Pháp đình và điều được mất

Ngày xưa, chuyện người ở quê phải kéo nhau ra tòa kiện tụng là chuyện ít khi xảy ra. Bởi người ở quê đối xử với nhau dựa trên cái tình là chủ yếu. “Dĩ hòa di quý”, và xóm giềng đối đãi với nhau đôi khi còn thân hơn bà con họ hàng.

Bây giờ, tranh chấp nhau cái ranh đất, con gà, cái ao cá cũng lôi nhau ra tòa. Vợ chồng bất hòa chút ít là làm đơn ly hôn gửi tòa. Từ mâu thuẫn tranh chấp dẫn đến đánh nhau, người bị thương tích, kẻ phải hầu tòa không còn là chuyện hiếm. Sân tòa án những năm gần đây, ngày càng nhiều bóng dáng của bà con ở quê. Họ ít rành luật lệ, nhưng “máu” hơn thua nhau ở chốn công đường thì không thua kém bất cứ ai.

a1hh1a-1679889298.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Nói đến “máu” hơn thua nhau thì có lắm vụ án cười ra nước mắt, bởi sau khi tính toán thiệt hơn, thì người được kiện và người thua kiện, ai cũng “trầy da tróc vẩy”. Cái thiệt ở đây không phải là chuyện được mất ở tòa, ở vụ án. Mà có thể tính toán cụ thể bằng con số, quy ra bằng bao nhiêu giạ lúa, bao nhiêu con gà, thậm chí bao nhiêu công đất. Thiệt ở đây còn là trên phương diện tình cảm, khi mà xóm giềng không nhìn mặt nhau, trở nên thù hằn, ghen ghét nhau.

Tôi gặp dì Ba lần đầu ở sân Tòa án thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Dì mặc chiếc áo bà ba màu đen, đội chiếc nón lá cũ và xách theo cái giỏ cũng đã sờn. Đôi dép nhựa - kiểu người nhà quê vẫn hay mang để đi chợ cũng đã… xuống cấp. Trong giỏ, thứ quý giá nhất là hồ sơ tranh chấp, có xấp tài liệu đã cũ vàng, có cái mới viết xong. Tôi áy náy nhìn dì, bởi cái dáng vẻ tất tả khó nhọc, bởi nét cương quyết phải kiện tới cùng.

Điều đầu tiên là dì khóc, sau đó thì nhìn tôi quả quyết. Cũng vì tranh chấp nhau mảnh đất mà dì bỏ hết công ăn chuyện làm của gia đình. Do trước đó 1 năm đã xảy ra xô xát, chồng dì bị thương phải đi bệnh viện rồi sức khỏe giảm sút, giờ không làm việc nặng được. Việc chăn nuôi đành bỏ bê, ruộng thì cho người ta thuê để có cái ăn và chi phí đi thưa kiện. Dì thay chồng đi kiện, mấy đứa con cũng nghỉ học, đứa đi làm công nhân, đứa đi phụ việc cho người ta. Vợ chồng dì cũng đã bán hết 1 miếng đất để xoay sở chi phí và lo chuyện nhà cửa.

Chỉ biết lõm bõm ít chữ, mọi chuyện thưa kiện đến đơn từ đều phải nhờ người khác làm. Rồi đi từ ấp lên xã, xã lên thị xã, rồi lên tỉnh. Cái nào cũng đòi phải khâu “đầu tiên”, trăm thứ... Nhẩm tính tới tính lui, tôi chợt nhận ra rằng, so với chi phí, công sức mà dì Ba và gia đình dì đã bỏ ra để đi kiện, nếu kiện được thì mảnh đất hơn 2 công ruộng kia cũng chẳng ăn thua gì, đó là chưa nói lỗ vốn. Ấy thế mà dì vẫn quả quyết với tôi, nếu thua kiện thì dì cũng bán đất… để đi lên cấp trên nữa!

Dì Ba không phải là trường hợp hiếm hoi ở quê bây giờ. Họ, những người dân, trình độ hiểu biết pháp luật ít, dễ bị lợi dụng (thậm chí là xúi giục) để đi kiện cáo. Rốt cuộc, nói không phải “quơ đũa cả nắm”, nhưng dù là bên “nguyên” hay bên “bị” thì đều tốn kém, mất mát. Kẻ được lợi nhiều khi lại chính là những người vòng ngoài, những “cò” vụ án…

Đến đưa đơn cho tôi, dì Ba cũng dúi vào tay tôi ít tiền, những đồng bạc không chỉ mồ hôi, nước mắt mà là cả cuộc sống, là danh dự của gia đình dì. Tôi từ chối và hỏi dì, bộ đi đâu cũng phải như vậy hết hay sao thì dì chỉ cười bối rối: “Không phải ở đâu cũng vậy, nhưng có những nơi, không có cái này (tiền) thì rất khó khăn”. Nghe thật chua xót!

Sau nhiều lần chứng kiến những đương sự giống như dì Ba, tôi chợt giật mình trộm nghĩ, nếu cứ khư khư giữ lấy cái gọi là danh dự, để đến nỗi phải bán nhà bán cửa để đi kiện, liệu có nên chăng. Nếu đúng lý, đạt tình thì cũng nên theo kiện, nhưng nếu dựa vào những quy định của pháp luật, gần như khó giành được phần thắng thì cũng phải biết dừng lại. Đừng để đến mức “Được vạ thì má đã sưng”, cuối cùng, chỉ thiệt cho mình và gia đình mình.

Tôi có người cậu họ ở Bến Cát, cái vùng đất mà trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được mệnh danh là vùng “tam giác sắt”. Cái tên gọi ấy đã phản ánh rỏ nét về một vùng đất kiên cường mà ở đó, thời chiến tranh mỗi người dân đều có thể là một anh hùng.

a2hh2a-1679889443.jpg

Họ đã từng sống chết vì nhau (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet.

 

Cậu họ tôi cũng vậy, ông tham gia cách mạng, làm giao liên, rồi du kích… cùng đồng đội ngang dọc khắp chiến trường máu lửa này. Hòa bình lập lại, ông quay về với cuộc sống điền viên, thỉnh thoảng trong những buổi chiều tà bên chum ruợu nhạt, ông thường hay khề khà kể cho con cháu nghe về những năm tháng oai hùng thời trai trẻ… và trong những câu chuyện không đầu không cuối ấy thường hay được kết thúc bằng …cái vết sẹo bỏng chiếm 2/3 trên cơ thể ông- vết sẹo vừa mang đến cho ông niềm tự hào như là một bằng chứng về sự đóng góp của ông với cuộc kháng chiến cứu nước  và hình như nó cũng là lời nhắc về một tình bạn “sinh tử có nhau” trong lúc sinh mạng ông như ngàn cân treo sợi tóc!

Hồi ấy trong một lần giao liên đưa đoàn khách từ nội thành về chiến khu D, trên đường quay về, tổ công tác của ông rơi vào trận địa phục kích của địch. Cuộc “tao ngộ chiến” không cân sức xảy ra, khi thoát được vòng vây kẻ thù thì đồng đội thấy thiếu ông và một người đã quay trở lại trận địa tìm. Lúc này ông bị lửa của bom táp vào bất tỉnh. Người đồng đội ấy đã liều mình cõng ông vượt vòng vây dưới làn đan truy sát của kẻ thù. Rồi từ đó cái ơn cứu mạng đã lớn lên theo thời gian, kết chặt hai ông thành đôi bạn già tri kỷ, nhưng oái oăm thay, gần đây hai ông già “đồng sanh đồng tử” ấy lại thề không nhìn mặt nhau và họ chỉ đối diện nhau nơi pháp đình chỉ vì cái … đường ranh đất!

Cái đường ranh cong quẹo ấy đã dẫn hai người bạn từng xả thân cứu nhau trong chiên tranh giờ lạnh lùng nhìn nhau chốn công đường bởi ai cũng cho mình đúng.

Vị thẩm phán ngồi chủ tọa phiên tòa ngày hôm ấy cũng là một người từng đi qua chiến tranh, ông giành nhiều thời gian cho câu chuyện cũ, câu chuyện về hai người lính đã xả thân vì nhau trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù trên chiến trường “Tam Giác Sắt” năm xưa và chính nó đã làm hai người bạn già rưng rưng nước mắt… và trong đôi mắt của hai người già ấy những giọt nước cứ chực trào ra. Họ đã nhận ra một chân lý muôn đời đó là cái tình, cái nghĩa mới là quan trọng hơn hết. Hai người đồng đội năm xưa lại bá vai nhau rời phòng xét xử - nơi mà cách đó không lâu họ đã chọn làm nơi “quyết đấu” phân định thắng thua đến tận cùng… Phiên tòa đã kết thúc- một phiên tòa mà người đồng nghiệp đi cùng tôi nhận xét rằng ….một phiên tòa không có người thua kiện! Tất cả từ nguyện đơn, bị đơn đến hội đồng xét xử đều… chiến thắng!

Hai câu chuyện mà tôi ghi lại trong bài viết này vẫn không thể nào phản ánh hết những thực tế nhức nhối về tranh chấp, kiện tụng đang diễn ra ở vùng nông thôn sâu- cái khu vực mà từ rất lâu đời, mọi hành vi cư xử vốn vĩ được xây dựng và tồn tại trên nền tảng của sự chia sẽ, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau…giờ thì cơn lốc thị trường dường như đã len lỏi vào tận các ngõ ngách của đời sống. Được - mất, thắng - thua là một khái niệm mà nó cứ hiện lên ngày càng một rõ dần và cứ sừng sững ngăn chia mọi quan hệ tốt đẹp trong hành vi ứng xử của con người vốn đã tồn tại từ rất lâu.

Cần phải tỉnh táo!