Trận Đèo Cả (phần 1)

CCB Giang Cao Phương

01/04/2023 10:25

Theo dõi trên

Sau trận Củng Sơn, chúng tôi hành quân về phía đông nam tỉnh Phú Yên, trên bản đồ ghi địa danh Đèo Cả - Vũng Rô. Đây là căn cứ kháng chiến của tỉnh Phú Yên cũng gần điểm đón hàng hóa, vũ khí của ta theo đường Hồ Chí Minh trên biển.

Được địa phương đón và đưa vào trú quân trong một khu vực có nhiều hang đá , kín đáo an toàn, chỗ trũng toàn đầm lầy, ruộng nước hoang hóa, xung quanh là dãy núi đá , hòn nọ xếp lên hòn kia, mỗi hòn to như cỡ cái nhà hoặc toa xe lửa… Sáng ra còn nhìn thấy từng đàn sơn dương nhảy nhót từ mỏm đá nọ sang hòn đá kia, rõ là vui mắt.

b1abc1-1680319353.jpg

 Núi đá Dục Kinh, trận địa của c5/d8 trận Đèo Cả (Ảnh chụp từ đường 1)

Trung đội họp giao nhiệm vụ chiến đấu. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn: cắt đường số 1 ở phía bắc đèo Cả, không cho địch rút chạy từ Tuy Hòa về Nha Trang khi đại quân ta tiến công thị xã Tuy Hòa. Tôi cùng thằng Huyền (Hà Bắc) được phân công mang theo điện đài 2w (PRC-25 mới coóng), đi cùng Tiểu đoàn phó Khoa, cùng 1 đại đội bộ binh và 1 đại đội hỏa lực (thiếu) vượt sang bên kia đường 1, sát với biển … phối hợp lực lượng chính là c6, c7 của tiểu đoàn bên vệ này đường, cùng cắt đường theo nhiệm vụ đã phân công. Lệnh khi vào chiếm lĩnh phải tắt máy VTĐ, phải chiếm lĩnh xong trước khi trời sáng, vì địch ở xung quanh ta, lộ là chết, về đến đồng bằng rồi không còn chỗ mà ẩn núp như trên Tây Nguyên. Mang theo một ngày ăn, lương khô và càng nhiều nước càng tốt. May quá, trước đó, tổ đài tôi mới kiếm được túi đựng nước bằng vải dù Mỹ. Tôi mang máy, súng đạn, đồ ăn; Huyền mang nước, súng đạn, 3 bình pin khô dự phòng, võng, màn cho cả hai.

Có một điều đặc biệt, tổ trinh sát dẫn đường chính là anh Nguyễn Trọng Luân và anh Nguyễn Văn Minh (Quảng Ninh), hai ông anh rất thân và quý tôi. Trong chiến đấu trinh sát và thông tin là một, tôi khoái lắm vì lần đầu được đi trận cùng các anh ấy.

Tối, được lệnh xuất kích. Chúng tôi hành quân suốt đêm, bì bõm lội nước, đi theo một hàng dọc. Cấp trên phổ biến, không được đi chệch tim đường hành quân mà trinh sát và du kích địa phương đã soi, vì hai bên đường dày đặc những là mìn, là chông của ta gài từ trước để bảo vệ căn cứ, cứ vết chân người đi trước ở đâu thì bước đúng vào đó, cấm chệch, lệch là chết. Chúng tôi hành quân lúc thì ven theo chân núi, lúc thì bì bõm lội trên đồng cỏ ngập nước. Hồi lâu, chúng tôi đã nghe thấy tiếng ì ầm của xe cơ giới, thế là có nghĩa là gần đường 1 lắm rồi. Du kích báo đã gần địch lắm rồi. Đội hình dừng lại… ở đâu ở đó, không tạt ngang. Nhiều thằng phải đứng lom khom trên đồng nước, không dám tạt ngang để tìm chỗ khô. Im lặng như tờ, bí mật tuyệt đối.

Chờ mãi đến gần nửa đêm thì mới thấy anh Luân, anh Minh quay quả lội lại, báo cáo gì đó với chỉ huy. Qua chỗ tôi, các anh thì thào, tìm được đường vượt rồi… Cả đơn vị lặng lẽ bám theo nhau, chỉ thấp thoáng mũ tai bèo và xào xạc lá ngụy trang. Dẫn đường là tổ trinh sát và 2 tay du kích địa phương. Tôi bám theo Tiểu đoàn phó Lương Minh Khoa nên biết mọi chuyện. Anh Khoa dặn, nếu bất ngờ gặp địch mới được nổ súng, mới được mở máy, còn lúc nào chiếm lĩnh xong, có lệnh tớ cậu mới được mở máy liên lạc về nhà. Dò dẫm đi trong đêm, trinh sát và du kích địa phương dẫn đội hình như kiểu sâu đo. Rồi đến lúc vượt đường. Lúc đó đã quá khuya, không có một bóng xe cộ nào trên đường, lần lượt vượt đường 1 sang phía đông. Lính trận hiểu rằng, ngày mai sẽ vô cùng ác liệt, đánh nhau mà bị cắt liên hệ với quân mình là vô cùng nguy hiểm, như mình bị bao vây. Bây giờ ví dụ có muốn quay lại cũng khó. Sợ cũng phải tiến lên, chẳng còn đường lùi, còn có anh em, đồng đội, chả chết được đâu...

Thêm một đoạn mò mẫm, lội bì bũm thì gặp đường sắt. Lần đầu tiên từ khi vào Nam tôi thấy đường sắt. Tôi biết rằng đường sắt này chạy song song với đường 1 thiên lý từ Bắc vào Nam. Đường sắt này, chế độ Sài gòn vẫn khai thác từng đoạn, còn cơ bản là chiến tranh đã bỏ từ lâu. Nằm lọt trong lòng giữa 2 thanh ray, tôi sờ lên mặt đường ray, tôi thấy hơi ẩm bám vào sắt rỉ mà nhớ miền Bắc quá, quê tôi cũng đường sắt kiểu này. Anh Khoa cho đội hình nằm lại trên đường sắt rồi phân công từng tổ chiến đấu, tổ hỏa lực rẽ lên núi chiếm lĩnh vị trí chiến đấu… Lần lượt bộ binh, hoả lực 12,7, cối 82 của c8 được Tiểu đoàn phó và tổ trinh sát dẫn vào từng ụ chiến đấu. Tổ thông tin chúng tôi cùng chỉ huy lên núi cuối cùng. Vị trí của bọn tôi gần cuối của dãy núi đá, nhìn về hướng bắc thấy khoảng trống. Trong đêm chỉ thấy có thế. Chúng tôi được đưa vào một khe đá, giữa hai tảng đá to. Anh Khoa thì thầm: cậu báo về: “đã chiếm lĩnh đúng vị trí, an toàn”. Tôi mở máy, bắt được liên lạc ngay, Anh Kiên trưởng mạng như thở phào, chắc ở nhà BCH cũng sốt ruột, hành quân chiếm lĩnh từ tối, bây giờ mới có tin về. Trời hửng dần, đã gần sáng. Gần biển, cảm thấy đêm như ngắn lại. Im lặng, cái im lặng thường thấy khi sắp có một trận đánh lớn.

Sáng rõ, tôi bò lên một mỏm đá để quan sát thì nhận ra đây là một cái thung lũng, lòng thung lũng dễ đến vài trăm mét (sau này xem bản đồ thì biết nó nằm phía Bắc Đèo Cả, phía bắc của ga Hảo Sơn khoảng 2-3 cây số, bây giờ ở gần cửa bắc của đường hầm Đèo Cả), có hai dãy núi đã chạy song song theo hướng bắc nam, sát chân núi phía tây là đường số 1, sát chân núi phía đông là đường sắt, giữa đường bộ và đường sắt là đầm lầy thụt, mọc toàn cỏ lác và dừa cạn…phía nam thung lũng, đường 1 rẽ sang cắt đường sắt, đoạn này có một cái cầu xi măng nhỏ, chỗ mà đêm qua bọn tôi vượt qua đường. Ngược theo đường sát phía bắc có cây cầu sắt nhỏ, dài chừng 30m. Địa hình này thật hiểm trở, rất thuận lợi cho việc cắt đường. Quân pháp gọi thế này là thế thắt cổ chai, chỉ cần một lực lượng nhỏ cũng đủ sức chặn cả một cánh quân lớn. Thế mới biết, chỉ huy của ta tài giỏi thật. Xe cộ đi trên đường nhộn nhịp, xe đò, xe tải, xe reo, xe quân sự… chủ yếu chạy theo hướng từ Bắc vào Nam. Theo hướng TS chỉ, tôi thấy một điểm chốt, một trận địa chốt của QLVNCH trên hướng đối diện, thấy rõ lá cờ ba que . Thấy rõ quân cảnh đi đi lại lại trên 1-2 chiến xe Zép. Mọi hoạt động của địch vẫn có vẻ gấp gáp hơn. Chắc chúng đã biết thông tin mất Huế, Đà Nẵng rồi, chả mấy thì sẽ đến lượt chúng thôi. Chúng tôi vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Cuộc hành quân chiếm lĩnh đêm qua ngay trước mũi địch của chúng tôi thần thánh quá, sáng ra nhìn rõ mọi thứ mới thấy, sống – chết chỉ cách nhau vài gang tay.

Bọn tôi đã bố trí xong trận địa, hầm hố chả phải đào, chỉ cần tận dụng các hang đá, khe đá. Tôi tìm được một cái hang khá rộng, anh Khoa cho tổ thông tin di chuyển lên đó. Cái hang này khá kín đáo, an toàn, bom cũng chả sợ. Bọn tôi dẹp được một khoảng phẳng phiu, bẻ lá làm đệm… thế là có một cái ổ nằm thật tuyệt vời…Mò sang chỗ các tổ hỏa lực, tôi thấy, ĐKZ, cối 82, súng máy 12,7 ly của ta…chĩa thẳng vào các mục tiêu bên kia đường, chờ lệnh.

(Còn tiếp)

CPG.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Trận Đèo Cả (phần 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn