Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)

PGS TS Cao Văn Liên

09/04/2024 06:03

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 17

Trung tướng Lê Trọng Tấn nói:

-Mời các đồng chí xơi nước.

Mọi người bê ly nước và nói:

-Cảm ơn, kính mời đồng chí Trung tướng.

Sau khi mọi người cạn ly, đặt xuống bàn, Lê Trọng Tấn nói:

-Do những chiến thắng vang dội của quân ta, từ đầu tháng 3 cho đến nay, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Lúc 7 giờ ngày 7 tháng 4, tôi nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Bức điện số 175/ĐK gửi cho các cánh quân, trong đó Đại tướng viết: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đại tướng Tổng tư lệnh, chúng ta phải nhanh chóng phá tan phòng tuyến Xuân Lộc-Phan Rang, mở toang cánh cửa phòng thủ cuối cùng của quân ngụy để giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam. Tôi ra lệnh Thiếu tướng Hoàng Cầm Tư lệnh Quân đoàn IV trực tiếp chỉ huy cánh quân tây bắc, tấn công phòng tuyến Xuân Lộc.

Hoàng Cầm nói:

-Tuân lệnh đồng chí Trung tướng.

-Tôi ra lệnh cho Đại tá Bùi Cát Vũ, phó Tư lệnh Quân đoàn chỉ huy cánh quân phía Nam tấn công phòng tuyến Xuân Lộc.

Bùi Cát Vũ đáp:

-Tuân lệnh đồng chí.

-Tôi ra lệnh cho Quân đoàn II phối hợp tấn công phòng tuyến Phan Rang.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu An đáp:

-Tuân lệnh Trung tướng.

Họp xong, tại Hành dinh của Quân đoàn IV, Thiếu tướng Hoàng Cầm gọi:

-A lô, tôi Hoàng Cầm đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn 341 tấn công phía bắc phòng tuyến Xuân Lộc.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

-A lô, tôi Hoàng Cầm đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn 79 tấn công phía nam phòng tuyến Xuân Lộc.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

-A lô, tôi Hoàng Cầm đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn 7 phối hợp với Sư đoàn 79 tấn công phía nam phòng tuyến Xuân Lộc.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

-A lô, tôi Hoàng Cầm đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn 6 chi viện cho Sư đoàn 341 ở hướng bắc tấn công phòng tuyến Xuân Lộc.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

5 giờ 40 phút ngày 9 tháng 4 năm 1975, toàn bộ không gian miền Đông và bốn hướng của Sài Gòn rung lên bởi pháo các cỡ của quân giải phóng. Một giờ sau Sư đoàn 341 Quân đoàn IV đánh từ hướng bắc chiếm Khu thông tin, Khu cố vấn Hoa Kỳ và Khu cảnh sát sau một giờ giao chiến. Chiến đoàn 52 Quân lực Việt Nam Cộng hòa phản kích đánh vào sườn nam. Cánh quân phía bắc Quân giải phóng phải dừng lại, cánh quân phía nam Sư 79 bị thương vong nhiều. Đến 8 giờ Quân đoàn IV cho xe tăng chi viện cánh nam  nhưng bị bắn cháy 3 chiếc ở ấp Bảo Chánh A, đến trưa Trung đoàn 29 Sư đoàn 7 đánh  bại cuộc phản kích của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 18 và dinh Tỉnh trưởng Long Khánh (Đồng Nai), bắn cháy 7 xe tăng của địch tại ấp Bảo Toàn .

  Tại hướng nam, Sư đoàn 6 Quân Giải phóng tấn công ở Quốc lộ 1 từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, chiếm ấp Trần Hưng Đạo, bắn cháy 11 xe tăng và xe bọc thép của Chiến đoàn 322. Ở phía tây đến trưa ngày 9 tháng 4, Sư đoàn 18 Quân lực Việt Nam Cộng hòa chặn được đà tấn công của Quân đoàn IV tại hướng tây- bắc. Đến trưa 11 tháng 4 các Trung đoàn 141, 165, 207 của Sư đoàn 7 có xe tăng yểm trợ tấn công Sư đoàn 18, Chiến đoàn 52 và Thiết đoàn 5 Quân Lực Việt Nam Cộng hòa, nhưng hai mũi tấn công nam-bắc bị Quân lực Việt Nam Cộng hòa chặn lại. Trong 2 ngày không quân ngụy từ sân bay Biên Hòa bay 200 phi vụ ném bom, yểm trợ cho Sư đoàn 18 và các đơn vị đang phòng thủ Xuân Lộc. Đồng Nai-Xuân Lộc chìm ngập trong đạn bom khói lửa ngút trời, đất trời mù mịt bị thiêu đốt tàn phá bởi bom lửa và đạn các cỡ. Ba cụm phòng thủ mạnh nhất của Xuân Lộc là Núi Thị, Dầu Giây và thị xã. Tướng Lê Minh Đảo dời Sở chỉ huy Sư đoàn 18 về Chi khu Tân Phong, Tỉnh trưởng Long Khánh (Biên Hòa) Đại tá Phạm Văn Phúc di tản lên Núi Thị.

Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa gọi điện cho tướng Lê Minh Đảo:

-A lô, tôi Cao Văn Viên đây.

-A lô, xin chào Đại tướng, tôi Lê Minh Đảo xin nghe.

-Chúng tôi sẽ tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc: Thứ nhất, Lữ đoàn dù 1 sẽ đổ quân xuống đồn điền cao su Bảo Định. Thứ hai, Lữ đoàn thủy quân lục chiến sẽ tăng cường phòng ngự ở phía đông căn cứ Biên Hòa. Thứ 3, Liên đoàn 33 biệt động quân, Trung đoàn 8 bộ binh (Sư đoàn 5), tám Tiểu đoàn pháo binh, ba Chi đoàn thiết giáp 312, 315, 318 sẽ đến khu vực Tân Phòng, Dầu Giây. Còn nữa, tôi sẽ ra lệnh cho Sư đoàn 3 và Sư đoàn 5 không quân tại Biên Hòa và Tân Sơn Nhất tiến hành một ngày có từ 80 đến 120 phi vụ ném bom hỗ trợ cho Xuân Lộc.

Lê Minh Đảo vui mừng đáp:

-Cảm ơn Đại tướng đã tăng viện tăng thêm sức mạnh cho chúng tôi. Báo cáo Đại tướng, cho đến nay chúng tôi đã chặn được tất cả các hướng tấn công của Cộng quân. Được Đại tướng tăng cường, Xuân Lộc sẽ thành cánh cửa thép bất khả chiến bại.

Cao Văn Viên đáp:

-Tốt, chúc ngài Chuẩn tướng thắng lợi.

-Cảm ơn Đại tướng.

  14 giờ ngày 12 tháng 4, không lực Việt Nam Cộng hòa dùng máy bay C-130 ném hai quả bom CBU-55, bom địa chấn BLU-82 nặng 7 tấn, một trong những loại vũ khí như hạt nhân xuống Quân giải phóng ở xã Xuân Vinh. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 6  bị trúng bom ở Suối Nhan, 82 người hy sinh, 58 người khác bị thương.    Ngày 13 tháng 4, Thượng Tướng Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đến Sở chỉ huy Quân đoàn IV. Trong cuộc họp với Bộ chỉ huy Quân đoàn IV, Tướng Trần Văn Trà nói:

-Chúng ta phải thay đổi cách đánh, không tấn công từ phía bắc và nam Xuân Lộc là nơi địch phòng thủ mạnh. Phải dùng Sư đoàn 6 và một phần của Sư đoàn 341 chuyển sang tấn công chủ yếu vào hướng tây-nam Xuân Lộc mà điểm yếu nhất là khu Dầu Giây. Thứ hai là cắt đường số 2 đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Thứ 3 cắt đường số 1 đoạn Xuân Lộc-Biên Hòa. Thứ tư, chốt chặn trên địa đạo Trảng Bom-Biên Hòa để bao vây, cô lập Xuân Lộc. Quân đoàn IV có cần chi viện thêm không?

Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn IV đáp:

Thưa đồng chí Thượng tướng, nếu được tăng viện thêm sẽ tốt.

-Được, tôi sẽ cho Quân đoàn II điều động Trung đoàn 95B cho Quân đoàn IV ở Xuân Lộc.

-Cảm ơn Thượng tướng.

Rồi Trần Văn Trà cầm máy gọi:

-A lô, tôi Trần Văn Trà đây.

-A lô, xin chào đồng chí Phó tư lệnh, tôi Nguyễn Hữu An xin nghe.

-Đồng chí điều ngay Trung đoàn 95 B về Xuân Lộc, tăng cường cho Quân đoàn IV đang tác chiến tại đây.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu An đáp:

-Tuân lệnh Thượng tướng.

Hoàng Cầm nói:

-Cảm ơn đồng chí Thượng tướng, chúng tôi sẽ triển khai lực lượng  tấn công Xuân Lộc theo kế hoạch của đồng chí.

-Chúc các đồng chí thắng lợi để mở toang cánh cửa “thép” vào giải phóng Sài Gòn.

-Cảm ơn đồng chí Phó Tư lệnh. Chúng tôi sẽ quyết tâm.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn