Anh Nguyễn Phan Hách ơi, sao mà nhớ anh thế!

Phạm Việt Long

21/04/2022 13:20

Theo dõi trên

Vậy mà đã 3 năm anh Nguyễn Phan Hách đi xa. Ngày nào ta còn bên nhau, tại Nhà xuất bản Dân trí, thảo luận về cuốn sách khó xuất bản, hoặc tào lao thiên đế đủ thứ chuyện, từ thơ văn, âm nhạc đến những góc khuất đời thường. Vậy mà anh nỡ bỏ ra đi! Chưa bao giờ như lần này, tôi thấy xót xa, ngẩn ngơ mãi với một người không phải ruột thịt của mình khi phải rời xa!

 

 

nguyen-phan-hach-1555910732-6240-1555911028-1650509906.png
 

 

Nhớ làm sao cái hồi chúng ta cùng nhau thành lập Nhà Xuất bản. Cái tên Dân trí là do anh, anh Hải (Nhà văn Tô Hải Vân) nghĩ ra. Rồi các anh làm đề án, làm thủ tục trình Chính Phủ. Mãi hai năm sau, Chính phủ mới phê duyệt và Bộ Thông tin & Truyền thông mới cấp phép hoạt động. Tôi được các anh rủ vào cùng làm, với chức vụ Phó Giám đốc. Rồi cơ chế bắt buộc phải có Chủ tịch công ty, các anh lại bảo tôi làm – Tên gọi đầy đủ là Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà xuất bản Dân trí! Vô tư và say nghề, anh em chúng ta bảo nhau cùng làm, mỗi người một việc, có màng chức vụ gì đâu!

Từ tờ giấy phép, với hai bàn tay trắng, trái tim nồng nàn yêu nghề, chúng tôi xúm nhau xây dựng Nhà xuất bản. Nhớ làm sao cái hôm tôi và anh Hách cùng nhau đi tìm nơi thuê làm trụ sở cho cơ quan. Anh bảo là biết chị bạn có ngôi nhà rộng, có thể thuê được. Hai anh em đi xe máy ra tận ngoại thành, qua một khoảng đất trống lộng gió, rồi chui vào mấy ngõ ngách mới tới nhà chị. Nhà khá rộng, nhưng xa quá, đường vào lại nhỏ hẹp, quanh co, nên đành cáo lui. Tôi nhớ rõ, lúc về, qua khoảng đất ấy, sao mà gió lộng thế, cứ vù vù vù vù bên tai, hất lệch cả chiếc mũ bảo hiểm trên đầu anh.

Một hôm, anh Hách hồ hởi khoe với tôi: “Tôi có một nguồn đầu tư cho Nhà xuất bản, hay lắm. Bước đầu, họ chi ra 5 tỷ đồng, thuê nhà cho, cấp ô tô cho. Họ chỉ cần mình bố trí người của họ làm phó Giám đốc, kế toán trưởng”. Tôi cười: “Thế thì chả mấy chốc họ thôn tính ta!”. Anh ngớ người ra. Tính anh là vậy, cả tin, thật thà.

Làm Tổng Biên tập của một Nhà xuất bản, trách nhiệm vô cùng nặng. Nguyễn Phan Hách từng làm Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn, từng va vấp nhiều, lắm kinh nghiệm nên rất thận trong trong công việc. Anh chả dấu diếm gì, cứ nói tông tốc: Mình bị cách chức một lần, hạ lương một lần vì tai nạn xuất bản. Chúng mình phải cố gắng đừng để xảy ra tai nạn. Anh đọc bản thảo kỹ lắm, ghi chép, đánh dấu, lưu trữ thận trọng. Có cuốn nào ngờ ngợ, là anh đem ra bàn. Có cuốn, tôi thấy xuất bản được, nhưng anh tìm mọi cách chứng minh những chỗ không được, tôi phải nghe theo.

Xây dựng được nền móng cho nhà xuất bản rồi, bao gồm giấy phép hoạt động, hệ thống tổ chức, cơ chế hoạt động, vốn liếng… chúng tôi bàn đến việc phát triển. Giống như làm nhà, sau khi xây móng vững chắc, mới tính đến việc xây ngôi nhà sao cho khang trang, đẹp đẽ. Nền móng mà không vững, dù nhà có đẹp thế nào, cũng có nguy cơ sụp đổ. Chúng tôi thống nhất về hướng đi, lấy bền vững làm nền, bước từng bước vững chắc và phải an toàn. Đáng mừng, là công việc dần dần vào nền nếp. Rồi ba anh em bàn với nhau: Muốn làm ăn năng động, phải có người trẻ. Anh Hách bảo biết cô Bùi Thị Hương, trưởng phòng phát hành NXB Lao động, có thể mời về làm. Anh Hải bảo cứ mời cô ấy về, lúc đầu làm phó Giám đốc, rồi làm Giám đốc, tôi sẽ rút lui. Anh Hải nói rất ngắn gọn, chân thành, vô tư.

Sự việc diễn ra đúng như ba anh em bàn. Hương về, kèm theo một đội ngũ cán bộ trẻ, đầy nhiệt huyết, và có kinh nghiệm phát hành. Đối với ngành xuất bản, làm bản thảo đã khó, trong cơ chế thị trưởng, phát hành càng khó hơn! Ba anh em tin tưởng vào đội ngũ trẻ này!

Công việc cứ thế tiến triển. Có vui. Có buồn. Có thuận lợi, Có khó khăn. Nhưng nhìn chung, Nhà Xuất bản đi đúng hướng, an toàn. Thực ra, cũng đôi lần gặp tai nạn. Khi ấy, mấy anh em xúm nhau giải quyết. Không lời trách móc, đổ lỗi. Không tiêu cực thoái lui. Thống nhất nhanh biện pháp khắc phục. Rồi cũng tai qua nạn khỏi. Riêng anh Hách, vẫn thận trọng, cần mẫn. Cũng có người chê anh là nhát. Anh chỉ cười và hay nói một câu “Sợ bỏ bố đi!”.

Anh cũng là người rất thận trọng về sức khỏe. Lúc nào trong chiếc túi xách của anh cũng có mấy lọ thuốc. Có lần, tôi rủ anh di Sơn La, anh chối và bảo: “Tôi chỉ dám đi quanh thôi, xa trăm cây số là tôi không đi, nhỡ ốm đau thì làm sao!”.

Cứ như vậy, lớp già cùng lớp trẻ sát cánh đưa Dân trí đi lên từng bước vững chắc, trở thành thương hiệu đáng tin cậy, có thêm nhiều đối tác.

Thân tình với nhau, tôi bảo anh Hách hãy thưởng thức âm nhạc, âm nhạc giúp mình thanh thản, khỏe người ra. Mà anh có xa lạ gì với âm nhạc đâu. Anh có những bài thơ được phổ nhạc, trong đó có hai bài rất nổi tiếng là Làng quan họ quê tôi, và Hoa sữa. Nhân đây, nói chuyện vui về tính hồn nhiên, bao dung của anh. Hồi mới thành lập Nhà xuất bản, anh Hách xuất bản cuốn sách độc nhất 2 trang với một bài thơ. Đó là bài Hoa sữa. Chả hiểu làm sao, khi in, anh lấy Hoa hồng làm ảnh minh họa! Bảo anh thơ Hoa sữa ảnh lại hoa hồng, anh cười hềnh hệch: Kệ nó, hoa hồng đẹp hơn hoa sữa thì in vào! Bài thơ Hoa sữa của anh rất nổi tiếng, có biết bao học sinh của nhiều thế hệ đã chép vào vở học trò và nhiều nhạc sĩ phổ nhạc trở thành ca khúc được yêu thích. Có một nhạc sĩ phổ nhạc Hoa sữa khá thành công, nhưng “quên” ghi tên tác giả thơ, có người mách với anh, anh cũng cười xòa: “Ồi, thôi, nói làm gì”. Anh hiền như vậy đấy. Chị Hay, vợ anh, có lần bảo với tôi: “Anh Hách hiền lắm. Anh chỉ nói nhỏ, không nói to chứ nói gì đến quát!”. Riêng tôi, thấy ca khúc Hoa sữa hay, nhưng tiếc là nhạc sĩ lại bỏ đi câu thơ mà tôi thích nhất “Tại con bướm vàng có cánh nó bay”. Câu thơ thể hiện đúng tính cách Nguyễn Phan hách, hồn nhiên, mộc mạc! Tôi phổ nhạc gần như nguyên vẹn bài thơ Hoa sữa của Nguyễn Phan Hách, ghi dấu tình thân không gì diễn tả được giữa chúng tôi. Anh Hách rất thích bài hát đó. Lát nữa, nghệ sĩ Quốc Quốc sẽ hát tặng anh, gia đình anh và tất cả chúng ta.

Trở lại với câu chuyện âm nhạc. Anh Hách bắt đầu mua máy nghe nhạc xịn, sưu tầm đĩa nhạc và thưởng thức ngày ngày. Không ngờ, nàng nhạc lại có duyên đến thế. Âm nhạc hút hồn anh, để cho anh vừa yêu nàng thơ, vừa kết duyên với nàng nhạc. Anh khoe với tôi: “Ông Long ơi, tôi hát thành bài hát của tôi đây này”. Anh hát cho tôi nghe, bài “Chút tình thơ dại”. Ồ, hay đấy. Tôi kéo anh đến nhà, gọi thêm Phạm Ngọc Khôi (Nghệ sĩ Nhân dân). Khi những giai điệu mà anh hát lên được ký âm lại, rồi cất lên thành khúc nhạc thánh thót qua tiếng đàn Piano điêu luyện của Phạm Ngọc Khôi, cả hai chúng tôi đắm mình trong niềm vui sướng. Sẵn đà, chúng tôi ký âm luôn bài hát thứ hai của anh, đó là bài Hoa phù dung. Bài Chút tình thơ dại được nghệ sĩ Uu tú Việt Hoàn trình diễn, để lại ấn tượng tốt cho người nghe, nhưng đặc biệt ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi, nó là tình là nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là âm nhạc. Nó đồng thời trở thành điểm tựa để Nguyễn Phan Hách dấn bước đi vào con đường âm nhạc. Chỉ trong thời gian ngắn, anh sáng tác tới hai chục ca khúc, trong đó có những bài kiểu “địa phương ca”, viết về vùng đất quê anh, được địa phương sử dụng chính thức. Rồi anh lại chụp ảnh, quay video, tạo nên một hoạt động tinh thần giúp bồi bổ tâm hồn và sức khỏe bản thân. Anh tâm sự với tôi: “Bây giờ tôi chụp ảnh, làm cả phim nữa. Không có người mẫu, tôi đem bà xã ra bắt đứng lên ngồi xuống, nghiêng nghiêng ngửa ngửa để tạo hình, vui ra phết!”. Tôi đã được xem những bức ảnh, đoạn video do anh tự chụp, tự quay, toàn là hình ảnh về vợ con, cháu, vườn tược gia đình, đằm thắm nghĩa tình! Bây giờ, đó là những kỷ niệm quý giá với gia đình, bè bạn.

Cuộc sống đang vui thì có những điềm gở. Tự nhiên, Nguyễn Phan Hách hay nói đến chuyện ung thư. Anh kể chuyện người bạn này bị ung thư, điều trị ra sao, người bạn khác bị ung thư giai đoạn cuối thế nào. Anh sưu tầm nhiều bài viết về bệnh ung thư và các cách điều trị ung thư đăng lại lên trang Phây búc của anh. Đáng kinh ngạc hơn, tự nhiên cả ao sen nhà anh ở quê tàn lụi sạch! Cuối cùng, chính căn bệnh ung thư đã cướp anh đi! Chị Hay đau đớn nói với tôi: “Đang vui thì ông ấy bỏ đi!”. Đau đớn đấy, nhưng cũng có niềm an ủi, là những ngày cuối đời, anh được sống với vợ con trong niềm vui chan hòa, ấm áp.

Nhiều khi tôi nghĩ, ông trời cũng có lúc bất công. Con người hiền lành, tốt bụng như Nguyễn Phan Hách mà phải sớm ra đi! Có khi, ngồi lặng nghe mấy ca khúc phổ thơ anh, thấy sao mà xót xa. Không có những giọt nước mắt. Không có những tiếng thở than. Nhưng có thứ gì đó vô hình mà sắc lẹm cứ cứa mãi vào tâm can, làm ứa máu bên trong…                                                                                                                                                                                                            Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2022 - PVL                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Anh Nguyễn Phan Hách ơi, sao mà nhớ anh thế!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn