Bức ảnh nào là đúng ?

     Bài: Trần Mạnh Thường. Ảnh Tư liệu

12/09/2021 12:25

Theo dõi trên

Tôi đã giành thời gian khá lâu để sưu tầm và tìm hiểu những bức ảnh do các nhiếp ảnh gia chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay CHXHCN Việt Nam).

Những ảnh đó đã được các sách, báo và các phương tiện truyền thông trong nước và trên thế giới đăng tải. Qua những bức ảnh này tôi nhận thấy có những điểm khác nhau, cần nêu lên đây để bạn đọc, các nhà nhiếp ảnh, đặc biệt các nhà sử học, các chính trị gia trao đổi. Đó là các bức ảnh sau:

1-bac-ho-doc-tuyen-ngon-doc-lap-2-9-45-1631421243.JPG

1- Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-45

 Ảnh Bác đứng trên lễ đài để đọc bản tuyên ngôn Độc lập (có ô che), Bác Hồ mặc áo veston, đứng trước micro ống dài  (không rõ tác giả)

2-bac-ho-doc-tuyen-ngon-doc-lap-2-9-45-1631421357.JPG

2- Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác mặc áo veston, đứng trước micro ống dài (ảnh Nguyễn Bá Khoản)          

 Cả 2 bức ảnh này Bác Hồ đều đứng trước micro ống dài, mặc áo veston

3-le-quoc-khanh-ket-thuc-bac-xuong-le-dai-1631421462.JPG
3- Sau khi lễ kết thúc Bác Hồ và mọi người đi xuống cầu thàng lễ đài ( ảnh Nguyễn Bá Khoản), Bác cùng mặc áo veston.
4-le-tan-bac-cung-vo-nguyen-giap-ngoi-trong-o-to-tro-ve-1631423111.JPG
4- Trước khi rời quảng trường, Bác Hố và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngồi vào ô tô đi về, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh tiến đến xin Bác chụp một kiểu ảnh. Được Bác đồng ý, Cụ Võ đã chụp Bác và Võ Nguyên Giáp ngồi trong ô tô, Bác Hồ cùng mặc áo veston.

Qua 4 bức ảnh trên tôi nhận thấy:

Khuôn mặt Bác lúc này hơi gầy

Khi ở trên lễ đài, Bác đứng trước micro hình ống dài

Bác mặc áo veston

Các bức ảnh đều có bối cảnh (người đứng bên cạnh) 

Các sách báo cũng ghi: “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945”, tại Quảng trường Ba Đình, nhưng Bác lại mặc áo “đại cán” (kiểu áo Tôn Trung Sơn), Bác đứng trước micro tròn. Mặt Bác lúc này đầy đặn hơn, không có bối cảnh (không có người đứng cạnh).

5-bac-ho-doc-tuyen-ngon-ddl-2-9-45-1631423835.JPG

5- Bác Hồ đọc Tuyên ngôn DDL 2-9-45 

6-bac-ho-doc-tuyen-ngon-doc-lap-2-9-45-1631424022.jpg
6- Bác Hồ đọc Tuyên ngôn DDL 2-9-45 

Qua 6 bức ảnh trên, theo hiểu biết, tôi cho rằng 4 bức ảnh (1,2,3,4) là thực, được các tác giả chụp đúng vào ngày lễ Độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Còn hai bức (5,6), là ảnh ghép về sau này.

Như mọi người đều biết, tại cuộc Hội thảo “NHIẾP ẢNH VỀ CHIẾN TRANH VÀ CÁCH MẠNG”, do Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và TTXVN tổ chức tại Hội trường TTXVN, năm 1995, có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và phát biểu. Khi có người nêu lên: sự khác nhau về các bức ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập (ảnh 1,2, khác với ảnh 5,6), ông Cù Huy Cận lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc các hội Liên hiệp VHNT VN, trả lời rằng: Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần II, 1951, cần có bức ảnh “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập”, nhưng không tìm thấy phim, vì vậy nhiếp ảnh gia Kim Côn, đã ghép bức ảnh 5 và 6 (thực chất ảnh 5 và 6 là một: ảnh 5 chân dung lấy 1/3 còn ảnh 6 lấy 2/3).

Nếu điều ông Cù Huy Cận nói là đúng, nên chăng từ nay trở đi cấc phương tiện truyền thông không nên dùng ảnh 5 và 6 nữa. Vì một trong những tiêu chuẩn quan trọng bậc nhất của ảnh báo chí là: “Phản ảnh hiện thực khách quan”. Đặc biệt những bức ảnh này không chỉ là ảnh báo chí mà còn là ảnh đánh dấu mốc son lịch sử đất nước. Tôi mong mọi người tham gia ý kiến.


 

Bạn đang đọc bài viết "Bức ảnh nào là đúng ?" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn