Nghệ nhân Nhân dân Bùi Quốc Thi: Muốn trở thành cung văn, phải có năng khiếu và được truyền dạy bài bản

Cung văn phải là một người tay đàn miệng hát, hoặc tay gõ miệng hát, tức là phải biết sử dụng nhạc cụ đi kèm như đàn nguyệt, hay trống phách... Nếu chỉ cầm mic lên và hát thì gọi là hát văn chứ không phải cung văn.

nghe-nhan-nhan-dan-bui-quoc-thi-1716519745.jpg

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Quốc Thi, loại hình di sản “Nghệ thuật trình diễn Dân gian”, sinh năm 1960, thường trú tại Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội

 

Mối quan hệ giữa hát văn và hầu đồng

Hát văn là nghệ thuật truyền thống của nước ta đã có từ hàng nghìn năm nay. Ở những thế hệ trước thì tôi không rõ, nhưng ở thế hệ của tôi, nhưng kể từ khi tôi biết đến nghệ thuật hát văn, thì không phải cứ ngồi hầu đồng mới hát được văn. Việc hát văn có thể đứng riêng lẻ một mình vẫn thực hiện được, vẫn có thể sáng tạo. Chúng ta có thể mượn những bài thơ ca thể lục bát, thể thất ngôn… về chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, con người để áp dụng vào loại hình nghệ thuật này, không nhất thiết bó hẹp và giới hạn chỉ hát về thần, thánh trong hầu đồng. Ví dụ như bài thơ “Bầm ơi”, hay “Vu lan báo hiếu”..., có thể chuyển sang hát văn cũng rất hay, sử dụng trình diễn trên các sân khấu chính thống, trang nghiêm là điều tốt.

Thế nhưng ngược lại, việc hầu đồng không thể thiếu và không thể tách rời với hát văn, nếu hầu đồng không có những lời hát, không có trống phách, âm nhạc… thì sẽ trở nên nhạt nhẽo, thiếu sinh động, không có giá trị và không thể hiện được bản sắc của hầu đồng.  

Quá trình trở thành một cung văn

Gia đình tôi có truyền thống hát văn từ ngày xưa, đến tôi là thế hệ thứ 4 vẫn tiếp tục duy trì. Thời niên thiếu, khi ấy khoảng 13-14 tuổi, nhờ may mắn thừa hưởng năng khiếu từ thế hệ trước nên tôi được học hát văn từ chính các cụ trong gia đình, đặc biệt là từ ông nội chứ không phải đi học thầy bên ngoài. Ngày đó, việc học hát văn không phổ cập như bây giờ là có trường lớp, đào tạo bài bản. Hồi xưa các cụ truyền đạt và chỉ dạy còn khá đơn sơ, nên những ai có năng khiếu bẩm sinh mới có thể học và thành công được.

Hành trình hát văn của tôi không phải dễ dàng, tôi cũng không tránh khỏi những khó khăn vì phải học rất nhiều làn điệu văn khó. Cứ thế, trải qua nhiều năm tháng say sưa tập luyện, thực hành, trình diễn ở nhiều vùng miền trên cả nước, từ Bắc vào Nam, tôi lại có thêm nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, khi mình đã có kinh nghiệm rồi, từ tình yêu với nghề, tôi lại lan tỏa và truyền dạy cho những người xung quanh, cho các thế hệ sau, chứ không chỉ đơn giản là biết hát và giữ riêng cho bản thân mình. Ở thế hệ của tôi ngày xưa, nhất là thời kì kháng chiến, những năm thập kỷ 70-80, khi nhắc đến nghệ thuật dân gian, trong đó có hầu đồng và hát văn, vẫn đang bị mang tiếng mê tín dị đoan, bị nhà nước bài trừ nên việc hoạt động hát văn rất khó khăn. Vì vậy, khi chưa được nhà nước và công chúng công nhận, tôi và nhóm hát phải tìm những nơi xa xôi, hẻo lánh, ít dân sinh sống, xa chính quyền để hoạt động nghệ thuật. Còn ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ cùng hát văn đã phổ biến trên toàn quốc, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nên tạo điều kiện rất lớn trong việc hoạt động của những người yêu nghệ thuật truyền thống dân gian.

Thực tế, hát chầu Văn là một loại hình nghệ thuật có giá trị nhân văn, tốt đẹp, không phải mê tín dị đoan như nhiều người nghĩ.

Nối nghiệp truyền thống của cha ông, hiện nay con trai và con rể của tôi cũng lựa chọn theo con đường nghệ thuật truyền thống, và đều là cung văn, đến bây giờ là đời thứ 5. Bên cạnh được bố chỉ dạy, truyền cảm hứng thì các con cũng có năng khiếu nên việc học khá dễ dàng, trở thành những cung văn thực thụ, tâm huyết với nghề. Tôi và các con thường xuyên có các buổi trình diễn cùng nhau ở nhiều sân khấu lớn do các đơn vị, các cấp ban ngành của nhà nước, địa phương tổ chức, đặc biệt là Sở Văn hóa.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa hát văn cho đất nước, dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn cố gắng mở lớp dạy nâng cao cho những người đã có chút nền tảng về hát văn. Có nhiều người người mến mộ hát văn, tìm đến tôi để mong muốn học thêm về những làn điệu cổ, nên tôi sẵn lòng để bồi đắp thêm cho họ. Tình yêu với hát văn không giới hạn độ tuổi hay giới tính, có những người thậm chí đã 60-70 tuổi nhưng vẫn rất yêu thích, ham học hỏi. Tôi duy trì dạy mỗi tuần 2 buổi, một lớp học ít nhất 5 người. Không chỉ vậy, tôi còn tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ hát văn mỗi tháng 1 lần, có khoảng 30-40 hội viên tham gia, hoạt động định kỳ đã 15 năm nay. Thông qua sinh hoạt như vậy, vừa giúp lan tỏa tình yêu hát văn vừa giúp mọi người nâng cao kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Quốc Thi thời còn trẻ

Những tiêu chuẩn để trở thành cung văn

Những người yêu nghệ thuật hát chầu Văn nếu muốn trở thành một cung văn thì điều quan trọng là nhất định phải tìm thầy dạy học, người thầy đó phải có kinh nghiệm, nhiệt huyết, có tinh thần yêu mến và trân quý hát văn. Nếu như không học từ thầy, hay không có người hướng dẫn đúng đắn mà chỉ tự học, tự nghe trên các trang mạng xã hội thì sẽ không trưởng thành và trở thành cung văn thực thụ được.

Về tiêu chuẩn để trở thành một cung văn, đầu tiên người đó phải có năng khiếu mới có thể tiếp thu, hiểu, học nhanh, hát mới truyền cảm và đi vào lòng người. Bởi chầu Văn là một trong những loại hình khó nhất trong các thể loại hát, nó có nhiều làn điệu nên không phải ai cũng học được. Không thể biết được cụ thể có tất cả bao nhiêu làn điệu hát văn, nhưng riêng bản thân tôi thuộc hơn 30 làn điệu. Một số bạn trẻ bây giờ thông thường chỉ hát được 8-10 làn điệu đơn giản đã là nhiều, như vậy chỉ có thể gọi là biết hát văn chứ chưa thể gọi danh xưng là một cung văn được. Chính vì thế, các bạn cần phải chịu khó học hỏi, tham khảo từ các thế hệ tiền bối có kinh nghiệm thì sẽ được truyền đạt thêm vốn kiến thức, trau dồi cho bản thân. Nếu không có năng khiếu thì phải thực sự thích và đam mê, bên cạnh đó phải kiên trì học, dù khó khăn nhưng dần dần cũng có thể thành một cung văn.

Thứ hai, cung văn phải là một người tay đàn miệng hát, hoặc tay gõ miệng hát, tức là phải biết sử dụng nhạc cụ đi kèm như đàn nguyệt, hay trống phách... Nếu chỉ cầm mic lên và hát thì gọi là hát văn chứ không phải cung văn.

Nghệ nhân  Nhân dân Bùi Quốc Thi trình diễn hát văn

Vai trò của cung văn trong hầu đồng

Trong hầu đồng, cung văn đóng vai trò vô cùng quan trọng, được xem như là một người đạo diễn, vừa là một ca sĩ, nhạc sĩ phục vụ cho thầy đồng, thanh đồng, giúp cho buổi hầu trở nên sinh động.

Cung văn không phải là một tổ chức, mà được thành lập thành đội nhóm. Ví dụ như bản thân tôi có thành lập và làm Chủ nhiệm một Câu lạc bộ hát chầu Văn với mấy chục thành viên. Những ai yêu mến loại hình nghệ thuật này, tôi đều sẵn lòng kết nạp vào hội, sau đó truyền dạy và lan tỏa tình yêu hát văn cho mọi người.

Mỗi cung văn thường có tối thiểu 3 người, có lúc phải cần 4-5 người mới đủ phục vụ cho buổi hầu đồng. Mỗi người sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau, trong đó người đàn nguyệt kiêm hát văn, người gẩy trống phách cũng kiêm hát, trừ ngoại lệ là người sáo nhị không phải hát.

Các thanh đồng mỗi khi muốn hầu, phải tự liên hệ và mời các cung văn đến hát, trình diễn, cũng như thông báo cụ thể ngày, giờ, địa điểm. Những cung văn càng có kinh nghiệm, lời hát nhiều cảm xúc, âm nhạc hay thì sẽ giúp cho người hầu đồng nhập tâm hơn, diễn trở nên xuất thần giúp buổi hầu thành công hơn.

Về các cung văn trẻ

Những cung văn trẻ ngày nay, dù có nhiều người tốt nghiệp các trường văn hóa – nghệ thuật, nhưng đa phần là học chưa hết những làn điệu hát văn, vì vậy nhiều bạn đang làm sai lệch và biến tướng, không còn giữ đúng lề lối của văn gốc, phá hỏng đi nét đẹp vốn có của chầu văn. Vì không biết hết các điệu văn, chỉ thuộc 3-4 làn điệu đơn giản nào đó, nên một số bạn thêm thắt, đưa vào cả các làn điệu dân ca, lý, thậm chí là tân nhạc, hay là bolero để làm phong phú, sinh động nhưng điều đó là hoàn toàn không đúng.

Hiện nay, hát văn trở nên phổ biến, người dân cũng đã tiếp cận và thưởng thức nhiều hơn ngày xưa, bên cạnh đó còn biết cảm thụ rất tốt nên dễ dàng để nhận ra những biểu hiện sai lệch trong hát văn của một số bạn trẻ bây giờ. Điều này cũng gây ảnh hưởng không tốt tới những cung văn chuẩn, có tâm với nghề.

Chúng tôi cũng đang có những ý kiến đề nghị lên các cấp ban ngành để chung tay bảo vệ làn điệu hát văn, không để những hiện tượng biến tướng xảy ra. Trong thời gian gần đây, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như Ban Tuyên giáo Thành phố, Sở Văn hóa... cũng đã và đang triển khai các cuộc họp, thảo luận nhằm giữ gìn bản sắc của làn điệu hát văn.

Việc sử dụng các nhạc cụ hiện đại như guitar, đàn organ, trống điện tử…

Ngày xưa, ban đầu chỉ có sử dụng trống, phách với 2 người cung văn, sau đó có thêm đàn nhị, rồi đến sáo trúc (khoảng gần 30 năm nay) đều là những nhạc cụ dân tộc. 

Do vậy, tôi hoàn toàn không đồng ý với việc cách tân như sử dụng các nhạc cụ hiện đại: guitar, đàn organ, trống điện tử,…  vì vốn dĩ cung văn chỉ dùng những nhạc cụ truyền thống.

Hiện nay, tôi cũng đang phản ánh với các đền phủ lớn, không cho phép những cung văn mang các nhạc cụ hiện đại vào trình diễn phục vụ hầu đồng, nếu thấy trường hợp nào đó thì sẽ lập tức mời ra ngoài.

 

Với những cống hiến xuất sắc của mình cho sự gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2015, nghệ nhân Bùi Quốc Thi vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ông cũng nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của TP. Hà Nội. Đặc biệt, năm 2022, ông được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” – danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp của mình.

Việc sử dụng văn cổ và văn mới, cũng như việc bảo tồn các giá trị truyền thống trong âm nhạc và nhạc cụ

Hát văn là những làn điệu cổ của ông cha ngày xưa. Lời hát văn nếu như có những người biên soạn tốt, theo thể thơ bằng trắc thì hát văn mới hay. Nếu cứ sáng tác theo kiểu chấp bút, nghĩ ra thì không có bằng trắc, người sáng tác không có trình độ chuyên môn để viết ra những lời hay thì bài hát sẽ chẳng có ý nghĩa.

Tối thiểu nhất của bản văn công đồng là phải hát được 5 làn điệu. Còn như bây giờ, một số người cứ hát được 1-2 làn điệu là xong, làm việc theo kiểu thương mại hóa, như vậy là không nên.

Tôi cũng đang kêu gọi các nhà đền trên toàn quốc, các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh… cấm triệt để những trường hợp hát văn không đúng quy chuẩn. Nếu hát ở các đền nhỏ lẻ, hay đền tại gia của các gia đình thì khó có thể kiểm soát và quản lý được.

 

 

T. Thông Y tế - DS Hưng Mỹ

T. Thông Y tế - DS Hưng Mỹ

12:56 24/05/2024

Tuyệt quá - Chúc mừng Nghệ nhân