Thấy gì qua xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" ở Vĩnh Phúc ?

Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

12/12/2023 09:21

Theo dõi trên

Năm 2023 sắp kết thúc là thời điểm tỉnh Vĩnh Phúc ghi dấu ấn sâu sắc với việc xây dựng xong đợt đầu 28 làng văn hóa kiểu mẫu. Có thể nói diện mạo nông thôn mới Vĩnh Phúc được tô điểm thêm vẻ đẹp bởi các công trình trong các khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu khang trang, đang thực sự là điểm nhấn về phát triển kinh tế xã hội năm Quý Mão của Vĩnh Phúc

 “Nói đi đôi với làm”

Tỉnh Vĩnh Phúc có bảy huyện, hai thành phố gồm 136 xã, phường với 1.237 thôn (làng), tổ dân phố, trong đó: 901 làng và 336 tổ dân phố.

Việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc triển khai khá bài bản theo tinh thần “Nói đi đôi với làm”.

b1-ban-mach-1702303469.jpg

PV Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ lãnh đạo xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trước sảnh Nhà văn hóa trong khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch. Ảnh: Tiến Dũng.

Ngày 16/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Nghi quyết số 19 về xây dựng "Làng Văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua 2 nghị quyết giao cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thông suốt, tạo sự đồng thuân của người dân để triển khai thực hiện. Đó là Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND, ngày 5/5/2023 về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 08/NQ-HĐND, ngày 5/5/2023 về việc thông qua Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030. Sau hơn 5 tháng thi công, đến ngày 28/11/2023, Khu thiết chế văn hóa thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương là địa phương cuối cùng trong số 28 làng, tổ dân phố được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đợt đầu. Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu  là chủ trương tiên phong, sáng tạo, mang tính đột phá, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với sự nghiệp văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, với quan điểm nhất quán “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”.

Để xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, trước hết phải đầu tư xây dựng khu thiết chế Văn hóa – Thể thao theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, mỗi khu thiết chế văn hóa- thể thao kiểu mẫu được ngân sách của tỉnh, huyện đầu tư bình quân 20 tỷ đồng, trong đó 15 tỷ đồng để xây dựng Nhà Văn hóa - Thể thao; còn lại 5 tỷ đồng để hỗ trợ vốn vay theo cơ chế đặc thù cho những hộ tại các làng có khả năng phát triển thương mại dịch vụ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hướng tới trở thành những điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

b1ab-lvhkm-1702303772.jpg

Toàn cảnh Khu thiết chế văn hóa kiểu mẫu Tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Quy mô diện tích để xây dựng khu thiết chế Văn hóa – Thể thao ít nhất từ 3000 m2 trở lên, gồm Nhà văn hóa 250 chỗ ngồi khang trang, sân thể thao, vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe, tường rào quy củ. Với mức đầu tư bình quân nói trên, tính sơ bộ xây dựng 28 làng văn hóa kiểu mẫu đợt đầu, Vĩnh Phúc đã đầu tư 560 tỷ đồng, là số tiền không hề nhỏ đối với một tỉnh. Đó là chưa kể sự đóng góp của nhân dân 28 làng để xây dựng khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu mà chưa thống kê được, gồm hàng chục nghìn ngày công, có những hộ, doanh nghiệp ủng hộ tiền, hiến đất không nhận tiền đề bù để xây dựng khu thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động cộng đồng.

Cho đến nay chưa thấy tổ chức, cá nhân, địa phương nào phản ánh, kêu ca về tiêu cực, tham nhũng với số tiền mà tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng 28 khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu.

Như vậy, khi có chủ trương đúng, người dân đồng lòng, cán bộ quyết tâm cao đã giúp Đảng bộ, chính quyền vào cuộc tích cực trong triển khai xây dựng 28 Làng văn hóa kiểu mẫu tại 9 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra  thuận lợi bằng những cách làm phù hợp nhằm tạo bước đột phá về chất lượng cuộc sống, từng bước đưa mỗi miền quê Trung du này trở thành nơi đáng sống.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh đánh giá: Chủ trương xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu bước đầu thành công ngoài mong đợi, là sự thắng lợi của thế trận lòng dân. Sắp tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiến hành sơ kết giai đoạn 1 để đánh giá toàn diện những khó khăn, thuận lợi để tiếp tục chỉ đạo triển khai giai đoạn 2 xây dựng 30 làng văn hóa kiểu mẫu tiếp theo.

Trong Hội thảo khoa học “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn” sáng 21/10/2023 do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức tại TP Vĩnh Yên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã phát biểu  khẳng định: Chủ trương xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu là cách làm mới, sáng tạo, lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung, góp phần hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Những kết quả bước đầu đạt được đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, nhân nghĩa… Mô hình xây dựng xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu có tiềm năng nhân rộng và có tính gợi mở để các địa phương khác tham khảo.

Những vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết

Ngày 27/8, Vĩnh Phúc khánh thành khu thiết chế văn hóa – thể thao kiểu mẫu đầu tiên tại làng Thụ Ích, xã Liên Châu (Yên Lạc) và 28/11/2023 khánh thành khu thiết chế văn hóa – thể thao thứ 28, đơn vị cuối cùng của đợt một, là làng văn hóa kiểu mẫu Chiến Thắng, huyện Tam Dương. Đây là 28 khu thiết làng văn hóa kiểu mẫu đợt đầu do tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn đầu tư xây dựng để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng đã đi vào hoạt động nhiều nhất là  4 tháng, ít nhất là gần 1 tháng.

b1-vinh-yen-vphuc-1702303905.jpg

Pa nô "Khánh thành khu thiết chế Văn hoá - Thể thao Làng văn hoá kiểu mẫu TDP (tổ dân phố) Gò Nọi – phường Định Trung, TP Vĩnh Yên” xem ra lủng củng, chưa chuẩn về tu từ tiếng Việt ? 

Qua những tháng hoạt động đầu tiên của các khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu bắt đầu phát sinh những vấn đề mới cần được cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết mà trong  Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng như các Nghi quyết số 06 và 08 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc chưa lường hết được.

Chúng tôi đã ghé thăm các khu thiết làng văn kiểu mẫu Đồng Bùa, xã Tam Quan (Tam Đảo), Thụ Ích, xã Liên Châu (Yên Lạc), Viên Du Hòa, xã Thanh Vân (Tam Dương), tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên), Gò Nọi, phường Định Trung (TP Vĩnh Yên)…, lãnh đạo các địa phương nói trên đều có chung băn khoăn, trăn trở như Phó  Chủ tịch UBND xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) Nguyễn Minh Nghĩa: Hiện khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch sau khi xây dựng xong đi vào hoạt động nhân dân rất phấn khởi nhưng khu thiết chế văn hóa kiểu mẫu chưa có người quản lý, chưa có quy chế, chưa có kinh phí hoạt động. Trước đây, Nhà văn hóa cũ làng Bàn Mạch thỉnh thoảng mới họp hành chỉ dùng mấy quạt trần, tiền điện mỗi tháng hết rất ít, chỉ mấy trăm nghìn đồng. Từ 10/9/2023, khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch khánh thành đi vào hoạt động, trong đó có Nhà văn hóa mới khang trang 250 chỗ ngồi, không chỉ dùng hàng chục quạt trần mà còn dùng 10 điều hòa nhiệt độ cỡ lớn cùng hệ thống loa, âm thành, hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại không chỉ cho Nhà văn hóa, trong đó có thư viện, phòng đọc sách, báo mà còn cho cả sân bóng đá mi ni, bóng rổ, bóng chuyền bao phủ toàn bộ khu thiết chế văn hóa thể thao rộng hơn 5000 m2, dù rất tiết kiệm nhưng mỗi tháng mất hơn chục triệu đồng tiền điện. Đó là chưa kể đến khoản trả công cho người quản lý, vận hành, bảo vệ khu thiết chế văn hóa – thể thao cùng các chi phí khác. Trong khi đó, khu thiết chế văn hóa kiểu mẫu này chưa có nguồn thu nào. Lãnh đạo cơ sở đang rất lúng túng, đau đầu, đang đợi các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện sớm có hướng dẫn lấy nguồn kinh phí nào để duy trì hoạt động của khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu. Đáng lo ngại, những đồ điện tử hiện đại trang bị cho nhà văn hóa đã đưa vào sử dụng nếu không dùng thường xuyên sẽ sớm hư hỏng. Ngoài ra, cần phải có sự hỗ trợ kinh phí sửa chữa hàng năm để chống xuống cấp đối với trang thiết bị trong khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu.

Phó  Chủ tịch UBND xã Lý Nhân Nguyễn Minh Nghĩa còn bày tỏ: Đối với Nhà văn hóa hiện đại ngoài sử dụng sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng xã có thể cho thuê hội họp, biểu diễn ca nhạc, tổ chức đám cưới… để có nguồn thu chi phí cho công tác quản lý, bảo vệ, chi trả tiền điện, nước hàng tháng. Muốn vây, phải cấp có thẩm quyền cho phép những hoạt động trong khu thiết chế làng văn hóa với những quy định chặt chẽ, chi tiết, tránh phát sinh tiêu cực.

Một vấn đề nữa đặt ra là: Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cũng như 2 Nghị quyết số 06 và 08 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đều dùng thuật ngữ xây dựng "Làng Văn hóa kiểu mẫu", không dùng từ “thôn”. Nhưng khi triển khai xuống cơ sở đều viết trên pa nô, áp phích cổ động, khánh thành đều thêm chữ “thôn”, “Tổ dân phố” vào đuôi mệnh đề "Làng Văn hóa kiểu mẫu" thôn, tổ dân phố A, B, C… Như  “Khánh thành khu thiết chế Làng văn hoá kiểu mẫu Thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân” (Vĩnh Tường); “Khánh thành khu thiết chế Làng văn hoá kiểu mẫu Thôn Chợ Nội, xã Tam Hợp” (Bình Xuyên)…

Ban chỉ đạo xây dựng “Làng văn hoá kiểu mẫu” tỉnh Vĩnh Phúc nên nghiên cứu, xem xét xây dựng khu vực  thiết chế văn hóa kiểu mẫu ở đô thị không nên dùng từ “Làng” như trong pa nô ghi: “ Ban chỉ đạo xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu thành phố Vĩnh Yên khánh thành khu thiết chế Văn hoá - Thể thao Làng văn hoá kiểu mẫu TDP (tổ dân phố) Gò Nọi – phường Định Trung”. Cách diễn đạt này lủng củng, thừa từ “Làng”. Như phân tích nêu trên, ở đô thị, không nên gắn thêm từ “Làng” mà gọi là “Tổ dân phố”.

Xét về tu từ tiếng Việt, trong một câu có hai từ trùng nhau (Làng và Thôn). Đã dùng chữ “Làng” văn hoá kiểu mẫu thì không thêm chữ “Thôn”, nói cách khác là thừa chữ “Thôn”. Do tư duy không chuẩn về ngữ pháp tiếng Việt nên 28 Nhà văn hóa xây trong khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu đợt đầu ở Vĩnh Phúc đều đề “NHÀ VĂN HÓA THÔN A,B,C…”  như “NHÀ VĂN HÓA THÔN BÀM MẠCH”. Thế tại sao không đề “NHÀ VĂN HÓA LÀNG BÀN MẠCH” ?

Trong truyền thống lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của người Việt, Làng bao giờ cũng gắn liền với Nước. Mỗi khi gặp điều không may hoặc nguy biến bất ngờ, người Việt đều thốt lên “Ối làng nước ơi - Cứu tôi với !”. Điều này hoàn toàn khác với người phương Tây mỗi khi gặp những gì bất ngờ họ đều thốt lên “Lạy chúa - Cứu tôi với !”. Do đó, “Làng” đã đi sâu vào tâm thức của người Việt. Để nối mạch nguồn văn hóa truyền thống  nên dùng chữ ‘LÀNG” thay cho chữ “THÔN” trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” - là Nghị quyết tâm huyết đi vào lịch sử của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 – 2025.

V.X.B - N.T.D

Bạn đang đọc bài viết "Thấy gì qua xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" ở Vĩnh Phúc ?" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn