Cây đa làng

Truyện ngắn của Nguyễn Hoàng Nguyên

18/03/2024 08:24

Theo dõi trên

Đã có ý kiến đề nghị lên trên công nhận cây đa làng tôi là di tích lịch sử; nhưng hiện thực hoá ý kiến ấy lại phải mất nhiều thời gian; vả lại, ai công nhận cây đa là cây di sản, nếu nó không gắn với những sự kiện lớn lao của đất nước như cây đa Tân Trào? Vậy là cây đa làng tôi vẫn cứ đứng đó, lặng lẽ nhìn dân làng đời này sang đời khác!

cay-da-co-nho-1710725051.jpg
 

     Cuối làng tôi có một cây đa cổ thụ. Cây đa ấy được trồng từ thuở nào không ai biết! Chỉ được nghe các cụ kể lại, ngay từ khi Cụ Tổ họ Nguyễn nhà tôi đến khai khẩn và lập làng, nó đã hiện diện rồi. Các rễ của nó giờ đã mọc thành những thân to đến 3 người ôm mới xuể. Dưới gốc đa, có cái miếu, xây từ bao giờ cũng chẳng rõ, nhưng cái bát hương bằng đá đã bị rêu phong phủ kín cả rồi. Ông bình vôi, lúc nào cũng đầy oặp, bởi chẳng có ai dám bén mảng đến. Miếu này nghe đồn rất linh thiêng, trẻ con mà khóc đêm chỉ cần doạ đem ra bỏ dưới gốc đa là im bặt, mà chúng đã biết gốc đa là thế nào đâu(?!). Rồi cả làng còn kháo nhau về chuyện ông Thung tự nhiên bị một cái mắt cá ngay dưới bàn chân là do thần gốc đa bắt tội. Người thì bảo có một lần ông Thung đi qua gốc đa, dẫm phải hòn gạch hay đá gì đó, cáu tiết văng tục; về nhà, tự nhiên có cái mắt cá ấy; khêu mãi cũng không khỏi, nên cứ cà nhắc. Người lại bảo, vì ông gánh phân ra đồng, lúc đi qua miếu lại tạt vào ngó cái gì đấy, nên thần quở. Chuyện thực hư thế nào, mọi người chẳng dám hỏi chính người bị bệnh thành ra chuyện lan mãi ra. Đi đâu, người ta cũng nhắc…

     Chuyện về cây đa linh thiêng, cái miếu thờ thần lâu rồi đã thành huyền thoại. Nghịch như bọn trẻ chúng tôi, vậy mà cũng chỉ dám đứng từ xa mà ngó. Biết là rất nhiều tổ chim sáo nhưng cũng đành nuốt nước miếng mà thôi. Trải qua biết bao mưa nắng, vẫn oai vệ toả bóng xuống một khoảng lớn cuối làng. Nó cũng đi vào kí ức của người xa quê, chỉ cần nhớ về cố hương là trong tiềm thức lại sừng sững hiện lên cây đa đã in sâu vào từ tuổi ấu thơ. Cây đa còn có công lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi mà nơi đây từng diễn ra các cuộc họp của những người cách mạng, các cụ còn kể đã từng có ông cán bộ Trung ương về nằm vùng, lấy cây đa làm chỗ đi về! Đã có lần giặc Pháp đem quân đến càn, nhưng không một thằng giặc nào dám đến chỗ gốc đa vì sợ mìn, sợ gì nữa cũng chẳng rõ. Đạn ca-nông liên tục rót vào làng những năm 1949-1950 nhưng cây đa vẫn không hề suy suyển. Nó cứ oai vệ đứng đó như chứng nhân của lịch sử! Về tuổi tác, phải gọi là Cụ Đa; mà có lẽ còn phải gọi hơn thế nữa!

      Đã có ý kiến đề nghị lên trên công nhận cây đa làng tôi là di tích lịch sử; nhưng hiện thực hoá ý kiến ấy lại phải mất nhiều thời gian; vả lại, ai công nhận cây đa là cây di sản, nếu nó không gắn với những sự kiện lớn lao của đất nước như cây đa Tân Trào? Vậy là cây đa làng tôi vẫn cứ đứng đó, lặng lẽ nhìn dân làng đời này sang đời khác!

      Rồi có một chuyện, chẳng hiểu lan ra từ đâu, nhưng ai nấy cũng đều quả quyết: dưới gốc đa làng mình có vàng! Vàng do người phương Bắc ngày xưa chôn để lại cho con cháu. Tin đồn nhanh lắm, thế rồi người ta họp nhau bàn tán về chuyện vàng dưới gốc đa. Ông Tắc kể: Một buổi trưa ông đi làm đồng về muộn, gặp chục con lợn con chạy dưới gốc đa. Ông đuổi theo, bắt lấy một con; nhưng trong đàn có một con què, ông không thèm bắt.

     Bà Đợi cũng tiếp lời kể về việc mình gặp lợn, và cũng như ông Tắc; bà chỉ đuổi bắt lợn khoẻ, mà quên không thèm đuổi lợn què. Người nọ người kia cố kể chuyện của mình, như muốn khoe sự hiểu biết. Lại có người kể, vào một trưa nọ, chị còn nhìn thấy một cô gái rất xinh đẹp đang ngồi dưới gốc đa, nhưng đến gần thì cô gái đi đâu mất. Chị sợ, về nhà ốm mấy tháng, uống thuốc không khỏi; đành đến gốc đa lầm rầm khấn vái, quả nhiên khoẻ hẳn. Đợi cho câu chuyện chùng xuống cụ Ích mới thủng thẳng:

- Trước hết tôi nói về chuyện gặp lợn vào ban trưa: Gặp lợn mà không bắt con lợn què là các ông các bà bỏ lỡ dịp may hiếm thấy! Tôi nghe người ta nói ai gặp đàn lợn chạy vào buổi trưa thì hãy bắt lấy con lợn què. Đưa lợn về, bỏ vào chum; sáng hôm sau, nó hoá thành lợn vàng. Cả con lợn bằng vàng tiêu đến đời nào mới hết! Còn chị Tám gặp cô gái là gặp thần giữ của, nếu chị có chút gì đó của người Khách ắt hẳn chị cũng sẽ giàu to.

    Câu chuyện về lợn thành vàng, rồi chuyện người Tàu để của cứ râm ran. Người ta như nuốt lấy từng lời của cụ Ích. Cụ kể rằng, ngày xưa, các chú Khách sang ta làm ăn; của cải làm ra nhiều, mang về không xuể; vả lại dã tâm chiếm đất nước mình đã có từ ngàn đời, nên họ không để lỡ dịp may nào. Mang của về đã đành, chúng còn chôn lại cho con cháu để sau này có cơ hội ăn cướp nước mình con cháu chúng đã có của ăn của để. Nhưng chúng sợ người Việt mình đào được, nên chôn thật kĩ, lại phải tìm thần giữ của cho chúng! Thần Phật nước mình đâu giữ của cho quân xâm lược? Nên chúng phải tự làm ra thần bằng cách mua con gái về nuôi từ lúc mới 6, 7 tuổi; chỉ chăm chút cho ăn uống, mà không phải làm công việc gì. Chúng lựa con gái nhà nghèo, xinh đẹp; mua vừa rẻ, lại khỏi lôi thôi bởi họ muốn đòi con về cũng không có tiền chuộc. Đến khi đứa trẻ đã thành cô gái 17 tuổi, cũng là lúc chúng bắt làm thần giữ của. Cô được chủ cho về nhà thăm cha mẹ, với lí do gia chủ chuẩn bị cho cô đi lấy chồng. Trở lại nhà chủ, cô gái được ngậm củ sâm có tác dụng nuôi sống cơ thể trong 3 tháng, rồi bị gắn xi vào miệng, bị chặt một ngón tay út làm tin. Chúng hẹn cô gái sẽ có người đến lấy khi cô còn sống, ai mang ngón tay út của cô đến; cô phải cho người ta quả cau bằng vàng, lá trầu vàng. Nếu họ đem đến cuốn gia phả dòng họ nhà chủ đến, cô phải trả toàn bộ số vàng đang giữ và được tự do; tất nhiên cô cũng có phần để xây dựng gia đình. Cô gái buộc phải nhận lời chủ, nhưng thực ra, cô có biết mình bị chôn sống làm thần giữ của đâu? Có thể, cô bị chôn hàng chục năm, dăm chục năm và nhiều hơn thế nữa. Để cho cô gái đỡ buồn trong những ngày chờ chết, chúng chôn theo cô 9 con lợn thật và 1 con bằng vàng; con lợn bằng vàng thì mất một chân, được phù phép để có thể chạy được. Những con lợn thật cũng được ngậm sâm và gắn xi kín miệng. Có điều bọn lợn không bị trói như cô gái mà thôi. Những ngày trở trời bọn lợn chạy ra ngoài kiếm ăn nên mọi người mới nhìn thấy. Có gia đình, bán con đi; đến khi có tiền của đến chuộc; con đã bị chôn sống, người mua con mình cũng đã cao chạy xa bay. Có gia đình, nghe con nói sắp lấy chồng; liền chuẩn bị tiền cho con làm của hồi môn, đem đến nhà chủ, khi đến nơi cũng chẳng thấy ai. Hỏi nhà chồng của con, chẳng ai biết!

   Tất nhiên, trò lừa đảo đó của bọn người Khách cũng bị phát hiện. Một cô gái cũng trong hoàn cảnh ấy, gia đình tính cách giải thoát cho con; khi con ra đi khỏi nhà, họ dặn đưa cho cô gái dúm hạt vừng, dặn khi nào chúng đưa đi đến đâu thì rắc hạt vừng đến đó; bố mẹ sẽ lần theo dấu vết để tìm. Rồi âm thầm theo sát con gái. Họ không dám tiếp cận ngay, phải chờ khi bọn chúng cuốn gói về nước; lúc đó mới thực hiện kế hoạch giải cứu! Mà bọn tàu rất quái, chúng chôn sống người giữ của, cho người thân tín canh giữ đủ 3 tháng, tức là đến khi cô gái giữ của chết chúng mới rút lui. Nơi chôn của, đương nhiên phải hết sức bí mật!

   Cô gái đi khỏi nhà bố mẹ được 3 tháng, cả nhà huy động anh em họ hàng đi tìm. Đến nhà chủ của con, không một bóng người! Họ lần theo dấu hạt vừng, những hạt vừng hôm nào đã thành cây, đang trổ hoa. Gấp rút tìm kiếm, đến khi không thấy cây mọc họ biết là chỗ chôn con, lập tức tốc đào bới. May thay, con gái họ còn thoi thóp… Nhưng đấy chỉ là số ít! Biết bao cô gái bị chôn làm thần giữ của, không ai tính đếm và biết được.

   Nghe cụ Ích nói vậy, người đã gặp lợn thì tiếc mình không may mắn. Người chưa gặp lại mong sao mình vớ bở một phen. Ai cũng thầm mong một ngày đi qua gốc đa và…

   Song chuyện không đâu ấy lại thành chuyện lớn; khi mà tất cả đều quả quyết dưới gốc đa làng mình có kho vàng người phương Bắc để lại. Bao nhiêu người nhìn thấy cơ mà? Vả lại, nếu không phải có vàng thì tại sao nơi này âm u hơn? Tại sao nó lại linh thiêng đến thế? Chắc chắn là vong hồn cô gái bị chôn sống rồi! Con gái chưa chồng; chết trẻ, thiêng lắm! Nhưng bây giờ, chắc cô ấy chẳng muốn ở lại để coi cái kho vàng ấy nữa! Biết ở đấy có vàng mà không lấy thì thật phí! Ngày ngày đi qua đống vàng ai chả thèm. Cánh đàn ông bảo nhau: Phải lấy vàng thôi, toàn vàng thỏi đấy!

   Thế rồi họ họp lại, cùng đồng tâm hiệp lực đề nghị cả làng đốn cây đa, đào tìm vàng dưới gốc. Họ vẽ ra viễn cảnh khi có vàng: Nào làm đường, nào xây trường cao tầng cho lũ trẻ, nào xây câu lạc bộ văn hoá thôn! Nghe những lời ấy, ai chả sướng tai. Ông trưởng thôn đã khoái, ông bí thư chi bộ sốt ruột vì đường sá của làng còn kém chất lượng, đi đâu cũng bị chê; càng hớn hở. Ông Chủ tịch Mặt trận xã cũng là người trong làng tỏ ra sung sướng không kém, vì nếu làm được việc này ông sẽ được anh em kính nể, tiếng tăm nổi như cồn! Làng của ông thành làng điển hình văn hoá, lúc đó ông đi đâu, nói gì, các làng khác ai chả nghe. Các ông chức sắc đã thuận tai rồi, thì phải họp cả làng bàn bạc. Họ nhanh chóng triển khai công việc, nhưng một số cụ lão thành cách mạng thì không khoái chút nào! Các cụ bảo: Cây đa, giếng nước, sân đình vốn là bản sắc văn hoá Việt Nam; giếng làng thì đã bỏ không, rêu phong phủ kín, nước toàn bọ gậy, cung quăng. Chẳng ai cần dùng nước giếng nữa, người ta đã có giếng khoan rồi, gánh nước giếng làng chi cho mệt xác! Đình làng cũng đã phá từ thập niên 60 vì là tàn tích của phong kiến. Chỉ còn cây đa, phải, chỉ còn cụ đa mà thôi! Mà trên tán lá của cụ đa này, tháng Tám năm 1945 lá cờ Tổ quốc đã từng tung bay, nhìn thấy lá cờ dân quanh vùng hớn hở vì được đổi đời. Lại thêm, nơi đây ông cán bộ Trung ương đã từng nằm vùng gây dựng cơ sở cách mạng rồi! Phá nó đi chỉ vì câu chuyện vu vơ, lợi bất cập hại.

    Nghe có cuộc họp bàn chặt đa, đào vàng cả làng tôi sung sướng lắm. Mọi người tề tựu đông đủ, bởi chẳng ai muốn mình là người thừa. Ông Bí thư nêu mục đích ý nghĩa cuộc họp, đại ý: đây là chủ trương lớn của chi bộ thôn, nó gắn với sự phát triển của làng của xã; bà con nên chấp hành. Vả lại, chi bộ đã xin ý kiến của đảng ủy xã và được xã tán thành. Nếu ai có ý kiến khác, phải được 30% dân làng ủng hộ. Lúc đó, cả làng sẽ biểu quyết! Mọi người chúng ta cần bàn là làm thế nào để lấy được vàng, chi tiêu đầu tư ra sao; nhân lực sử dụng ở đâu cho hợp lí mà thôi.

Đám đàn ông sung sướng vì tâm nguyện được đưa vào chương trình hành động, đám con nít thì vui ra mặt vì sẽ không phải di qua cái nơi mang lại nỗi sợ thường trực. Các bà tha hồ tán chuyện, khiến cho cuộc họp của thôn cứ rôm rả. Có cậu thanh niên nào đấy phởn chí hát vang: “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay..”.

   Ông nội tôi mặc quân phục, đeo đầy huân huy chương ra họp. Các cụ lão thành cũng đồng loạt ăn mặc như Ông. Nghe mọi người nói đã đủ, Ông tôi giơ tay xin phát biểu. Ông Bí thư, ông Mặt trận, cả trưởng thôn đều nhăn mặt nhưng không vẫn phải mời Cụ cho ý kiến; bởi Cụ vừa là bậc trưởng thượng, vừa là lão thành cách mạng. Cánh cán bộ thôn, xã chỉ vào hàng cháu chắt Cụ. Cụ nói nhiều, tập trung vào vấn đề được và mất của việc chặt cây đa, đồng thời cũng nhắc tất cả bà con khi phá cây, đào vàng mà không có thì hậu quả càng lớn…Nghe Cụ phát biểu, mọi người ấm ức; nhưng không ai dám phản đối vì sợ uy của Cụ. Thấy dân làng yên lặng, ông Bí thư cắt lời ông nội tôi:

- Thưa Cụ, cháu đã có ý kiến trước dân làng; đây là chủ trương của Chi bộ, Cụ là Đảng viên lão thành Cụ nên ủng hộ. Cháu nhắc Cụ, Cụ vi phạm 19 điều cấm của Đảng rồi đấy!

- Ơ hay, chủ trương của chi bộ cũng phải hợp lòng dân chứ! Anh nói thế, khác chi các anh đã quyết định rồi? Vậy còn họp làm gì nữa! Ông tôi gắt lại.

- Dạ, cả làng đồng tình đấy chứ ạ! Nghị quyết của chi bộ cũng dựa theo ý kiến của đại đa số bà con mà Cụ ! Ông Chủ tịch Mặt trận xen vào.

Được thể, ông trưởng thôn cao giọng:

- Nếu Cụ không đồng ý, Cụ tập hợp được 30% bà con ủng hộ, chúng cháu sẽ cho biểu quyết. Lúc đó, ý kiến của Cụ được ủng hộ thì chúng cháu sẽ dừng.

Ông tôi quay sang Bí thư chi bộ:

- Hôm trước, anh sang tôi; tôi có ý kiến rồi, anh bảo sẽ cân nhắc, sao hôm nay anh lại làm thế?

- Dạ, hôm trước, cháu đã hứa; nhưng trước hoàn cảnh thực tế của quê ta, cháu phải có suy nghĩ khác! Cụ thông cảm cho!

- Vậy nếu tôi kêu gọi mọi người kiến nghị không làm, anh tính sao?

- Dạ thưa Cụ – Bí thư chi bộ nhăn mặt: Cụ vi phạm 19 điều!

- Các cụ Khốt-ta-bít ơi, để con cháu kiếm chút vàng chứ! Các cụ cản thế, chúng cháu đâu có tiền cưới vợ! Thấy Bí thư ngăn ông tôi, bọn thanh niên hùa vào trêu và cười hô hố.

Hơn 10 Cụ cựu chiến binh, không nói không rằng; tập hợp thành đội ngũ, đằng sau quay, về nhà tôi. Nhìn cảnh ấy, tôi ức lắm; cũng xin phát biểu. Ông trưởng thôn lại miễn cưỡng mời ( vì ông nể tôi là trưởng tộc mà).

- Xin mời thầy giáo!

- Thưa bà con, tôi xin phát biểu một vài lời: Tôi không nói về lịch sử, mà chỉ nhắc mọi người: Đây là câu chuyện truyền miệng, có thể bọn Tàu chôn của thật, nhưng tin vào chuyện vu vơ là không ổn. Mất rất nhiều công sức, tiền bạc để tìm vàng; nhưng nếu có thì tìm được bao nhiêu; liệu thu được hàng tỉ hay không? Mà được vài tỉ, sau khi chi phí ta có còn đủ để làm những gì mà ta đã bàn, hay chỉ là vẽ vời? Không những không làm được điều mơ ước, lại còn làm mất đi giá trị tinh thần to lớn đã có.

- Thưa thầy giáo, thầy ở thành phố nên không thương bà con chúng tôi quanh năm đầu tắt mặt tối rồi! Chúng tôi đã tính toán kĩ, đã chôn vàng; lại phải chôn người theo để giữ thì số vàng ấy sẽ hàng mấy chum. Một chỉ vàng theo giá thị trường bây giờ là 480.000 đồng. Thầy thử tính xem một chum bình thường cũng được hàng vài tạ, mỗi cân là bao nhiêu chỉ? Như vậy thì có được mấy tỉ không? ông Chủ tịch mặt trận vào cuộc.

- Thầy giáo cổ hủ rồi! Thầy để chúng cháu làm thôi! Bọn thanh niên ào lên

Tôi nhìn khắp lượt thanh niên, toàn những gương mặt quen thuộc; nhiều đứa là học trò cũ của tôi. Trời ơi, sao chúng cả tin đến thế! Nhưng nói gì bây giờ? Tôi im lặng, ngồi xuống lúc nào không rõ.

Tình hình tạm ổn, ông Bí thư bắt đầu triển khai công việc:

- Thành lập Ban chỉ đạo khai thác cổ vật do ông Trưởng thôn đứng đầu. Ông

Chủ tịch Mặt trận xã, ông Bí thư chi bộ làm phó ban

- Thuê 50 thanh niên trẻ, khoẻ làm nhiệm vụ chặt cây phát cành để dọn sạch thực địa. Người được thuê phải có dụng cụ lao động như cưa máy, máy xúc, máy ủi, đồng thời phải có tay nghề cao. Tiền công cho một người trong ngày là 30.000 đồng

- Thuê người giám sát, người chỉ đạo chung là 50.000 đồng/ ngày. Tiền công, chi phí sẽ vay của Ngân hàng phát triển Nông nghiệp huyện.

- Sau khi lấy được vàng, sẽ thanh toán các khoản nợ và sẽ đầu tư vào các công trình phúc lợi của thôn.

Tất cả được bà con nhất trí thông qua nhanh chóng.

    Chưa đầy một tuần sau, xuất hiện ở làng tôi hơn 50 thanh niên; cậu nào tóc cũng húi cua, chân tay nổi bắp cuồn cuộn. Các ông cán bộ thôn không hề gọi trai làng, có lẽ các ông sợ chúng xà xẻo của cải lấy được chăng? Chúng đến chừng hơn một giờ đồng hồ đã có cái lán khá khang trang. Các ông Ban chỉ đạo còn thuê mấy cô gái xinh đẹp, chưa chồng ra nấu ăn phục vụ. Bọn thanh niên trong làng tức nổ ruột, nhưng không đứa nào dám ngo ngoe vì Ban chỉ đạo đều có dây mơ rễ má với chúng cả. Theo hợp đồng, chúng được nghỉ ngày chủ nhật. Ngày nghỉ làng phải có xe đưa chúng về tỉnh; sáng thứ hai, xe lại rước đến làm. Nhìn bọn thanh niên này, các cô gái làng tôi, cô nào cũng thầm ước mình có một tấm chồng khoẻ mạnh như thế! Mà bọn chúng khoẻ thật, trước mắt Ban chỉ đạo khai thác cổ vật, chúng thoăn thoắt trèo lên những cành đa, buộc chão vào rồi thắt chặt. Cưa máy xoèn xoẹt, xoèn xoẹt vang động cả một vùng. Máy xúc nổ phành phành. Ngồi ở nhà, nghe tiếng máy cưa, tiếng rìu chát chúa, ông tôi cứ nhấp nhổm không yên. Ông gọi mấy người bạn cũ sang nhà, lại đóng bộ, ra đứng xem. Bọn thanh niên trong làng, giờ thấy các cụ buồn rười rượi; không dám trêu chọc nữa. Nhìn cây đa tứa nhựa trắng sữa, mắt ông tôi nhoà đi. Bọn thợ trắng dã mắt nhìn… Mấy ngày liền, cây đa đã chỉ trơ lại bộ xương khẳng khiu chĩa lên bầu trời. Rồi bạnh vè đa, cứ liên tiếp thành mảnh ván. Đa đã thành Cụ Đa nên ruột đã rỗng, chỉ còn phần bạnh, phần rễ là chắc hơn cả. Cánh thợ đánh đống cành, thân đa vào một chỗ, dễ đến bằng cả một ngôi nhà.

    Hơn một tháng trôi qua, tất cả thành bình địa. Thợ bắt đầu dùng máy xúc, máy kêu phành phành, xúc được vài gầu tự nhiên rù rù rồi tắt hẳn. Thôi chết, máy xúc đã hỏng rồi. Cái máy xúc nằm chềnh ềnh nơi trước đây là gốc cây, phải gọi xe cứu hộ về chở đi sửa. Bọn thợ tiếp tục công việc bằng phương tiện thô sơ: dùng xẻng, cuốc…

    Từ khi có bọn thợ, mấy quán nước mọc lên, tha hồ mời chào khách. Họ cạnh tranh nhau bằng cách bán rẻ các mặt hàng, chèo kéo các ông khách “sộp”. Các ông khách – những anh cửu vạn của làng, có rất nhiều tiền. Mỗi anh được gần 1,5 triệu, mà thu nhập của dân làng đâu nhiều nhặn gì! Các anh tha hồ ve vãn các em thiếu nữ. Nhiều trai làng bị cuỗm mất người mình thầm yêu trộm nhớ, sôi máu lên; ra gây sự, nhưng đều bị Trưởng thôn đến tận nhà nhắc nhở. Rồi, một lần trong khi uống bia; vài anh trai làng tức khí va chạm với các anh “cửu vạn”. Lời qua tiếng lại thế nào không rõ, nhưng chỉ ít phút sau, cả 50 cửu vạn hùng hổ vác gậy, búa đến nhà mấy thanh niên; gặp gì đập phá nấy. Nhiều thanh niên, cả trung niên bị đánh oan. Sự việc chỉ dừng lại khi chính quyền can thiệp. Các ông cán bộ thôn chỉ đến nhắc nhở, không dám làm to chuyện; bởi nếu chúng không làm thì chẳng ai tiếp tục, vả lại cũng rầy rà cho làng vì nghe đâu bọn được kí hợp đồng đều là những công nhân lành nghề có quan hệ với các ông to trên tỉnh.

Hết quá một tháng chặt cây, dọn thực địa; lại hơn 10 ngày đào bới trôi qua, hố đào đã sau khoảng hơn 3 mét; diện tích đào bới chừng vài trăm mét vuông nhưng chưa thấy gì. Trong lớp cát đen là những mảnh vụn của cây bị thối từ lâu đời, rải rác còn tìm thấy những cái bát, đĩa men rạn, vài ba cái bình vôi; nghe nói có từ thời nhà Lý. Nhưng cái cần tìm là vàng, vẫn chẳng thấy tăm hơi. Ông Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Chủ tịch mặt trận túc trực suốt ngày; sốt ruột, yêu cầu thợ tiếp tục mở rộng phạm vi đào bới, đào sâu hơn nữa. Hố được mở ra dễ hơn 1 sào ruộng, sâu khoảng 5 mét; nhưng càng đào, chỉ thấy thứ nước đen đen, nhúng chân tay vào là ít phút sau móng chân móng tay đã cáu vàng.

    Hai tháng trời triển khai nghị quyết, tốn kém không biết bao nhiêu; nhưng vàng thì càng ngày càng mất hút. Các ông trong Ban chỉ đạo khai thác cổ vật chán nản, cáu gắt ầm ĩ; bọn trai làng được dịp trả thù lũ “cửu vạn”. Giờ thì các ông cán bộ cũng chả thiết bênh vực bọn kia nữa! Chúng nó có làm ra tiền đâu? Bọn cửu vạn nhiều lần bị tập kích đến sứt đầu mẻ trán; lại không tìm được vàng, lẳng lặng chuồn đi lúc nào không ai biết. Cái hố khai thác vàng sâu hoắm, rộng mênh mông không được tát nước giờ như một cái hồ. Đất đào lên, không được chuyển đi vẫn ngày ngày chảy ra thứ nước đen xỉn hôi nồng.

    Kêu gọi dân làng vào cuộc khắc phục hậu quả, nhưng chẳng ai hưởng ứng. Họ buồn vì không tìm được vàng đã đành, nhưng bực với các ông trong Ban chỉ đạo thì nhiều hơn; bởi các ông chỉ bênh bọn cửu vạn mà trị thanh niên con cháu trong làng. Thế là cái hố to như nơi có quả bom nguyên tử rơi xuống vẫn chềnh ềnh ở cuối làng. Đất cát đào lên, tạo thành những gò đống cứ ngang nhiên tồn tại. Còn món nợ ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con; biết đến bao giờ trả được. Làng tôi biến thành con nợ…

 

   Lục Dã đường Văn Miếu 9/2001 - sửa lại 2007 - NHN

                                    

 

Bạn đang đọc bài viết "  Cây đa làng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn