Chiến dịch

Dì Pig

01/05/2022 07:29

Theo dõi trên

Ba Tết trong Tây Nguyên, cái Tết nào cũng tên là "ăn Tết trước". Thịt hộp và vài điếu thuốc tiêu chuẩn Tết nhắc chúng tôi đã qua một năm, nỗi nhớ nhà cũng qua thật nhanh vì đang là mùa đánh trận. Nhưng đón xuân Bảy nhăm thì khác, sau bữa ăn đón Tết, hôm sau Hai bảy Tết là rời "kiềng"- chúng tôi gọi nơi đóng quân của đơn vị như vậy.

Hướng về Nam Tây Nguyên, chúng tôi vừa đi vừa chạy đã ba ngày dưới rừng khộp chỉ còn lơ thơ tán lá sót lại sau màn sương mù chất khai quang của Mỹ. Lệnh hành quân gấp, ba lô nặng trĩu vì đâu có trạm nghỉ lo cho lính như khi vượt Trường Sơn. Thú thật, chúng tôi chẳng cài lá nguỵ trang nữa, nặng và vướng. Chậc, bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã..."Đoàn quân bước đi vội vã, đường Trường Sơn ào ào lá đổ", tiếng hát phát ra từ chiếc radio xèo xèo của thủ trưởng tiểu đoàn, sao mà giống cảnh lúc này thế, nhịp hát nâng bước chân đi. Ngầm hiểu: Chiến dịch lớn rồi. Căng thẳng, mỗi ngày đêm chắc nghỉ được bốn tiếng.

kn-1651364908.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Trong bước chân vội vã, có một động lực vô hình đang lan truyền trong trái tim chúng tôi. Đoàn quân đi trong vinh dự mang trên vai vận mệnh đất nước. Cả dân tộc bao thế hệ đã hy sinh xương máu, Miền Bắc "hạt gạo chia đôi" ơi, thời cơ đã đến rồi.

Phía xa, có những vết sáng kéo dài trên bầu trời. Đêm giao thừa chẳng ai nói câu nào. Mồ hôi nhễ nhại, bước đi lầm lũi, nhớ nhà chắc ai cũng đang khóc... 

Bốn giờ sáng, chúng tôi tới một vạt rừng thưa, công việc đầu tiên là đào hầm, nhưng yêu cầu kiên cố hơn chứ không nông choèn như hầm tiếp cận vào trận đánh, ba năm lính Tây Nguyên, tôi biết đây sẽ là hậu cứ mới. Tôi nhắc anh em còn thời gian thì cắt gỗ làm hầm kèo cho yên tâm.      

Sáng mùng Một tết, tôi lên đại đội nhận nhiệm vụ, nhận lời chúc mừng năm mới của Ban chỉ huy và quà Tết gửi anh em trong trung đội là bảy cái cưa dài chừng 80cm. Vốn là con nhà thợ mộc, mới đầu tôi nghĩ sẽ đóng đồ gì đó nhưng không phải.

Sáng mùng Hai tết, chúng tôi khai xuân bằng những chiếc cưa được uốn cong cây le làm tay cưa rồi từ ngày hôm ấy chúng tôi trở thành lính công binh, theo tuyến đã được cắm sẵn, hai thằng ngồi lê hai bên cắt những cây gỗ đủ loại, mỗi cây chỉ cắt hai phần ba sát gốc, nói thì rất đơn giản, nhưng có cây phải ngồi lê đến hai ngày. Thầm đoán chắc mở đường cho xe cơ giới đi, và chỉ biết như thế, bí mật quân sự mà .    

Ở đây đã rất gần địch, thỉnh thoảng có những quả pháo bắn vu vơ ngay cạnh, may không trúng. Dân ở vùng này số ít đã vào trong các ấp chiến lược, còn phần đông đồng bào đã ra vùng giải phóng, nơi chúng tôi ăn tết cách đây hơn một tháng, nên đơn vị giữ bí mật tuyệt đối.

Sau này tôi mới biết tuyến đường chúng tôi cắt cây, sáng ngày 10 tháng 3 sư đoàn 10 cùng lực lượng xe tăng xuất kích từ trong rừng, húc đổ các cây đã được cắt dở tấn công Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 của ngụy, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột trong cái bàng hoàng của VNCH cứ cố thủ, tăng cường cho Polaycu. Nghe kể để nghi binh, ta cho hàng đoàn xe chở quân vào thành phố, lúc ra lính cúi thấp đầu xuống, rồi lại đi vào...

Sang cuối tháng hai chúng tôi lại trở về đúng vị trí lính bộ binh và những ngày rực lửa. Nhận nhiệm vụ chiếm lĩnh đường 14. Có lẽ đây là trận đầu tiên trên chiến trường miền Nam, pháo 37ly trên đỉnh Chư Sê chúc nòng bắn thẳng xuống mặt đường, khói bụi mù mịt tạo thế trận áp đảo. Trung đội là mũi chủ công, hoàn thành nhiệm vụ, ba em tôi nằm lại nơi đây.

Hai ngày sau là trận đánh chiếm chi khu quân sự Thuần Mẫn, giải phóng quận lỵ. Chốt lại đó vài ngày.      

Lệnh hành quân gấp, đêm chỉ ngủ khoảng hai giờ, đến vị trí tập kết lần đầu tôi thấy không phải đào hầm, mười bảy giờ xuất kích trong tiếng xe pháo gầm rú. Lần đầu đánh vào thành phố, lần đầu chứng kiến phương tiện vũ khí, xe pháo, tù binh thu được nhiều đến thế. Khí thế ngút ngàn. Màn đêm ập xuống trận địa ngưng tiếng súng. Trung đội hi sinh ba, còn chín người. Lên đại đội nhận nhiệm vụ mới biết đây là thị xã Cheo Reo (Phủ Bổn). Phân công anh em thay nhau gác xong tôi mệt nhoài lao vào một góc nhà không biết gì nữa.

Bốn giờ sáng cậu liên lạc đại đội tìm giao nhiệm vụ, qua ánh đèn pin bịt còn bằng đồng xu tôi mới biết cạnh mình là xác thằng nguỵ mồm há hốc, cậu liên lạc cười: "Hôm qua trực thăng nó bắn 20 ly như vãi đạn mà anh ngủ không cần biết à"? Xấu hổ, không biết cậu ấy có được ngủ không?

Hôm sau thị xã hoàn toàn giải phóng, đơn vị tôi chốt lại đó hai ngày, ám ảnh là mùi khét lẹt xú uế. Hoà trong niềm hân hoan trận thắng lớn là nỗi lòng khôn tả, thằng Tiến trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi và lời cuối của nó làm tôi đau như cắt: "Cho em gửi lời hỏi thăm chị Phương, chúc anh chị hạnh phúc".

Bổ xung thêm bảy lính mới, trung đội lại đủ mười lăm anh em. Lại cuộc hành quân đi như chạy, truy kích qua đường Bảy, mỗi ngày đêm nghỉ bốn tiếng, từ cao nguyên như một cơn lốc chúng tôi xuống tới đồng bằng Phú Yên, sáng ngày 1/4/1975 có mặt ở chân cao điểm Chóp Chài. Không còn bóng lính trên chòi gác, thị xã Phú Yên đã được đơn vị bạn giải phóng.

Đó là một ngày vô cùng đáng nhớ khi bộ binh chúng tôi được ngồi xe bọc thép ra trận, ngược quốc lộ Một, giải phóng thị trấn Tuy An. Trong xe tôi tranh thủ động viên anh em cho cuộc chiến mới nhưng có lẽ không cần, tiếng cười tiếng hát đến đinh tai nhức óc. Xuống xe lại bất ngờ trận đánh chưa từng thấy, giải phóng Tuy An chẳng tốn viên đạn, trên đường là vô số quần áo, vũ khí, hàng quân tiếp vụ bỏ lại. Tụi nó bỏ của chạy lấy người. Mừng mà tiếc công hành quân mang nặng.

Đáng nhớ nữa là người dân Tuy An. Dò xét ngại ngần xem "ông Cộng Sản" có đuôi không? Chút thôi là thân thương lắm rồi. Bữa cơm dân nấu cho ăn hôm ấy chẳng bao giờ quên được. Lính còn ấn tượng khi lần đầu gặp các cô gái miền Nam mặc đồ mỏng teng nữa.

Rồi lại như cơn lốc, chúng tôi lại hành quân trở lại Tây Nguyên và đi về phía Nam, qua chiếc cầu phao công binh mới ghép, vượt sông Sài Gòn. Bồng bềnh, chao đảo, bộ đội dồn ứ phía bên này cầu. Một đồng chí đúng ra phải gọi là bác, đến bắt tay chúng tôi với câu nói rất bình dị: "Nhanh lên, thần tốc lên các cậu nhá"! sau này tôi mới biết đó là Tư lệnh tiền phương- Đại tướng Văn Tiến Dũng.              

Tập kết tại Chơn Thành, vùng đất mới được đơn vị bạn giải phóng, nghỉ ngơi một ngày, mỗi đứa được cấp một bộ quân phục Tô châu, mũ cối mới cứng, thay cho bộ đồ mà khoảng hai mươi ngày chưa thay và cũng chưa ai tắm. Một khí thế mới tràn ngập khi chúng tôi được biết, từ ngày 26/4/1975 bước đi của chúng tôi mang tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Mười lăm giờ. Bỏ lại ba lô tư trang cá nhân, trong gùi chỉ có tăng võng và đạn cùng lương khô. Đoàn quân chúng tôi lặng lẽ lên đường. Khoảng hai mươi giờ đến nơi tập kết, đào hầm trên mảnh ruộng khô. Địa hình bằng và trống trải, tập trung dặn dò, anh em ai cũng rất quyết tâm.

Ánh đèn điện sáng trắng, nếu không có ánh lửa bập bùng từ một chiếc bồn xăng bị trúng pháo bốc lên thì có lẽ tôi đã nhầm tưởng căn cứ này là một thành phố. Mấy quả cối 81 địch bắn vu vơ từ trong căn cứ, lại may mắn, chỉ rơi ngay gần đội hình, những đốm lửa đủ màu bung lên trong màn đêm.

Năm giờ sáng các cỡ pháo của ta bắn cấp tập vào trong căn cứ, khi pháo đã chuyển làn bắn sâu vào trong căn cứ, đơn vị "mở cửa" được lệnh đánh bộc phá, mười bảy hàng rào dây thép gai. Xe tăng, máy bay, địch trong căn cứ trống trả quyết liệt. Khoảng tám giờ nhận lệnh xuất kích, tôi vọt lên khỏi hầm. Một cảnh tan hoang hiện ra trước mắt, trên cửa mở không còn ngọn cỏ, và nằm la liệt là đồng đội. C3 "mở cửa" đã hi sinh gần hết.

Trung đội tôi bò sát đất, đạn mát lưng, nhích chút một và cũng không khỏi có người nằm lại. Mãi tới lúc đồng đội ở D1 bắn cháy chiếc xe tăng núp trong tường đất chúng tôi mới bò được đến chân tường đất, vượt lên trên tường đất đạn địch cắm lụp bụp vào bụi mù, khét lẹt, tôi ôm chặt khẩu m79 lăn tròn vào phía trong. Khoảng hơn chục mét từ chân tường đất là dãy thùng phuy chứa đầy đất xếp quanh trại lính, lăn tiếp mấy vòng nữa tôi đã tới chân hàng thùng phuy, khoảng cách an toàn đã đến. Lúc này anh em cũng đã cơ động đến bên tôi, chỉ còn sáu đứa.  Đạn bắn thẳng bị chắn bởi những thùng đất. Giờ là lúc khẩu m79 của tôi phát huy tốt ưu điểm, tôi liên tiếp đưa những quả đạn bắn cầu vòng vào trong trại lính. Lúc này tiểu đoàn tôi cũng đã vượt qua hết được tường đất, tiếng súng địch thưa dần, chúng tôi tiến đánh phát triển vào trong căn cứ. Bỗng thấy đau nhói, tôi bị thương vào đầu. Cậu y tá cuống cuồng bò tới, băng đã hết, nó băng cho tôi cái băng bụng to tướng chỉ còn hở đôi mắt.

Dưới làn đạn, anh Chính trị viên bò đến bên tôi: "Em có cố được không? Anh em khẩu đội 60 ly hi sinh hết rồi". "Em không sao".

Khoảng cách trăm mét từ "cửa mở" tôi đã đi hết một giờ đồng hồ, còn chân tay tôi sẽ không dừng chiến đấu.

Mười giờ ba mươi, lá cờ giải phóng đã được kéo lên sở chỉ huy nhưng tiếng súng vẫn không ngớt, địch rút ra và cố thủ ở cổng căn cứ, chống cự dữ dội. Thời gian như ngưng đọng lại chẳng biết bao lâu thì bỗng tôi thấy bên đối phương im bặt, rồi tiếng quân reo, ào ào các cánh quân ta xông vào căn cứ. Chiến thắng rồi. Tôi nhìn chiếc đồng hồ Thuỷ quân lục chiến của Mỹ trên tay, chiến lợi phẩm trận Cheo Reo tôi xin tạm giữ để phục vụ chiến đấu, nó chỉ 11 giờ 12 phút.

Tôi nhìn cửa mở, sáu anh trung đội tôi nằm đó, bốn anh nữa bên trong căn cứ. Mấy tháng đi như chạy, lương khô nước lã, ào ào xông lên, ngồi xuống là ngủ gục, các anh cống hiến hết mình. Giờ nằm đó, tôi không đến nâng anh em lên được nữa, tha lỗi cho tôi.

Trung đội còn năm người tiễn tôi lên xe chở thương binh về phẫu, phẫu là một nhánh trong Địa đạo Củ Chi. Và tôi mới biết ta vừa đánh thắng "Tia chớp nhiệt đới" mở "Cánh cửa thép" tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Chiến dịch" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn