Hậu duệ nhà Lê học theo Vua Lý

Hồ Công Thiết

06/05/2022 04:15

Theo dõi trên

Mỗi khi tôi có việc vào thành phố Hồ Chí Minh tôi thường đến chợ Bến Thành.

Ở dãy bán hải sản cuối chợ, có một hàng chuyên bán cua Cà Mau đang lột. Loại này, dân trong nghề gọi là cua cốm.

vua-ly-1651783702.png
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Mang về, cho cả con vào chảo rán chín tới rồi vớt ra. Cho tiếp muối tiêu, đường, hành củ và tỏi băm nhỏ cùng me khô cô đặc nấu lên. Cần nước sốt sền sệt thì cho tiếp ít bột bắp vào. Nước sốt nêm nếm ưng ý thì thả những con cua lột đã rán vào đun thêm ít lửa cho ngấm sốt rồi trút ra đĩa.

Bày lên bàn ăn, mọi người loay hoay với món cua lột sốt chua ngọt, riêng tôi lại loay hoay kiếm rượu. Món ngon đế vương thế này, không kén được rượu ưng ý thì thà nhịn cho xong.

Bây giờ muốn ăn cua lột (cua cốm) như ở chợ Bến Thành, người Hà Nội không phải cất công bay vào tận Sài Gòn. Đi xuống trang trại ven sông Hồng ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì là có.

Chủ trang trại là Lê Đức Cảnh - chàng trai 34 tuổi, du học ở Malaysia về, đã từng làm trong lĩnh vực tài chính và cả mở trường mầm non tư thục, sau chuyển nghề nuôi cua cốm trong hộp ở môi trường nước biển tự nhiên.

Để đủ nước cho hệ thống nhà xưởng, Lê Đức Cảnh đã phải thuê xe bồn chở 30 m3 nước biển từ Quảng Ninh về tận Hà Nội.

Giá thành 500.000 đ/m3 nhưng “đắt xắt ra miếng”. Cua sinh trưởng tốt, thịt săn chắc. Chất lượng cua ổn định do nguồn nước ổn định, khác hẳn cua sống tự nhiên ngoài biển, gặp khi nước biển dâng cao, cua không kiếm được thức ăn nên có nhiều con bị đói khiến thịt cua sẽ óp và nhão. Ở cơ sở của anh Cảnh, cua ngày nào cũng được cho ăn "tận mồm" ngày 3 bữa nên con nào cũng săn chắc thịt, sinh trưởng tốt.

Anh Cảnh mang họ Lê nhưng đã biết học theo các vị vua triều Lý khi xưa, nuôi cá nước mặn ở Thăng Long thành.

Năm 1029, khi xây lại Hoàng thành Thăng Long bị tàn phá bởi “Loạn tam vương”, vua Lý Thái Tông đã cho dựng điện Thiên An. Hai bên là điện Tuyên Đức và điện Thiên Phúc cùng hàng loạt những điện Văn Minh, Quảng Vũ, Phụng Tiên, Chính Dương, Thiên Khánh, Trường Xuân…và các vườn thượng uyển đầy kỳ hoa dị thảo.

Khi xưa, nước Việt có nhiều người tài, đến mức khi xây dựng Cố cung trong quần thể Thiên an môn nổi tiếng, Trung Quốc đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của một người Việt, đó là cụ Nguyễn An.

Tuy vậy Cố cung của Trung Quốc không thể so sánh với Hoàng thành Thăng Long về nét độc đáo, tinh tế và đẳng cấp.

Các kiến trúc sư của triều đại Lý đã kỳ công khi xây dựng Hoàng thành Thăng Long. Theo Quốc sử triều Lý có ghi trong Hoàng thành có đào một cái hồ lớn: "Trong hồ chất đá làm núi, trên bờ hồ trồng thông, trúc và nhiều thứ kỳ hoa diệu thảo khác. Thêm vào đấy là chim quý thú lạ. Bốn mặt khai cho sông nước thông vào, gọi hồ ấy là Lạc Thanh Trì. Về phía tây hồ trồng hai cây quế dựng một tòa điện gọi là điện Lạc Thanh. Lại đào các hồ nhỏ khác, bắt người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào hồ ấy, để nuôi các loài hải sản như đồi mồi, cá biển và các loại ba ba. Rồi bắt người Hóa Châu bắt cá sấu thả vào đấy. Lại có hồ Thanh Ngư để nuôi cá Thanh Phụ (cá diếc đuôi đỏ vảy biếc)... Lại làm dãy hành lang ở tây điện thẳng đến cửa Hoàng Phúc, dựng dãy Trường Lang từ gác Nguyên Huyền đến cửa Đại Triều phía tây…”.

Như vậy từ thế kỷ thứ XI, ông cha ta đã lấy nước biển từ Hải Phòng ( Hải Đông – miền duyên hải phía Đông) mang về Hà Nội để nuôi thủy sản nước mặn và thỏa thú chơi tao nhã mà thiết thực cho dân cho nước đến tận bây giờ.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Hậu duệ nhà Lê học theo Vua Lý" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn