Nhà báo Trần Mạnh Thường - Người lần theo dấu chân Bác trên bốn châu lục

Duy Ngọc

20/06/2021 21:29

Theo dõi trên

Hơn 60 năm về trước, một chàng trai trẻ rời quê hương Quảng Bình đến với Hà Nội, để rồi đặt chân tới một quốc gia xa lạ - CHDC Đức. Sau 5 năm học tập, nghiên cứu, khi trở về nước, Trần Mạnh Thường đã tích lũy được nhiều vốn quý về nghệ thuật nhiếp ảnh và trở thành nhà báo - nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông tâm sự: “Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đam mê văn học nghệ thuật, thích tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ. Rời trường phổ thông, tôi may mắn được nhà nước cử sang CHDC Đức học về nhiếp ảnh. Ngày đó, trong các nước xã hội chủ nghĩa thì CHDC Đức có nền nghệ thuật nhiếp ảnh được đánh giá rất cao. Sống trên đất nước bạn nhiều năm, tôi học được rất nhiều về tính cách con người Đức: Cần cù, chịu nghiên cứu, nói là làm, làm đến nơi đến chốn và đúng hẹn. Đặc biệt người Đức có truyền thống lưu giữ kỷ vật. Chẳng hạn chiếc vé đi tàu hỏa họ vẫn giữ lại cuống vé mang về làm kỉ niệm, hoặc vỏ bao thuốc lá, vỏ bao diêm có hình vẽ, một con tem nước sở tại... đều được họ cất giữ. Tôi đã học được cách sống của người Đức như vậy nên sau này, mỗi lần bắt gặp một bài báo viết về một nhà văn nào đó, hay thấy một bức ảnh quý hiếm về các công trình kiến trúc vĩ đại, hoặc những di sản văn hóa của nhân loại, tôi đều tìm cách để sở hữu nó và cất giữ cẩn thận”.

Nhà báo Trần Mạnh Thường.

Năm 1965, Trần Mạnh Thường về nước cùng nhóm học chuyên ngành nhiếp ảnh gồm 5 người, trong đó có ông Lê Phức về sau là Tổng thư ký Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Về công tác ở Nhà xuất bản Văn hóa, Trần Mạnh Thường có điều kiện phát huy khả năng viết lách, nghiên cứu sâu về nhiếp ảnh trong nước và thế giới. Trong quãng thời gian ở nhà xuất bản cho đến khi nghỉ chế độ, ông miệt mài nghiên cứu, sưu tầm và đã xuất bản được 40 đầu sách, chủ yếu về nghiên cứu lý luận nhiếp ảnh. Ngoài ra ông cũng viết nhiều bộ sách lịch sử văn hóa Việt Nam qua các triều đại phong kiến.

Năm 2015, Trần Mạnh Thường ra mắt cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tác phẩm độc đáo với nhiều hình ảnh lịch sử về những năm Bác Hồ đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới. Để có được tư liệu, hình ảnh từng địa danh Bác Hồ đã qua, ông kể: “Thời gian vừa rồi tôi có điều kiện đi trên dưới 40 nước từ Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, đến Châu Mỹ. Đặc biệt tôi đã đến những nơi Bác Hồ ăn ở, sinh hoạt, làm việc, hội họp... Mỗi nước đều lưu lại một thời gian để tìm ra nơi nào Bác đã có mặt và vào thời gian, rồi ghi lại hình ảnh. Hiện ở các nước đó, các ngôi nhà lịch sử, khách sạn, nhà hàng mà Bác đã đặt chân đến... vẫn lưu giữ tên Người bằng cách gắn biển ở bên ngoài. Ví dụ năm 1912, Nguyễn Tất Thành tới làm việc tại khách sạn Omni Parker, Boston, Mỹ. Hoặc cuối năm 1913, Người rời Hoa Kỳ đi London làm việc tại khách sạn Carlton; hay trên đường từ Moscow về Thái Lan, Người dừng chân ở ở Milan, Italia. Tại đây Người thường lui tới nhà hàng Della Pesa... Trong suốt thời gian lần theo dấu chân Bác trên khắp thế giới để biên soạn, thu thập hình ảnh, tư liệu về những năm tháng Bác Hồ ở hải ngoại, tôi mất khá nhiều thời gian, công sức, nhiều khi làm việc quên ăn”.

Nhiều người đánh giá nhà báo Trần Mạnh Thường là cuốn “tự điển sống” do ông hiểu nhiều, biết rộng. Ngoài lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình nhiếp ảnh, ông còn sưu tầm nhiều tài liệu lịch sử về văn hóa người Việt và các cuộc chống giặc ngoại xâm qua nhiều thế kỉ. Ông thậm chí còn sưu tầm và xuất bản tập sách dày hơn 500 trang “Những kỳ quan và di sản của nhân loại” với 1.500 ảnh giới thiệu về các kì quan di sản, kiến trúc trên thế giới. Mỗi bức ảnh trong tập sách đều chú thích tên công trình, địa danh, năm xây dựng. Nhiều người kính nể công sức làm việc của ông. Để có được những tư liệu đầy đủ về hình ảnh, về những trích ngang lịch sử qua mỗi di sản đã tồn tại nhiều ngàn năm, ông phải khổ công tìm hiểu, sưu tầm bằng nhiều kênh khác nhau để hoàn thành một tác phẩm mà con người ngày nay không phải ai cũng biết được.

Một số tác phẩm của nhà báo Trần Mạnh Thường. Ảnh: DN

Một số tác phẩm của nhà báo Trần Mạnh Thường. Ảnh: DN

Một số tác phẩm của nhà báo Trần Mạnh Thường. Ảnh: DN

Một số tác phẩm của nhà báo Trần Mạnh Thường. Ảnh: DN

Một số tác phẩm của nhà báo Trần Mạnh Thường. Ảnh: DN

Một số tác phẩm của nhà báo Trần Mạnh Thường. Ảnh: DN

Đã ở tuổi gần 90, sức khỏe có hạn, nhưng ông vẫn không ngừng đam mê sưu tầm, xuất bản thêm nhiều đầu sách. Nhà báo Trần Mạnh Thường mỉm cười “Tôi không tham vọng quyền lực và tiền bạc nên dành cả đam mê đi sâu vào công việc nghiên cứu trong tâm thế thoải mái, đam mê vốn sẵn có trong con người tôi. Gần trọn cuộc đời gắn bó với công việc viết lách, sưu tầm, nghiên cứu, một phần cũng nhờ có vợ tôi, một bác sĩ quân y luôn túc trực bên cạnh chăm lo sức khỏe, khích lệ trong công việc”.

Năm 2021, sau 41 năm chờ đợi, mong mỏi, lần đầu tiên nhà báo, nhà nghiên cứu tuổi suýt soát cửu thập lại tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn sách ảnh “Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979”. Cuốn sách gồm ba phần: Tội ác dã man của giặc, trời không dung đất không tha; Tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân các tỉnh biên giới; Thắng lợi vẻ vang. Trong đó có những hình ảnh độc nhất vô nhị như hàng loạt xe tăng của địch bị quân dân Cao Bằng bắn cháy và bắt sống. Bởi ông là người duy nhất có mặt ở chiến trường lịch sử lúc bấy giờ.

Suốt mấy chục năm qua, nhà báo Trần Mạnh Thường đã xuất bản những cuốn sách điển hình như: “Kiến thức nhiếp ảnh”, “Nghệ thuật nhiếp ảnh màu”, “Nhiếp ảnh và cuộc sống”, “Nhiếp ảnh lý luận và phê bình”, “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới”, “Nhiếp ảnh Việt Nam - một góc nhìn”, “Những nhà nhiếp ảnh thế giới và Việt Nam”, “Việt Nam di tích và thắng cảnh”, “Nét đẹp Đông Dương”, “Trên những nẻo đường tôi qua”, “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”, “Hình ảnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, “Huế - di sản văn hóa thế giới”, “300 năm Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh”, “Non nước Hạ Long”, “Từ điển tác giả văn học Việt Nam - thế giới thế kỉ 20”. Và đặc biệt là “Các tác giả văn chương Việt Nam” (2 tập 3.500 trang). Hai tập sách này hiện được lưu trữ ở thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Nguồn: laodong.vn

Bạn đang đọc bài viết "Nhà báo Trần Mạnh Thường - Người lần theo dấu chân Bác trên bốn châu lục" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn