Điện ảnh Quân đội nhân dân - Một địa chỉ đỏ lan tỏa giá trị văn hóa

PGS.TS.Lê Thị Bích Hồng

22/04/2023 16:15

Theo dõi trên

Tôi đã từng dự nhiều sự kiện văn hóa tại Rạp chiếu phim Điện ảnh Quân đội nhân dân (số 17 Lý Nam Đế-Hà Nội). Lần nào cũng mang đến cho tôi những cảm xúc mới, thiêng liêng và đặc biệt lần này, Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 – 2023) và 48 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023) đã mang đến nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả, trong đó có tôi.

Cơ ngơi sang sửa lại khang trang tọa lạc giữa phố nhà binh. Buổi chiếu nào cũng kín rạp, phải kê ghế phụ và thậm chí có buổi khán giả phải “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” ra về trong tiếc nuối khi rạp kín chỗ. Chưa bao giờ Ban Tổ chức phải kịp thời ra thông báo “Hiện tại rạp chiếu phim của Điện ảnh Quân đội đã kín chỗ. Rất mong quý vị thông cảm hẹn gặp lại vào ngày mai. Trong điều kiện sức chứa của rạp chiếu có hạn, nếu có đièu gì bất tiện, mong quý khán giả thông cảm và chia sẻ. Rất mong quý khán giả vẫn tiếp tục dành tình cảm cho chúng tôi...”.

Tuần phim diễn ra từ 19.30 từ ngày 24 – 27/4/2023 do Điện ảnh Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức với mong muốn tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn, sức sống lâu bền và quá trình kế thừa, vận dụng, phát triển những nội dung cốt lõi của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, phát triển bền vững của đất nước hiện nay; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tám tác phẩm điện ảnh gồm 4 bộ phim tài liệu (Hóa giải, Ngày cuối của chiến tranh, Sống và kể lại, Còn lại với thời gian) và 4 bộ phim truyện phim truyện (Khúc mưa, Sinh mệnh, Cha cõng con, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) được trình chiếu trong Tuần phim đã được công chúng hào hứng đón nhận, nhất là thế hệ trẻ.

Khúc mưa là bộ phim truyện đề tài hậu chiến, tâm lý xã hội của Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện năm 2021, được chiếu trong Lễ khai mạc Tuần phim cùng phim tài liệu “Hóa giải” về đề tài hòa hợp dân tộc. Phim có thời lượng 105 phút, xoay quanh bi kịch của một gia đình sĩ quan phía bên kia vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Phim Khúc mưa là sự “cộng hưởng” thăng hoa cảm xúc của ê kíp sáng tạo, trong vai trò đạo diễn và biên kịch: NSƯT Bùi Tuấn Dũng và Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh quân đội nhân dân. Thành công của phim chính là sự hóa thân xuất sắc của diễn viên: Trương Minh Quốc Thái (vai Kevil), diễn viên Lê Phương - Thanh Hiền (vai Thùy trẻ và trung niên); diễn viên Đan Sinh và Phạm Anh Dũng (vai Hai Lân trẻ và trung niên); diễn viên Thu Thủy (Mai-vợ Kevil)... Diễn viên Quốc Thái đã thể hiện thành công nhân vật chính Kevil khi chịu di chứng là những trận sang chấn tâm lý diễn biến, chuyển đổi hết sức phức tạp từ dằn vặt bên trong, cảm xúc đến hành động. Nhân vật Hai Lân như cầu nối của yêu thương, hàn gắn, kết nối, hòa hợp, đoàn kết, hóa giải mọi hận thù...

image001-1684725351.jpg

Phim truyện “Sinh mệnh” (Hãng phim Truyện I sản xuất) có thời lượng 80 phút do Đào Duy Phúc đạo diễn từ kịch bản của Nguyễn Mạnh Tuấn... Đây là bộ phim về đề tài chiến tranh tái hiện thời điểm cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trên cung đường Trường Sơn. Phim xoay quanh các tuyến nhân vật. Linh "gấu" (diễn viên Võ Thành Tâm) ở binh trạm Trường Sơn sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo vùng gió cát. Mẹ Linh càng khắc khoải niềm mong có cháu để nối dõi tông đường khi hai anh trai của Linh đã hy sinh ở chiến trường. Thương mẹ, cưới vợ trước ngày nhập ngũ, Linh cháy bỏng nỗi khao khát có con. Nhưng chiến tranh đã chứa trong đó những tình huống thật trớ trêu. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, bom na pan trải thảm, chất độc da cam trải đặc trên những cánh rừng Trường Sơn, đồng đội hy sinh nhiều...Vì nhiệm vụ, Linh rất khó có cơ hội về thăm vợ. Khi mẹ và vợ lên đơn vị thăm thì đúng lúc anh vắng mặt thực hiện nhiệm vụ... Khi Linh được Thủ trưởng tạo điều kiện chở “chuyến hàng đặc biệt” tranh thủ về thăm nhà thì đúng lúc máy bay giặc quần thảo, nhà sập, vợ ở trận địa pháo... Khao khát sống, vượt lên đạn bom có yếu tố bản năng được xây dựng rất chân thực, xúc động. Linh hy sinh và sinh mệnh ấy trong hình hài con trai của anh với nữ chiến sĩ Nga (diễn viên Kiều Thanh) trong bom đạn khốc liệt nhất, khi lằn ranh giữa sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc. Mẹ và vợ anh vui mừng bên cạnh Nga lúc “vượt cạn”... 

image002-1684725373.jpg
CLB Những người yêu Điện ảnh chụp ảnh lưu niệm với Thượng tá Nguyễn Thu Dung, đạo diễn Lương Đình Dũng (thứ ba, thứ tư phải sang)

 Phim truyện “Cha cõng con” (Tứ Vân Media sản xuất, khởi chiếu ngày 5/4/2017) do Lương Đình Dũng đạo diễn; được nhà biên kịch Bùi Kim Quy chắp bút chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của đạo diễn viết từ năm 1995. Phim tâm lý thể hiện tình cha con sâu sắc, cảm động, giàu tính nhân văn. Phim xoay quanh hai nhân vật người cha – anh Mộc đánh cá bên sông (diễn viên Ngô Thế Quân) và con – bé Cá (diễn viên nhí Đỗ Trọng Tấn) mồ côi mẹ, sống cùng cha đánh cá trên sông. Cuộc sống cha con tuy nghèo, nhưng luôn ấm áp, tràn đầy tình yêu thương cho đến một ngày cuộc sống đảo lộn tất cả khi Cá mắc bệnh ung thư máu. Hai cha con nghèo phải đối mặt với căn bệnh nan y mà chữa trị phải cần rất nhiều tiền... Người cha đành bất lực. Chỉ cho con được thỏa nguyện ước mơ được một lần đặt chân đến tòa nhà cao nhất, chạm tay vào những đám mây và ngắm nhìn những chú chim sắt bay qua bầu trời...

image003-1684725390.jpg
Phim “Khúc mưa”

Phim truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trình chiếu trong lễ Bế mạc Tuần phim (Cục Điện Ảnh, Công Ty TNHH MTV Phương Nam Phim, Trung tâm tổ chức Biểu diễn & Điện ảnh TP Hồ Chí Minh - Saigon Concert, Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy sản xuất); do Victor Vũ đạo diễn, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Với thời lượng 96 phút, bộ phim là một câu chuyện đầy cảm xúc về quê hương, gia đình, tuổi thơ... Là câu chuyện của trẻ em ở miền quê nghèo miền Trung cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng ai cũng thấy một phần tuổi thơ của mình ở trong đó. Ra mắt tháng 10/2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã từng gây “sốt” tại Việt Nam, đã tặng khán giả vé trở về tuổi thơ. Đây là một bộ phim hay, đậm chất Việt Nam, dành cho người Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín tại các liên hoan phim (LHP) trong nước và quốc tế như: Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 19 (2015), giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam; giải “Phim hay nhất” tại LHP “Silk Road” tổ chức ở Trung Quốc; giải Phim truyện hay nhất của Ban giám khảo trẻ tại LHP quốc tế thiếu nhi Toronto (Canada)... Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được mua bản quyền phát hành quốc tế và công chiếu tại liên hoan phim Cannes 2015; được dịch sang tiếng Nhật, khởi chiếu tại Nhật Bản đã mang đến cho khán giả Nhật góc nhìn sâu sắc và gần gũi về văn hóa Việt Nam, mối tương đồng về những hoài niệm tuổi thơ trong tâm hồn người dân hai nước.

image004-1684725394.jpg
Phim "Sinh mệnh"

Phim tài liệu “Hóa giải” có thời lượng 30 phút do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, nghệ sĩ Vũ Anh Nhất đạo diễn là cuộc gặp gỡ giữa cựu phi công Hoa Kỳ và Việt Nam với thông điệp giàu tính nhân văn để tiếng vọng quá khứ không day dứt nỗi đau và tương lai được phản chiếu từ ánh sáng nhân từ, bao dung, độ lượng. Những hành xử cao thượng vẫn tiếp diễn trong ngày hôm nay khi cuộc chiến đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Khép lại hận thù gột rửa cho sự sám hối muộn màng, thấu hiểu và hóa giải nỗi đau từ hai phía...

image006-1684725394.jpg
Phim “Sống và kể lại”

Phim tài liệu “Ngày cuối của chiến tranh” (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất) do ê kíp sáng tạo, gồm: Nguyễn Thước - đạo diễn, Đào Thanh Tùng - kịch bản và lời bình, Hoàng Dũng - quay phim... Ra mắt năm 2005, đến nay, bộ phim vẫn còn nguyên giá trị thời đại mỗi khi tới dịp kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử. Lời bình mở đầu phim "Ngày cuối cùng của chiến tranh" bao ấm ảnh: “Có lẽ rất ít người biết 5.000 người lính đã ngã xuống vào ngày hôm đó, họ không có dịp chứng kiến niềm vui của dân tộc vào lúc niềm hi vọng sống trở nên mãnh liệt nhất" ...

image005-1684725394.jpg
Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

Phim tài liệu “Sống và kể lại”  (Trung tâm Phim Tài liệu - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất), do NSND Nguyễn Hoàng Lâm đạo diễn. Với thời lượng 50 phút, phim sống lại ký ức 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị với dòng mở đầu phim đầy ám ảnh “Nếu chia Thành Cổ thành những ô với kích thước 1mx2m đủ để chôn một người thì phải gấp rất nhiều lần Thành Cổ mới đủ chỗ yên nghỉ cho những người nằm lại tại đây sau 81 ngày đêm. Dấu ấn chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh sâu sắc với mỗi cựu binh đã từng có mặt tại cuộc chiến khốc liệt này. Ngoài cuộc chiến ác liệt, một thông điệp lớn của bộ phim mang đến cho khán giả là sự trân trọng hòa bình. Những cựu binh đều khẳng định “Chúng ta là những người may mắn vì qua cuộc chiến ác liệt mà vẫn còn sống. Nhưng tốt nhất vẫn la làm sao để không xảy ra chiến tranh. Chiến tranh rất tàn nhẫn, đất nước không có chiến tranh là hạnh phúc, cực hạnh phúc...”.

Phim tài liệu “Còn lại với thời gian” (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất) có thời lượng 26 phút do NSND Lê Hồng Chương đạo diễn là phim tài liệu hậu chiến. Ở đo góc nhìn của nhân vật và đạo diễn thấm thía bao chiêm nghiệm thời gian. Nhịp phim lắng nỗi buồn da diết, xót xa với than phận của người ra đi và người ở lại. Cao hơn hiện thực khắc khoải ấy là tình yêu Tổ quốc, gia đình, tình yêu lứa đôi được khắc sâu, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai...

Tám tác phẩm điện ảnh (tài liệu, phim truyện) được trình chiếu trong tuần phim, trong đó có sự tham gia tích cực của đội ngũ những người làm điện ảnh Điện ảnh Quân đội nhân dân đều mang thông điệp lớn về bản sắc văn hóa dân tộc, hình tượng đất nước, con người Việt Nam kiên trung, bất khuất... Hành trình đến ngày “Toàn thắng về ta”, đất nước độc lập, thống nhất “Bắc Nam xum họp” như mong ước của Bác Hồ kính yêu phải đổi bằng những gian khổ, hy sinh không kể xiết của cả dân tộc. Các tác phẩm điện ảnh mang đến Tuần phim đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, phát huy những giá trị văn hóa, sức mạnh, sáng tạo trong con người Việt Nam, góp phần tạo nguồn lực nội sinh và động lực để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thiếu tướng Lê Xuân Sang  (Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) khẳng định “Công chiếu trong Tuần phim là những tác phẩm điện ảnh có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, mang những thông điệp sâu sắc, giàu tính nhân văn nhắn gửi đến các thế hệ người Việt Nam hôm nay để mỗi chúng ta cùng có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp tục nhân lên, làm giàu thêm những giá trị trường tồn của dân tộc Việt Nam”.

Bạn đang đọc bài viết "Điện ảnh Quân đội nhân dân - Một địa chỉ đỏ lan tỏa giá trị văn hóa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn