Con cô giáo

Dì Pig

01/03/2022 20:35

Theo dõi trên

Đội 5 Nông trường Sông Cầu, Anh Thi là đội trưởng. Chỉ huy lũ đàn bà lắm mồm mệt lắm, giọng anh lúc nào cũng phải cao lên, dứt khoát. Vậy mà hôm nay với dáng đi nhẹ nhàng, anh len giữa hàng chè đến gần cô công nhân.

274772332-350133200353285-3599540315136427276-n-1646130053.jpg

Đôi tay thoăn thoắt múa trên luống chè, rồi viu viu hất vào cái sọt to đùng sau lưng, cô biết thừa anh muốn nói gì. Tối qua lúc họp cô đã dứt khoát rồi, chịu thôi, cô về. Hôm nay thì đang hái chè, cô cứ ở đấy mà nghe anh nói: thuận lợi này, vì tập thể này, tạo điều kiện này vân vân. Khôn lắm, anh còn khéo léo lồng vào những lời khen có cánh. Và ngọt nữa: "Thư hộ anh nhé"! Thế là anh đội trưởng, cô công nhân hái chè cùng cái sọt vơi thỏm... "xuống núi", à quên xuống đồi chè.

Cả đội sản xuất to đùng, văn hoá lớp 4 như cô khối nhưng vào nông trường họ vất hết chữ đi rồi, nói chẳng nên câu. Thế mới có chuyện khi đoàn cán bộ trên Nông trường bộ xuống thăm đội, kĩ thuật ngắt ngọn chè dưới lá thứ hai là 2cm. Câu hỏi: 2cm bằng ngần nào? Một chị kiện tướng ngập ngừng giơ ngón tay: bằng ngần này. Ôi, Đội trưởng là anh chẳng biết giấu mặt đi đâu nữa. Thế hệ thứ hai của Đội đến tuổi học. Từ lớp Một thì có đến trường Cấp Một ở Nông trường bộ, còn vỡ lòng thì phải gửi Đội khác. Cần lắm một lớp vỡ lòng. Anh nghĩ ngay đến Thư. Thư là lứa công nhân đầu tiên của nông trường. Năng nổ tới mức độ tất cả các cuộc thi, phong trào, giao lưu huyện, tỉnh, rồi cả miền Bắc - đại diện nữ công nhân nông trường là cô tất. Bỏ làng đi xây dựng nông trường là việc chưa từng có, bao mới lạ không làm khó được cô, ngày làm "thông tầm", tối nào cũng họp rút kinh nghiệm, tuyên dương cá nhân xuất sắc nhắc tên cô đều.

Mười năm công nhân, 3 con, chồng làm xa cuối tuần mới về. Tuổi 30 toan về già rồi, hái chè cô là Kiện tướng và cô chả thấy cần thay đổi gì cả. Nhưng nghĩ lại, đứa con lớn nhà cô cũng đến tuổi đi học rồi. Thế là... đúng một buổi sang cô giáo vỡ lòng trên "Nông trường bộ" học hỏi, đem về một quyển dạy đánh vần, là xong khoá học làm cô giáo. Đội có cô giáo vỡ lòng. Nhoáng một cái mảnh đất đắc địa được san phẳng, mọc lên ngôi nhà xinh xắn vách đất mái gianh trong niềm hân hoan khôn tả. Hai vợ chồng cô Thư là dân Phú bình chính gốc, ở quê Tết đến là trai tráng hò nhau làm mấy cái đu tre thật to rồi trai gái đứng đôi nhún bay ngang trời. Giờ chồng cô hào hứng góp công và lớp có ngay hai cái đu chính hiệu, lũ trẻ thích khỏi phải nói.

Vậy là Thư xa đồi chè. Cô lấy cái ca men Trung Quốc, đổ nước sôi vào làm bàn là, "là" cho cái áo trắng duy nhất phẳng phiu để lên lớp. Là cô giáo nên trông cô luôn tươm tất, trong khi mọi tiêu chuẩn của nhà nước lại ưu tiên công nhân trực tiếp sản xuất. Chẳng ai biết trong bộ quần đen áo trắng trang trọng ấy vá víu đến thế nào. Cô còn muốn thật tươm tất khi về quê hương, cô đã chọn con đường xa quê thì khi về thăm quê cũng phải giữ thể diện chút. Chỉ anh trai chị dâu cô là hiểu, cả nhà cô rồng rắn về Tết với quà là tiêu chuẩn Tết công nhân viên chức của hai vợ chồng: hộp mứt hình chữ nhật to hơn bàn tay người lớn, gói mì chính, gói hạt tiêu bé xíu là quà hai bên nội ngoại đấy. Ba ngày Tết năm thằng được ăn no.

Thật khó tưởng tượng với khoảng cách 10 cây số mà chồng cô đi làm cuối tuần mới về. Anh làm ở một Ngân hàng và bé Út có lần được đến chơi cơ quan bố. Nó kể mãi về cái bàn tính làm bằng những viên gỗ và những lời chào hỏi thân thương của các cô chú. Tự hào có bố làm ở Thị xã, quà của bố nó nhớ có hai lần: một là ba cây kem gói trong giấy báo qua chục cây số đạp xe đã gần chảy cho ba chị em, và một lần là đôi giầy thủng một lỗ - đồ phế phẩm bố mới mua được đấy. Mãi vui cảm giác chiều thứ Bảy ra sân bóng đón bố và ngồi trên cái ghi đông xe ngắc ngư. Nó nhớ mãi một đêm gió lật ngược mái tranh của khu nhà tập thể, nhìn lên mái nhà chớp sáng loè, ba chị em túm tụm nép dưới tấm gỗ để đồ buộc vào vách nhà bằng đất, may mà không sập. Sáng hôm sau đất nền nhà như cháo. Nó nhớ vì hôm ấy bố có nhà, còn thường thì mẹ nó lo cả.

Mẹ nó còn kể đi kể lại những trận chạy bom B52 mà nghĩ không biết bố về còn gặp không, bằng chứng là những hố bom chi chít trên đất Nông trường và có đứa bạn mất bố. Út cũng vui khi đi đâu cũng được giới thiệu: "Con cô giáo đấy", và được khen: "Thảo nào trông nó... sạch sẽ". Thật khó tưởng tượng trong cảnh khó khăn ấy mà khăn rửa mặt của nhà nó, năm người năm cái thêu tên riêng. Tụi bạn nó cứ chậc chậc: "Nhà cô giáo có khác". Mỗi khi Đội sản xuất có đoàn đến thăm thì luôn là thăm nhà cô giáo của Đội. Tự hào nữa là mỗi khi có Hội thảo của Liên đoàn Phụ nữ Tỉnh dạy về cách giữ vệ sinh, rửa bát rồi cách dạy con không cần roi vọt... là mẹ nó luôn là đại diện, đi về truyền đạt cho phụ nữ trong Đội, nghe ai cũng vui lắm. Tuy nhiên chị em nó vẫn bị "ăn đòn" của mẹ, cuộc sống có hơi khác sách vở chút.

Út chỉ chán nhất là khi chiều muộn, nhà nhà dọn mâm cơm ra cái sân chung thì nó không được cầm cái bát chạy tung tăng như lũ bạn. Và mỗi khi mẹ trổ tài làm bánh cuốn sắn thì nhất định không cho ăn trước miếng nào dù nó thèm nhỏ dãi và là út. Kí ức tuổi thơ của nó gắn liền với số 5. Nhà năm người, chia năm phần, Út nhiều hơn chút... và cứ thế, rồi năm tháng cũng qua. Đôi lúc nó cũng muốn mẹ nó là công nhân hái chè thôi, để được nói "bậy"vui lắm, và thoải mái một chút. Nó không biết mẹ nó - Cô giáo trước cũng là công nhân hái chè... Trong bức tranh ảm đạm của đầu những năm 70 ấy. Điểm sáng duy nhất là bọn trẻ, mơ về một tương lai sáng lạng cho chúng.

Cô Thư tập làm cô giáo. Được cái học sinh của cô cũng chưa đi học bao giờ nên chúng không chê gì cô giáo cả. Sáng lên lớp, chiều hái chè (để nhỡ không dạy được còn có đường lui), tối cặm cụi tập viết, tập dạy. Đến khi có lời khen của cán bộ Huyện đến dự giờ, cô mới thở phào, chuyên tâm dạy. Học sinh đông dần. Tâm huyết của cô đứng thứ hai thì không ai thứ nhất. Sau lớp vỡ lòng là trường Cấp 1-2 Nông trường Sông Cầu, học trò Đội 5 của cô vào lớp Một luôn được công nhận lễ phép học giỏi.

Còn nữa, khi Nông trường mở lớp học Bổ túc văn hoá ban đêm. Nghe cán bộ động viên hay quá, nô nức công nhân đăng kí đi học làm nên cái "đầu voi" khổng lồ, và sau 4 năm thì duy nhất Thư là cái "đuôi chuột". Ba cây số đường rừng và mưa gió, con nhỏ không ngăn được cô hoàn thành lớp Bảy. Cô giáo Thư làm được nói được như vậy thì phải biết là nóng tính. Nhưng ở lớp cô phải kiên nhẫn nhẹ nhàng, về nhà cô nóng bù, nên ở nhà các con sợ cô lắm. Bởi vì ngoài những lỗi của trẻ con ra, còn có lỗi "là con cô giáo". Sợ nhất khi bác hàng xóm, vừa trên đồi chè về, mồ hôi bê bết, chạy sang gào lên: "Con cô giáo mà như thế à"?

 

Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Con cô giáo" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn