Sử thi Việt Nam (Kỳ 17)

30/03/2023 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “Sử thi Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành 2017.

b07quang-trung-1680077840.jpg

Ngày mồng 5 Tết hàng năm, hàng nghìn người nô nức dâng hương và tham dự Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789) tại gò Đống Đa (Hà Nội) tưởng nhớ người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ, phong trào Tây Sơn, đã chỉ huy quân dân ta quét sạch 29 vạn quân Thanh. Ảnh: Internet.

 

Kỳ 17.

Đồng ruộng hoang thành những bức tranh kỳ vĩ

Mênh mang bát ngát lúa vàng

Những miệt vườn hoa trái mênh mang

Chim đầy trời trời đầy nắng

Sông Hậu Giang, Tiền Giang phù sa mang nặng

Tôm cá nhiều như phù sa.
Lá dừa nước lợp nhà

Kèo cột làm bằng cây trâm bầu, cây đước.

Thôn ấp dài theo sông nước

Hình thành lãnh thổ Nam Trung.

Và cuộc tranh hùng

Nguyễn- Trịnh

Đất nước hết thời hưng thịnh

Sang thời kỳ nội chiến tương tàn.

Nhân dân đau khổ lầm than

Chiến tranh chết chóc.

Sông Gianh thành cột mốc

Chia đôi lãnh thổ non sông

Xác cao như núi, sông đỏ máu hồng.

Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An quanh năm thành chiến trường khốc liệt

Thành miền đất chết

200 năm chìm trong nội chiến dân tộc quặn đau.

Nông dân không ruộng đất tha phương cầu thực cơ cầu

Chết trên chiến trường chết nơi đầu đường xó chợ

Ruộng mất lưng còng cõng nợ

Vì sưu thuế nặng nề.

Khổ nhục trăm bề

Bọn cầm quyền cướp của dân đen tất cả những gì cướp được.

Triều đình công khai mua quan bán tước

Coi dân như chó ngựa coi của cải như đất bùn.

Bọn lưu manh và bọn con buôn

Tham chính

Kéo bè đảng coi thường nhân phẩm con người ưa xu nịnh.

Hãm hại gạt bỏ hiền tài

Hối lộ công khai

Không còn kỷ cương phép nước

200 năm dân tình như treo ngược

Bị róc hết da và lột hết xương.

Nông dân đã hết đường

Chỉ còn cách vùng dậy cầm gươm cầm giáo

Đập tan ách thống trị và các tập đoàn tàn bạo

Giành lấy quyền sống con người

Giành lấy ruộng đồng xanh tươi

Làm chủ non sông đất nước

Rửa mối căm hờn 200 năm trước

Và cả hôm nay.

Cờ đào phấp phới tung bay

Đã đứng lên nông dân Tây Sơn Bình Định.

Phút chốc hàng vạn nông dân thành lính

Nguyễn Nhạc,Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ba anh em

Thành lãnh tụ tối cao thành niềm tin

Cho hàng chục triệu nông dân tiến hành chiến tranh giải phóng.

Rừng Tây Nguyên và đồng bằng rung động

Quy Nhơn sụp đổ tan tành

Phú Yên, Khánh Hòa thu phục rất nhanh

Nền thống trị 200 năm của chúa Nguyễn chuyển gốc rung cành

Trước cơn bão táp.

Chúa Trịnh ở Bắc Hà điều ba vạn quân tiến gấp

Vào Nam.

Kinh thành Phú Xuân thất thủ nát tan

Chúa Nguyễn đem triều đình chạy vào miền Gia Định

Huy động toàn bộ thủy thuyền binh lính

Rồi từ mặt Nam đánh ra.

Quân Tây Sơn bại trận ở Khánh Hòa

Lui về Phú Yên co lại.

Trịnh Bắc, Nguyễn Nam hai đầu ép lại.

Quân Tây Sơn thế Bắc Nam thọ địch nguy nan.

Nguyễn Huệ bàn:

“Phải hòa với Trịnh để rảnh tay mặt Nam đánh Nguyễn”.

Tướng Trịnh Hoàng Đình Thể tướng già ngại chinh chiến

Nhận cầu hòa tại Phú Xuân

Phong Nguyễn Nhạc làm Tráng tiết tướng quân

Vào Nam đánh Nguyễn.

Nhạc phong Nguyễn Huệ bậc tài ba lão luyện

Ngoài hai mươi tuổi làm đại tướng quân

Chỉ mấy tuần

Đánh tan quân địch

Cờ đỏ tung hoành chiến dịch

Bình Định, Phú Yên

Thu phục Khánh Hòa, Ninh thuận, Bình Thuận một miền

Nam Trung bộ vào tay quân Tây Sơn giải phóng.

Như sóng rung biển động

Quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy thẳng miền Gia Định tấn công

Trong thế suy vong

Nguyễn Phúc Thuần đại bại

Chạy dạt lên miền Trấn Biên không quay đầu lại

Nhưng khi Nguyễn Lữ về Quy Nhơn

Nguyễn Phúc Dương lòng không sờn

Lại về Gia Định

Toan tính

Phòng thủ chống cự  dài lâu

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Sử thi Việt Nam (Kỳ 17)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn