Đến với bài thơ hay về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực  của tác giả Phùng Quán

Nguyễn Mạnh Hùng

12/04/2024 20:52

Theo dõi trên

CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ


Ta đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt:
Tôi đã gặp
Những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng
Bởi đồn giặc trồng ngô tỉa lúa.
Tôi đã gặp
Những cô gái trồng bông
Hai mươi? Ba mươi?
Tôi không nhìn ra nữa.
Mồ hôi sôi trên lưng
Mặt trời như mỏ hàn xì lửa
Đốt đôi vai cháy hồng.
Tôi đã đi qua
Nhiều xóm làng vùng Kiến An Hồng Quảng.
Nước biển dâng lên ướp muối các cánh đồng
Hai mùa lúa không có một bông.
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ.
Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu.
Cơm thòm thèm độn cám với rau
Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết
Để được ăn cơm no có thịt
Một bữa một ngày…
Tôi đã đi
Giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm
Tôi đã gặp
Chị em công nhân đổ thùng
Yếm rách chân trần
Quần xắn quá gối
Run lẩy bẩy chui vào hầm xia tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn một thùng
Có người không dám vác
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con.
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của quần chúng anh hùng lao động
Đang buộc bụng thắt lưng để sống
Để xây dựng kiến thiết nước nhà
Để yêu thương nuôi nấng chúng ta.
Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm rời bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ xanh đỏ sáng loà
Như trang giấy kim
Dán lên quân trang
Đẫm mồ hôi và máu tươi của cách mạng
Như công nhân
Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Các đồng chí ơi!
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem.
“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng thiếu tiền bỏ dở.
Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu.
Những con chó sói lãng phí quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ “đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước chúng ta không đếm hết người nghèo
Đêm nay thiếu cơm thiếu áo.
Những tên quan liêu Đảng đã phê bình trên báo
Và bao nhiêu tên chưa ai biết ai hay
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gày
Khắp mặt đất
Như ruồi nhặng
Ở đâu cũng có!
Đảng muốn phê bình tất cả
Phải một nghìn số báo Nhân dân!
Tôi đã đến thăm nhiều hố xí cầu tiêu
Giấy trắng nửa mặt, xé toang chùi đít
Những người này không bao giờ họ biết
Ở làng quê con cái nhân dân ta
Dọc lá chuối non đóng vở học i-tờ!
Tôi đã đến dự những phiên toà
Họp suốt ngày luận bàn xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, chị gái
Còng lưng, rỏ máu lấn vành đai!
Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng lập đội quân trừ diệt
-Có tôi! đi trong hàng ngũ tiền phong.

dt1apq1-1712929264.jpg

Một phiên bản với thủ bút bài thơ của tác giả Phùng Quán (Nguồn internet)

Phùng Quán (1932-1995),là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam, quê tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy , tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tham gia cách mạng rất sớm, gia nhập Vệ quốc quân từ khi 13 tuổi (năm 1945). Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam. Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, khi phong trào này chấm dứt, Phùng Quán bị kỷ luật, ra khỏi quân đội, sau đó mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động thực tế ở nhiều nơi.

Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam (Giải ba, năm 1955). Cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam (Giải A, năm 1997). Ông mất ngày 22/01/1995 tại Hà Nội, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định năm 2007 cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.

Bài thơ "Chống tham ô lãng phí" của ông sáng tác trước năm 1954, cách đây đã hơn 70 năm nhưng cho đến nay vẫn có tính thời sự nóng bỏng, phù hợp với chiến dịch đốt lò, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng nhằm loại bỏ những cán bộ suy thoái về tư tưởng đạo đạo đức cách mạng và lối sống.

Bài thơ cho thấy tầm vóc của ông, ông cũng như bậc tiền bối là nhà thơ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, dùng ngòi bút, văn chương để bày tỏ chí khí nghĩa hiệp, lòng yêu nước thương dân, diệt trừ cái ác, ca ngợi đạo đức, đánh đuổi giặc nội xâm là các tham quan vô lại với tệ nạn tham ô, lãng phí.

Nội dung chính của bài thơ thể hiện những khó khăn của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đầu sau chiến tranh kháng chiến chống Pháp. Đất nước vừa trải qua chiến ttranh nên tình hình kinh tế xã hội vô cùng khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn vật chất đủ điều. Bài thơ mô tả một loạt các tình huống thực tế khắc nghiệt mà tác giả gặp phải khi đi qua những vùng quê và thành phố.

Cụm từ “Tôi đã đi qua/Tôi đã đi…Tôi đã gặp” được lặp lại trong nhiều hoàn cảnh, vị trí địa lý, thời gian, không gian và con người khác nhau cho thấy bức tranh của nhân dân lao động khổ cực, từ những cảnh thiên nhiên, những bà mẹ già, trẻ em cùng với những người lao động trồng lúa, trồng bông, cho đến những cảnh công nhân vất vả với những công việc nặng nhọc:

- Nhiều xóm làng vùng Kiến An Hồng Quảng./Nước biển dâng lên ướp muối các cánh đồng/Hai mùa lúa không có một bông./Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ.

- Những bà mẹ già quấn giẻ rách/Da đen như củi cháy giữa rừng/Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng…

- Những đứa em còm cõi/Lên năm lên sáu tuổi đầu./Cơm thòm thèm độn cám với rau…

- Những cô gái trồng bông/Hai mươi? Ba mươi?/Tôi không nhìn ra nữa./Mồ hôi sôi trên lưng/Mặt trời như mỏ hàn xì lửa/Đốt đôi vai cháy hồng.

- Chị em công nhân đổ thùng/Yếm rách chân trần/Quần xắn quá gối/Run lẩy bẩy chui vào hầm xia tối/Vác những thùng phân/…Các chị suốt đêm quần quật.

Tác giả không dùng các mỹ từ, điển tích văn học mà chỉ thuần là các câu từ mộc mạc gần gũi trong nhân dân lao động, đời thường để nói lên những sự thật, sự thật khủng khiếp và cho người đọc dễ thấy, dễ hiểu. Nỗi cực khổ của người dân lao động thật khó có thể hình dung trong thời đại ngày nay qua các hình ảnh được chọn lọc gây ám ảnh trong tâm khảm của bất kỳ ai: “ ướp muối các cánh đồng”,“Những bà mẹ già quấn giẻ rách/Da đen như củi cháy giữa rừng/Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng”, “ Mồ hôi sôi trên lưng/ Mặt trời như mỏ hàn xì lửa” hay “ Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ”,…

Cụm từ “Tôi đã đến thăm…Tôi đã đến dự…” , tác giả diễn đạt sự thật đau lòng trước những khó khăn của những người lao động vàphẫn nộ trước sự lãng phí tài nguyên và sự tham ô của một số cá nhân, tổ chức:

- Giấy trắng nửa mặt, xé toang chùi đít/Những người này không bao giờ họ biết/Ở làng quê con cái nhân dân ta/Rọc lá chuối non đóng vở học i-tờ!

- Những con chuột mặc áo quần bộ đội/Đục cơm khoét áo chúng ta/Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ/Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói/Những mẹ già, em trai, chị gái/Còng lưng, rỏ máu lấn vành đai!

- … “Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên/Nửa chừng thiếu tiền bỏ dở./Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió/Mồ hôi máu đỏ mốc rêu.

Mười một triệu đồng, một con số thật khủng khiếp trong hoàn cảnh nhân dân ta đói khát, nghèo khổ phải “ thắt lưng, buộc bụng để sống” vì “Hai mùa lúa không có một bông” hay “Dọc lá chuối non đóng vở học i-tờ”. Và tội ác của sự lãng phí, quan liêu được vạch trần và đẩy lên tột đỉnh qua sự dã man bởi “ Mồ hôi, máu đỏ rêu mốc” hay như “Còng lưng, rỏ máu ”. Tiếng súng không nổ nhưng máu lại đổ.

Tác giả vạch tội sự tàn nhẫn, táng tận lương tâm, gọi những kẻ gây nên sự lãng phí, tham ô là ruồi nhặng, chó sói, lũ chuộtmặt người và những tên quan liêu trong Đảng với đủ dạng bề ngoài:

-Những con chó sói lãng phí quan liêu/ Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!

-Những con chuột mặc áo quần bộ đội/Đục cơm khoét áo chúng ta/Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ…

- Và bao nhiêu tên chưa ai biết, ai hay/Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gày/Khắp mặt đất/Như ruồi nhặng/Ở đâu cũng có!

Bài thơ không chỉ mô tả mà còn kêu gọi hành động, khuyến khích sự đấu tranh chống lại tham ô và lãng phí trong xã hội. Thể hiện tính chiến đấu của người lính cầm bút, sứ mệnh thơ ca : Tôi muốn đúc thơ thành đạn/ Bắn vào tim những kẻ làm càn/ Những con người tiêu máu của dân/ Như tiêu giấy bạc giả!

Tác giả thể hiện sự tự trách nhiệm và quyết tâm của mình khi tuyên bố sẵn sàng từ bỏ việc viết thơ để tham gia vào cuộc chiến chống lại tham ô và lãng phí.

Trung ương Đảng ơi!/Lũ chuột mặt người chưa hết/Đảng lập đội quân trừ diệt

- Có tôi! đi trong hàng ngũ tiền phong.

 Bài thơ cũng như một bài hịch, nói lên sự thật của xã hội lúc bấy giờ, vạch trần tội “giặc nội xâm đất nước” là những kẻ tham ô, lãng phí, lên án, kết tội và kêu gọi sự đoàn kết, sự hiểu biết và sự ủng hộ của cộng đồng trong việc chống lại những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đọc bài thơ “Chống tham ô lãng phí” ta như thấy nó vừa được sáng tác gần đây. Nó không chỉ là một tác phẩm văn học bất hủ mà qua đó khẳng định vị thế của tác giả trong dòng chảy văn học hiện thực phê phán, có tầm nhìn vượt thời gian, gửi cho thế hệ sau một thông điệp sâu sắc về sự phấn đấu và tự trách nhiệm của mỗi con người trong việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và giàu mạnh.

 

Bạn đang đọc bài viết "Đến với bài thơ hay về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực  của tác giả Phùng Quán" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn