Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 34)

PGS TS Cao Văn Liên

29/11/2023 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 34

 Cu ba kết hợp đấu tranh chính trị rộng lớn ở đô thị với đấu tranh vũ trang ở nông thôn lật đổ chế độ độc tài thân Mỹ Batista năm 1959. Cách mạng Cu ba thành công đã giáng một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Vì thế cùng với cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, cách mạng Cu ba là một trong 3 cuộc cách mạng điển hình thời kỳ hiện đại.

Dù không tìm thấy chứng tích châu Mỹ là một trong những nơi vượn chuyển biến thành người nhưng điều đó không làm lay chuyển kết luận người Anh Điêng là người bản địa chủ nhân có lịch sử hàng nghìn năm ở châu lục. Vào những năm đầu công nguyên họ đang bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước chiếm hữu nô lệ, một vài nơi đã bước vào xã hội phong kiến. Những vương quốc, những đế chế đã ra đời. Người Anh Điêng đã sáng tạo ra nền văn hoá vật thể, phi vật thể phong phú, tài ba và đặc sắc. Nền văn hoá đó có thể phát triển đến ánh hào quang của nền văn minh rực rỡ.

            Việc người châu Âu tìm thấy châu Mỹ vào thế kỷ XV, sau đó là những cuộc xâm lược tàn khốc của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, người Anh đã làm cho lịch sử các dân tộc Anh Điêng châu Mỹ rẽ sang một bước ngoặt bi thảm. Người Anh Điêng bị tàn sát, bị dồn vào rừng hoặc bị biến thành nô lệ, nền văn hoá bị tàn phá. Kẻ xâm lược thiết lập ở đây chế độ phong kiến, nô lệ, tư bản và tổng hợp mọi kiểu bóc lột để vơ vét. Người châu Âu di cư hàng chục triệu người sang Tân thế giới. 20 triệu người da đen được bán tới để làm nô lệ thay cho người da đỏ bị chết dần mòn. Tất cả làm cho châu Mỹ trở thành nơi hội tụ các chủng tộc, hội tụ các nền văn hoá đủ mầu sắc trên thế giới. Trải qua vài trăm năm ở châu Mỹ ra đời và phát triển những nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bên cạnh kinh tế nô lệ và phong kiến. Trên cơ sở đó giai cấp tư sản châu Mỹ ra đời tạo ra xu hướng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua hàng trăm năm sống chung với nhau trên một địa bàn cư trú, trên một lãnh thổ quốc gia, các dân tộc ở châu Mỹ ra đời. Nhiệm vụ lịch sử của châu Mỹ là phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc chống ngoại bang xâm lược và cách mạng dân chủ tư sản chống phong kiến đem lại ruộng đất cho nông dân, quyền dân chủ cho nhân dân, mở đường cho chủ nghĩa tư bản Mỹ phát triển.

            Cách mạng tư sản Mỹ năm 1773-1787 mở đầu cho cách mạng giải phóng dân tộc ở châu Mỹ. Sau cách mạng Mỹ, cách mạng Mỹ Latinh dâng lên thành một cao trào vào những năm đầu thế kỷ XIX lật đổ ách thống trị hàng trăm năm của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Với thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, châu lục đã ra đời một loạt các quốc gia độc lập mới. Nhìn chung, những cuộc cách mạng đó mang tính nhân dân sâu rộng, mọi giai cấp, mọi dân tộc, mọi tầng lớp đều tham gia. Cuộc đấu tranh thu được những thắng lợi to lớn, thủ tiêu được chế độ phong kiến, nô lệ thuộc địa, mở đường cho chủ nghĩa tư bản châu Mỹ phát triển. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ XX các quốc gia Mỹ Latinh còn phụ thuộc kinh tế chính trị nhiều vào tư bản nước ngoài. Cuộc đấu tranh của nhân dân trong khu vực vẫn tiếp diễn chống chủ nghĩa thực dân mới, chống độc tài nhằm đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi độc lập chủ quyền thực sự cho đất nước.

             Các quốc gia Mỹ Latinh là một khối thống nhất, chung một hệ ngôn ngữ Latinh, các chủng tộc giống nhau, tương đồng về văn hoá, phong tục tập quán. Tất cả tạo nên một truyền thống liên kết, có quan hệ mật thiết trong cuộc đấu tranh cũng như trong đối mặt với những vấn đề lịch sử. Lịch sử châu Mỹ từ thế kỷ XVI đến nay là lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Châu Mỹ đã góp phần xứng đáng làm thay đổi của bộ mặt thế giới, góp phần vào bước đi lên, đến tiến trình lịch sử nhân loại.

             (Còn nữa)

              CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 34)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn