Ao đầu làng Kẻ Giàn

Trần Minh Hải

05/12/2023 21:12

Theo dõi trên

Các ao thiết yếu cho dân quê xưa lắm nhá, thế hệ sau này không thấy ao ít biết, đành viết ra cái thời “Ngày xưa ơi“.

ao-phe22-1701785419.jpg

Hàng ngày hàng nghìn lượt người chui qua cổng làng Giàn Trung Kính Hạ, mấy ai để ý hàng chữ nho xưa trên trán cổng "Cương Tỉnh Phong Thanh" (Ranh giới làng có giếng nổi tiếng) và đôi câu đối viết dọc "Môn Khách Cao Ich Hậu Tất Hữu Hưng Long-Lý Vấn Thanh Danh Hiền Nhân Vi Thịnh" (thôn nổi tiếng Hiền nhân thịnh vượng Cửa nhiều khách Làng thêm phát triển) nhưng lại để ý cái “Chợ tạm Trung Kính” từ sớm cho đến 20h mua mua bán bán bên phải cổng làng.

Mấy ai biết năm 1993 trở về trước khoảnh đất này vốn dĩ là cái ao (rộng gấp đôi hồ dài dọc ngõ 43 phố Trung Kính ngày nay). Cái ao đầu cổng làng Giàn được gọi tên là ao Phe.

ao-phe2-1701785440.jpg

Dân làng và những người làng xa xứ vẫn nhớ cái ao Phe này cả ngày đến đêm khuya luôn có người giặt giũ, tắm giặt, rửa rau, băm bèo, rửa ráy tay chân khi đi làm đồng về nhà, là trạm phát thanh chạy bằng cơm cho mọi người biết tin tức cập nhật (trừ lúc 2 cầu ao xây gạch vắng bóng người).

Năm 1963 HTX nông nghiệp Tân Phong xây lại cổng làng bị nứt tiện thể thì xây luôn 1 cầu ao bằng gạch đặc sát cổng, năm 1965 xây cầu ao thứ hai phía bên ngoài và năm 200x thi lấp đất làm bãi chờ quy hoạch mở đường vành đai 2,5 gì đó…sau rốt thì thành cái chợ!

Các ao thiết yếu cho dân quê xưa lắm nhá, thế hệ sau này không thấy ao ít biết, đành viết ra cái thời “Ngày xưa ơi“. Ở nông thôn nên biết các ao trong làng, được hình thành do đào đất đắp nền nhà & lấy đất nung gạch. Ao to thả cá (lễ tết thì đánh bắt), các ao nhỏ phục vụ cho tắm, giặt giũ quần áo, rửa rau vo gạo,rửa chân tay khi làm đồng về, ao còn được thả bèo nuôi lợn, thả vạt rau muống bè, tiện nước tưới cho cây trong vườn,sẵn nước cứu hỏa (phòng cháy đống rơm, nhà bếp). Vớt bùn ao trang luống để gieo mạ trên sân. Mùa khô nạo vét lấy bùn đắp cây vun luống rau vườn thêm chất màu... Cầu ao Phe, ao Các Cụ là trung tâm báo chí truyền mồm toả đi bốn xóm Trại, Điếm, Đầm, Chùa. Ao làng là trường học cho trẻ con học bơi, thực tập các bài câu cá trộm. Các bà mẹ xúc rổ sảo kiếm tý tôm tép cua-quấy bột trẻ con lúc nhỡ nhàng; mùa cạn lũ con gái kéo te quanh ba bờ ao Phe, các ông già đóng cọc ngâm bè tre, bè xoan năm sau dựng nhà, các bà ngâm các bó nứa cho dễ chẻ tăm hương. Khi cả làng dệt mành thì gian lò sấy diêm sinh đoạn giữa ao khói bay phơ phất-ai đi ngang qua đều phải bịt mũi…

aophe-1701785472.jpg

Chiều tập bơi ùm ùm khắp các ao làng, con gái buộc túm 2 ống quần làm phao, hai tay ôm chậu đồng chân đập nước tung tóe. Con trai mê mải rình rập bắt cho được chuồn chuồn cắn rốn chóng biết bơi. Bịt mũi nhắm mắt nhảy từ cầu ao, cành cây la đà ùm ùm xuống nươc...Thì thầm chỉ chỗ mẹ con ổ cá chuối tối rắc thính câu trộm. Lính nông thôn nhờ ao mà biết bơi, hành quân qua sông suối chả ngán tý nào sất cả. Mùa hè ban tối ra bờ ao hóng gió, nghe cá đớp chân bèo, ngắm ánh trăng vàng lăn tăn mặt nước thi vị cũng ra phết, tắm táp tý cho mát rồi về ngủ…

Xưa làng ta chia làm 4 Giáp, mỗi Giáp có vài sào đất công trồng lúa. Gần đến lễ lạt và tết, các Giáp này họp trù bị vài buổi cắt cử tát ao Giáp, bắt lợn nhà ai thịt, làm cỗ cho cả Giáp ăn, đội tuyển thi thổi cơm,đấu vật...(với các Giáp khác ở làng giành giải thưởng) cử người ra đình điếu đóm...Đến hội Đình ra lễ tế, sau rồi mang lộc lá về nhà ai đó để cả Giáp ăn cỗ tại đó. Còn ở Đình ngồi dự phải có vai vế hẳn hoi.

ao-phe-3-1701785496.jpg
Ao Phe bị lấp nay thành Chợ tạm Trung Kính đầu cổng làng Giàn Trung Kính Hạ

Ao Phe đầu làng thuộc Giáp Đông (trước là 2 ao, bờ giữa chiếu vào nhà chú tư Khây-có lò sấy tăm dệt mành-ao sát cổng làng gọi là Phe Đông, ao phiá chú tư Thêm gọi là phe Cả) Ao Phe tây (khu cổng mả Đầm hất vào chợ tạm nay đã phá, có nhiều ao của Giáp Đoài, Giáp Tả, Giáp Hữu) Quanh ao Phe phía đông có 4 cầu ao nhỏ nhà bác tư Thiệp, cô Lan Tại, chị cả Vung, chú tư Thêm làm bằng tre, mặt cầu bằng gỗ ván thôi, bốn cọc tre đực đóng sâu và chắc chắn lắm, có lúc ao nước rất trong, lại nhớ dăm bữa lại thò tay tuốt ốc vặn bám 4 cột tre của bốn cái cầu ao này cũng để dành đủ mẻ luộc ốc. Nhiều lúc nhớ lúc giở giời, đi làm hay vào làng có việc thấy các con ốc nhồi thè lưỡi bơi lừ đừ ven bờ ao, nom thích mắt bắt sướng tay, ù té quyền dăm con ốc nhồi nắm đầy tay-mang về thả vào cái chum đất vỡ dưới gốc cây cau chờ hòm hòm đủ mẻ cho mẹ nấu món canh ốc với chuối xanh trứ danh. Bờ ao Phe phía tây chỉ có cầu ao xây gạch rộng 3 mét của nhà bác Ký Trực.

Mùa mưa bão, nước trong làng dồn qua ao Phe chảy tràn ra cánh đồng bãi Vò gạo, ao được thau rửa tự nhiên. Dân ven ao Phe đi đâu thì chớ, lúc về ngán ngẩm tay bám hàng rào cây, chân lò dò lội bì bõm đường ven ao ngập nước sau cơn mưa rào to để về nhà. Mùa khô ao tù nước đọng xanh lè rong tảo, bèo cho lợn nở hoa tím kín mặt nước, mùa rét bèo tổ ong trôi dạt theo gió mùa, nhớ những hôm rét ngọt, mặt ao Phe bốc hơi nom như khói trắng phất phơ từng vệt. Đường ven ao Phe dân trong xóm năm nào cũng hò nhau lấy chạt vữa, gạch vỡ, xỉ than về tôn đường đi ven ao mà không lại được với giời. Đàn ông đi làm phải vác xe đạp lội qua đường ven ao Phe là chuyện vặt.

Ngày Hội mùa và áp Tết Nguyên đán (vào đận 26, 27 tháng chạp ta) HTX tổ chức tát 4 ao Phe, Hào, ao các Cụ, ao cổng Mả đầm thu hoạch cá các ao trong làng chia cho các nhà. Tiếng máy bơm hút nước phình phịch, quanh bờ ao đông đặc trẻ con chờ hôi cá, nhớ ghim vào óc chỗ cá quẫy để mà ào xuống trước tiên, không thì có thằng nó vớ được còn mình bị hụt sẽ tức vằn mắt. Trẻ con người lớn chầu chực ba phía bờ ao đợi lúc tháo khoán ùa xuống "hôi cá" sót. Đáy ao bị tát cạn sẽ trơ ra các bó nứa ngâm rải rác thối hoắc, các rong tre chống kéo vó trộm, bát đĩa rớt, vệt ốc bò, vết chân cua…Làng mất vui bên ao Phe đầu làng cạn kiệt nước dăm bữa nửa tháng, người dân tranh thủ lấy bùn đổ vườn hay lấy đất tôn nền.

Năm 1995 đường bờ ao Phe được kè đá, cho dân đỡ khổ đi lại khi mưa gió. Quan sát bao năm tôi thấy so với nền ruộng xưa thì phường Trung Hoà và nhân dân ngõ 148 này đã có 7 lần tôn tạo, nâng mặt ngõ cao lên 1,4 m và mưa to cũng vẫn ngập. Ơn giời nước ngập nhanh và cũng thoát nhanh

Chỉ ba chục năm trôi qua thôi mà phong cảnh đầu làng đã thay đổi chóng mặt. Lớp người gắn bó làm ruộng & gắn bó với ao vườn, ăn nước mưa, tắm rửa giếng làng lần lượt toạch, lớp trẻ sau không tỏ tường làng Giàn Trung Kính Hạ xưa không có điện, không có nước sạch tới từng nhà thì sẽ như thế nào? Đồng ruộng hàng trăm năm qua đã thành phố phường ráo cả. Ơn Chính phủ làng thành phường tấp nập 24/7 quanh năm suốt tháng. Già hay nhớ chuyện xưa, lớn lên gắn bó với các ao hồ quê hương, viết cho con cháu mình hiểu, biên cho ai muốn biết “ngày xưa ơi ở làng Giàn”. Ối người không biết cái ao đầu làng Giàn Trung Kính Hạ nhé!

Bạn đang đọc bài viết "Ao đầu làng Kẻ Giàn" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn