Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 26)

PGS TS Cao Văn Liên

22/02/2024 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 26

VI.TRUNG ĐÔNG: CÁC NHÀ NƯỚC TRONG THỜI KỲ HIỆN ĐẠI                        

1.Trung Đông-Sự ra đời các quốc gia độc lập thời kỳ hiện đại

   Lịch sử chứng minh Trung Đông thời kỳ cổ đại đã hình thành những quốc gia chiếm hữu nô lệ từ rất sớm như Ai Cập, Lưỡng Hà-Ba bi lon, Đế quốc Ba Tư...Sang thời kỳ trung đại, Trung Đông chuyển mạnh sang xã hội phong kiến, hình thành những nhà nước, những đế quốc phong kiến theo cách thức đặc biệt. Những cuộc xâm lược của đế quốc Ả rập, đặc biệt là đế quốc Ôsman (Thổ Nhĩ Kỳ) đã đẩy nhanh quá trình phong kiến hóa ở khu vực này. Nhưng đế quốc phong kiến quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã giam hãm các quốc gia  Trung Đông thành một trong những nơi lạc hậu nhất của châu Á, châu Phi. Sự lạc hậu cùng nhiều nhân tố khác đã làm mất đi sức đề kháng trước sự xâm lược của các cường quốc tư bản phương Tây trong thời kỳ cận đại. Vì thế, hầu hết các nước Trung Đông, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian này đã bị biến thành nước thuộc địa hoặc nửa thuộc địa nửa phong kiến của các nước tư bản phương Tây.

   Nhân dân Trung Đông đã anh dũng kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc nhằm thoát khỏi sự thống trị của Thổ Nhĩ kỳ và của thực dân phương Tây. Đại chiến thế giớí  thứ nhất (1914-1918) với sự thất bại của phe Đức-Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là đại chiến thế giới thứ II (1939-1945) đã tạo những điều kiện thuận lợi, những nhân tố vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á và châu Phi. Trong cơn bão táp của cách mạng giải phóng dân tộc những năm 40,50,60, 70 thế kỷ XX chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hàng loạt các quốc gia Trung Đông giành được độc lập dân tộc, ra đời những quốc gia mới bao gồm 17 nhà nước với  4 nhóm thiết chế chính trị khác nhau.

2. Thiết chế chính trị các nhà nước Trung Đông

2.1.Nhóm thiết chế chính trị quân chủ gồm 4 nước.

a. Vương quốc Ả rập xê út (Kingđom Of Saudi Arbia): Từ thế kỷ XIX quốc gia này bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và thống trị. Năm 1932 Ả rập xê út giành được độc lập, thiết lập nhà nước quân chủ. Quốc Vương là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu nhà nước. Quốc Vương nắm cả ba quyền: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc Vương còn là tổng chỉ huy quân đội. Dưới Quốc Vương có một Hội đồng tư vấn gồm 90 thành viên. Chính phủ do Quốc Vương đứng đầu toàn quyền hành pháp. Những thành viên Chính phủ là hoàng tộc, người của gia đình Quốc Vương. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 14 tiểu vương quốc trực thuộc trung ương. Vương quốc Ả rập xê út không có đảng phái chính trị.

 b.Nhà nước Cata (State Of Qatar ): Từ năm 1872 đến năm 1914 Cata bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thống trị. Sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) Cata thành đất bảo hộ của Anh. Năm 1971 Cata giành được độc lập, thiết lập nền quân chủ. Quốc Vương là người đứng đầu nhà nước, nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Giúp việc cho Quốc Vương có Hội đồng Phụ chính và Hội đồng Tư pháp. Cata có cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 9 khu hành chính trực thuộc Trung ương.

c.Nhà nước Cô oét ( State Of Kuwait ): Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX Cô oét bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thống trị. Đến năm 1889 Cô oét phụ thuộc vào Anh. Tháng 11-1914 Cô oét trở thành một quốc gia độc lập nhưng dưới sự bảo hộ của Anh. Ngày 25-2-1961 Cô oét độc lập khỏi Anh. Cô oét thiết lập nhà nước quân chủ. Quốc Vương là người đứng đầu nhà nước, nắm quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyền tổng chỉ huy quân đội. Chính phủ do Quốc Vương đứng đầu nắm  quyền hành pháp. Tòa án phúc thẩm tối cao do Quốc Vương điều khiển nắm quyền tư pháp. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 5 khu hành chính trực thuộc Trung ương.

d. Vương quốc Hồi giáo Ô Man (Kingđom Islamic Of Oman ): Đầu thế kỷ XIX thực dân Anh thiết lập quyền thống trị ở Ô Man và Xcát. Năm 1913 Ô Man tuyên bố độc lập, thiết lập nền quân chủ. Quốc Vương là người đứng đầu nhà nước, nắm ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ông còn là tổng tư lệnh quân đội. Giúp việc cho quốc Vương có Hội đồng Nhà nước gồm 41 thành viên và Cơ quan tư vấn gồm 82 thành viên do Quốc Vương chỉ định. Chính phủ do Quốc Vương đứng đầu nắm quyền hành pháp. Vương quốc Ôman không có cơ quan tư pháp, chỉ có các thẩm phán xét xử theo tiền lệ pháp. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 9 vùng và hai biệt khu là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương.

   Như vậy bốn Quốc gia Trung Đông do những hoàn cảnh lịch sử riêng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã thiết lập những nhà nước quân chủ. Trên thế giới ngày nay số nhà nước quân chủ không nhiều. Trong thiết chế này, Quốc Vương là Nguyên thủ quốc gia, nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong nhà nước quân chủ, quyền lực nằm trong tay một người, thời gian cầm quyền suốt đời và nguồn của quyền lực là do thế tập (cha truyền con nối ). Tuy nhiên, nền quân chủ trong thời kỳ hiện đại của thế giới nói chung và của Trung Đông nói riêng đã có nhiều thay đổi. Quyền lực của Quốc Vương không phải là vô hạn độ mà bị giới hạn bởi hiến pháp. Trong bốn nước quân chủ ở Trung Đông chỉ có Ô Man là không có hiến pháp. Nhà nước Quân chủ không chỉ là nhà nước của quí tộc phong kiến mà còn là nhà nước của giai cấp tư sản, phục vụ cho phong kiến và tư sản. Những nhà nước này mang tính chất phong kiến và mang cả tính chất tư sản.

2.2.Nhóm nước có thiết chế quân chủ nghị viện gồm 2 nước:

a.Nhà nước Baren (State Of Bahrain ): Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII Ba ren bị đế quốc Ba Tư thống trị. Năm 1820 thực dân Anh xâm lược Ba ren. Năm 1860 Anh biến Ba ren thành thuộc địa. Ngày 15-8-1971 Anh trao trả độc lập cho Ba ren. Theo hiến pháp 1973 Ba ren là nhà nước quân chủ nghị viện. Quốc Vương đứng đầu nhà nước. Quyền lập pháp thuộc Quốc Vương và Quốc hội gồm 40 Nghị sĩ. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ do Quốc Vương bổ nhiệm. Tòa thượng thẩm dân sự nắm quyền tư pháp. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 12 khu vực hành chính trực thuộc trung ương. Chế độ chính trị đa đảng với hai tổ chức chính trị đang hoạt động trên chính trường.

b.Vương quốc Gioóc đa ni (Kingđom Of Jordan ): Gioóc đa ni là một bộ phận trong lãnh thổ của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918 ) Anh được Hội Quốc Liên uỷ quyền cai trị Gioóc đani trên phần đất phía Đông. Năm 1950 lãnh thổ Gioócđani bao gồm cả phần đất phía Tây sau này.Ngày 2-11-1958 Gioócđani hoàn toàn độc lập sau khi Liên bang Ả rập (gồm Irắc và Gioócđani ) tan vỡ. Theo hiến pháp 1952, sửa đổi năm 1992 Gioóc đa ni là nước quân chủ nghị viện. Quốc Vương là Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước. Quốc hội gồm hai viện nắm quyền lập pháp. Thượng viện gồm 40 Thượng nghị sĩ do Quốc Vương bổ nhiệm, Hạ viện gồm 80 hạ nghị sĩ do nhân dân bầu cử, nhiệm kỳ 4 năm. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp. Toà án phủ quyết nắm quyền tư pháp. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 8 tỉnh là khu vực hành chính trực thuộc trung ương.

Như vậy Trung Đông có hai nhà nước thiết chế quân chủ nghị viện. Trong thiết chế này nhà vua là Nguyên thủ quốc gia nhưng bị giới hạn quyền lực. Quốc hội nắm quyền lập pháp (cho nên thiết chế này còn được gọi là quân chủ nghị viện). Chính  phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp, Tòa án nắm quyền tư pháp.  Đây là một kiểu nhà nước của giai cấp tư sản. Có hình thức này là do sự liên minh của tư sản với quí tộc phong kiến trong tiến trình cách mạng tư sản. Đó  là kết quả của một cuộc cách mạng tư sản không triệt để, tức là cuộc cách mạng tư sản đó không tiêu diệt hoặc không thể tiêu diệt được phong kiến quí tộc về kinh tế, về giai cấp và vẫn duy trì giai cấp này ở một vài cơ quan trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, thực quyền chính trị vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản thông qua các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Toà án và quân đội.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 26)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn