Gương cựu chiến binh giỏi

Quang Tùng cùng Đăng Dung

06/05/2023 09:30

Theo dõi trên

Khi mới gặp thầy Nguyễn Đình Hào (trường THPT Nguyễn Trãi, Nhị Khê-Thường Tín-Hà Nội), không ai nghĩ rằng thầy là người chiến sĩ cao xạ pháo gan dạ năm nào, từng anh dũng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng-Thanh Hóa trong những năm không quân Mỹ đánh phá ác liệt Miền Bắc nước ta.

Anh Hào có dáng người cao to, phong cách chững chạc, nét mặt đôn hậu và nụ cười thân thiện luôn nở trên môi. Ngày bạn cũ gặp nhau, anh ngồi ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong thời chiến tranh ác liệt đã trải qua, đến các bạn cũng thấy ngạc nhiên vì sự từng trải của người bạn cũ.

b2vd2qs-1683340045.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Năm 1969 tốt nghiệp phổ thông, anh được tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Sinh Địa. Chiến tranh ngày càng ác liệt, mỗi ngày hàng trăm lượt máy bay Mỹ mang bom dội xuống Hà Nội và các thành phố khác. Chúng ném bom phá hủy nhà máy, khu công nghiệp, đánh phá cầu đường hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn đang trên đà chiến thắng. Tháng 9-1971, đang học năm thứ 3 ĐHSP Hà Nội, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ trực tiếp chiến đấu với giặc. Sau 2 tháng rèn luyện tân binh, nhiều sinh viên được điều vào các đơn vị chiến đấu; anh Hào được về sư đoàn 325 bộ binh, học sử dụng tên lửa vác vai chiến đấu. Cuối 1971, đơn vị đi Vinh chuẩn bị ra chiến trường, hai phần ba quân số được điều đi mặt trận Quảng Trị ác liệt, còn một phần ba hành quân sang đất bạn Lào. Anh Hào cùng đồng đội chuyển sang sử dụng pháo 37ly loại mới 2 nòng để bắn máy bay, bảo vệ tuyến đường mòn Hồ Chí Minh bên tây Trường Sơn. Nhiều trận chiến đấu với máy bay giặc đã xảy ra, đơn vị đã góp nhiều công sức bảo vệ tuyến đường huyết mạch, các anh ngày càng được tôi luyện trong khói lửa. Trong một trận chiến đấu, máy bay do thám OV10 bắn đạn khói chỉ điểm vào giữa trận địa ta, đại đội pháo cao xạ bị địch ném bom dữ dội gây thương vong nặng; tiểu đội 3 của anh đã anh dũng bắn đón máy bay địch khi chúng nhào xuống ném 2 quả bom laze vào công sự. Máy bay địch gặp đạn sợ hãi vội bay vọt đi, bom laze ném không trúng đích, khẩu đội vẫn an toàn. Sau trận này, tiểu đoàn đưa anh Hào đi nói chuyện về kinh nghiệm chiến đấu và được biểu dương khen thưởng. Anh Nguyễn Đình Hào được kết nạp Đảng tại chiến trường, ngay trên đất bạn Lào anh em.

Tháng 3-1972, giặc Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh ở Miền Bắc, đơn vị anh lại được rút về bảo vệ cầu Hàm Rồng -Thanh Hóa. Khi đó, tiểu đoàn pháo cao xạ 37ly của anh cắm chốt ở sát tuyến đường sắt, cách cầu Hàm Rồng gần 300m về phía Bắc. Pháo được bố trí bắn đón may bay địch bổ nhào dọc đường sắt ném bom xuống cầu. Pháo cao xạ 37ly chỉ được bắn đón địch khi chúng bổ nhào cắt bom. Khẩu hiệu “nhằm thẳng quân thù, bắn!” của anh hùng Nguyễn Viết Xuân năm nào luôn vang lên trên trận địa pháo của anh. Nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh khi còn ngồi trên mâm pháo. Có đại đội pháo bị địch oanh tạc trúng trận địa làm hy sinh tất cả, vũ khí cũng bị phá hủy. Vì có vốn kiến thức, chỉ sau 1 tuần chiến đấu với máy bay địch, anh Hào được chuyển từ pháo thủ số 1 thành pháo thủ số 2 chuyên điểm xạ bắn đón máy bay phản lực. Có trận, máy bay địch kéo đến rất đông hòng ném bom phá tan trọng điểm cầu Hàm Rồng, anh Hào đã chiến đấu rất anh dũng, điểm xạ liên tục 168 quả đạn nhằm thẳng máy bay địch. Tháng 8-1972, giặc Mỹ sử dụng bom laze ném sập cầu Hàm Rồng. Bom ném xuống trận địa làm cụt cả nòng pháo, pháo thủ số 4 hy sinh nhưng các anh vẫn bám trụ, chiến đấu kiên cường. Gương chiến đấu hy sinh của các anh luôn được mọi người quan tâm. Nhiều phóng viên đến tận nơi quay phim, chụp ảnh làm phóng sự bộ đội đang chiến đấu với máy bay địch. Đại đội của anh được nhiều lần nêu gương chiến đấu, ảnh khẩu đội anh mấy lần đăng trên báo Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau trận này, anh Hào được chuyển sang A chỉ huy thuộc Đại đội 4 Anh hùng. Đại đội được rút về bảo vệ Cầu Tào cũng gần ngay phía Bắc Hàm Rồng gần 5km. Toàn bộ 16 khẩu pháo 37ly của đại đội được bố trí 4 phía cầu Tào. Tại đây, anh đã tham gia nhiều trận chiến đấu rất ác liệt.

Cuối năm 1972, không quân Mỹ càng tăng cường đánh phá miền Bắc, chúng dùng cả loại máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm xuống thủ đô Hà Nội và xung quanh. Các đơn vị pháo binh, không quân, tên lửa ngày đêm chiến đấu anh dũng. Đơn vị đại đội 4 anh hùng đã góp phần chia lửa cho thủ đô Hà Nội, làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta, đập tan chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Năm 1973, anh Nguyễn Đình Hào được cử sang học sử dụng máy ngắm làm trắc thủ đo xa. Năm 1974, vì có kiến thức tốt, có trình độ sư phạm nên anh trở thành giáo viên của Sư đoàn, trực tiếp huấn luyện các đại đội trưởng sử dụng máy ngắm thành thạo. Anh được mọi người quý mến vì sự gần gũi và cách truyền đạt kiến thức nhanh, dễ hiểu. Giữa năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi, sư đoàn tiến vào Nam tiếp tục chiến đấu. Hàng tháng, các trung đoàn được cử vào chiến trường, đại đội 4 anh hùng cũng ra trận. Đơn vị tiến quân đến Nha Trang thì đúng vào ngày chiến thắng 30-4-1975.

Trong chiến tranh, anh Nguyễn Đình Hào đã được nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương vì thành tích chiến đấu: Huân chương Hữu nghị Lào-Việt, huân chương chiến thắng và nhiều bằng khen…

Sau ngày giải phóng, Sư đoàn cử anh đi học sỹ quan để phục vụ lâu dài trong quân đội nhưng anh muốn được tiếp tục sự nghiệp giáo dục theo truyền thống gia đình. Tháng 9-1975, anh Hào được ra quân trở về trường đại học Sư phạm Hà Nội, nơi anh đang theo học dở dang năm thứ 3.

Tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội năm 1977, anh được giữ lại làm giảng viên đại học, sau đó được học sau Đại học khóa đầu tiên của trường. Năm 1980, thầy Hào xin chuyển về dạy phổ thông tại trường THPT Đồng Quan-Phú Xuyên, tham gia công tác Công đoàn trường. Tiếp sau đó, thầy lại chuyển về trường THPT Tô Hiệu (Thường Tín) cho gần gia đình. Thầy vừa dạy học vừa kiêm Chủ tịch công đoàn VP nhà trường.

Trong quá trình giảng dạy và tham gia công tác công đoàn, thầy Hào luôn được các đồng nghiệp yêu mến và quý trọng. UBND huyện Thường Tín đề nghị Sở Giáo dục Hà Tây (cũ) xin thầy về làm công tác Tuyên giáo của huyện nhưng thầy rất yêu nghề, muốn ở lại giảng dạy các em học sinh phổ thông. Năm 1997, thầy Hào được điều về trường THPT Nguyễn Trãi (Nhị Khê-Thường Tín) mới thành lập. Người vợ yêu quý của thày - cô giáo Nguyễn Hoài Miên cũng là giáo viên bộ môn Sinh vật của trường. Gia đình thầy cô luôn gắn bó với sự phát triển của trường. Thầy cô sống liêm khiết và thanh đạm, được các thầy cô và toàn thể các thế hệ học sinh yêu quý và kính trọng.

Ngay từ năm 1986, khi đang giảng dạy tại trường THPT Tô Hiệu, thầy Hào đã dành thời giam tham gia quản lý kinh doanh. Thầy làm quản lý xây dựng các công trình dân dụng với chức vụ Phó Tổng giám đốc công ty của gia đình, phụ trách khâu vật tư-thiết bị sản xuất. Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường do người em là Nguyễn Nguyên làm Tổng giám đốc. Công ty đã tham gia thi công các công trình trọng điểm của nhà nước như làm đường dẫn cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), xây dựng khu vực Hồ Ba Bể, đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai…Công ty Vạn Cường có số vốn lên tới >1000 tỷ VND, hiện nay đang tiến hành thi công nhiều công trình trên khắp cả nước.

Năm 2010, thầy Nguyễn Đình Hào và cô Hoài Miên được nhà nước cho nghỉ hưu trí. Thầy càng có nhiều thời gian dành cho công việc kinh doanh, còn cô về nghỉ ngơi chăm sóc gia đình cho thầy yên tâm dành thời gian cho công việc. Gia đình thầy hiện đang sống tại căn hộ đầy đủ tiện nghi tại đường Bạch Đằng-Hà Nội. Con trai lớn của thầy tốt nghiệp đại học Bách khoa về Tin học, mở công ty riêng về ngành Viễn thông. Cậu em trai tốt nghiệp trường Luật, cùng làm việc với anh trong công ty.

Người Cựu chiến binh -Thầy giáo - Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đình Hào luôn là tấm gương cho bè bạn và mọi người về phong cách sống, chiến đấu, lao động và học tập không ngừng.

Gia đình anh là một điển hình về gia đình trí thức ngày nay.

Hà Nội 5/5/2023

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Gương cựu chiến binh giỏi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn