Các ông chủ tịch đến rồi đi theo nhiệm kỳ, riêng hai ông già “gân” Vũ Thế Phiệt (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký) và Trần Thọ (Chánh văn phòng) cứ kẽo kẹt từ đầu đến giờ lo sân chơi cho các vận động viên khuyết tật trên cả nước.
Cả hai ông này đều dân thể thao chuyên nghiệp.
Ông Vũ Thế Phiệt, vốn dân điền kinh cự ly trung bình từ hồi ở Trường thể thao Quần Ngựa và ông Trần Thọ là dân bóng chuyền bóng rổ, đều từ đại học TDTT Từ Sơn về nên ông nào cũng nhanh nhẹn và xốc vác.
Từ chỗ chỉ vài thành phố lớn có thể thao dành cho người khuyết tật, hai “ông già gân” này đã vận động và phát triển chân rết của Hiệp hội đến các tỉnh thành trên cả nước.
Năm 2016, lần đầu tiên tham dự Paralympic Rio tại Brazil, Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã đoạt 1 huy chương Vàng môn cử tạ của lực sĩ Lê Văn Công, 1 huy chương Bạc môn bơi của Võ Thanh Tùng, 2 huy chương Đồng của Cao Ngọc Hùng (ném lao) và Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ).
Năm 2018 tại Asian Para Games 2018 ở Indonesia , Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã đoạt 40 huy chương (8 vàng, 8 bạc và 24 đồng). Chung cuộc, Việt Nam xếp thứ 12 trong tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài.
Nhớ năm 1989, ông Vũ Thế Phiệt được Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Thị Tâm Đan gặp riêng, giao nhiệm vụ tổ chức cho những người khuyết tật, anh em thương binh luyện tập thể thao để tham dự Đại hội thể thao Người khuyết tật châu Á – Thái Bình Dương tại Nhật Bản.
Thành phố Hà Nội đã thành lập Trung tâm Thể thao Khúc Hạo ở 1B phố Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Nơi đây được các thế hệ vận động viên khuyết tật ví là “cái nôi” của phong trào thể thao Người khuyết tật Việt Nam. Ở sảnh lớn, ông Phiệt đã căng một tấm băng-rôn đề : “Chúng tôi mong rằng, nơi đây sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của các bạn”.
Đặc thù của các vận động viên thể thao khuyết tật rất khác với các vận động viên bình thường. Họ là những người yếm thế, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội nên ông Phiệt và các cộng sự không chỉ lo tập huấn về chuyên môn cho các vận động viên.
Những năm bao cấp, ông đi xin, đi đấu tranh để có thêm những trợ giúp về vật chất cho các vận động viên, và còn là chuyên gia tâm lý, ông “mối” se duyên cho nhiều cặp đôi đến được với nhau.
Có những trường hợp ông còn phải đến nhà gặp phụ huynh những vận động viên khuyết tật, để thuyết phục họ ủng hộ con em mình xây dựng gia đình.
Nhiều cặp đôi nay đã lên ông lên bà, họ vẫn nhớ những ngày ông Vũ Thế Phiệt tâm sự, giúp họ vượt qua tâm lý mặc cảm của người khuyết tật, dũng cảm dựng xây tổ ấm.
Đã hơn 30 năm ông Vũ Thế Phiệt cùng Hiệp hội PARALYMPIC Việt Nam xây dựng và phát triển phong trào thể thao dành cho người khuyết tật.
Ông không nhớ mình đã được Nhà nước tặng thưởng bao nhiêu bằng khen hay giấy khen, nhưng ông lại nhớ như in những ngày hè năm 2006, ông phải nhiều lần đến gặp gia đình, thuyết phục và cả hứa sẽ tạo công việc làm để gia đình đồng ý cho cặp đôi Tạ Đình Hán và Vũ Hoài Thanh đến với nhau.
Hoài Thanh bị tật ở chân nên biết con mình yêu Đình Hán là người khiếm thị thì gia đình phản đối dữ dội.
Chắt chiu từng khoản tiền thưởng khi thi đấu, tối về chị Thanh dẫn chồng đi tẩm quất cho khách tại nhà. Khi tay nghề đã vững, anh chị mở cơ sở tẩm quất của người khiếm thị tại 771 Hồng Hà, rồi 226 Âu Cơ, số 3 ngõ 9 Minh Khai…
Cặp đôi Vàng thể thao khuyết tật đã có 3 đứa con kháu khỉnh và đoạt nhiều huy chương trong thể thao, nhưng họ khẳng định : “Tấm huy chương giá trị nhất của chúng tôi chính là hạnh phúc gia đình. Chú Phiệt như một người cha thứ hai của gia đình tôi”.
(Nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998-18/4/2022) và tưởng nhớ người anh đáng kính Vũ Thế Phiệt).
Chuyện làng quê