Về nhà ngoại tôi phải qua sông, nơi có con đò ngang nối 2 bờ Mỹ Luông và Tấn Mỹ. Quê ngoại tôi nằm trên một cồn đất thật to lớn. Ở xứ tôi gọi là cù lao, từ thời xa xưa trên các dòng sông lớn, thường nổi lên nhiều cù lao. Cù lao có nhà ngoại tôi,ở giữa sông Tiền (Tiền Giang) còn gọi là Cù Lao Giêng. Nơi có khu giáo đường, nhà Nguyện, nhà thương, trại cứu tế... lớn nhất vùng. Cù lao Giêng có 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân... 4 bề đều là nước và nước. Phía bên bờ kia của Cù Lao Giêng là Cao Lãnh, nơi gốc gác quê nội tôi sinh sống. Kể cũng lạ, ba má tôi gặp nhau ở Sài Gòn, rồi mới biết gia đình 2 bên đâu có ở xa xôi gì, cùng chung một dòng sông mà... Sau này chúng tôi dễ dàng về nội về ngoại... Đến nhà ngoại, má thắp hương lên bàn thờ ông bà ngoại tôi. Một lúc sau, cậu Sáu tôi ở đồng về:
- Cô Mười mới qua?... Cô có khỏe không?.
Hỏi chuyện năm ba câu, Cậu lấy tấm lưới chài treo bên vách nhà, tôi chạy theo cậu băng qua con lộ trước sân. Cậu Sáu là anh của má tôi, cậu lo thờ cúng Từ đường, giữ gìn, chăm sóc đất hương hỏa. Đến cái ao nuôi cá cặp mé sông, cậu tung chài xuống ao, kéo lên được mớ cá. Cá vồ hay cá tra gì đó, cậu chọn một con, mấy con kia cậu thả lại xuống ao. Cậu lấy cây sào tre dựng ở gần đó, chọc rớt một trái đu đủ trồng trên bờ ao. Tôi cầm trái đu đủ, cậu mang lưới và con cá vào nhà. Nồi mắm kho trên bếp đang sôi lăn tăn. Phía bên dưới bếp là khạp mắm, mỗi khi giở nắp ra phải bịt mũi vì cái mùi hăng hắc, khó chịu. Cậu ngoắt ngoéo tôi ra đồng cày nốt chỗ ruộng còn dở dang. Cậu chỉ chỗ tôi ngồi dưới gốc cây xoài lâu năm, gần bên mộ ông bà ngoại tôi. Một lúc sau, cậu ngưng cày, đem cho tôi một bụm trứng rùa cậu vừa bắt gặp. Trời vẫn mưa lâm râm, thỉnh thoảng sấm chớp nổ vang dội, tôi sợ quá co rúm lại... Lúc nhìn vào cái nón lá để trứng, có mấy cái trứng rùa nứt vỡ, rùa con bò ra khỏi vỏ trứng.
Hôm đó, ngày thường không lễ lộc hay giỗ chạp gì nên nhà ngoại vắng ngắt. Tôi mải mê với mấy con rùa con, không chú ý đến lời má nhắc: Nuôi rùa nó lớn, coi chừng rùa nó cắn trời gầm nó cũng không nhả... Tôi còn nhỏ, nghe má nói vậy đâu hiểu xa xôi gì. Đừng nghĩ rùa nó chậm chạp không hung dữ nhưng phải cẩn thận, coi chừng biết đâu?... Bữa ăn mắm đó tôi thấy thật ngon, có lẽ do tôi vui với mấy con rùa con. Tôi không biết má tôi ăn có ngon không? Vì đó là bữa ăn mắm cuối cùng của má. Sau này tôi mới biết chuyến về quê lần đó của má tôi là để chọn chỗ nằm bên ông bà ngoại tôi... Ít lâu sau má tôi lên Sài Gòn vào nhà thương Hồng Bàng chữa bệnh. Một BV chuyên trị bệnh phổi, ngày nay là BV Phạm Ngọc Thạch. Má bị bệnh nan y, âm thầm mất, lạnh lẽo xa con cái. Má tôi nằm cùng ông bà ngoại tôi mãi mãi trên cánh đồng quê hương bát ngát... Cũng là nơi má chào đời được 38 năm. Số mệnh của má quá ngắn ngủi. Sau này, mỗi khi gặp bữa ăn có mắm kho, tôi thấy cay cay mắt. Không biết có phải hơi nóng bốc lên từ nồi lẩu mắm, ớt cay... hay là tôi nhớ má, bữa ăn mắm cuối cùng của má...
Theo Chuyện quê