Ba lá thư của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Đặng Vương Hưng

10/08/2021 10:09

Theo dõi trên

Hơn 40 năm đã trôi qua, những người đã có may mắn đọc tác phẩm “Sống như Anh” của nhà văn Trần Đình Vân, hẳn chưa quên những giây phút thiêng liêng, xúc động của anh Nguyễn Văn Trỗi dành cho người thân của mình, trước khi bị kẻ thù xử bắn.

nguyen-van-troi-3-1628563302.jpg

“Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có những con người do chân lý sinh ra

Nguyễn Văn Trỗi

Anh đã chết rồi

Anh còn sống mãi

Chết như sống anh hùng vĩ đại...”

Những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã một thời ngấm vào tâm khảm của cả một thế hệ người Việt Nam yêu nước. Sự hy sinh anh dũng, hiên ngang của người anh hùng nơi pháp trường đã khiến kẻ thù khiếp sợ và gây chấn động cả thế giới...

nguyen-van-troi-2-1628563864.jpg

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ở Pháp trường

Hơn 40 năm đã trôi qua, những người đã có may mắn đọc tác phẩm “Sống như Anh” của nhà văn Trần Đình Vân, hẳn chưa quên những giây phút thiêng liêng, xúc động của anh Nguyễn Văn Trỗi dành cho người thân của mình, trước khi bị kẻ thù xử bắn...

 

Đầu năm 2005, nhờ sự nhiệt tình của một đồng nghiệp tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), chúng tôi đã may mắn sưu tầm được hai lá thư của Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi viết cho chị Phan Thị Quyên (khi còn đang yêu và khi đã thành vợ chồng); một lá kia viết cho ba, mẹ và người thân khi đã bị địch bắt giam ở khám Chí Hòa, chờ ngày ra pháp trường.

nguyen-van-troi-4-1628564628.jpg

Những kỉ vật của Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

THƯ SỐ 1

Đà Nẵng, ngày 15/4/1963

Quyên mến!

Anh về chưa đến nhà thì anh gởi liền cho em một lá thư. Không hiểu vì lẽ gì mà sự trông đợi của anh lại rơi vào câm nín? Nhưng anh vẫn tin rằng thư bị lạc, chứ có lẽ nào em nhận được mà lại chẳng hồi âm. Nếu em không nhận được thư anh, thì có lẽ em đã trách anh nhiều, cũng như anh đã trách em trong mấy ngày gần đây vậy. Hôm nay, anh lại viết thư nầy để gởi cho em, nói lên cái tâm trạng của anh trong mấy ngày xa em. Và cũng mong được em kể lại cái tâm trạng của em trong ngày ấy.

 

Ngày anh bước chân lên xe, lòng cảm thấy nao nao, trông cho đường đất thêm gần lại để thỏa lòng mong nhớ trong hơn một năm trời xa cách.

Qua hai ngày đi đường mệt mỏi, nhưng khi về đến nhà vẫn thấy vui. Nhưng cái vui chỉ đến với anh trong cái buồn, vì lòng đang nặng trĩu một tình thương và hình bóng của em, tuy rằng tình quê hương vẫn đầm ấm,với tất cả tình thương. Nhưng anh vẫn thấy thiếu một cái gì ở giữa tim anh, nên không thể bằng lòng để hưởng những cái vui bên ngoài được. Mấy ngày gần đây, anh rời nhà quê lên Đà Nẵng để đón tin em, nhưng

trông mãi vẫn không thấy. Anh hiện đang vận động tìm một việc làm tại Đà Nẵng. Dù sao anh cũng trở lại Sài Gòn để tính xong câu chuyện của chúng mình, rồi mới tính đến chuyện làm ăn được.

Bấy nhiêu lời trên đây, tưởng em đã lãnh hội được cái tâm trạng của anh rồi. Vậy trước khi dừng bút, anh nhờ em chuyển lời thăm hỏi của anh đến gia đình ba má cùng các em và chị Kim Anh. Cuối cùng, chúc em được như ý. Anh “mừng”.

Thân mến chào em!

Ký tên: Nguyễn Văn Trỗi.

LÁ THƯ SỐ 2

Chí Hòa (Sài Gòn), ngày 11/10/1964

Kính thăm ba má!

Nay con kính gởi đôi lời về thăm ba má, các anh chị và mấy em. Con xin cầu chúc ba má cùng các anh chị và mấy em được khỏe mạnh thì nơi đây con rất vui mừng. Riêng về phần con ở trong nầy vẫn bình an, mong ba má cứ yên tâm. Con ở trong nầy rất trông tin nhà. Và mỗi lần được em con vào kể lại chuyện nhà, ba má vẫn mạnh, các anh chị em đều bình an vui vẻ cả... nên con rất mừng. Con chẳng biết làm thế nào hơn. Chỉ mong trời Phật phù hộ cho ba má được khỏe mạnh và các anh chị em được yên vui. Con xin nhờ ba má chuyển lời thăm của con đến các bác, các chú, cậu mợ và bà con xa gần.

Con sơ lược ít lời tin về ba má rõ. Cuối thư con xin chúc ba má và các anh chị được bình an.

Con Trỗi.

LÁ THƯ SỐ 3

Chí Hòa, ngày 11/10/1964

Quyên em!

Anh gởi đôi lời về thăm em, mong em ở nhà được khỏe mạnh, thì nơi đây anh rất vui mừng Riêng về phần anh sức khỏe hơi kém. Mấy hôm rày anh hay nhức đầu. Anh cần dùng hai món thuốc Qlutaminol và Calcium Corbiere (buveble), một bình dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín, vài đồng tăm xỉa răng, em mua cho rồi đến 15 nầy em đem vào cho anh hay gởi bằng bưu điện cũng được.

Thôi, chỉ có bấy nhiêu em nhớ cho.

Anh Trỗi.

TB: Tiếp đây, anh có đôi lời thăm em Lợi, anh rất vui khi được tin có em đến ở với chị em. Vậy ở nhà khi nào Quyên buồn thì em phải chọc cười, chứ đừng khóc theo nhé. Nhớ nhé!

nguyen-van-troi-1-1628564718.jpg
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ở Pháp trường

Nguồn: "Những lá thư thời chiến Việt Nam" của nhà văn Đặng Vương Hưng

Theo Trái tim người lính

 

---

Đọc thêm thông tin liên quan trên trang Hội nhập Văn hóa & Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/, nơi cập nhật thông tin bài viết phân tích chuyên sâu về kinh tế đối ngoại, văn hóa hội nhập và phát triển bền vững.

Bạn đang đọc bài viết "Ba lá thư của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn