Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam ( 27/2): Niềm tin

 Hoài Thu

25/02/2024 06:34

Theo dõi trên

Hôm nay, Thư được sắp lịch mổ. Thư thấy yên tâm vì bác sĩ Cương mổ cho cô là phó trưởng khoa, có nhiều năm trong nghề, chính là vị bác sĩ đã tư vấn cho Thư hôm cô nhập viện. Trông ông có vẻ hiền, từ tốn giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh của cô, cho cô cảm giác an tâm, tin cậy.

Ngồi trong phòng chờ cùng những người bệnh đồng phục một màu trắng toát, Thư dáo dác ngó quanh. Sự im lặng bao trùm làm cho mỗi người thêm hồi hộp, lo lắng. Một chị đã lớn tuổi cất tiếng nói, như thể đang cố phá tan tâm trạng nặng nề trong lòng mỗi người.

- Được mổ là tốt rồi. Bác sĩ ở đây ngày nào mà không mổ, riết rồi như mổ gà mổ vịt vậy đó mà !

dt4akl-1708787786.jpg

Tranh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Sáng nay bác sĩ Cương phụ trách mổ 4 ca, Thư là người cuối cùng. Mọi người rì rầm hỏi han, trò chuyện. Ba bệnh nhân được mổ trước Thư đều là nữ. Một chị trên 60, một chị ngoài 50 và một cô chưa đến 30, kể đều đã gởi gắm cho bác sĩ. Họ hỏi Thư có gởi không, rồi bảo tuy đăng ký dịch vụ nhưng gởi gắm, cậy nhờ kèm bao thơ vẫn “chắc ăn” hơn !

Thư đâu có quen biết ai mà gởi gắm. Trong thời gian ngoại trú, ra vô bệnh viện cả chục lần làm thủ tục, xét nghiệm, hội chẩn trước khi có lịch mổ, Thư đã hỏi dò các bệnh nhân khác nhưng đều nghe họ nói là không cần gởi. Lên đến đây là yên tâm rồi, toàn bác sĩ chuyên khoa giỏi, làm sao biết được ai giỏi hơn ai mà gởi gắm? Nhờ cậy có khi lại làm bác sĩ điều trị tự ái, phiền phức thêm! Thư thấy cũng phải. Cô đã từng 2 lần mổ sinh con, vợ chồng dẫn nhau đi, từ dưới tỉnh lên Sài Gòn có quen biết, gởi gắm ai đâu mà mọi chuyện vẫn tốt đẹp.

Ban đầu phát hiện mình bị bệnh, cô cũng hoảng hốt suy sụp lắm. Ai nghe mình vướng vào bệnh ung thư mà không hoảng loạn ? Các con cô còn cần mẹ biết bao nhiêu. Thư lên mạng tìm đọc để hiểu thêm về thứ bệnh mình đang mang. Cô thấy nhẹ người khi hiểu ra bệnh ung thư tuyến giáp của mình “hiền” hơn các loại ung thư khác. Cô còn may vì phát hiện bệnh sớm, chỉ cần mổ cắt bỏ tuyến giáp, uống thuốc nội tiết đều, tái khám theo bác sĩ dạn dò là ổn.

Đã yên tâm là vậy, nhưng giờ ngồi đây nghe người ta bàn tán cô cũng lo lo. Mọi người lần lượt vào phòng mổ, chỉ còn một mình trong phòng chờ, Thư sốt ruột nhìn lên chiếc đồng hồ to tướng đang chậm chạp nhích từng giây. Cô chợt thắc mắc, sao mình lại là người cuối cùng, sự sắp xếp này có ý nghĩa gì không ? Mổ xong cho ba người kia, bác sĩ có còn đủ sức mổ cho cô không ? Liệu bác sĩ có run vì mệt và đói, mổ có còn chính xác nữa không ? Trong đầu Thư cứ luẩn quẩn, hồi hộp với ý nghĩ đó cho đến khi cô được gọi ra khỏi phòng chờ.

***

Thư được đẩy vào phòng mổ, dây rợ đầy người. Cái lạnh của máy điều hòa lẫn nỗi lo sợ khiến cô run lập cập. Chị y tá lớn tuổi trấn an :

- Sao mà run dữ vậy ? Không có gì đâu, em đừng lo lắng quá.

Thư thấy bác sĩ Cương ngồi đó, lặng lẽ, không nói gì. Một bác sĩ khác đến bên bàn mổ hỏi han Thư và làm những việc cần thiết cho ca mổ, chắc là bác sĩ phụ. Thư liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tường ngay trước mặt, đúng 11h30’. “Trễ quá rồi ”, cô chỉ kịp nghĩ như thế trước khi chìm vào giấc ngủ.

Thư mở mắt, thấy xung quanh mình bệnh nhân nằm xếp lớp. “Vậy là đã qua ”, đó là ý nghĩ đầu tiên sau khi tỉnh dậy. Cô nhớ có lần nghe kể, trong khi mổ cũng có người xui rủi “ngủ” luôn vì thuốc mê quá liều.

Nhìn đồng hồ, đã hơn 3 giờ chiều. Chắc đây là phòng hậu phẫu, mấy cô y tá trực chạy qua chạy lại giữa những bệnh nhân, đôi khi cũng gắt gỏng vì mệt. Ai mệt mà chẳng gắt gỏng, Thư nghĩ thế và tự nhủ cố đừng làm phiền người ta nhiều quá, kẻo lại bị cáu.

Thư nghe miệng đắng nghét, cổ khản đặc và đau. Cô cố tằng hắng nhưng chỉ phát ra những tiếng khào khào, rất nhỏ. Thư đau khổ, bất lực nghĩ : “Chết rồi, giọng nói của mình… ” , cô nhớ đã từng lên mạng tìm hiểu và biết có những biến chứng sau mổ, cảm thấy lo lắng vô cùng! Nhìn sang giường kế bên, Thư nhận ra một bệnh nhân đang ra dấu. Cô thở phào, có lẽ mới mổ xong ai cũng vậy.

Bảy giờ tối Thư mới được đưa về khoa. Vừa thấy vợ, chồng Thư chạy ra đón, vẻ lo lắng: Ráng lên nha em. Thư cười, nụ cười mệt mỏi trên khuôn mặt nhợt nhạt của cô ánh lên niềm hạnh phúc. Trong cô tràn ngập niềm hy vọng, cô nghĩ đến các con mình đang đợi mẹ ở nhà…

Nằm được một lát Thư ói lên, ói xuống mệt muốn rũ cả người, làm chồng phải lăng xăng lo lắng. Có lẽ là do tác dụng phụ của thuốc. Thư cố nhắm mắt. Phải làm một giấc cho lại sức và quên hết cảm giác khó chịu, vướng víu, chằng chịt, khó thở ở cổ, nhưng giấc ngủ cứ chập chờn, chập chờn. Bỗng cô nghe tê rần, bắt đầu từ tay chân, rồi lên đến đầu. Thư có cảm giác như sắp tê cả toàn thân. Thư hoảng hốt, chẳng lẽ mình sắp mất hết cảm giác, mình có bị liệt không đây? Cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình, vội khều chồng đang thiếp đi vì quá mệt mỏi. Anh vội chạy lên phòng trực cầu cứu. Cô y tá chạy xuống cùng một ống chích to tướng đầy thuốc. Thư thấy lo, hình như cô y tá còn đang ngái ngủ. Cô ấy bảo Thư bị hạ can xi máu.

Thư được chích vào tĩnh mạch, thuốc vào đến đâu nghe nóng ran đến đó. Hơi nóng bốc ra từ trong họng làm Thư không chịu nổi, cô có cảm giác mình đang lả dần, lả dần đi. Thư chợt nghĩ đến những cái chết lãng nhách do sốc thuốc mà cô từng nghe kể. Chẳng lẽ mình cũng chết như thế, ý nghĩ đó bỗng làm cô kinh hãi, cô nghĩ đến các con, nhớ đến cha mẹ và bao nhiêu người đang đợi mình. Cô không muốn chết, bệnh của cô chưa đến mức phải chết. Cô ráng mở mắt nhìn cô y tá van vỉ :

- Em… em đừng chích nữa… chị không chịu nổi nữa đâu…

Cô y tá như bừng tỉnh, ngưng chích ngay. Rất lâu sau mới tiếp tục lại mũi chích, từ từ, rất chậm…

Cuối cùng một ngày đầy sóng gió cũng qua.

***

Bác sĩ Cương bảo tình trạng nói khào khào của Thư từ từ sẽ hết. Sau mổ 2 ngày cô được về nhà điều trị ngoại trú. Vào phòng khám lại trước khi về Thư gặp lại 3 người mổ trước cô. Cả 3 người họ đều rất ổn, họ không bị hạ canxi máu, cũng không bị khào khào. Họ nói rất bình thường, sao họ may mắn quá vậy?

Thư thấy khổ sở vì giọng nói của mình. Ban đầu thì khào khào khàn đục, sau lại chuyển thành giọng gió, the thé. Có những từ Thư không thể nói được tròn tiếng, cảm giác miệng cứng ngắc. Đã vậy uống nước cứ bị sặc, khát mà không dám uống cho đã, cứ phải nhấp nhấp từng chút. Mọi người đến thăm động viên, bảo từ từ sẽ hết nhưng Thư vẫn không an lòng. Cô lại lên mạng, đọc về những biến chứng sau mổ cắt tuyến giáp. Sao ca mổ của cô xui rủi nhiều thế, người ta bị một thứ đã gọi là rủi ro. Còn cô, nào là bị hạ can xi máu, nào là ăn uống sặc, nào là tổn thương dây thần kinh thanh quản, ngay cả vết mổ cũng không được như người ta. Vết mổ của mọi người đều nằm ngay ngấn cổ, vết mổ của cô cũng bắt đầu từ ngấn cổ nhưng lại đi chệch xuống thành một đường khác, võng xuống một chút rồi nhập vào ngấn cổ. Vết mổ đó hằn xuống, kết hợp với đường ngấn cổ phía trên tạo nên một chiếc sẹo lồi “nhân tạo”, mới nhìn qua sẽ tưởng đó là một cái sẹo lồi thứ thiệt, nom rõ chán! Cô bạn cùng cơ quan đến thăm nghe Thư kể phán một câu xanh rờn :

- Rồi ! Hậu quả của việc thiếu năng động đây mà. Thử nghĩ coi, sao ba người kia hổng bị gì hết, mà mình bị đủ thứ vậy ?

Những lúc chồng đi làm, các con đi học, ở nhà có một mình Thư cảm thấy tâm trạng mình thật tồi tệ. Cô muốn điện thoại với ai đó cho đỡ buồn, nhưng làm sao nói đây ? Đã vậy còn khó thở, cứ như có một sợi giây xiết lấy cổ. Hay mình sắp chết, chết mà không có ai bên cạnh thế này sao? Rồi Thư thiếp đi mệt mỏi, cô mơ thấy mình bị người ta mắng oan, cô cố giải thích mà không nói nổi, nước mắt cứ thế trào ra uất nghẹn. Giật mình tỉnh giấc, nước mắt đã đầm đìa trên mặt…

Thư hoang mang cực độ. Chẳng lẽ tại mình không gởi gắm, cậy nhờ? Cô không muốn tin. Chắc chẳng bác sĩ nào nỡ cố tình “trừng phạt” bệnh nhân thế này đâu. Cùng lắm là bị sắp lịch mổ cuối cùng, phải chịu nhiều rủi ro hơn khi bác sĩ đã mệt, sự chính xác đã bị giảm sút. Thì cũng phải có người trước kẻ sau chứ, mình là đúng rồi, chẳng lẽ là họ, những người đã… có lòng ! Còn biết trách ai, phải tự trách mình đã không nhanh nhạy, thức thời. Đây là bài học, sau này nhất định không được quên, Thư tự dặn mình như thế.

***

Mọi người cứ bảo rằng từ từ sẽ hết. Ngay cả chồng Thư cũng gắt lên rằng phải có thời gian, đâu cứ muốn hết là hết ngay được. Nhưng Thư lo lắm, mỗi ngày cô đều thức dậy từ 5 giờ sáng, uống thuốc rồi tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn. Thư ăn uống chọn lọc, nghỉ ngơi hợp lý, sao chẳng đỡ hơn tí nào. Chồng Thư cứ phải ghé sát cô mới nghe được. Lúc bực mình đã không thể la lên, còn muốn tắc tiếng, hụt hơi. Lúc đó Thư chỉ muốn gào lên, muốn cấu xé, muốn đập phá mà cũng bất lực.

Bệnh viện hẹn Thư một tháng, nửa tháng cô đã đến tái khám, chỉ nhận được lời khuyên phải chờ đợi. Chưa yên lòng, Thư tiếp tục tìm đến phòng mạch của một bác sĩ giỏi, đem về cả đống thuốc, uống mệt nghỉ vẫn không có chút khả quan…

Ngân bạn Thư, là bác sĩ đến thăm. Nghe Thư tâm sự, Ngân trầm ngâm hồi lâu rồi nói :

- Điều quan trọng bây giờ là bạn phải bình tĩnh và kiên nhẫn. Đúng là bác sĩ cũng có người nọ, người kia, nhưng phần lớn bác sĩ vẫn hết lòng với bệnh nhân, có vậy họ mới tồn tại trong nghề được. Chuyện gởi gắm, bao thơ thực tế là cũng có nhưng không quyết định chất lượng điều trị đâu bạn ạ. Nếu không chính họ sẽ tự đào thải mình thôi. Đôi khi chính sự “bày vẽ” không cần thiết của bệnh nhân đã tạo nên những tiền lệ làm khó cho mình, cho người. Còn chuyện xui rủi của bạn theo mình phần lớn là do cơ địa, thể trạng…

- Nhưng… Cái sẹo lồi “nhân tạo” này thì sao ?

- À… theo mình đoán thì có thể là do tay nghề của bác sĩ phụ, thực tập khi bác sĩ chính đã quá mệt. Mà biết đâu, đường mổ đó là bắt buộc vì một lý do chuyên môn nào đó mà một bác sĩ chuyên khoa khác như mình cũng không hiểu được. Thư cứ nghĩ đơn giản thế này, một vết mổ xấu chắc chắn sẽ làm… xấu đi “thương hiệu” của một bác sĩ, vậy thì vết mổ của bạn chỉ là sự rủi ro ngoài-ý-muốn hoặc không-thể-khác. Mà thực ra nó cũng rất ổn, chỉ là không nằm ngay cái ngấn cổ cho nó đẹp hơn thôi. Thế nên bạn đừng quá… “lăn tăn” chuyện này, lại ảnh hưởng sức khỏe. Mình có biết một bác sĩ ung bướu rất giỏi và rât có tâm. Bạn thử đến gặp xem sao.

Thư tìm đến phòng mạch của bác sĩ Hoàng. Đó là một bác sĩ đã lớn tuổi. Ông lắng nghe, gật gù như thấu hiểu nỗi lo lắng của cô, rồi chậm rãi giải thích cặn kẽ cho cô vì sao bị đổi giọng, khó thở, tê tay chân vì hạ canxi máu và ăn uống hay bị nghẹn, sặc. Ông hướng dẫn cô nên làm thế nào để giảm thiểu những tình trạng này trong khi chờ đợi phục hồi hoàn toàn, phải từ 2 đến 6 tháng. Rồi ông khen vết mổ tốt, rất ổn, thời gian sẽ làm cho vết sẹo mờ dần. Bác sĩ còn dặn Thư phải kiên nhẫn, đừng quýnh quáng lên mà mua đủ thứ thực phẩm chức năng tốn tiền, không cần thiết.

Thư ra về, lòng nhẹ nhõm vô cùng. Cô thấy an tâm, thỏa mãn khi những thắc mắc trong lòng được bác sĩ Hoàng giúp cô giải tỏa. Thật là một “liệu pháp tinh thần” quan trọng, chẳng khác một liều thuốc quý giúp cô an lòng, sống vui vẻ. Có lẽ nhờ vậy mà tình trạng tồi tệ của Thư đã từ từ được cải thiện và phục hồi sau hơn hai tháng. Vết mổ trên cổ cô cũng ổn dần và nó không còn là vấn đề khiến cô phải lăn tăn nghĩ ngợi nữa.

Thư tự nhủ, cần phải tin vào những điều tốt đẹp. Dù cho đâu đó vẫn còn những điều chưa đẹp, nhưng hơn tất cả, chính những điều tốt đẹp đã làm nên cuộc sống, làm nên những điều kỳ diệu. Tỷ như chuyện Thư lại nói được như trước, chẳng phải là một điều kỳ diệu hay sao? Cô và bao nhiêu người bệnh trong cuộc đời này đang được chữa trị với khát vọng tiếp tục sống chẳng phải từ niềm tin tốt đẹp vào những “thiên thần áo trắng ” hay sao? Niềm tin đó đã giúp Thư an tâm và có thêm sức mạnh để đối diện và vượt qua những vấn đề khó khăn về sức khoẻ của mình.

H.T


Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam ( 27/2): Niềm tin" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn