những lũy tre bị cháy vàng khô giơ những cành khẳng khiu lên trời như những ngọn bút viết lên mây xanh những tội ác của quân xâm lược. Trong Ba Đình là thi thể của nghĩa quân nhưng ngoài đầm lầy rộng lớn xung quanh Ba Đình là xác của lính Pháp chồng chất, đang phân hủy, mùi hôi thối bay lên, lan tỏa khắp vùng đến mức Bô rít sô cũng không chịu nổi. Trong ba lần tấn công Ba Đình, khoảng 1.500 lính Pháp và lính khố xanh thiệt mạng, thiệt hại lớn mà không một trận đánh nào suốt 24 năm chinh phục Đại Nam có được, đến mức các trận Ba Đình đã làm rung chuyển Đông Dương và nước Pháp. Nhìn cảnh tượng kinh hoàng ở Ba Đình, Bô rít sô cảm thấy rùng mình ớn lạnh. Hắn đã từng chiến đấu ở Mê hi cô châu Mỹ, đã từng chiến đấu khắp Đại Nam nhưng Ba Đình là một cuộc chiến đấu dữ dội nhất. Hắn cúi đầu cảm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường hy sinh vì nước của nghĩa quân Ba Đình dù trong tay họ chỉ có vũ khí thô sơ như súng hỏa mai, súng kíp, gươm, giáo đương đầu với một đội quân thiện chiến, trang bị vũ khí công nghiệp hiện đại, súng bộ binh bắn nhanh, đại bác, tàu chiến, súng phun dầu, phun lửa. Nếu như nghĩa quân được trang bị như quân Pháp thì sẽ đánh bại bất cứ một quân đội nước ngoài nào, sẽ là một đội quân vô địch. Bô rít sô nghĩ rằng công cuộc bảo hộ của Pháp ở Đại Nam dù đã thắng lợi cũng chỉ là tạm thời, bởi vì Pháp đang thống trị một dân tộc bất khuất, kiên cường.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 38)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn